(Baothanhhoa.vn) - Nghè cổ Yên Trung tọa lạc tại làng Yên Trung (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc), một mảnh đất thấm đẫm giá trị văn hóa – lịch sử, khảo cổ nằm trong không gian văn hóa Hoa Lộc. Theo hồ sơ lịch sử nghè Yên Trung do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa khảo cứu: “Vào buổi đầu thời đại kim khí trong lưu vực sông Hồng, văn hóa Phùng Nguyên phân bố rộng trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Bắc Ninh và TP Hải Phòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghè cổ Yên Trung trên nền văn hóa Hoa Lộc

Nghè cổ Yên Trung tọa lạc tại làng Yên Trung (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc), một mảnh đất thấm đẫm giá trị văn hóa – lịch sử, khảo cổ nằm trong không gian văn hóa Hoa Lộc. Theo hồ sơ lịch sử nghè Yên Trung do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa khảo cứu: “Vào buổi đầu thời đại kim khí trong lưu vực sông Hồng, văn hóa Phùng Nguyên phân bố rộng trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Bắc Ninh và TP Hải Phòng.

Nghè cổ Yên Trung (xã Hoa Lộc) sau quá trình trùng tu, tôn tạo.

Cùng thời với văn hóa Phùng Nguyên, con người cũng đã có mặt ở hầu hết các miền của Thanh Hóa”. Nếu ở khu vực miền núi xứ Thanh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong các hang động Thẩm Hai và Thẩm Tiên thuộc các dãy núi đá vôi của huyện Thường Xuân dấu vết định cư lâu dài của con người thời kỳ này với khả năng chế tác đồ gốm và đồ đá giỏi thì ở vùng ven biển, một nhóm cư dân khác đã tiến vào thời đại đồ đồng và tạo nên nền văn hóa Hoa Lộc nổi tiếng. Văn hóa Hoa Lộc là một văn hóa khảo cổ lấy tên từ địa điểm phát hiện đầu tiên ở xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Trên nền văn hóa đặc sắc ấy, nghè cổ Yên Trung đã tồn tại và chứng kiến biết bao sự đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Tuy có những thời điểm, nghè cổ Yên Trung tưởng như không còn có thể hiện diện trong đời sống tâm linh – tinh thần của người dân nơi đây nhưng cùng với sự chảy trôi của thời gian, nó vẫn tồn tại trong mạch nguồn văn hóa Hoa Lộc với diện mạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.

Theo sách Thanh Hóa chư thần lục – một cuốn sách của bộ lễ triều Nguyễn được biên soạn dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (1903) có ghi chép về các vị dương thần và âm thần được thờ ở địa hạt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xã Yên Trung, tổng Liên Cừ, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (nay là xóm Yên Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) là một trong 5 nơi thờ tự Lý triều Hoàng Thái Hậu tôn thần, còn được gọi là Linh nhân Hoàng Thái Hậu, nguyên phi Ỷ Lan. Các tài liệu sưu tầm tại làng Yên Trung như: “Thánh bà Hoàng Cảm linh nhân”, sắc phong “Hoàng Thái Hậu tối linh đại vương” đều có sự thống nhất với nhau về vị thần được thờ tại nghè Yên Trung.

Nhắc tới Linh nhân Hoàng Thái Hậu, nguyên phi Ỷ Lan, lịch sử ghi nhận về bà như một bậc mẫu nghi tài đức vẹn toàn, có công phò vua, giúp nước, an dân. Các tư liệu lịch sử (chính sử, thần phả, sắc phong, truyền thuyết dân gian...) kể lại rằng: Vua Lý Thánh tông ở ngôi 17 năm (1054 – 1072), là người “đáng gọi là bậc vua tốt” nhưng ở tuổi 40 mà vẫn chưa có con trai nối dõi. Vào năm Quý Mão (1063), bấy giờ vua xuân thu đã nhiều nên sai chi hậu nội nhân Nguyên Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Ít lâu sau, Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Hoàng thái tử Càn Đức. Khi vua Lý Thánh tông mất, Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi vua trước linh cữu của tiên đế, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất (1072). Bấy giờ, vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng Thái Phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái Hậu làm Hoàng Thái Hậu, cho phép được buông rèm cùng nghe chính sự. Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc triều chính. Năm 1073, Dương Thái Hậu mất, Hoàng Thái Phi Ỷ Lan chính thức được tôn phong là Hoàng Thái Hậu. Trong thời gian buông rèm nhiếp chính, Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu thi hành nhiều chính sách thân dân, lưu tâm đến thân phận người nghèo, khuyến khích nông nghiệp phát triển. Năm Long Phù thứ 3 (1103), Thái Hậu cho phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở hay đem gả cho những người góa vợ. Thái Hậu là người mẹ nhân từ, có công dìu dắt, dạy dỗ vua Lý Nhân tông trở thành vị vua tốt. Bà từng khuyên vị vua trẻ rằng: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà phải chịu cảnh cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy, Nhà nước đã có lệnh cấm. Thế mà nay việc giết trâu lại nhiều hơn trước”. Nghe lời khuyên của mẹ, năm 1117, vua Lý Nhân tông xuống chiếu định rõ lệ cấm giết trâu, áp dụng hình phạt nghiêm khắc, nhờ đó mà người dân yên ổn làm ăn, kinh tế nông nghiệp phát triển. Mùa thu năm Hợi, hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), ngày 25, Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu băng hà. Vua cho hỏa táng, tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh nhân Hoàng Thái Hậu, táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Do công đức của bà nên nhân dân trong nước nhiều nơi ngưỡng mộ, tôn bà làm thành hoàng làng với ước mong được bà che chở, bảo ban để cuộc sống được yên bình, no ấm. Bà được nhân dân trong cả nước tôn làm “Lý đại mẫu nghi” (mẫu mực đức mẹ đời Lý).

