(Baothanhhoa.vn) - Tại Hà Nội, trong một lần gặp gỡ cùng Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, ông nói với chúng tôi bằng giọng đầy thán phục: “Thanh Hóa ư? Đó là vùng đất hết sức đặc biệt, nơi sản sinh ra những giá trị văn hóa lịch sử mà hiếm nơi nào trên đất nước Việt Nam này có được”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghe Di chỉ kể chuyện hồng hoang

Tại Hà Nội, trong một lần gặp gỡ cùng Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, ông nói với chúng tôi bằng giọng đầy thán phục: “Thanh Hóa ư? Đó là vùng đất hết sức đặc biệt, nơi sản sinh ra những giá trị văn hóa lịch sử mà hiếm nơi nào trên đất nước Việt Nam này có được”.

Nghe Di chỉ kể chuyện hồng hoang

Di chỉ Mái Đá Điều nhìn từ trên cao. Ảnh: L.G

Lời chia sẻ của vị giáo sư nổi tiếng hoàn toàn có căn cứ, nếu nhìn vào vỉa tầng dày sâu và rực rỡ của nền văn hóa vạn năm trên mảnh đất xứ Thanh. Vỉa tầng ấy bắt đầu được hình thành từ thuở hồng hoang mông muội, khi xứ Thanh - mảnh đất của lựa chọn lịch sử - trở thành một trong những cái nôi của loài người. Những xã hội nguyên thủy xuất hiện đã lần lượt để lại trên đất Thanh Hóa hàng loạt di chỉ khảo cổ nổi tiếng; mà cho tới hôm nay, những di chỉ ấy vẫn lặng lẽ cất lời, kể lại câu chuyện vạn năm về buổi bình minh của loài người.

Trong một lần ghé Bá Thước, ông Trương Văn Kín, nguyên cán bộ phòng văn hóa – thông tin huyện đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan 2 di chỉ lịch sử nổi tiếng của vùng đất này. Trên phương diện khoa học, Bá Thước nằm trong khu vực chứng kiến bước chuyển mình vĩ đại của nhân loại, từ vượn thành người. Nơi đây xuất hiện nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng, giúp cho hậu thế lần tìm lại những trang sử xưa nhất về nguồn cội con người trên mảnh đất xứ Thanh, trong đó có hang cổ sinh Làng Tráng.

Từ trung tâm thị trấn Cành Nàng, xuôi vài ki-lô-mét theo Quốc lộ 217 sẽ tới được hang Làng Tráng. Cách mặt đường chỉ vài chục mét, hang Làng Tráng ngăn cách với thế giới hiện đại bên ngoài bằng một cánh cửa gỗ giản dị. Khi cánh cửa mở ra, chúng tôi bước vào một thế giới cổ xưa đầy bí ẩn. Lòng hang hẹp và nông, trần hang thấp. Trên những phiến đất đá, nếu nhìn thật kỹ, vẫn có thể thấy dấu tích của những vỏ ốc, xương cá - minh chứng cho thời kỳ ăn lông ở lỗ của con người.

Ông Trương Văn Kín cho biết: Tại đây, vào năm 1976, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cùng với các nhà cổ sinh Mỹ đã khai quật, phát hiện nhiều dấu vết của các loài động vật cổ và con người hóa thạch trong lớp trầm tích. Di tích hang Làng Tráng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu môi trường sinh thái cổ ở Thanh Hóa, mà còn đóng góp nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu con người và môi trường khu vực Bắc Việt Nam, Đông Dương và rộng hơn là cả Đông Nam Á.

Từ thị trấn Cành Nàng, ông Kín tiếp tục đưa chúng tôi ngược về phía Đông Bắc hơn 10 km để đến xã Hạ Trung, nơi có di chỉ Mái Đá Điều. Di chỉ nằm dưới chân một ngọn núi cao, nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình. Mái Đá Điều không những có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu thời tiền sử ở Thanh Hóa, mà còn có vị thế trong việc nghiên cứu bước chuyển biến về kỹ thuật ghè đẽo công cụ đá từ văn hóa Sơn Vi (thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ), đến văn hóa Hòa Bình (thuộc thời đại đá mới) trên đất nước ta.

