Nghệ nhân Dân gian, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung – Thủ nhang đền Hàn Sơn và đền cô Bơ Bông, xã Hà Sơn (Hà Trung).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Chung: Người được tổ nghề lựa chọn

(THO) - Tuổi thơ của mình được vun vén nên bởi những làn điệu chầu văn” – đó là chia sẻ đầu tiên mà nghệ nhân dân gian, thanh đồng Nguyễn Văn Chung – thủ từ đền Hàn Sơn và đền cô Bơ Bông (xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa) dành để mở ra câu chuyện về những duyên nợ với nghiệp hát văn. Với anh, chầu văn không đơn giản chỉ là niềm đam mê thuần nhất mà trên hết, nó đã trở thành lẽ sống, là “nghiệp” phải đau đáu mang theo. Một chữ “nghiệp” cũng đủ sức nặng để vẽ nên cả chặng đường thanh đồng Nguyễn Văn Chung gắn bó với chầu văn kể từ khi bắt đầu bén duyên cho đến lúc ra nghề, trưởng thành và phát triển cùng nghề.

Nghệ nhân Dân gian, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung – Thủ nhang đền Hàn Sơn và đền cô Bơ Bông, xã Hà Sơn (Hà Trung).

Chia sẻ về quãng thời gian bắt đầu bén duyên với hát văn, đôi mắt anh Chung như đang mơ màng về một miền ký ức nào đó, trong giọng nói thoảng hoặc xen chút gì vừa như thích thú vừa như ngậm ngùi, trầm ngâm. Anh kể: Nhà mình ngay sát đền cô Bơ Bông vốn là một trong những nơi sinh hoạt thực hành tín ngưỡng Tứ Phủ sôi nổi của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Ngay cả khi loại hình sinh hoạt tín ngưỡng này nằm trong “vùng cấm” thì đền cô Bơ Bông vẫn luôn thu hút các bản hội ở khắp nơi trên cả nước tụ họp về đây tổ chức hầu Thánh.

Nhớ lại khung cảnh của những buổi hầu Thánh ấy, anh Chung cười, bảo: “Không hiểu sao, khi ấy, một cậu bé mới lên 10 tuổi như mình lại mê tít những điệu hát văn ma mị, có chút gì cổ quái, khó hiểu đến thế? Mình cứ say sưa theo từng câu hát khi thì lảnh lót lên cao, lúc lại trầm âm tha thiết của các thanh đồng, cô bóng”. Và có lẽ, cũng bắt đầu từ quãng thời gian ấy, đền cô Bơ Bông không chỉ là nơi thanh đồng Nguyễn Văn Chung vui chơi cùng chúng bạn hay là địa điểm học bài lý tưởng của cậu học trò nghèo khó. Đây còn là nơi đã nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê hát văn trong tâm hồn cậu bé Chung; là nơi cậu đã bén duyên với loại hình ca hát cổ truyền đặc sắc của dân tộc. Để rồi, sau những lần chạm mặt ấy, cậu bé Chung bắt đầu say sưa tìm tòi, học hỏi hát văn.

Tự mình dò dẫm thấy mông lung, mơ hồ quá, Nguyễn Văn Chung tìm thầy theo học. Và cũng như một cơ duyên, trên con đường học nghề của mình, anh luôn gặp được những người thầy giỏi nghề, tâm huyết với nghề, tận tình dìu dắt. Mỗi một cái tên trên chặng hành trình đầy gian nan, vất vả ấy đều ghi dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời thanh đồng Nguyễn Văn Chung mà mỗi khi hồi tưởng lại, lòng anh luôn dấy lên sự hàm ơn sâu sắc.

Thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung gặp người thầy đầu tiên trong nghiệp hát văn của mình năm 12 tuổi. Anh Chung kể: “Khi ấy mình chỉ là cậu học trò nghèo chẳng có gì ngoài niềm đam mê”. Nhưng có lẽ, chính cái niềm đam mê giản đơn, bất chấp ấy đã giúp mình chiếm được lòng tin yêu, quý mến của thầy Nguyễn Văn Điệt – một nghệ nhân hát văn có tiếng trong vùng lúc bấy giờ. Khoảng thời gian này, ngoài thời gian cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa, mỗi dịp được nghỉ hè hay nghỉ lễ, anh Chung lại theo chân thầy Điệt ra thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) học nghề. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Chung không giấu nổi nghẹn ngào: “Hoàn cảnh của mình lúc này rất khó khăn, vất vả. Mẹ một mình tần tảo sớm tối với việc đồng áng, gắng sức nuôi 4 anh em mình ăn học. Thế nhưng, khi nghe mình bày tỏ nguyện vọng muốn theo thầy học nghề, mẹ không cản mà đã cố xoay sở cho mình một chút lộ phí lên đường”. Nhờ sự tận tình chỉ bảo của thầy Điệt cùng với sự chăm chỉ, cầu thị và cái “khiếu” vốn có trong người, anh Chung học rất nhanh. Chẳng bao lâu, anh đã có thể đàn, hát và đánh phách một cách thuần thục, nhuần nhuyễn. Càng hiểu nghề, càng gắn bó với nghề, anh Chung càng cảm thấy say nghề hơn. Thế rồi, anh bỏ dở việc học hành, 14 tuổi quyết tâm lăn xả với nghề bằng những chuyến lưu diễn bất kể đêm ngày, ở khắp các đền, phủ thuộc các tỉnh: Nam Định, Nghệ An, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Lệ, Bảo Hà...

Những chuyến lưu diễn ấy đã giúp cho thanh đồng Nguyễn Văn Chung có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ nhiều hơn với văn đàn tứ xứ. Các kỹ năng nghề cũng được hoàn thiện và chau chuốt rất nhiều trong quãng thời gian này. Tuy nhiên, sau khi đã mê mải đi qua ngày tháng rong ruổi ấy, anh Chung vẫn luôn cảm thấy mình chưa thể chạm vào được những tinh túy của nghề. Mang theo những trăn trở ấy, anh chia tay các bản hội, thôi không còn phiêu dạt nay đây mai đó. Anh quyết tâm ra Hà Nội – thủ phủ của sinh hoạt tín ngưỡng Tứ Phủ của cả nước, tìm gặp những người thầy gạo cội nhất trong nghề xin học nghề một cách bài bản. Năm đó, thanh đồng Nguyễn Văn Chung vừa tròn 18 tuổi. Một thân một mình lặn lội nơi đất khách quê người vừa lo học nghề vừa lo mưu sinh quả thật là những ngày tháng không hề dễ dàng với cậu thanh niên mới lớn. Ấy vậy mà, khi được hỏi thời điểm đó, có bao giờ nản chí muốn bỏ cuộc, anh Chung chỉ cười, quả quyết: “Không bao giờ”. Công việc đầu tiên trên con đường tầm sư học nghề của thanh đồng Nguyễn Văn Chung khi ở Hà Nội là sưu tầm băng đĩa hát văn của các nghệ nhân nổi tiếng. Mỗi lần kiếm được một cái băng, đĩa hát văn của các cụ cao niên, đại thụ trong nghề như: Cụ Phạm Văn Kiêm, cụ Nguyễn Văn Tuất, cụ Lê Bá Cao... anh mừng như bắt được vàng. Anh nghe như nuốt từng lời và cứ thế phiêu theo từng điệu bỉ, điệu phú chênh, phú rầu. Anh đặc biệt lưu tâm đến cách các cụ hát điệu cờn, điệu hãm, điệu xá vốn được xem là linh hồn của hát văn. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, hát văn ngấm vào từng thanh âm trong huyết quản, chỉ cất lời là dìu dặt ngân nga. Có những lúc, anh Chung tập luyện không biết mệt mỏi; thiếp đi trong tiếng hát chầu văn và khi mơ màng bật dậy lại say sưa trong tiếng đàn, nhịp phách. Cảm mến trước tấm lòng say mê, nhiệt huyết của chàng trai trẻ với lối hát cổ truyền của dân tộc, sau vài lần gặp gỡ khi anh Chung đến xin băng, đĩa về học, cụ Phạm Văn Khiêm nhận làm học trò, tận tâm dạy dỗ. Theo lời anh Chung, cụ Khiêm lúc bấy giờ được giới cung văn trong cả nước xem như “tổ nghề” bởi những đóng góp to lớn của cụ trong việc bảo tồn, gìn giữ vốn cổ, sáng tác các điệu hát văn mới và truyền dạy cho các thế hệ con cháu kế tục. “Đây có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp hát văn của mình” – anh Chung nhận định. Từ cậu bé lên 10 vẫn thường ngơ ngẩn nép mình trong góc đền cô Bơ Bông xem người ta hát văn, đến nay, sau hơn 20 năm theo nghiệp cung văn, hơn 10 năm phụng sự việc Thánh, anh Chung đã có cho mình những “trái ngọt” do nghề mang lại. Cho đến thời điểm hiện tại, anh là một trong rất ít những thanh đồng, cô bóng trong cả nước có thể biết tường tận và trình diễn xuất sắc 13 lối văn cổ. Trong những lần tham gia hội diễn, giao lưu thực hành tín ngưỡng Tứ Phủ, các tiết mục hát văn do thanh đồng Nguyễn Văn Chung trình diễn đều nhận được sự tán thưởng của công chúng và sự đánh giá cao của hội đồng chuyên môn.

