(Baothanhhoa.vn) - “Đừng bao giờ để nguội lạnh bút lực nhỡ khi nào trái tim nhọc nhằn... Bởi bút lực là hơi thở luôn hồi sinh sáng tạo những ước mơ...”! Đó có thể xem là tuyên ngôn của người cầm bút có trách nhiệm với nghề, cũng như trước đòi hỏi từ hiện thực đời sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Vương Anh: Vẳng tiếng cồng chiêng ngan ngát cội nguồn...

“Đừng bao giờ để nguội lạnh bút lực nhỡ khi nào trái tim nhọc nhằn... Bởi bút lực là hơi thở luôn hồi sinh sáng tạo những ước mơ...”! Đó có thể xem là tuyên ngôn của người cầm bút có trách nhiệm với nghề, cũng như trước đòi hỏi từ hiện thực đời sống.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh.

Cũng chính bởi quan niệm ấy mà nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh đã cống hiến không mệt mỏi cho hành trình kiếm tìm và khẳng định cho vị thế cùng vẻ đẹp của văn hoá - văn nghệ các dân tộc ít người trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

ăn nhà nhỏ yên ắng và nhịp sống chầm chậm theo vòng quay của chiếc đồng hồ cũ treo trên bức tường, vốn được điểm tô bằng giá sách nặng trĩu. Và, câu chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ cái sự điểm tô đã làm nên quãng đời đầy sắc màu của nhà thơ Vương Anh: Sách. Hơn ai hết, sách với ông là tài sản vô giá. Bởi mỗi một tác phẩm là một cái kén được kết bằng muôn vàn sợi tơ óng ánh của những trải nghiệm, những hành trình không mệt mỏi hay những chuỗi ngày dong duổi khắp mường trên, bản dưới. Gần cả đời người đi và viết của ông được đúc kết trong hơn 30 đầu sách, với không ít tác phẩm kỳ công, đồ sộ như tập Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, “Xường cài hoa dân tộc Mường”... Dẫu trái tim đập trong huyết quản đã nhọc nhằn theo tuổi tác, nhưng trái tim chảy dòng máu nóng đam mê nghệ thuật thì vẫn đập liên hồi, thôi thúc người cầm bút. Vậy nên, trên giá sách, ngoài những tác phẩm đã được xuất bản, còn hàng chục tập bản thảo – trong đó có cả những tác phẩm từng đạt nhiều giải thưởng và nhiều tác phẩm có giá trị khác - vì vài lý do bất khả kháng mà đến nay, cha đẻ của chúng vẫn chưa thể khoe những “đứa con tinh thần” của mình với bạn đọc.

Ông cho tôi xem tấm ảnh – một kỷ vật được ông vô cùng trân trọng, mà qua nhiều lần chuyển chỗ ở, mất gì thì mất chứ tấm ảnh này ông quyết không để mất. Tấm ảnh được cắt từ họa báo năm 1969, lưu lại kỷ niệm lần đầu tiên ông được đứng cạnh các tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam là Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc... để nhận giải Nhì cuộc thi thơ trên tuần báo Văn nghệ, dành cho chùm thơ 4 bài là “Hoa trong Mường”, “Tình còn tình chiêng”, “Con đường ta qua”, “Theo những dấu chân”. Tấm ảnh cho tôi ấn tượng cực kỳ sâu đậm, bởi hình ảnh một chàng trai trẻ trung, có ánh mắt sáng, nụ cười tươi rói dường như ẩn chứa trong đó niềm say mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật. Nói về duyên nợ với thơ ca, cũng là quãng thời gian đầy hoài niệm, ông đã dẫn lời một tác giả từng có bài giới thiệu sâu về nhà thơ Mường Vương Anh, rằng chẳng có ngoại lệ nào cho bất kỳ ai muốn chọn văn chương làm sự nghiệp cả đời. Có một tình yêu nồng cháy chưa đủ, tình yêu ấy phải bền, sâu và không thể thiếu một nghị lực dồi dào. Với chàng trai ở độ tuổi 20 yêu văn chương, đây thực sự là quá trình dò đường, tìm đường. May mắn của ông là đã có được lời khuyên bổ ích từ những nhà thơ lớn như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Hoài Thanh... và cả những bản thảo bị trả lại chi chít lời góp ý tận tình. Hình như, họ thật hy vọng đến một ngày đóa hoa trong Mường này sẽ thực sự khoe sắc?. Và rồi, sau nhiều năm bị nàng thơ khước từ, cuối cùng chàng trai trẻ cũng được nàng ưu ái để chính thức đặt chân vào địa hạt thi ca, với cái tên đã gắn liền với cuộc đời: Nhà thơ Vương Anh.

