(Baothanhhoa.vn) - Mọi cuộc gặp gỡ trên đời này thường xoay vần, biến ảo trong một chữ “duyên”. Dẫu rằng nhân duyên ấy có thể đến sớm, có thể đến muộn nhưng hết thảy đều để lại trong cuộc đời mỗi con người những ấn tượng, kỷ niệm riêng. 35 năm theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua những bức ảnh, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn đã ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn khoảnh khắc quý giá, khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm cầm máy ảnh theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Mọi cuộc gặp gỡ trên đời này thường xoay vần, biến ảo trong một chữ “duyên”. Dẫu rằng nhân duyên ấy có thể đến sớm, có thể đến muộn nhưng hết thảy đều để lại trong cuộc đời mỗi con người những ấn tượng, kỷ niệm riêng. 35 năm theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua những bức ảnh, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn đã ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn khoảnh khắc quý giá, khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm cầm máy ảnh theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng NSNA Trần Tuấn nhân ngày đón ông ra viện và ký tặng lên bức ảnh bằng chữ ký thời đang là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rất tình cờ và cũng như là một cơ duyên, tôi gặp NSNA Trần Tuấn nhân dịp ông từ Thủ đô “ngàn năm văn hiến” vào xứ Thanh tham dự buổi lễ ra mắt sách ảnh “Nơi chim hạc cất cánh” của NSNA Trần Đàm. Những tên tuổi đã thành danh trong làng nhiếp ảnh, khi gặp gỡ nhau, ngoài cái ôm xiết thân tình, gần gũi, cảm mến thì chẳng thể nào quên gửi tặng nhau “đứa con tinh thần” của mình. Cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” được NSNA Trần Tuấn trân trọng dành tặng cho nhân vật chính của buổi ra mắt sách. Những tiếng trầm trồ, tấm tắc xôn xao cả hội trường. Nhiều người ghé tai nhau, nói nhỏ: Ông Trần Tuấn nguyên là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội NSNA Việt Nam, người có vinh dự 35 năm gần gũi, tháp tùng, chụp ảnh Đại tướng. Ngoài các cuộc triển lãm ảnh, ông còn là tác giả của nhiều tập sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo sức hút, ấn tượng trong lòng công chúng như: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cuộc trường chinh xuyên thế kỷ” (2010), “101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (2011), “Tướng Giáp trong lòng dân” (2013), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” (2018). Thông tin ngoài lề thú vị ấy đã thôi thúc “lửa nghề” trong tôi, khiến tôi mạnh dạn bước qua những xa lạ ban đầu, len qua nhiều vị khách có mặt trong buổi lễ để tìm gặp NSNA Trần Tuấn với hy vọng được lắng nghe nhiều hơn về hành trình gắn bó suốt 35 năm trên cương vị là người chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tôi được gặp Đại tướng hơi muộn, mãi tận năm 1976, khi kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc” – lời chia sẻ như có chút gì đó tiếc nuối, hoài niệm của NSNA Trần Tuấn mở ra những câu chuyện xúc động về con người, cuộc đời và nhân cách cao đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đối với NSNA Trần Tuấn, 35 năm được tháp tùng, ghi lại hàng vạn bức ảnh về Đại tướng trong công việc và trong sinh hoạt, giao tiếp đời thường chính là “khoảng thời gian mà ông quý trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp”.

Trước khi có duyên gặp gỡ và trở thành phóng viên ảnh thân cận bên Đại tướng, NSNA Trần Tuấn đã từng là phóng viên mặt trận hăng hái, dũng cảm xông pha giữa làn mưa bom, bão đạn để ghi lại từng thước phim, hình ảnh. Năm 1975, sau khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được phân công quay trở về Huế. Tại đây, ông nhận được thông báo của lãnh đạo TTXVN về việc chuẩn bị tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác dài ngày thăm các tỉnh phía Nam vừa giải phóng; chuyến đi kéo dài hơn hai tháng. Đó là chuyến đi đầu tiên mà NSNA Trần Tuấn được tháp tùng, chụp ảnh Đại tướng. Năm 1976, ông được điều ra Bắc phục vụ tại Quảng Ninh. Trong năm đó, Đại tướng có lịch trình làm việc tại Quảng Ninh, ông tiếp tục được cử đi theo để chụp ảnh về Đại tướng trong các sự kiện, hoạt động diễn ra tại đây. Sau chuyến đi này, khi quay trở lại Hà Nội, Đại tướng có đề nghị với lãnh đạo TTXVN cử riêng NSNA Trần Tuấn thường xuyên tháp tùng, chụp ảnh trong các chuyến công tác. Ông cứ đi và chụp ảnh Đại tướng như thế, mải miết tháng năm, tận tụy và khiêm nhường. Do đặc thù công việc, có những thời điểm, có nhiều chuyến đi tháp tùng Đại tướng, cơ quan, bạn bè, gia đình không ai hay biết. NSNA Trần Tuấn tâm sự: “Trước khi gặp gỡ, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ con người, nhân cách, sự nghiệp của Đại tướng. Từ một thầy giáo dạy sử trở thành Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân, Đại tướng đã làm được điều mà trên thế giới chưa từng có tiền lệ. Sau này, có điều kiện gặp gỡ và gắn bó với Đại tướng, tôi càng cảm phục, ngưỡng mộ, trân quý ông nhiều hơn. Trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường, Đại tướng luôn đề cao đức tính liêm khiết, giản dị, vị tha, nhân ái. Đối với công việc, Đại tướng lại rất rõ ràng, cương nghị, trăn trở, hết mình”.

