(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên tại mường Voong, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, xứ Thanh - nơi mà nói theo cách của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh - “hậu bối” cùng quê với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, đó là miền mụ Dạ Dần gánh xường đi hội, đứt quang làm “vung vãi” những áng xường tha thiết (theo Thy Lan - Thơ cứ thế, bắc nhịp lòng tỏ một tri âm).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Trọn đời duyên - nợ với văn hóa dân gian Mường

Sinh ra và lớn lên tại mường Voong, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, xứ Thanh - nơi mà nói theo cách của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh - “hậu bối” cùng quê với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, đó là miền mụ Dạ Dần gánh xường đi hội, đứt quang làm “vung vãi” những áng xường tha thiết (theo Thy Lan - Thơ cứ thế, bắc nhịp lòng tỏ một tri âm).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Trọn đời duyên - nợ với văn hóa dân gian Mường

Góc làm việc của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải

Chính áng xường khi thì rạo rực, đắm say; lúc lại ngậm ngùi, tình tứ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nguồn nước mát lành nuôi dưỡng tâm hồn ông. Để rồi sau khi dành cả quãng đời tuổi trẻ hăng hái, xông xáo trải mình giữa bộn bề công việc, chức vụ: Dạy học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, hoạt động khuyến học... Ông Cao Sơn Hải vẫn chưa một lúc nào thôi đau đáu về cội nguồn, gốc rễ văn hóa của dân tộc mình.

Trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian, so với bạn bè trong giới, ông Cao Sơn Hải là người “xuất phát” muộn. Mãi cho tới tuổi nghỉ hưu, ông mới có thể toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu chuyên sâu văn hóa dân gian, nhất là văn hóa dân gian Mường. Năm 2000, ông trở thành hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Cùng năm đó, ông tham gia trại viết của Hội tổ chức tại Phú Yên với bản thảo Tục ngữ Mường Thanh Hóa. Năm 2002, bản thảo này được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành và được dùng làm tài liệu tham khảo cho tất cả hội viên. Từ “trái ngọt” đầu mùa ấy đã trở thành nguồn động lực to lớn thôi thúc ông nỗ lực không ngừng nghỉ, mải miết dấn thân vào hoạt động nghiên cứu văn hóa dân gian Mường. Như cây rừng xanh lá, bông hoa rừng ngan ngát tỏa hương khắp các bản, làng, gần 20 năm hoạt động bền bỉ trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian Mường, ông Cao Sơn Hải đã xây dựng được một “gia tài” tác phẩm và giải thưởng khiến không ít người phải ngưỡng mộ. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã viết và cho công bố 14 công trình về nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có 13 công trình nghiên cứu văn hóa Mường với những cái tên tiêu biểu như: Tục ngữ dân gian Mường; sưu tầm, biên dịch, khảo cứu nàng Ờm – chàng Bông Hương – tình ca dân tộc Mường; Thành ngữ Mường; Bài ca đám cưới; Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa; Sử thi Đẻ đất - đẻ nước, một cách tiếp cận... Đây thực sự là những công trình nghiên cứu có giá trị to lớn về mặt khoa học, văn hóa – xã hội. Nó không chỉ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất và người xứ Mường thông qua việc khái quát lại, chỉ ra cách hiểu, cách nhìn nhận, cách tiếp cận đúng về ngôn ngữ, luật tục, văn hóa dân gian Mường... Hơn hết, thông qua các công trình này, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải đã lan tỏa được tình yêu mến, trân trọng những tinh hoa văn hóa Mường tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội; khơi dậy trong lòng họ ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Mường. Một điều đặc biệt trong hầu hết các công trình nghiên cứu của ông Cao Sơn Hải đó là luôn được biểu đạt dưới hình thức song ngữ - điều mà không phải ai cũng có đủ tâm và tài để xây dựng nên. Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp ấy, ông Cao Sơn Hải đã nhận được nhiều giải thưởng từ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa... Năm 2017, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải là tác giả của 1 trong 2 công trình được trao giải Nhất của Hội Văn nghệ dân gian – công trình Sử thi Đẻ đất – Đẻ nước, một cách tiếp cận như càng khẳng định thêm vai trò, vị trí cùng những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian Mường. Không dừng lại ở hoạt động nghiên cứu, ông Cao Sơn Hải còn trải lòng mình với thơ và lý luận phê bình văn học. Ông đã cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ và đang ấp ủ 1 tập chưa in gồm 60 – 70 bài phê bình văn học, tập hợp từ hàng trăm bài báo do ông viết trong nhiều năm qua. Nhìn lại thành tích mà mình đã đạt được, ông thành thật chia sẻ: “Ngay từ những ngày còn rất trẻ, tôi vẫn luôn đau đáu một tâm niệm phải chuyên tâm nghiên cứu, cố gắng đi đến tận cùng gốc rễ văn hóa dân gian Mường”. Tôi vẫn thường nghĩ: “Mình là người Mường. Mình có trải nghiệm, có cội nguồn, có kiến thức vậy nếu mình không tự thôi thúc để dấn thân thì ai sẽ làm điều đó? Ấy vậy mà, khi tuổi trẻ qua đi, tôi mới có cơ hội thực hiện điều bấy lâu mình tâm huyết”. Đưa tay vuốt ngược mái đầu đã bạc trắng, khuôn miệng vẽ nên một nét cười hiền, ông Hải nói như đang tự vấn chính mình: “Ngay từ lúc bắt đầu, tôi không nghĩ mình sẽ viết và xuất bản được nhiều công trình như thế. Và tôi lại càng không nghĩ là mình sẽ có cơ hội làm nên điều gì đó đáng kể trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian Mường vốn chồng chất khó khăn, thử thách và đã in hằn những dấu ấn cá nhân nhất định”.

