(Baothanhhoa.vn) - Chẳng ai nghĩ rằng từ những hạt gạo một nắng, hai sương, gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng và gần gũi con người trong bữa cơm thường ngày lại có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chàng trai trẻ Cao Tuân đã thỏa sức thổi hồn vào tranh gạo, biến những thứ vật chất bình thường, dân dã ấy trở nên có ý nghĩa giá trị lớn hơn về mặt tinh thần. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người vẽ tranh từ hạt gạo

Người vẽ tranh từ hạt gạo

Chàng trai trẻ Cao Tuân bên bức tranh gạo.

Chẳng ai nghĩ rằng từ những hạt gạo một nắng, hai sương, gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng và gần gũi con người trong bữa cơm thường ngày lại có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chàng trai trẻ Cao Tuân đã thỏa sức thổi hồn vào tranh gạo, biến những thứ vật chất bình thường, dân dã ấy trở nên có ý nghĩa giá trị lớn hơn về mặt tinh thần.

Gặp chàng trai Cao Tuân tại cửa hàng nhỏ ở số 102, phố Tân Phong, thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những bức tranh vẽ hoàn toàn từ gạo. Tuân sinh năm 1987, khi lên 1 tuổi chẳng may bị ngã, bị liệt tay trái và chân phải. Bằng bản lĩnh và nghị lực vượt lên số phận, Tuân quyết theo học cho bằng bạn, bằng bè. Học xong phổ thông, năm 2005 Tuân thi đậu vào khoa Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Huế. Đến năm 2009, Tuân ra trường với tấm bằng loại ưu, nhưng do sức khỏe không cho phép nên công việc Tuân lựa chọn không được đáp ứng. Ra trường 2 năm sau đó, Tuân không tìm được việc làm, khiến bản thân hụt hẫng, chán nản. Nhưng rồi Tuân đã lấy bình tĩnh và can đảm để vực dậy. Tuân dành nhiều thời gian tìm hiểu các chất liệu làm quà tặng từ những vật dụng gần gũi trong cuộc sống. Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật và trí tò mò, sáng tạo, đầu tiên Tuân tìm đến chất liệu là hạt đậu, hạt lạc, nhưng các loại hạt này mấp mô, kích cỡ không đều, lên tranh không đẹp mắt. Năm 2011, Tuân thử tìm đến hạt gạo - thứ tinh túy của đất trời, thấy khả quan hơn vì khi rang lên ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Những màu chính gồm có trắng, vàng, đỏ, nâu, đen đều là màu mộc của hạt gạo. Từ các màu chính đó có thể chế tác ra các màu: Trắng ngà, trắng trong, vàng nhạt, vàng đậm, đỏ nâu, nâu đen, đen bóng... Tuy nhiên, dòng tranh gạo của Tuân lại thiên về tông màu mộc của gạo để tạo phong cách riêng, hạn chế các tông màu nhuộm. Khi bắt tay vào làm tranh gạo, mọi thứ rất sơ khai, sau quá trình miệt mài trau dồi thành thạo, tay nghề của Tuân đã đạt đến một mức độ nhất định về đường nét tinh xảo cũng như cách thức bảo quản.

Theo Tuân, bước đầu tiên trong quy trình làm tranh gạo, đó là phải tuyển lựa được những hạt gạo có kích thước to, dài, đều, bóng chắc. Sau đó sàng sẩy lấy hạt nguyên vẹn, hạt vỡ để trám vào kẽ hở. Gạo khi rang cần 1 ống bơ là đủ trải đều khắp mặt chảo, thời gian rang trong khoảng 1 tiếng đồng hồ để đạt được tông màu cuối cùng là màu đen. Tùy vào các cấp độ thời gian sẽ cho ra các màu đậm nhạt khác nhau. Tiếp theo cần phác họa hình vẽ lên ván gỗ, dùng keo dán từng hạt gạo theo các chi tiết định sẵn, xếp theo các hướng khác nhau sao cho có độ khăng khít và tự nhiên nhất. Để nhấn mạnh chi tiết nổi bật, các hạt gạo sẽ được xếp theo một hướng nhất định. Đây là công đoạn khó nhất, bởi đòi hỏi óc thẩm mỹ để đưa hạt gạo vào đúng tông màu chủ đạo. Điểm nhấn có thể là màu đậm hơn hoặc nhạt hơn so với nền. Làm xong chi tiết trước rồi mới đến bước tiếp theo là phủ nền. Sau khi hoàn thiện phần thô tới bước xử lý chống mối mọt, nấm mốc, xả keo lên bề mặt bức tranh, nhằm tạo độ kết dính chắc bền. Cuối cùng phủ một lớp keo bóng lên toàn bộ bức tranh, đem phơi nắng hết một ngày cho tới khi tranh khô hoàn toàn, đặt vào khung gỗ, mặt kính là thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Để hoàn thành một bức tranh gạo cỡ nhỏ nhất phải mất 1,5 ngày. Với những bức tranh có kích cỡ lớn hơn, chi tiết phức tạp hơn phải mất 3 ngày, thậm chí một tuần đến nửa tháng, một tháng mới hoàn thiện. Một số dụng cụ hỗ trợ làm tranh như: Ống bơm keo, keo sữa, keo 502, đũa tre... Song, quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng thao tác và đường nét. Mẫu bản thảo có thể do khách yêu cầu, tự phác thảo hoặc dựa trên mẫu sẵn. Vì thế, tranh gạo rất đa dạng với nhiều chủ đề, như: Phong cảnh, thư pháp, chân dung, nghệ thuật trừu tượng, lô gô... Tranh gạo của Cao Tuân đã có mặt tại các điểm du lịch trong tỉnh, được khách đặt làm quà tặng mang ra các tỉnh bạn và ra cả nước ngoài.

Cơ sở tranh gạo của Cao Tuân có 4 người làm cùng, đều là người khuyết tật sinh sống trên địa bàn huyện. Tuân đến tận nhà giao nguyên liệu cho họ làm sản phẩm, tạo điều kiện hết mức để người khuyết tật có cơ hội được lao động và cống hiến. Mừng hơn nữa là HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do Tuân thành lập vừa chính thức đi vào hoạt động, với phương châm “lấy cái tâm làm gốc để cùng nhau hợp tác và phát triển”. Mục tiêu là mở rộng các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, gia công hàng đan lát, mây tre đan, kết hợp làm tranh gạo, tranh vẽ và tranh thêu. Hiện nay, HTX của Tuân đã thu hút đông đảo số lao động nông nhàn, đặc biệt là người khuyết tật ở địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho họ.

Cao Tuân hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển Thanh Hóa. Từ năm 2013 đến nay, Tuân liên tục nhận được Giấy khen của hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi các cấp vì vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất. Những việc làm và cống hiến ý nghĩa thiết thực của chàng trai trẻ Cao Tuân luôn là tấm gương sáng về những người khuyết tật “tàn nhưng không phế”.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]