(Baothanhhoa.vn) - “Ba năm một khóa trò lề. Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi. Ba năm một khóa trò chơi. Đông, Tây, Nam, Bắc xin mời về đây”. Đó là những câu ca dao của người dân làng Viên Khê xưa mời gọi nhau về tham gia và thưởng thức Ngũ trò Viên Khê – một loại hình diễn xướng dân gian phản ánh chân thực cuộc sống lao động, sinh hoạt và đời sống tinh thần, tình cảm của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngũ trò Viên Khê: Đặc trưng văn hóa nông nghiệp

Ngũ trò Viên Khê: Đặc trưng văn hóa nông nghiệp

Trò Múa Đèn – một trong những trò thuộc Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngũ trò Viên Khê.

“Ba năm một khóa trò lề. Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi. Ba năm một khóa trò chơi. Đông, Tây, Nam, Bắc xin mời về đây”. Đó là những câu ca dao của người dân làng Viên Khê xưa mời gọi nhau về tham gia và thưởng thức Ngũ trò Viên Khê – một loại hình diễn xướng dân gian phản ánh chân thực cuộc sống lao động, sinh hoạt và đời sống tinh thần, tình cảm của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã.

Tìm về làng Viên Khê xưa, nay là xã Đông Anh (Đông Sơn) chúng ta không còn bắt gặp cây đa, giếng nước, Đình Hát, Nghè Sâm - không gian nghệ thuật của Ngũ trò Viên Khê hay dân ca, dân vũ Đông Anh. Nhưng chúng ta vẫn còn được nghe những lời ca, điệu múa, những câu chuyện về Ngũ trò Viên Khê từ người dân nơi đây. Hẳn không ít người đã biết đến câu hát “lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”, nhưng có lẽ ít ai biết đó là những câu hát trong Trò Múa Đèn - trò được diễn nhiều nhất trong hệ thống Ngũ trò Viên Khê. Theo cụ Nguyễn Sỹ Lịch – một trong những nghệ nhân của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngũ trò Viên Khê, cho biết, Trò Múa Đèn là trò hội tụ tương đối đầy đủ các giá trị tinh túy của dân ca, dân vũ Đông Anh. Bởi, Đông Anh là nơi làm lúa nước, để tạo tinh thần thoải mái, hăng say lao động sản xuất và lưu truyền kinh nghiệm người dân đã sáng tạo ra những lời ca, tiếng hát gắn liền với từng hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ thời điểm gieo mạ đến vào vụ gặt rồi thời điểm nông nhàn “dệt cửi vá may, tre nan đan lừ”. Hay kinh nghiệm sản xuất “tay cầm nắm trấu mà tung ra, trấu nát ra tro, thịt nát ra giò, đậu nát ra tương” và trồng trọt hiệu quả theo mùa “thấp thoáng bóng ngọn đèn quay, đồng sâu cấy lúa, đồng cạn làm màu”. Ngọn đèn là vật gắn liền với cư dân nông nghiệp xưa, nó được người dân đưa vào cùng các điệu múa làm biểu tượng cho sự chuyển dịch của thời gian trong năm, là biểu tượng của ánh sáng mang lại sự sinh sôi, nảy nở cho vạn vật và ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Có lẽ vì cái hay, cái đẹp, cái giản dị mà ý nghĩa nên Trò Múa Đèn được trình diễn nhiều và được lưu truyền phổ biến qua các thế hệ.

