(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ được biết đến là người gây dựng nên thương hiệu bánh trung thu truyền thống Thuận Nhàn được người dân TP Thanh Hóa và các vùng lân cận ưa chuộng, ông Trần Văn Thuận, thủ nhang đền Tống Duy Tân, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa còn là một thanh đồng tài năng, tâm huyết “có tiếng” trong tỉnh. Hơn 40 năm đã qua kể từ lần đầu tiên tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ông Trần Văn Thuận luôn nỗ lực, cống hiến hết mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người bảo tồn và phát huy nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Không chỉ được biết đến là người gây dựng nên thương hiệu bánh trung thu truyền thống Thuận Nhàn được người dân TP Thanh Hóa và các vùng lân cận ưa chuộng, ông Trần Văn Thuận, thủ nhang đền Tống Duy Tân, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa còn là một thanh đồng tài năng, tâm huyết “có tiếng” trong tỉnh. Hơn 40 năm đã qua kể từ lần đầu tiên tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ông Trần Văn Thuận luôn nỗ lực, cống hiến hết mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

Người bảo tồn và phát huy nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người ViệtÔng Trần Văn Thuận, thủ nhang đền Tống Duy Tân, chủ nhiệm CLB Hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Trần Văn Thuận bắt đầu tìm hiểu, yêu thích thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt khi mới 12 tuổi. Ông Thuận kể: “Ngày đó, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không nhộn nhịp, cởi mở như bây giờ. Vì bố tôi là bạn bè thân thiết với thủ nhang phủ Cốc linh từ nên tôi hay được ghé vào phủ chơi, chứng kiến các hoạt động tín ngưỡng ở đó. Đây là một trong những phủ đầu tiên của TP Thanh Hóa có tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”. Trong không gian phủ Cốc, những điệu hát văn khi thì dìu dặt, khoan thai, lúc lại réo rắt, lảnh lót cùng nghi thức hầu đồng vừa như thực vừa như ảo đặc biệt thu hút, khiến ông Thuận háo hức, say mê. Từ đó, ông xin làm “con nhang” của bà đồng Lê Thị Tèo, thủ nhang phủ Cốc và bắt đầu tiếp cận, tìm hiểu, học hỏi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 1984, bà đồng mất, ông Thuận đảm nhận công việc thủ nhang phủ Cốc và tiếp tục phát triển các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đây.

Trải qua các thời kỳ phát triển, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng; với sự nỗ lực, quyết tâm của ông Thuận và bà con Nhân dân trong vùng, phủ Cốc được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nay là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền Tống Duy Tân (TP Thanh Hóa) với tổng diện tích hơn 2.000m2. Với sự hiểu biết sâu sắc, thực hành thuần thục các nghi lễ, nghi thức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (đặc biệt là diễn xướng nghi lễ chầu văn), ông Thuận được người trong giới nể phục, kính trọng, tìm đến học hỏi. Từ năm 1991, ông thường tổ chức các buổi hát văn, trình diễn hầu đồng cho các “con nhang”, đệ tử. Do đó, đền Tống Duy Tân thường xuyên quy tụ các thanh đồng, cung văn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trở thành địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian đặc sắc giữa lòng phố.

Suốt hành trình hơn 40 năm, ông Thuận đã tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại hầu khắp các đền, phủ trong và ngoài tỉnh như: đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), đền Hàn (Hà Trung), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An)... Kể từ năm 2016, khi được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không chỉ bó hẹp trong phạm vi của các đền, phủ mà có điều kiện giao lưu, sân khấu hóa trước sự trầm trồ, ngưỡng mộ, yêu thích của đông đảo quần chúng Nhân dân. Chính sự giao thoa, kết nối, mở rộng đó giúp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ dần dần xóa bỏ định kiến, lan tỏa giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc đến gần hơn với mọi người. Ông Thuận chia sẻ: “Nét đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trước hết là ở giá trị tập quán, tập tục thờ mẫu. Nhưng quan trọng hơn thế, thông qua nghệ thuật trình diễn đặc sắc, kết hợp các yếu tố âm nhạc, biểu diễn, trang phục một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, đạt đến độ tinh tế với nhiều nghi lễ đã tạo nên giá trị văn hóa sâu sắc trong cộng đồng người Việt từ xưa đến nay. Trong đó, diễn xướng nghi lễ chầu văn được xem là linh hồn của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”.