Người ta biết nhiều đến Vương Anh như một “tiếng thơ” đặc biệt ở sự đậm đặc, triền miên, day dứt và đầy hứng khởi cái “vốn Mường” trong đó. Hẳn là không mấy người cầm bút có được cái may mắn như ông khi được sinh ra và nuôi dưỡng trong không gian văn hóa truyền thống còn nguyên bản, với những “nghệ nhân gốc” chính là cha mẹ mình. Từ tấm bé, Vương Anh đã được đắm mình say sưa trong những đêm Mo kéo dài tưởng chừng bất tận, được nối bằng thiên sử thi “Đẻ đất đẻ nước” hơn hai vạn câu thơ; hay giữa những hội hè, đình đám nơi những điệu xường tình tứ cất lên gọi người... Ông hít thật sâu cái hương sắc thập phần ý nhị và nồng nàn ấy cho tràn trề huyết quản mà bật dậy hồn thơ, với giọng thơ mang dấu ấn của riêng mình. Rằng:

“Xòe hai bàn tay

Mười ngón

Mẹ bảo:

- Ngón dài, mòn đốt giữa, bởi vít cần rượu uống

Ngón ngắn như vẻo măng mai, măng hóp dựng nên nhà kín cột, rộng gian.

...

Mẹ ngồi xếp bằng giữa cửa

Ngó ra đồng cái, đồng con

Nơi gần, mặt lúa xanh ai nhuộm

Nơi xa, mặt ruộng phẳng ai bày?”.

(Hoa trong Mường)

Ông chia sẻ với tôi rằng, ở địa hạt thơ ca, có lẽ “Hồn chiêng gánh núi” là tập thơ ông tâm đắc nhất. Nó như một phần tâm can ông dâng tặng bản Mường, dâng lên hương hồn 2 người cha và 2 người mẹ (bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ) đã một thời gánh thương, gửi nhớ và hơn hết, nó được chắp cánh từ âm hưởng của thiên trường ca “Đẻ đất đẻ nước”- cái hồn cốt hay phần tinh túy nhất trong kho tàng văn học dân gian dân tộc Mường. “Đẻ đất đẻ nước” phản ánh một thế giới quan tưởng chừng hồn nhiên và thô mộc; song ẩn bên dưới những câu thơ truyền miệng - vốn chỉ được cất lên trong những đám tang trang trọng nhất của người Mường – lại ẩn chứa những thông điệp hết sức gần gũi vốn được đúc kết từ hiện thực cuộc sống. Vương Anh đã “mượn” không khí sử thi cổ xưa và nhiều biểu tượng trong bản Mo vạn chữ như chất liệu, làm nên âm hưởng và những hình tượng nghệ thuật đặc sắc cho thơ. Đặc biệt trong đó là hình ảnh cồng chiêng: “Chiêng treo đầu núi/ Là chiêng mở đất/ Cồng treo đầu Mường/ Là cồng ngăn dòng/ Cồng này cồng Mường/ Trao thành chùm, thành sải/ Chiêng nào bay vòng vèo đỉnh núi/ Thung lũng trầm trồ gọi chiêng” (Gọi cồng, thức chiêng). Chính nhà thơ đã có lần tâm sự: “Tiếng cồng ân tình ngân lên, rung lên cùng nhịp đập tim tôi. Nhạc cồng muôn thuở đều như lời thơ náo loạn, náo nhiệt, để rồi nghe chiêng cồng luyến láy mà thả thơ, hát giao duyên... Âm hưởng nhạc cồng mãi mãi ngân rung trong tứ thơ đời tôi”!

