(Baothanhhoa.vn) - Giữa lòng phố ồn ã và náo nhiệt, một ngọn núi đá vôi sừng sững dựng lên, tựa như bức bình phong mà thiên nhiên ưu ái trao tặng cho đất. Từ xa nhìn lại, ngọn núi như hình dáng một con kỳ lân đang nằm phủ phục. Có lẽ bởi vậy mà tên núi được gọi là núi Kỳ Lân (hay còn gọi là núi Ngọc Nữ, núi Mật).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghe núi hát giữa lòng phố

Giữa lòng phố ồn ã và náo nhiệt, một ngọn núi đá vôi sừng sững dựng lên, tựa như bức bình phong mà thiên nhiên ưu ái trao tặng cho đất. Từ xa nhìn lại, ngọn núi như hình dáng một con kỳ lân đang nằm phủ phục. Có lẽ bởi vậy mà tên núi được gọi là núi Kỳ Lân (hay còn gọi là núi Ngọc Nữ, núi Mật).

Nghe núi hát giữa lòng phố

Vẻ thanh tịnh, trầm mặc của Chùa Đại Bi dưới chân núi Kỳ Lân.

Phía Tây núi Kỳ Lân giáp con kênh đào nhà Lê. Cách núi không xa là làng Kiều Đại (phường Đông Vệ) vốn được biết đến là mảnh đất của Hoàng tộc nhà Lê. Tựa lưng vào núi, chùa Đại Bi trầm mặc, thanh tịnh trong tiếng chuông khe khẽ ngân vang. Trải qua sự biến thiên của thời gian, núi vẫn hiên ngang đứng đó, cùng con người chứng kiến biết bao sự đổi thay của vùng đất Hạc Thành (tên gọi trước đây của TP Thanh Hóa). Núi Kỳ Lân và chùa Đại Bi (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hoá) từ lâu được biết đến như danh sơn trong lòng phố. Và hơn tất thảy, nơi đây là địa danh lịch sử gắn liền với tên tuổi của các vị hoàng đế nhà Lê và là nhân chứng đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình đấu tranh cách mạng của người dân thành phố nói riêng và cả tỉnh Thanh Hoá nói chung.

Các tài liệu lịch sử có ghi chép về núi Kỳ Lân đều thống nhất với nhau mà rằng: Núi Kỳ Lân xưa là một thắng cảnh nổi tiếng, thu hút nhiều các bậc tao nhân mặc khách đến vãn cảnh đề thơ. Chính bởi vậy, trong những câu chuyện về núi luôn gắn liền với bóng dáng của các vị vua.

Vua Lê Thánh tông (1460 – 1497) có lần về thăm đất tổ, thấy cảnh núi đẹp, tức cảnh sinh tình mà vịnh nên bài thơ ngợi ca:

“Tòa núi ai đem đặt giữa đồng

Vẽ hình thiếu nữ đứng mà trông

Phăn phăn đo đỏ pha màu phấn

Phơi phới mưa xuân trút bụi hồng

Sớm ngắm gương ô soi bóng nước

Tối kề hang thỏ chạy trên không

Xuân thu ướm hỏi bao nhiêu tỏ

Trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng”.

Vào năm 1598, Vua Lê Thế tông (1573 – 1599) cũng trong một lần du ngoạn núi Kỳ Lân đã đề thơ trên vách núi. Tháng năm trải qua mưa núi, gió ngàn, tấm bia đề thơ của Vua Lê Thế tông không còn rõ chữ, chỉ còn được lưu lại như một minh chứng về sự tồn tại của tấm bia ấy qua những dòng ghi chép trong cuốn Thanh Hóa đẹp như tranh của học giả Le Breton: “Bia đề niên hiệu Quang Hưng năm thứ 21 triều Lê Thế tông”. Đến thời Vua Lê Thần tông, sách Đại Nam nhất thống chí biên rõ: “Vua Lê Thần tông lên núi chơi, sai dựng chùa ở cạnh núi. Tạo chân dung nhà vua, nay dân sở tại thờ”. Ngôi chùa ấy chính là chùa Đại Bi.

Cùng với núi Kỳ Lân, chùa Đại Bi cũng được xem là một trong những địa danh mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy là một công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật, song sự hình thành và phát triển của chùa gắn liền với tên tuổi, đức nghiệp của Vua Lê Thần tông – vị vua duy nhất lên ngôi hai lần ở nước ta.