Ngay cả khi đã được nghề công nhận, anh Chung vẫn miệt mài học hỏi, tự trau dồi kỹ năng nghề và luôn đau đáu cho sự phát triển của nghề, nhất là trong thời buổi nghệ thuật hát văn đang đứng trước thực tế “vàng thau lẫn lộn”. Anh Chung buông tiếng thở dài, cho biết: “Hiện nay, nhiều thanh đồng, cô bóng đi hát văn không xuất phát từ lòng yêu nghề, trân trọng nghề mà chạy theo giá trị vật chất. Họ thực hành nghề mà không hiểu biết về nghề vì vậy mà hát văn bị pha tạp, bị mất đi tính nghệ thuật đặc thù của loại hình nghệ thuật cổ”. Xuất phát từ những trăn trở này, ngay từ tháng 3 - 2012, được sự động viên của GS. Ngô Đức Thịnh, anh Chung đứng ra khởi xướng thành lập CLB Bảo tồn chầu văn Việt Nam. GS. Ngô Đức Thịnh làm chủ nhiệm CLB, anh Chung là phó chủ nhiệm thường trực CLB. Kể từ ngày thành lập, đến nay CLB đã thu hút hơn 500 cung văn trên khắp cả nước đăng ký tham gia; mở chi hội CLB ở các tỉnh với nhiều hoạt động đẹp của nghệ thuật hát văn. Năm 2014, anh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.

Đang ở vào thời kỳ phát triển nhất của sự nghiệp, năm 2012, anh Chung quyết định về lại quê nhà, đảm nhận công việc thủ nhang đền cô Bơ Bông. Anh trở về quê sau nhiều năm xa cách, phụng sự đền Cô như là cách để trả ơn nơi đã từng dung dưỡng, vun đắp cho niềm đam mê lớn nhất đời mình. Tuy nhiên, với anh, không thường xuyên thực hành nghề không có nghĩa là đã thôi bận lòng vì nó. Anh vẫn thường xuyên lui tới các địa điểm sinh hoạt thực hành tín ngưỡng Tứ Phủ trong tỉnh Thanh Hóa. Có khi, anh Chung đến gặp bạn, gặp bè trong giới; có khi là được mời đến để đạo diễn, dàn dựng một tiết mục hát văn chuẩn bị tham gia hội diễn nào đó. Nói về những dự định của mình trong thời gian tới, anh Chung hào hứng chia sẻ: “Mình đang ấp ủ nguyện vọng thành lập chi hội chầu văn và thực hành tín ngưỡng hầu đồng tỉnh Thanh Hóa. Mà để hiện thực hóa nguyện vọng đó, mình rất cần sự ủng hộ, sự chung tay góp sức của những con người có cùng đam mê, cùng nhiệt huyết với nghệ thuật hát văn chân chính”.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]