(Baothanhhoa.vn) - Chị là “ca nương” Trần Thị Huệ, quê ở xã Hà Phong, huyện Hà Trung. Thoạt nghe từ “ca nương” tưởng chị làm việc trong ngành văn hóa hay là diễn viên ở một đoàn văn công chuyên nghiệp nào đó. Không phải, chị Huệ tốt nghiệp THPT rồi đi đào tạo chuyên ngành vận hành lắp đặt hệ thống ngành nước, hiện chị đang làm việc tại Nhà máy nước thị trấn Hà Trung, gia đình chị ở tiểu khu 1.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người “giữ lửa”một lối hát dân gian

Chị là “ca nương” Trần Thị Huệ, quê ở xã Hà Phong, huyện Hà Trung. Thoạt nghe từ “ca nương” tưởng chị làm việc trong ngành văn hóa hay là diễn viên ở một đoàn văn công chuyên nghiệp nào đó. Không phải, chị Huệ tốt nghiệp THPT rồi đi đào tạo chuyên ngành vận hành lắp đặt hệ thống ngành nước, hiện chị đang làm việc tại Nhà máy nước thị trấn Hà Trung, gia đình chị ở tiểu khu 1.

Người “giữ lửa”một lối hát dân gian

Ca nương Trần Thị Huệ trình diễn tiết mục trên sân khấu. Ảnh: Lê Như Cương

Chị Huệ mở đầu câu chuyện trong trạng thái nhiều cảm xúc, giống như đang biểu diễn trên sân khấu, giọng tình cảm, chậm rãi: “Em yêu thích hát ca trù và đam mê nó bởi em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gắn liền với điệu hò đò dọc sông Lèn (một nhánh phía thượng lưu của dòng sông Mã) chảy qua địa phận Hà Trung”. Và, có ai đó đã từng hỏi rằng: “Nét đặc trưng văn hóa dân gian” ở vùng quê này là gì? Không cần suy nghĩ, chị tự hào trả lời: “Điệu hò sông Mã quê tôi” là nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu ở huyện Hà Trung, một bộ phận không thể tách rời hệ thống “Hò Sông Mã” nổi tiếng của xứ Thanh... Rồi lớn lên, khi ở độ tuổi trẻ trung, háo hức chị đã đem lòng say mê những làn điệu dân ca, dân vũ phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam và ngày nay là truyền thông đa phương tiện... Thấy con gái ham mê những làn điệu dân ca, dân vũ, thậm chí cả những khi đang ăn cơm bỏ bát, bỏ đũa lén ra sân để nghe và lẩm nhẩm hát theo. Từ đó, chị được bố mẹ chiều theo cho tham gia hoạt động các môn nghệ thuật mà chị yêu thích.

Chị Huệ cho biết: “Mãi đến năm ba mươi tuổi mới chính thức tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương và theo học ca trù từ năm 2005”. Một cơ duyên đã xui khiến chị Huệ tìm đến các cụ Lê Văn Khiết, cụ Tuy, cụ Kê (hiện không còn nữa), là một trong các “trai đò” (cách gọi thân mật lúc còn trẻ) duy nhất còn lại ở thôn Nghè Đỏ, xã Hà Ninh để “tầm sư, học đạo” những làn điệu dân ca – dân vũ “Hò Sông Mã”. Đúng lúc này, “Câu lạc bộ (CLB) Hò Sông Mã thị trấn” huyện Hà Trung thành lập, với trên dưới vài chục người tham gia và duy trì cho đến bây giờ. “Được hoạt động trong CLB, tôi càng hứng khởi say mê cùng tập thể diễn viên, nhạc công “lao” vào các buổi luyện tập tiết mục không quản mệt nhọc, ngày đêm vất vả, áo đẫm mồ hôi để từng lời nói, câu hát, điệu múa, cung đàn, nhịp phách biểu diễn trên sân khấu đạt được độ chuẩn mực, thành thục, nhuần nhuyễn “đi” vào lòng khán giả” - chị Huệ tiết lộ.

Một câu nói dân gian “Không thầy đố mày làm nên” luôn lởn vởn trong tâm trí của chị. Và nhân duyên khác lại đến, chị Huệ được cử đi bồi dưỡng tại lớp tập huấn nghiệp vụ hát ca trù do Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa mở. Sau đó, chị lại được tham gia lớp tập huấn ca trù do các nghệ nhân Nhạc viện Hà Nội truyền dạy. Ngoài ra, chị Huệ còn thường xuyên tìm đến các nghệ nhân lão luyện, giàu kinh nghiệm trong và ngoài địa phương để tìm hiểu, học tập, trau dồi nghiệp vụ. Và chị vững tin, thấm thía lời dạy của người xưa: “Khổ luyện thành tài/ Miệt mài thành giỏi” để đạt được đỉnh cao nghệ thuật tinh túy này trong một ngày không xa...