Trong cuốn Thanh Hóa đẹp như tranh, Le Breton đã dụng công ghi chép cặn kẽ về ngôi chùa Đại Bi: Tại làng Mật Sơn, Vua Lê Thần tông đã cho dựng lên một ngôi chùa thờ mình. Trong chùa có 4 gian. Gian thứ nhất thờ Tam thế Phật, tượng trưng cho 3 vị Phật thuộc 3 kiếp: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Gian thứ hai thờ Quan thế âm Bồ tát – mẹ từ bi. Ở gian thứ ba, phía bên phải thờ Thiên Phủ (tức là Phật bà nghìn tay nghìn mắt) và phía bên tay trái là tượng Vua Lê Thần tông. Ngay trước bệ thờ vua nhưng dưới cấp bậc thấp hơn, hai bên tả hữu phối thờ 6 pho tượng mặc quốc phục nhằm tượng trưng cho hoàng hậu và 5 vị phi tần của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Việt Nam, Trung Hoa, Ai Lao (Lào), Xiêm La, Mường và Hòa Lan (Hà Lan). Chính điều này đã khiến Vua Lê Thần tông được biết đến như là một trong những vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam khi có hai lần lên ngôi và có phi tần là người ngoại quốc.

Về tượng Vua Lê Thần tông, theo tài liệu khảo tả, được tạo bằng gỗ theo tỷ lệ 1/1, khắc họa chân dung vua với gương mặt trái xoan vừa có nét đôn hậu lại vẫn giữ được sự tôn quý, uy nghi của bậc đế vương. Y phục được tạc theo nghi lễ thiết triều, không có đai vàng. Tượng ngồi trong tư thế tọa thiền, hai tay đặt nằm trước bụng và được che bởi ống tay áo rộng. Tượng ngồi trên bệ sen, với 3 lớp cánh hoa sen. Bệ sen được tạo dáng như ngai vàng của Hoàng đế.

Ngoài chức năng là nơi sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, trong lịch sử, chùa Đại Bi còn là nơi tập hợp các lực lượng cho phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Điển hình là phong trào học sinh, sinh viên và các nhân sĩ yêu nước vào sáng chủ nhật ngày 27–3–1927. Thời điểm đó, bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền, hơn 200 học sinh các trường trong thị xã đã tụ hội về chùa Mật Sơn chính thức làm lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh – một chí sĩ yêu nước, người khởi xướng phong trào Duy Tân. Sau lễ tưởng niệm, một học sinh đã bị buộc thôi học khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, dấy lên cuộc bãi khóa của học sinh trong thị xã đòi nhà cầm quyền phải bãi bỏ những luật lệ kìm kẹp hà khắc trong nhà trường. Phong trào nhận được sự đồng tình hưởng ứng của phụ huynh, giáo viên và nhân sĩ yêu nước tiến bộ. Cuối cùng, cuộc bãi khóa giành được những thắng lợi nhất định. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Đại Bi được dùng làm trụ sở làm việc và đóng quân của một số đơn vị lực lượng vũ trang. Vào những ngày sục sôi khí thế của cuộc Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), cũng như chùa Đại Bi, núi Kỳ Lân trở thành nơi ghi dấu sự kiện đặc biệt có ý nghĩa: Sáng sớm ngày 19-8, lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn phấp phới tung bay trên cột cờ ở đỉnh núi Mật, mở ra bước ngoặt quan trọng. Đó là sự mở đầu cho thời kỳ người dân Thanh Hóa được sống trong độc lập, tự do.

Núi Kỳ Lân và chùa Đại Bi, trước những biến cố lịch sử, đã không còn giữ được vẹn nguyên hiện trạng, kiến trúc ban đầu song các giá trị văn hóa – lịch sử, thắng cảnh của nó vẫn mãi đậm sâu trong tiềm thức người dân Hạc Thành (nay là TP Thanh Hóa). Sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên và các giá trị văn hóa – lịch sử như đang tấu lên bản hòa ca giữa phố mà những thanh âm độc đáo nhất khắc họa trong lòng du khách hình tượng về vị vua “thông minh học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, xứng đáng là bậc vua giỏi”, “bốn lần xa giá xuất chinh, hai lần bước lên ngôi báu, đó cũng là điều xưa nay hiếm có”. Với những giá trị vốn có, cho đến thời điểm hiện tại, núi Kỳ Lân và chùa Đại Bi không chỉ được biết đến là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, điểm tham quan, du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương mà được lựa chọn xây dựng thành điểm hiến máu cố định của tỉnh. Điều này như càng tôn thêm nét đẹp, góp phần điểm thêm vào bản hòa ca giữa núi và chùa một cung bậc thanh âm đậm chất nhân văn.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]