(Baothanhhoa.vn) - Mới gặp ông lần đầu tôi đã thấy ấn tượng. Ông tự nhận là “Lão Hạc”, bởi cho rằng đời mình nghèo khổ giống như nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Mặc dù sống cuộc đời bình bị, nhưng Lê Hạc có cả một gia tài đồ sộ về ấm tích các triều đại luôn được ông nâng niu, trân trọng gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Đó mới là tài sản vô cùng quý giá không gì sánh bằng, .

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người đam mê săn tìm ấm cổ

Mới gặp ông lần đầu tôi đã thấy ấn tượng. Ông tự nhận là “Lão Hạc”, bởi cho rằng đời mình nghèo khổ giống như nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Mặc dù sống cuộc đời bình bị, nhưng Lê Hạc có cả một gia tài đồ sộ về ấm tích các triều đại luôn được ông nâng niu, trân trọng gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Đó mới là tài sản vô cùng quý giá không gì sánh bằng, .

Ông Lê Hạc và chiếc ấm cổ.

Ngôi nhà nhỏ của Lê Hạc nằm yên tĩnh và mát rượi trong con ngõ hướng ra đường Quang Trung, TP Thanh Hóa. Trong gian phòng khách, ông dành gần hết phần diện tích để kê các tủ kính đựng đủ loại ấm tích. Thư thả uống nước trà do chính tay ông pha rót, rồi ông cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã mua một chiếc lục bình người ta đựng mắm tôm là gốm bát tràng cổ, sau đấy ông thích quá nên đã sưu tầm thêm được một số bát, đĩa, chum, lọ... Đến một dạo, ông chợt nghĩ “chơi nhiều thứ thế thì loãng lắm”. Thế là ông chuyển hẳn sang chơi ấm. Càng đi sâu vào nghiên cứu, sưu tầm, ông lại nhận ra được giá trị, cái hay, cái đẹp của ấm. Không giống như các loại bát, đĩa, lục bình..., riêng ấm có rất nhiều đường nét, kiểu dáng, hình khối, màu sắc... khiến ông thấy vô cùng thích thú. Từ đó, niềm đam mê cứ cháy dần trong ông, gặp được ai bán ấm là ông thuyết phục họ để mua bằng được. Ông lặn lội đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, ra Hà Nội, vào Thừa Thiên Huế để săn tìm ấm cổ. Trong hành trình ấy, nhiều kỷ niệm khiến ông không thể nào quên. Nhưng cũng có khi nhìn thấy ấm đó mà không gặp được chủ nhân, cất công đi nhiều lần mà vẫn không mua được, có khi người ta cương quyết không bán, khi không mua được, ông liền chụp ảnh lại để làm lưu niệm... Song, nhiều người cũng sẵn sàng trao cho ông chiếc ấm mà người ta có, vì thế số lượng ấm trong căn phòng của ông cứ tăng dần lên đến gần 2.000 chiếc. Nếu được bố trí sắp xếp thành không gian trưng bày chắc phải gấp mấy gian nhà như thế này mới đủ.

- Vậy ông chi phí thế nào để mua được số lượng ấm lớn đến như vậy?

Ông nói: - Ngày trước, khi còn là công nhân thợ tiện Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa, hết giờ làm ca, tôi đã nhận thêm phần việc nên mới có thu nhập để mua những thứ gì mình thích. Khi biết tôi có ý định để dành tiền mua ấm, nhiều người gàn bảo tôi: “Ông để tiền đấy mà ăn tiêu, mua bán mà làm gì, rõ là ngớ ngẩn”. Nhưng tôi thẳng thừng: “Được giá đá luôn, quan trọng thích là chơi thôi các bác ạ”.

Thế ra là vậy, ông cũng có cái cá tính của riêng mình. Nhìn vào bộ sưu tập “khủng” của ông, có điều rất lạ là chẳng cái ấm nào giống cái ấm nào, muôn hình vạn trạng, mỗi thứ một vẻ. Những chiếc ấm có từ cổ đại đến hiện đại, từ thời Đông Hán, Tây Hán ở Trung Quốc; thời Nguyễn, Lý, Trần ở Việt Nam, từ các nước Nhật, Pháp, Nga... đều được ông đưa về một mối với tất cả tình yêu, sự đam mê dành cho vốn cổ. Ngắm bộ sưu tập ấm của ông, nổi bật nhất phải nói đến “cặp song ấm” thời Nguyễn, có dung tích chứa được khoảng 30 lít, được dùng vào việc làng thời xưa, các hoa văn, họa tiết trên ấm là cảnh sơn thủy và cảnh thất hiền (tức 7 hiền sĩ trong rừng trúc)... rất bắt mắt. Nhiều chiếc ấm có hình dáng con vật, như: Con nghê, con nhái, con trâu, con rùa, con voi, con mèo... Có những chiếc hình quai ngang, quai chéo, ấm ba quai, hình tháp, hình tam giác, hình bầu rượu... Lại có những chiếc ấm hình thù kỳ quái, như: Ấm hình mặt tây đen, ấm đốt tre, ấm chiếc cúp, ấm quả đào, ấm hai bầu, ấm hai lòng, ấm đựng gia vị, ấm rượu, ấm thuốc, ấm dầu đèn... “Có cái ấm chim chích uống không đủ, có cái ấm to cả làng uống mới hết” như nhà văn Đặng Ái đã từng miêu tả. Chất liệu ấm cũng hết sức đa dạng, phong phú với đủ loại, bằng gốm, nhôm, đồng, sành, gỗ, đá, vỏ dừa... Tất cả đều được ông để vào 9 chiếc tủ kính và khóa giữ cẩn thận.

Tôi lại hỏi ông, trong hàng ngàn chiếc ấm ở đây, hẳn có chiếc nào khiến ông tâm đắc nhất?. Ông gạt tay rồi bảo: “Cái nào cũng tâm đắc, nếu chỉ thích một cái duy nhất thôi thì không chơi được đâu!”.

Gần 80 tuổi đời, 50 năm lăn lộn sưu tầm ấm cổ, Lê Hạc còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà sinh vật cảnh, nhà sưu tầm tiểu thuyết văn học trong nước và thế giới với số lượng gần 5.000 cuốn. Ông vui mừng cho biết, tới đây sẽ in cuốn sách “Bộ sưu tập ấm tích các triều đại” để lưu truyền lại cho hậu thế và để tặng người thân, bạn bè.


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]