(Baothanhhoa.vn) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng – người đam mê sáng tác về đề tài biển. Với anh, biển vừa là nhà, vừa là chất liệu dồi dào để anh gắn bó cả cuộc đời với nghề cầm máy ảnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng – một đời duyên nợ với biển

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng – một đời duyên nợ với biển

Tác phẩm “Đón nắng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng. Ảnh: T.T

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng – người đam mê sáng tác về đề tài biển. Với anh, biển vừa là nhà, vừa là chất liệu dồi dào để anh gắn bó cả cuộc đời với nghề cầm máy ảnh.

Quê nội của Trọng Thắng ở Nam Định, quê ngoại ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), và hiện anh đang sống ở quê vợ - xã Hưng Lộc (Hậu Lộc). Người dẫn dắt anh đến với nhiếp ảnh đó chính là người bác ruột của anh - chủ hiệu ảnh Lưu Chương, một người tâm huyết với nghề ảnh có tiếng ở Nam Định khi anh còn nhỏ. Được sự chỉ bảo của bác, ngay từ lúc vừa đi học vừa giúp bác công việc nhiếp ảnh, cộng với sở thích của mình, anh đã nhanh chóng học được những kiến thức cơ bản từ chụp ảnh đến các công đoạn tráng phim, rửa ảnh trong buồng tối, sửa ảnh tô màu... Ngày nào được nghỉ học, anh lại rủ bạn bè cùng đi chụp ảnh lưu niệm, dần dần nghề nhiếp ảnh đã ngấm vào trong anh như một chất men ngọt ngào. Những năm 70 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ, ở đơn vị bộ đội biên phòng, anh được giao nhiệm vụ làm ảnh tư liệu, truyền thống của đơn vị. Lên rừng, xuống biển, đi làm nhiệm vụ lúc nào anh cũng mang theo máy ảnh bên người. Nhiều tấm ảnh của anh và đồng đội có giá trị về thời sự và tư liệu đã giúp ích cho công tác tuyên truyền của đơn vị. Sau này khi ra quân về xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), anh lập gia đình và xây dựng cho mình một hiệu ảnh nhỏ để bắt đầu niềm đam mê với nhiếp ảnh.

Ở miền quê biển Hậu Lộc, cuộc sống của anh mới thực sự đong đầy trong vô vàn những sáng tác về biển. Sống gần biển, anh hiểu hơn rằng xứ Thanh có đường bờ biển dài và đẹp. Trong cái lắng đọng của cuộc sống vùng biển, mỗi một đoạn của bờ biển ấy lại có vẻ đặc thù riêng. Mà sứ mệnh của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là phải tìm hiểu, nắm bắt, ghi nhận, phản ánh cuộc sống thực tại đưa nó vào các tác phẩm nghệ thuật để nó có giá trị sức sống với thời gian. Nghệ sĩ Trọng Thắng lấy làm hạnh phúc bởi tâm hồn anh luôn thấm đẫm cái mặn mòi của biển, tiếng sóng rì rầm hay những đợt sóng tung bọt trắng xóa... Để rồi anh cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Lời thời gian” khi tham gia triển lãm ảnh khu vực Bắc miền Trung. Bức ảnh chớp lấy thần thái một ông cụ đang ngồi đan lưới ở dưới bờ biển, cát trắng, nắng vàng. Dưới ánh sáng chếch ngược tạo nên những đường ven rất đẹp của mắt lưới cũng như ánh mắt, đôi bàn tay của ông cụ bừng lên sức sống mới. Đó là hình ảnh đầu tiên anh ghi nhận được trong cuộc sống về biển. Từ đó anh lại càng trỗi dậy niềm đam mê, tạo cho anh niềm hứng khởi nhiều hơn trong sáng tác về biển.