Nguồn tư liệu được các nhà khoa học phát hiện tại di chỉ này rất phong phú, bao gồm tư liệu về công cụ đá, về xương cốt động vật, di cốt người cổ... Có thể nói, hoạt động của con người thời kỳ tiền sử và sơ sử trên vùng đất thuộc huyện Bá Thước nói riêng, vùng núi, thung lũng phía Tây, Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa nói chung là bước chuẩn bị cho quá trình con người tiến ra chinh phục, chiếm lĩnh vùng đồng bằng châu thổ sông Mã trong thời đại kim khí, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để bước vào ngưỡng cửa của văn minh nhân loại.

“Nếu phóng viên lên vào dịp tháng Giêng âm lịch, sẽ được dự lễ hội Mái Đá Điều. Đặc sắc lắm”- ông Kín vui vẻ giới thiệu. Cũng theo lời ông, lễ hội ra đời là cách người dân tưởng nhớ tổ tiên từ vạn năm trước đã đến khai phá mảnh đất này. Sự khai phá trong buổi đầu ấy, có lẽ đã góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của những xứ mường huyền thoại với một nền văn hóa đậm đà bản sắc trên mảnh đất hoang sơ bí ẩn này.

Nói về những di chỉ nổi tiếng nhất miền Tây xứ Thanh, không thể không kể đến hang Con Moong tại huyện Thạch Thành. Cách đây vài năm, chúng tôi có điều kiện theo chân ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa đến tham quan di chỉ nổi tiếng thế giới này. Từ TP Thanh Hóa ngược lên thị trấn Kim Tân, sau đó phải vượt quãng đường núi gập ghềnh khá xa mới vào đến nơi. Con đường lên hang dốc đứng, trơn trượt, cả đoàn phải níu cây lá mà đi. Bước vào hang, là bước vào một thế giới trầm tích, với những hiện hữu vết dấu của người tiền sử. Lòng hang rộng và thoáng, dài khoảng 30-40 mét, trần cao gần 10m. Tại nơi này, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục từ thời đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Đứng giữa lòng hang Con Moong, chiêm ngưỡng những di vật còn sót lại, mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc bước đi của loài người trong buổi đầu mông muội. Từ nơi này, các cư dân nguyên thủy tách thành bầy nhóm, di chuyển dần tới những hang động bên cạnh, rồi trở thành những người đầu tiên chiếm lĩnh đồng bằng ven biển Bắc bộ, tạo dựng nên một nền văn hóa ngoài trời.

Hầu hết các di chỉ cổ sinh của khu vực miền Tây xứ Thanh đều nằm trong các hang động. PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong một lần gặp gỡ tại Bảo tàng Thanh Hóa đã chia sẻ với chúng tôi: “Hệ thống Caster của Thanh Hóa chủ yếu tập trung ở miền Tây, kéo dài từ Quan Hóa, Bá Thước cho tới Thạch Thành. Có khoảng 60 hang động được khai quật từ thời Pháp cho tới nay. Nhiều hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Từ sau năm 1974, các nhà khảo cổ học khai quật ở Thanh Hóa đưa về Bảo tàng Thanh Hóa một khối lượng hiện vật khổng lồ. Thông qua những dấu tích đó, chúng tôi mới phục dựng lại được những xã hội đã đi qua”.

Từ miền Tây xuôi về phía đồng bằng xứ Thanh, có thể gặp gỡ hàng loạt những di chỉ nổi tiếng, mà qua đó, câu chuyện về cuộc sống buổi đầu của tổ tiên loài người được phát lộ. Di chỉ Núi Đọ thuộc địa phận xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Qua nhiều đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khối lượng lớn các mảnh tước, rìu tay, bôn, hạch đá, công cụ chặt tay... - minh chứng cho thấy, di chỉ này từng là một “công xưởng nguyên thủy”, ở đó con người đã biết chế tác công cụ lao động - đánh dấu một chương mới trong tiến trình phát triển của loài người.