Không chỉ phản ánh quá trình, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp mà những ước nguyện và khao khát của người dân như, cầu mưa, cầu nắng, chống chọi với thiên nhiên, thiên tai, dịch bệnh, thú dữ (đánh cọp) nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và duy trì sự sinh sôi, nảy nở của con người, động vật cũng được người dân sáng tạo thể hiện sinh động, chân thực, gần gũi với đời sống qua các trò, Trò Vằn Vương, Trò Thủy, Trống Mõ, Trò Tiên Cuội... Ngũ trò Viên Khê được thai nghén, hình thành và phát triển từ làng Viên Khê với 5 trò chính. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ngũ trò Viên Khê đã phát triển ở 3 tổng Tuyên Hóa, Quảng Chiếu, Thạch Khê (nay thuộc địa bàn các xã Đông Anh, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Thanh, thị trấn Rừng Thông) với 12 trò gồm: Trò Múa Đèn, Trò Trống mõ, Trò Tiên Cuội, Trò Thiếp, Trò Vằn Vương (Trò Hùm), Trò Thủy (hay Trò Thủy Phường hay Chèo Chải), Trò Xiêm Thành, Trò Hà Lan, Trò Tú Huần; Trò Ngô Quốc, Trò Ai Lao, Trò Nữ Quan. Ngũ trò Viên Khê được xem là sản phẩm tinh thần đặc sắc của cộng đồng cư dân làng Viên Khê và các làng thuộc tổng Tuyên Hóa, Thạch Khê, Quảng Chiếu. Xưa kia, Ngũ trò Viên Khê được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, tiếp nối qua từng thế hệ. Ngũ trò Viên Khê thường được biểu diễn ở sân đình, nghè làng với từng trò đơn lẻ. Và được tổng diễn gắn với Lễ hội Nghè Sâm nổi tiếng khắp vùng. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu các làng trong tổng sẽ tổ chức biểu diễn và chấm điểm thi, làng được điểm cao sẽ đại diện để dự thi tại Lễ hội Nghè Sâm. Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội này được tổ chức với quy mô rất lớn, thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng về tham dự với định kỳ ba năm một lần, vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

Ngũ trò Viên Khê trở thành một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Mã bởi những lời ca dung dị, chân thực được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất và được các thế hệ cha ông chắt chiu, chọn lọc và trao truyền. Từ đó, kết hợp cùng những vũ điệu gần gũi với đời sống lao động của nhân dân khiến cho Ngũ trò Viên Khê dễ nhớ, dễ truyền tải, dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, hệ thống Ngũ trò Viên Khê có các trò như, Trò Tiên Cuội, Trò Thiếp, Trò Nữ Quan khiến người xem có thể hình dung được cách thức hành lễ, các nghi lễ của cha ông xưa và thấy thấp thoáng bóng dáng của nghệ thuật cung đình, qua trang phục, cách thức trình diễn và qua ngôn ngữ thể hiện lối sống trang nghiêm, quy tắc ứng xử, tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội. Có lẽ, chính cái giản dị xen lẫn chút trang nghiêm ấy đã tái hiện toàn diện cuộc sống muôn màu của người dân xưa kia cũng như thể hiện lối tư duy, suy nghĩ đơn giản, chân thành và một thế giới quan, nhân sinh quan hiện thực mà không kém phần sâu sắc của cư dân nông nghiệp vùng sông Mã. Đồng thời thể hiện tương đối đầy đủ tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, ước vọng cuộc sống no ấm, hạnh phúc và gián tiếp lên án những thói hư tật xấu tồn tại trong đời sống xã hội phong kiến xưa nên Ngũ trò Viên Khê gần gũi với đời sống nhân dân và được lưu truyền từ bao đời nay, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngũ trò Viên Khê là những tinh hoa trong sáng tạo nghệ thuật từ lao động của nhân dân Đông Anh xưa, nhưng do sự phát triển của kinh tế – xã hội, hiện nay không gian trình diễn Ngũ trò Viên Khê đã không còn được bảo lưu. Cùng với cuộc sống mưu sinh người dân nên thế hệ trẻ ít có thời gian quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những người biết diễn Ngũ trò Viên Khê chủ yếu là những ông cụ, bà cụ cao niên trong làng. Trước nguy cơ thất truyền chính quyền và nhân dân xã Đông Anh và huyện Đông Sơn đã và đang chung tay thực hiện việc bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngũ trò Viên Khê - tài sản vô giá của người dân Viên Khê và nhân dân Đông Sơn.

Thùy Linh


Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]