Một trong những công trình lớn trong cuộc đời nhiếp ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng đó là tập sách ảnh “Hậu Lộc quê hương yêu dấu”, được in năm 2010. Bằng cái nhìn của người nghệ sĩ và cảm xúc riêng của mình, tác phẩm của anh đã ghi lại một cách sinh động những hình ảnh về hoạt động sản xuất, kinh doanh, an ninh – quốc phòng, những di tích văn hóa – lịch sử của huyện Hậu Lộc trong cả quá trình dài. Cuốn sách tập hợp hơn 130 tác phẩm ảnh nghệ thuật đã được trưng bày tại các cuộc thi và triển lãm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều tác phẩm đã được giải thưởng do các hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các bộ, ngành tặng thưởng và công nhận. Một người nghệ sĩ đi khắp đất nước có được hàng trăm bức ảnh thì dễ, còn để có được hàng trăm bức ảnh trong phạm vi một huyện quả là hiếm thấy. Với tập sách ảnh này, nhờ sự tìm tòi nỗ lực cố gắng của bản thân, chắt chiu xây dựng để ghi nhận những hình ảnh đẹp trong đời sống người dân vùng biển đã mang đến cho anh sự thành công. Chính nơi chân biển mặn mòi ấy đã hun đúc cho anh một tinh thần lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn luôn hướng về đời sống xã hội thường nhật của con người và đau đáu với sự phát triển, đổi thay của nơi mình gắn bó.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng đã sáng tác hàng nghìn bức ảnh, trong đó chủ yếu là ảnh sáng tác về biển. Mỗi một vùng quê biển có nét đặc thù riêng đều được anh ghi lại trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Chỉ riêng Hậu Lộc nơi anh đang sinh sống đã có thể sáng tác được vô vàn tác phẩm thì khi đến các vùng biển khác cũng có thể tạo nên những cảm hứng sáng tạo mới cho người nghệ sĩ. Ví dụ khi anh chụp cơn bão biển năm 2005 tràn vào phá hủy bờ đê của Hậu Lộc, anh mới nhận ra rằng, chính con người là nạn nhân chịu sự tác động trực tiếp của thiên nhiên cũng phải thích nghi với sự biến đổi ấy. Và người nghệ sĩ nhiếp ảnh cần phải trăn trở, tư duy để dựng thành tác phẩm của mình.

Đề tài về biển rất đa dạng, song để chụp được đòi hỏi người nghệ sĩ phải nắm chắc kiến thức về kỹ thuật máy ảnh, về thời tiết, đặc điểm thổ nhưỡng, con nước từng vùng... nhằm làm chủ công nghệ và chủ động hơn trong xây dựng nội dung tư tưởng của bức ảnh. Chụp về biển có thể tùy thời tiết nắng, mưa, tùy theo mùa xuân, hạ, thu, đông, song cách chụp đều khác nhau, chất lượng ánh sáng của biển liên tục biến đổi. Để chụp được tấm ảnh đẹp về biển phải có cả quá trình dày công nghiên cứu, dành quỹ thời gian để thấu hiểu nó, chớp lấy nó.