Thế nhưng nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải vẫn quả quyết lựa chọn riêng cho mình một lối đi trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu ấy. Dẫu rằng trước ông, những cái tên như Hoàng Anh Nhân hay Vương Anh đã “tỏa bóng”, ông vẫn đủ mới và khác biệt, không lặp lại ai và không lặp lại chính mình. Để làm được điều đó, ông Hải đã không còn nhớ nổi bước chân lang thang qua bao nhiêu vùng đất Mường khắp các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, lặn lội nắng gió vào cả khu vực Tây Nguyên. Ở mỗi vùng đất ấy, ông dành thời gian thu thập tài liệu, gặp gỡ những người uy tín, hiểu biết về văn hóa dân gian Mường nơi họ sinh sống. Với lợi thế am hiểu tường tận về mặt ngôn ngữ; kết hợp cùng vốn tư liệu đã dày công tích lũy được trong suốt quá trình giảng dạy văn học dân gian, điền dã thực địa và nền tảng lý luận cơ bản, ông Hải đi vào so sánh, đối chiếu liên văn bản, liên hệ thực tiễn. Đối với các quan điểm đã được những người nghiên cứu trước ông công bố nhưng còn thiếu sót, chưa đúng thì ông xem xét cẩn trọng ở nhiều góc độ khác nhau góp phần điều chỉnh lại, hoàn thiện vấn đề. Ví như khi viết công trình Thành ngữ Mường, ông đặt ra khái niệm “đơn vị thành ngữ” và chỉ ra được đặc trưng của thành ngữ nói chung và thành ngữ Mường nói riêng. Hay như công trình Sử thi Đẻ đất – Đẻ nước, một cách tiếp cận được ông “thai nghén” trong hàng chục năm trời và hoàn thiện trong vòng 5 năm tập trung nhiều quan điểm mới mẻ, có giá trị khoa học. Đúng như GS. TS. Nguyễn Xuân Kính (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đã từng nhận định trong bài viết “Cao Sơn Hải và thành quả sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Mường”: “Lần đầu tiên, ông đã tìm ra triết luận về mo của người Mường”; “lần đầu tiên, ông đã chứng minh một cách có hệ thống Sử thi Đẻ đất – Đẻ nước không chỉ là tài sản văn hóa của người Mường mà còn là sản phẩm tinh thần của người Việt – Mường, xa hơn là của người Lạc Việt. Lần đầu tiên, ông cho thấy các bản Sử thi Đẻ đất – Đẻ nước ở các vùng Mường có sự thống nhất trong đa dạng theo phương ngữ và thẩm mỹ từng vùng Mường, khó có thể nói bản nào là chính, là phụ. Từ đó, có những cách ứng xử cho phù hợp”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, với những “quả ngọt” đã khó nhọc gieo trồng và gặt hái được, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải đã có thể nhẹ nhàng đặt xuống những tơ vương của một đời duyên – nợ. Thế nhưng, đằm sâu trong tâm hồn người con ưu tú vùng đất Mường ấy vẫn ấp ủ nhiều dự định, trăn trở nhiều suy tư. Ông tâm sự: “Nước ta có một nền văn hóa Việt nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng rất phong phú, đa đạng, đặc sắc vô cùng. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó nhưng thực sự vẫn còn hạn chế, bị bỏ sót rất nhiều, trong đó có văn hóa Mường. Những cái gì đã là cội nguồn, gốc rễ văn hóa, một khi để mất đi, mai một đi sẽ rất khó khôi phục lại”. Bởi vậy, chẳng bao giờ tự nhận về mình đã làm được nhiều điều lớn lao hay đóng góp to lớn trong hoạt động nghiên cứu nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian. Cả đời ông Cao Sơn Hải chỉ nghĩ mình là đứa con may mắn được sinh ra và nuôi dưỡng từ hạt lúa trên nương, từ câu hát xường của mẹ mà thôi...

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài Và Ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]