Với mỗi người cầm bút, hẳn ai cũng muốn xây dựng nên một thế giới nghệ thuật mang “bản sắc” riêng, một thế giới mà ở đó họ được say sưa đắm mình trong vô số suy tưởng, tình cảm, sự rung động và trong trò chơi câu chữ được sắp xếp, biến tấu thành những biểu tượng nghệ thuật giàu cảm xúc. Hoặc nếu có thể, hẳn là ai cũng đều “giấu” cho riêng mình một quê hương làm nguồn cội cho thơ ca, văn chương? Với Vương Anh, “miền đất hứa” hay “miền đất đợi chờ” ấy luôn là bản Mường. “Vâng, chỉ có bản Mường mới là nơi hằng tâm chờ sẵn những câu trả lời kịp thời cho tôi. Bản Mường gốc đẻ ra thơ ca dân gian truyền thống (...) Tôi khám phá lại đề tài quen thuộc bản Mường mà mình tưởng như đã cũ mòn, đã trơn tuột (...) bản Mường làm nôi thơ, người đưa chiếc cồng truyền thống cho tôi dạo là nhà thơ và nhạc sĩ cực tài của riêng tôi. Tôi hàm ơn tất cả. Tôi có mảnh đất vô giá. Giàu thơ, giàu nghĩa, giàu tình”, ông tâm sự. Và, như để trả “món nợ” ân tình ấy mà cùng với “gánh thơ” như duyên phận, Vương Anh còn đóng dấu tên tuổi mình trên địa hạt nghiên cứu, sưu tầm và biên dịch văn nghệ dân gian. Với ông, đó là một sự thôi thúc mạnh mẽ và từ rất sớm, bằng một ý thức tự giác dân tộc vô cùng đáng quý của người con đất Mường, muốn giới thiệu nền văn hóa dân tộc mình đến cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cũng nhờ bởi cái xuất phát điểm ấy mà “Xường cài hoa dân tộc Mường” đã ra đời và trở thành một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Việt Nam; đồng thời, ghi danh ở hạng mục Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Giá trị của tác phẩm, như tâm sự của tác giả, chính là vị thế và sức sống bền bỉ của nó trong đời sống văn hóa - tinh thần người Mường hiện nay. Không chỉ xuất hiện trong lễ hội Pồn Pôông, trong đám cưới hay các dịp lễ hội; xường cài hoa còn được đan cài, được vận rất chặt vào đời sống và là tiếng nói ngợi ca cuộc sống tươi đẹp như những mùa hoa nở rộ.

...

Nếu không được giới thiệu, hẳn chẳng mấy người đoán được người đang ngồi đối diện mình là một nhà thơ và là một cây bút nghiên cứu, biên dịch, giới thiệu văn nghệ dân gian có tiếng. Có một Vương Anh tài hoa, bay bổng, tinh tế và sâu sắc trong trò chơi sắp vần, đặt chữ và xếp ý trong thi ca. Và, còn Vương Anh tỉnh táo, tỷ mẩn, say mê, nghiêm túc và công phu trong hành trình tìm kiếm và vực dậy vốn văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc xứ Thanh. Tôi cứ băn khoăn rằng, không biết vì duyên cớ gì mà hai cá tính sáng tạo có nhiều nét đối lập ấy lại hòa điệu nhịp nhàng và nhuần nhị trong con người chất phác, hiền lành và dễ đọng lại niềm cảm mến cho người đối diện đến vậy? Phải chăng, bởi được tắm mình và thanh lọc trong dòng suối văn hóa Mường thuần hậu và sâu sắc từ thuở còn thơ bé, mà diện mạo tâm hồn con người ấy đã sớm được định hình? Tôi tin là vậy và điều đó cũng lý giải vì sao, dẫu đang sống kẹt cứng giữa phố phường như nêm, nhưng dù nói về văn chương hay thời thế, ông vẫn giữ một sự chừng mực, khiêm tốn và điềm đạm. Thậm chí, tôi cứ cảm tưởng như, giữa những khoảng lặng trong cuộc trò chuyện, dường như, người nghệ sĩ ấy đã chìm vào một miền xa thẳm nào đó của cõi thức, hay đã bay bổng tìm về nơi tiếng cồng, tiếng chiêng phập phồng trên đỉnh núi, triền thung...

Thật khó để từ vóc dáng con người tuổi 75 hình dung được dáng dấp chàng trai tuổi đôi mươi hăm hở quăng mình vào cuộc đời, hay trăn trở trong sự chuyển biến của bản Mường, để “sống và chiến đấu với một chỗ đứng đầy ý nghĩa là một nguồn thơ lớn – một suối thơ vô tận, khẩn thiết”, như ông từng tâm sự. Ông đã mang cả sức trẻ và đam mê để lăn lộn cùng cái nguồn suối vùng rừng sục sôi chuyển biến. Bước chân của kẻ ham xê dịch khi đã đi khắp non ngàn, qua khắp bản Mường, ngồi suốt chín đêm mười ngày quanh bếp lửa nhà sàn để nghe các ông Mo ngâm nga “Đẻ đất đẻ nước”, để nghe các bà Mế xường... Và rồi, khi cái phần tuổi trẻ sôi nổi đã lùi lại phía sau và trước mắt còn lại là những kinh nghiệm, cùng sự chiêm nghiệm nhưng không dễ giãi bày. Duy chỉ có tiếng cồng chiêng mãi ngan ngát cội nguồn vẫn văng vẳng trong thơ và trong tâm khảm người nghệ sĩ gắn bó máu thịt với bản Mường.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]