Đốt thêm một điếu thuốc, màu xám nhạt của khói thuốc bãng lãng khiến cho người đối diện tưởng như từng kỷ niệm trong quá khứ là thước phim quay chậm, nương theo cảm xúc, bỗng chốc ùa về, hiện diện sống động, chân thực. NSNA Trần Tuấn xúc động bày tỏ: “Tôi chụp ảnh Đại tướng với tình cảm của một người con đối với người cha kính yêu”. Ngược lại, suốt hành trình 35 năm cầm máy ảnh theo chân Đại tướng, NSNA Trần Tuấn vẫn luôn thầm biết ơn về tình cảm, sự quan tâm sâu sắc mà Đại tướng dành cho mình. Đại tướng từng nói với NSNA Trần Tuấn: “Anh Tuấn là người chụp hình rất vất vả nhưng đâu có ai chụp ảnh cho anh”. Vì lẽ đó, “sau mỗi chuyến đi, dù xa gần, ngắn hay dài, anh chụp với tôi một kiểu ảnh kỷ niệm. Nếu tôi không nhớ, anh phải nhắc tôi là chuyến đi này tôi đã chụp ảnh với anh chưa” – Đại tướng ân cần căn dặn. Nhiều khi, Đại tướng tự mình chụp ảnh cho NSNA Trần Tuấn. Một chút quan tâm nho nhỏ, đời thường vậy thôi nhưng cho đến tận hôm nay và mãi về sau, đó vẫn luôn là kỷ niệm ấm áp, khắc sâu trong trái tim NSNA Trần Tuấn. Ông cho biết: “Được Đại tướng quan tâm, tạo điều kiện như thế nên ngoài hàng vạn tấm phim chụp, tôi có khoảng vài trăm bức ảnh chụp riêng với Đại tướng”. Trong “kho” ảnh quý hiếm ấy, NSNA Trần Tuấn không thể nào quên bức ảnh ông chụp cùng Đại tướng nhân chuyên đi dài ngày ở miền Nam năm 1996. Ông nhớ lại: Chuyến đi ấy, tôi bị đau ruột thừa phải tiến hành phẫu thuật ở tỉnh Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đại tướng chấp nhận trễ lịch trình, ở lại chờ tôi bình phục rồi mới tiếp tục lên đường. Ngày tôi ra viện, Đại tướng đến đón, chụp với tôi bức ảnh kỷ niệm và ký tặng lên bức ảnh. Hôm đó là ngày 6-5-1996. Vừa ký tặng, Đại tướng vừa nói: “Ngày mai là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, hôm nay, tôi ký tặng anh với chữ ký thời tôi đang là Tổng Tư lệnh Chiến dịch”.

Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, sự sắc sảo, tài năng của người làm báo, NSNA Trần Tuấn đã lưu giữ được “thư viện” hình ảnh đẹp, độc đáo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh và gương mặt của Đại tướng luôn chất chứa nét cười tươi tắn, đôn hậu, bình dị, thân thương khi ở bên gia đình, người thân, đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Có lúc, hình ảnh của Đại tướng toát lên vẻ hiền triết, cương nghị, đầy bản lĩnh của vị tổng chỉ huy tài ba. Mỗi khi lần giở lại kho ảnh quý giá ấy, ông thường lặng nhớ về bức ảnh chụp Đại tướng về thăm lại địa đạo Củ Chi và thăm đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) – nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân, đế quốc. Ngôi đền được khởi công vào ngày 19-5-1993 nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng thăm đền và yêu cầu NSNA Trần Tuấn ghi lại hình ảnh của Đại tướng bên tòa tháp 9 tầng tại đền. Sau này, Nhân dân cả nước vô cùng đau xót, tiếc thương tiễn đưa anh linh Đại tướng về với đất mẹ khi vừa tròn 103 tuổi. NSNA Trần Tuấn bộc bạch: “Tôi hiểu giá trị việc mình đang làm và hiểu con người tôi đang chụp là ai. Bởi vậy, trong suốt hành trình đã qua, thông qua các cuộc triển lãm, tập sách ảnh, tôi mong muốn để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những hình ảnh giản dị, sống động, tầm vóc của bậc vĩ nhân, vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại”.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]