Nhớ lại một kỷ niệm sáng tác, anh nghe bạn bè gọi: “Lúa ruộng bậc thang chín rồi, ta nhanh lên đường đi sáng tác”. Đến Mường Lát, chạy xe máy gần 300 cây số đến nơi thì trời không có nắng. Mây mù kín mít cả tuần không chụp được bức ảnh nào, anh đành quay về. Nhưng không bỏ cuộc, đợi khi nắng lên anh lại xách máy ảnh quay trở lại Mường Lát, lần ấy thì chụp được. Có khi gặp được thời tiết đẹp thì không có con người xuất hiện trong bức ảnh; hoặc có khi gặp con người thì thời tiết, ánh sáng lại không ủng hộ. Cái khó của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là vậy, cho nên một phần làm nên thành công của bức ảnh chính là yếu tố may mắn. Và cả sự chịu đựng, cống hiến, kiên trì, nhẫn nại mới có thể theo đuổi được nghề và mới mang lại thành công. Có lần từ nhà chạy vào biển Sầm Sơn để chụp ảnh ngư dân kéo rùng, không phải đến là chụp được ngay, phải chờ con nước, mãi đến 9, 10 giờ sáng ngư dân mới kéo rùng lên thì lại không chụp được cảnh bình minh. Cất công đi về 5 lần, 7 lượt như thế là chuyện bình thường. Cuộc đời sáng tác của người nghệ sĩ nhiếp ảnh không thể nói trước được đi là sẽ có tác phẩm, mà có khi được, có khi không, nhiều khi không, để cho một lần sẽ được. Có thể cứ đi, cứ đến gặp là chụp, may ra thì được. Ví như có lần đang lội bì bõm ra vùng triều Hậu Lộc cùng bà con cào ngao, gấp chân máy định về nhà thì trời bỗng nhiên bừng sáng, những mảng mây tạo hình thù đẹp lung linh khiến anh quay lại chụp ngay thì được bức ảnh đẹp. Điều đó cho thấy khi hội tụ đủ các yếu tố thiên nhiên, con người, không gian và thời gian, người nghệ sĩ sẽ chớp được ngay khoảnh khắc đẹp.

Không chỉ sáng tác về biển, anh còn tìm tòi ở những góc độ về đề tài miền núi, chẳng hạn như ruộng bậc thang xứ Thanh và của các tỉnh miền núi cao của đất nước. Với nhiều thành tích, triển lãm và giải thưởng, huy chương các loại của tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế, anh đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho nhiếp ảnh, đưa hình ảnh của Thanh Hóa nói riêng và con người, đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè trên thế giới. Anh hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Một số tác phẩm tiêu biểu của anh như: “Biện Sơn hôm nay” – giải nhất cuộc thi Thanh Hóa trên đường hội nhập và phát triển; “Đón nắng” – Huy chương Đồng khu vực Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh; “Bến cá” – triển lãm cuộc thi ảnh toàn quốc 2008; “Lấp lánh ánh vàng” – Huy chương Đồng khu vực Bắc miền Trung; “Mùa nước về” và “Kéo lưới”– Huy chương Vàng quốc tế 2019; “Rước lễ Cầu Ngư” – triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc; “Bến cá quê tôi” – giải khuyến khích tại triển lãm ảnh khu vực Bắc miền Trung...

70 tuổi đời, hơn 50 năm cầm máy ảnh, anh vẫn ấp ủ nhiều khát vọng được đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, ghi lại những hình ảnh về cuộc sống và con người ven biển cũng như các vùng miền khác. Anh cũng mong muốn được áp dụng những trang thiết bị máy ảnh hiện đại, đồng thời truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ để lan tỏa tinh thần lao động sáng tác của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bước chân của anh vẫn tiếp tục trải dài trên mọi miền đất nước, cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Để rồi khi xem những tác phẩm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thắng dễ khiến cho những người xa quê thấy nhớ quê hương, nhớ về nơi nuôi dưỡng ta khôn lớn thành người...

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Đoàn Thị Hòa - 22:35 04/04/20

 Trả lời

Cháu xin chúc mừng ông. Chúc ô có những bức ảnh thật đẹp về quê hương mình nhé

 Phạm Công Thắng - 14:13 04/04/20

 Trả lời

Tôi trân trọng người nghệ sĩ này bởi ngoài sự đam mê cháy bỏng với phong trào nhiếp ảnh xứ Thanh anh còn là gương mặt sáng giá trong nhiều NSNAVN, có nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá tại các cuộc thi Nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Với bề dày thành tích như vậy anh thật xứng đáng được giới Nhiếp ảnh Thanh Hóa cũng như cả nước ghi nhận đánh giá cao. Xin chúc mừng những thành quả lớn lao mà NS thu găt đươc và mong rằng trong thời gian tới NS tiếp tục gặt hái để khẳng định tên tuổi của mình nhièu hơn trong làng Nhiếp ảnh tỉnh nhà và Viêt Nam. NAG, Nhà báo Phạm Công Thắng

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]