Lúc đầu học hát ca trù, chị cảm thấy khó lắm, gần như vượt quá khả năng của chị, trong lớp học nhiều người chưa hiểu lắm về loại hình nghệ thuật tinh túy này. Chị Huệ tâm sự: “Hát ca trù không phải cứ thích là hát được, nó rất kén người nghe. Khán, thính giả khi thưởng thức phải hiểu được tình cảm, ý nghĩa sâu sắc của tác giả bộc lộ qua những ca từ, câu hát, lời nói của kịch bản. Điều khó nhất là kỹ thuật lấy hơi, nén hơi, phóng hơi, nhả chữ, nẩy hạt từ trong cổ họng để đẩy lên vòm mũi... và muốn làm được điều này cần phải có nhiều thời gian và khổ công, miệt mài luyện tập”. Hát ca trù thông thường có 3 người trình diễn, trong đó một người là diễn viên gọi là ca nương và người kia là kép đàn, người còn lại là khán giả (người này là quan viên cầm chầu thưởng, phạt chuẩn mực để đánh giá ca nương, kép đàn). “Làm thế nào để chị thuộc lời và hát nương không chỉ là người hát hay mà còn đóng vai trò là một nhạc công chính, đó là gieo phách chính xác để điều khiển kép đàn; nắm chắc kỹ thuật, hiểu nội dung bài hát, nhập tâm... từ đó biểu hiện cảm xúc, tình cảm của tác giả để nhịp phách hòa quyện với tiếng đàn”. Và “tại sao chị đam mê hát ca trù?”: “Sở dĩ tôi yêu thích ca trù vì đó là không gian sang trọng, thanh lịch, mà diễn viên là “ông hoàng, bà chúa” và sân khấu là “thánh đường”, là môn nghệ thuật tinh túy cha ông để lại!”, chị Huệ chia sẻ.

Chị Huệ cho biết, CLB Hò Sông Mã thị trấn tổ chức hàng trăm buổi tập luyện, biểu diễn phục vụ nhân dân, nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Với chủ trương đúng đắn “Học thầy không tày học bạn”, CLB của chị đã “lặn lội” tìm đến CLB ca trù Thái Hà - Hà Nội (đời thứ 6 đang lưu giữ các làn điệu ca trù cổ quý giá) khiêm tốn học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghiệp vụ. Chị Huệ còn cho biết “đã từng hát phục vụ nhân dân địa phương, các tỉnh ngoài như Nam Định, Nhà hát lớn Hà Nội và nước bạn Lào; tham gia hội thi, liên hoan, hội diễn trong, ngoài tỉnh và toàn quốc với các làn điệu hát ru, hát giai điệu, hát nói, hát gửi thư, điệu đò đưa, điệu Bắc phản,... còn số lượng bài hát thì nhiều lắm, không nhớ hết”.

Với lòng đam mê nghệ thuật dân gian, với ý chí và thái độ nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, đào nương Trần Thị Huệ đã gặt hái được nhiều thành công và xứng đáng với những phần thưởng có giá trị đã giành được trong hoạt động nghệ thuật không chuyên như: Giải A thi hát ca trù tỉnh Thanh Hóa; Huy chương Vàng bài hát “Tình thư một bức” do Nhạc viện Hà Nội tổ chức năm 2009; Giải A bài hát nói “Lại say” tại cuộc thi hát dân ca toàn quốc tại Hà Tĩnh năm 2010; Giải A tiết mục và ca nương có giọng hát ca trù hay nhất thể hiện liên khúc chuyển giọng ba bài “Bắc phản”, “Gửi thư” và “Hát nói” tại Nhạc viện Hà Nội năm 2011; Huy chương Vàng bài “Hát nói”: “Nhớ cụ Nguyễn Tiên Điền” trong cuộc thi hát dân ca vùng miền tổ chức tại Hà Tĩnh năm 2015; được Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2019 và nhiều bằng khen, giấy khen.

Được biết, với lòng đam mê và tâm huyết của mình, chị Huệ sẽ tiếp tục là những người “giữ lửa” một lối hát dân gian đặc sắc, cùng với CLB nâng cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương, góp phần xây dựng địa phương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: Lê Như Cương

(Thị trấn Hà Trung)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]