Truyền thuyết tại làng Yên Trung còn cho biết thêm: Ngày 25-7-1117, Ỷ Lan đang cùng dân cày cấy ở Ba Đồn thì có 3 ông hàng dầu đi qua nhìn thấy trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục liền gọi: “Bà ơi, trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục. Bà về mà đi làm thần đi”. Bà trả lời: “Tôi đi làm thần, ba ông làm bộ hạ”. Thế là giông gió nổi lên cuồn cuộn, mưa to, sấm nổ vang rền, bà về đền Hoành để lại chiếc giỏ đeo bên mình. Chiếc giỏ lập tức biến thành một cái ao to với hình dáng tương tự. Nơi đó về sau gọi là đầm Giỏ. Bà thổ 3 giọt huyết, gió đến rước bà về miếu Nhị (nay thuộc xã Liên Lộc); rước bà về nghè làng Quan Trung (nay là làng Yên Trung) thì hóa. Ngày 12-12-1118 (năm Bính Tuất), vua Lý Nhân tông về phủ Thanh Hóa, đến làng Quan Trung cho xây đền thờ bà, chính là nghè cổ Yên Trung linh thiêng đồn khắp các miền. Nhiều nơi trong nước lập đền thờ bà để tưởng nhớ công lao và tỏ lòng tiếc thương đối với Hoàng Thái Hậu. Đối với làng Yên Trung, hằng năm, dân làng mở hội tế vào ngày mất của bà và cứ 3 năm lại cho tổ chức một hội lớn có nghi thức rước nước (rước kiệu chở thần vị từ nghè ra sông De chứng giám hội đua thuyền xong lại rước về). Nghè cổ Yên Trung, ngoài thờ chính Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu còn thờ thêm 3 vị bộ hạ là: Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành, Đô đốc Lý Kế Nguyên và nhị vị hoàng tử: Lý Hoàng Thân, Lý Chiêu Văn; nhị vị công chúa: Bình Dương – hiệu Bạch Hoa, Thiên Thành hiệu Đào Hoa.

Trong ký ức của người dân địa phương, nghè cổ Yên Trung không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, để cháu con tỏ lòng thành kính trước một bậc mẫu nghi hiền đức mà trên hết, nơi đây còn là nơi lưu lại những dấu ấn trong sự hình thành và phát triển của làng. Năm 1964, để phục vụ vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như xây trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác, người dân làng Yên Trung đã phải chấp nhận tháo dỡ nghè cổ này để lấy vật liệu. Nghè gần như đã thành phế tích. Các đồ thờ tự như ngai thờ, bài vị, hương án, sắc phong, thần tích cùng những đồ lễ khác không có điều kiện bảo quản nên bị mất mát, thất lạc nhiều. Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu vết còn lại như chân tảng, đá lăn giai...) cũng như lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghè Yên Trung trước đây có quy mô lớn. Tổng thể công trình có nghi môn nội, ngoại, nghè chín, nhà dải vũ. Riêng nghè chính có cấu trúc gồm 3 cung thờ có hình dáng mái cong, vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Bài trí đồ thờ trong nghè được quy định theo điển lễ. Gian giữa là nơi thờ Lý triều Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, các gian bên thờ các quan đại thần là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Kế Nguyên, các vị hoàng tử và công chúa. Trong nghè thờ còn có hệ thống các đồ thờ như bát biểu, ngựa thờ, hệ thống câu đối, đại tự ca ngợi Đức Hoàng Thái Hậu triều Lý... Một thời gian dài, nghè Yên Trung gần như chỉ còn tồn tại trong kí ức, trong niềm tiếc nuối và khát khao nghè được khôi phục lại của người dân. Chính từ những tâm huyết, nhiệt thành mà cháu con từ đời này qua đời khác vẫn luôn ấp ủ; cùng với sự đi lên về mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần, nghè cổ Yên Trung từ một phế tích đã được khôi phục lại khang trang, đẹp đẽ. Đầu năm 2018, lễ khánh thành đã được UBND xã Hoa Lộc tổ chức trong niềm vui, niềm phấn khởi xen lẫn tự hào của người dân nơi đây. Nghè có tổng diện tích là 2.341 m2, được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng giá trị công trình lên tới gần 16 tỷ đồng.

Ông Phạm Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc chia sẻ: “Công trình nghè Yên Trung hoàn thành đã góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời tại địa phương, tô đẹp thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với văn hóa tâm linh theo truyền thống, thể hiện được tinh thần đoàn kết mang tính cố kết cộng đồng vốn đã trở thành sức mạnh không dễ gì lay chuyển được của cư dân làng xã Việt. Đồng thời là cơ sở, là nền tảng để tiếp tục “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã đề ra.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]