Cách Núi Đọ không xa là làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn trước kia thuộc địa phận huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Dòng Mã Giang huyền thoại, qua hành trình ngàn dặm xuôi chảy về Đông, đã để lại phía cuối làng một phong cảnh ngoạn mục, với hình ảnh núi Rồng sông Mã vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Trong lịch sử dân tộc, làng Đông Sơn là làng Việt cổ có vị trí đặc biệt quan trọng, khi đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử của văn minh Đông Sơn.

Ông Lương Nam Triều, trưởng làng Đông Sơn, cho biết: Người đầu tiên tìm ra dấu tích văn minh Đông Sơn là cụ Nguyễn Văn Lắm, vốn là người câu cá của làng. Vào năm 1924, cụ thả câu bên bãi đất lở dọc triền sông Mã. Trong lúc đào đất tìm mồi câu, cụ Lắm đã vô tình phát hiện ra một số cổ vật bằng đồng.

Cũng bắt đầu từ đó, các cuộc khai quật khảo cổ được thực dân Pháp tiến hành trên địa phận làng Đông Sơn. Một nền văn minh rực rỡ dần phát lộ. Trong thời kỳ văn minh Đông Sơn, con người tạo tác vật dụng phục vụ đời sống chủ yếu từ chất liệu gốm và đồng. Những di vật còn lại đến ngày nay cho thấy, ở thời đại văn minh Đông Sơn, người Việt cổ đã cư trú ổn định, dần hình thành hệ thống gia đình, dòng họ và có đời sống vật chất, tinh thần phong phú.

Đặc biệt, những chiếc trống đồng huyền thoại được xem là đỉnh cao trí tuệ của văn minh Đông Sơn. Với những hoa văn tinh tế mô tả chân thực và giàu tính nghệ thuật về đời sống, mỗi chiếc trống đồng như một pho sách chạm khắc trang sử dân tộc bằng đường nét. Cho đến hôm nay, ánh lửa Đông Sơn được tiền nhân thắp sáng hơn 2 thiên niên kỷ trước vẫn đang soi đường, để các thế hệ cháu con tiếp tục kiến tạo nên những giá trị văn hóa rực rỡ, làm dày sâu thêm truyền thống địa linh nhân kiệt của xứ Thanh.

Từ đồng bằng xuôi xuống miền biển, những di tích khảo cổ lẫn trong trầm tích thời gian dần được phát hiện qua năm tháng. Di chỉ văn hóa Hoa Lộc nằm trên những cồn cát kéo dài từ xã Liên Lộc, qua Hoa Lộc, Phú Lộc, đến Hòa Lộc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Các nhà khoa học phát hiện di chỉ này vào năm 1970 và tìm thấy ở đây khối lượng lớn các loại hiện vật khác nhau, bao gồm đồ đá, đồ gốm, đồ đồng... Những di tích của văn hóa Hoa Lộc còn được tìm thấy tại huyện Nga Sơn và một số tỉnh Bắc bộ. Điều đó chứng tỏ, văn hóa Hoa Lộc đã có sự ảnh hưởng, lan tỏa ra khu vực phía Bắc, lưu vực sông Hồng.

Trên dải đất xứ Thanh, còn hàng loạt những di chỉ nổi tiếng: Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Cồn Chân Tiên... Những hiện vật, di vật ngàn vạn năm ngủ yên trong lòng đất, khi được khai quật và bước ra ánh sáng, đã phát lộ biết bao bí mật về những bước đi của lịch sử. Cho đến hôm nay, những di chỉ ấy vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ, phát huy trong đời sống, để ngày lại ngày, kể cho hậu thế câu chuyện vạn năm về xứ Thanh huyền thoại - một trong những cái nôi linh thiêng, ấm áp, nơi bao bọc tổ tiên loài người trong thuở đầu dò dẫm đi tìm ánh sáng văn minh.

Lam Giang


Lam Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]