Nhằm mục đích lan tỏa giá trị tốt đẹp, bảo tồn và phát huy nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này; trong nhiều năm qua, ông Thuận không ngừng nỗ lực, bền bỉ truyền dạy thực hành diễn xướng nghi lễ chầu văn ở cộng đồng. Được biết, tính đến nay, ông Thuận đã truyền dạy cho hàng trăm người, trong đó có một số “học trò” tiêu biểu như: Hắc Ngọc Hiếu (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Nguyễn Hữu Nam (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa), Đỗ Mai Quang (Thường Xuân), Lê Thị Lan Nhi (Triệu Sơn), Trịnh Đình Giang (Cẩm Thủy), Đỗ Duy Nhất (Hà Trung)...

Bên cạnh đó, ông Thuận cũng tham gia tuyển chọn, luyện tập cho các giá hầu của tỉnh Thanh Hóa tham dự và giành nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan trong tỉnh và toàn quốc; hỗ trợ, đóng góp quan trọng trong sự thành công của các sự kiện có liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, nằm trong khuôn khổ Festival Huế, Liên hoan Hát Văn, hát chầu văn toàn quốc được tổ chức, quy tụ hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, thanh đồng của 16 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 16 đoàn tham dự. Với kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông Thuận được tin tưởng mời làm cố vấn cho đoàn. Nhằm lựa chọn các giá hầu tiêu biểu tham dự liên hoan, buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được tổ chức ở đền Tống Duy Tân với sự tham gia nhiệt tình của các giá hầu từ khắp vùng, miền trong tỉnh. Ông Thuận là thành viên của hội đồng trực tiếp đánh giá, tuyển chọn các giá hầu trong buổi diễn. Ông Thuận cho biết: “Tiêu chí đánh giá chất lượng của các giá hầu đó là tâm - đức của người thực hành và cách thức thực hành nào gần gũi với lối cổ nhất. Và quan trọng hơn, tiêu chí mà ông hướng đến là có thể tuyển chọn được đoàn biểu diễn với nhiều thành phần, lứa tuổi để từ đó cho thấy sự kế thừa và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Thanh Hóa”. Sau buổi biểu diễn, ông Thuận tiếp tục chỉ dạy thêm các kiến thức, kỹ năng để các giá hầu được chọn hoàn thiện hơn. Nhờ có sự đồng hành của ông Thuận, đoàn Thanh Hóa tự tin tham gia liên hoan và đạt nhiều thành tích nổi bật. Tháng 6-2019, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra với chủ đề: “Kết nối di sản - Văn hóa biển đảo Việt Nam”. Với sự hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm của ông Thuận, đoàn Thanh Hóa đạt giải Nhất toàn đoàn với các tiết mục của 4 thanh đồng gồm: Thiều Thị Khoa (loan giá Quan Đệ Nhị), Ngô Văn Bảy (loan giá Chúa thác bờ), Hà Văn May (loan giá Chúa Tây thiên) và Nguyễn Việt Anh (loan giá Cô Bé) cùng các cung văn của đoàn Thanh Hóa được cục văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải xuất sắc...

Trong suốt quá trình hoạt động, cống hiến, tuy gặt hái được nhiều thành công nhưng ông Thuận không khỏi băn khoăn, trăn trở: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là nét đẹp văn hóa cộng đồng tiêu biểu. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự xô bồ của đời sống, nhiều người tham gia thực hành tín ngưỡng với động cơ, mục đích không tốt nhằm trục lợi. Điều đó đã phần nào làm ảnh hưởng tới giá trị của di sản”. Để lan tỏa, chung tay gìn giữ nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Thuận đã thành lập CLB Hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa với khoảng 200 thành viên có chung niềm yêu thích, đam mê với loại hình diễn xướng này. “Để được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Hành trình đến với danh xưng đã khó, làm sao để bảo tồn, phát huy giá trị của danh xưng ấy lại còn khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đó là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó, chính bản thân những người thực hành tín ngưỡng phải tự nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm mình” - ông Thuận tâm tư.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]