(Baothanhhoa.vn) - Tiểu thuyết “Vùng trời thủng”, giải thưởng văn học sông Mê Kông năm 2012, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 của cố nhà văn Kiều Vượng đã khắc họa hình ảnh một thời tuổi trẻ của lớp thanh niên xung phong đi mở đường biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mùa xuân trên “Vùng trời thủng”

Mùa xuân trên “Vùng trời thủng”

Tiểu thuyết “Vùng trời thủng”, giải thưởng văn học sông Mê Kông năm 2012, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 của cố nhà văn Kiều Vượng đã khắc họa hình ảnh một thời tuổi trẻ của lớp thanh niên xung phong đi mở đường biên giới.

Con đường hữu nghị Việt – Lào hiện diện hôm nay đã phải đánh đổi tuổi thanh xuân của bao chàng trai, cô gái ở những cánh rừng trên dốc Cổng Trời, hay bên những vực sâu thăm thẳm, bốn mùa mây mù giăng kín. Họ phải sống trong hoàn cảnh thiếu gạo, thiếu muối, thiếu thuốc thang, trong những mùa hè nắng nung, hay mùa đông buốt giá của những thập kỷ trước. Biết bao chàng trai, cô gái, tuổi đời chưa chạm ngưỡng hai mươi đã theo chân nhau lên nơi “rừng thiêng nước độc”, đầy ghẻ lở, muỗi mòng, sên, vắt để cùng nhau thực hiện giấc mơ mở đường biên giới cho dân tộc, cho nhân dân hai nước Việt – Lào.

Chúng ta hãy cùng đọc lại một đoạn văn trong cuốn tiểu thuyết nói về chiều ba mươi tết năm ấy: “...Chiều ba mươi tết, chốt điểm Cổng Trời chỉ còn trơ lại năm con người trông coi cả một khu doanh trại dài dằng dặc... Ngoài anh Bàn, tôi và Dung, còn có hai người nữa, đó là cô Chòa cấp dưỡng và thằng Lỡ làm tiếp phẩm của đơn vị. Buổi chiều tất niên, chúng tôi ăn uống vui vẻ, nói cười với nhau... Mới năm giờ chiều mà rừng đã trắng sương và tối mù mịt như đã rất khuya. Sương đặc ùa về cảm giác có thể vê trên đầu ngón tay được nên chúng tôi còn gọi Cổng Trời là “vùng trời thủng”... Dung đi lại cạnh Chòa, hai tay đặt chéo trên nắp rương gỗ ở đầu giường, mắt mở to nhìn đăm đắm về phía chân trời phương đông. Chắc cô ngỡ cái vệt sáng nhỏ nhoi ở chân trời phương Đông kia như ánh mắt người mẹ cô đơn đang ngóng con về... Ánh mắt rầu rầu của Dung bỗng vụt sáng. Cô nhìn Lỡ một lúc rồi bảo: Anh vào vác trống ra mà đánh...”.

Đoạn văn trên, được nhà văn Kiều Vượng khắc họa các nhân vật mang một nỗi buồn xa quê trong những ngày tết đến, xuân về. Nếu nhà văn không hiện diện trong đoàn thanh niên xung phong đi mở đường ấy, làm sao trí tưởng tượng phong phú có thể sáng tạo ra được cái đậm đặc của sương rừng như “có thể vê trên đầu ngón tay được”. Chỉ ngần ấy câu từ, cũng đủ cho bạn đọc biết ý chí và nghị lực của đoàn quân ấy kiên cường ra sao, cho dù tâm hồn nhạy cảm của những cô gái mười tám, đôi mươi vì nhớ mẹ mà rơi nước mắt và rồi chính trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, họ không chịu để sự cô đơn của núi rừng bao vây, cô lập. Họ đem trống ra đánh. Ôi!, giữa cánh rừng tĩnh mịch, buốt giá trên đỉnh núi, hay còn gọi là Cổng Trời, những tiếng trống điểm quân, tập hợp, báo hiệu ngày thường, đã trở thành những âm thanh đánh thức cả một vùng rừng, đánh thức các giác quan, mọi vi mô thần kinh trong con người của năm thanh niên đang bị sương mù tối ba mươi tết vây bủa giữ rừng xanh trùng điệp. Tiếng trống rung lên, xua đi giá rét, xua nỗi cô đơn, thức dậy một vùng rừng đã từng tĩnh lặng đến tê người và rồi niềm vui gửi vào tiếng trống của năm con người ấy được vọng tới những bản làng bà con các dân tộc vùng biên giới và nước bạn Lào: “...Lỡ thảng thốt reo lên: Trông kìa, các anh ơi, dân các bản trên núi, cả dưới thung lũng nữa, họ vác đèn đuốc đi đâu mà đông đến thế... Chết mất rồi, thủ trưởng ơi! Chúng ta đốt lửa, lại vừa đánh trống, vừa hát, dân họ tưởng có văn công như lần trước nên kéo lên xem, làm thế nào bây giờ các anh ơi, thủ trưởng ơi... Và trong số năm anh em, bây giờ Lỡ như một vị chỉ huy số một. Nó mừng ra mặt vì sự thành công từ tiếng trống nó đánh lên. Nó hăng hái chạy vào, chạy ra, nói câu nào nghe cũng cứ như ra lệnh... Nó chạy vào phòng Dung lấy ít phấn đỏ giã nhỏ rồi đổ vào cái chậu, trộn lẫn với bột mì, bắt Dung phải đánh phấn hóa trang... Trong tiếng vỗ tay theo nhịp rộn rã của bà con dân bản, tôi chỉ còn biết đập hai cái nắp xoang vào nhau, tạo nên những âm thanh vui nhộn cùng các điệu Khặp của các cô gái Thái, điệu Lăm vông của các cô gái Lào. Một đêm vui sôi động kéo dài mãi, dài mãi cho đến tận lúc có ai đó bỗng reo lên “rừng sáng quá” thì tất cả mọi người như mới sực tỉnh sau một giấc mơ dài...”.

Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, gian khổ nhất, những thanh niên xung phong bám trụ vẫn tìm cách biến hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực để thay đổi hoàn cảnh sống. Bên cạnh đó, họ còn tạo ra được một đêm ba mươi tết đầy ấn tượng về niềm vui tinh thần, làm thỏa mãn cho mình và cho bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vốn ít khi có dịp được tiếp cận với những hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Việc làm đó đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết tình hữu nghị hai nước anh em.

Niềm vui và dư vị ngọt ngào của một đêm liên hoan văn nghệ tại Cổng Trời hay còn gọi là vùng trời thủng chưa được bao lâu, mùng bốn tết có tin báo xe chở muối lên đến cây số 53 thì đang bị sa lầy. Nhiệm vụ của năm người phải tìm cách vác muối về Cổng Trời bất luận hoàn cảnh khó khăn cỡ nào: “...Mười hai giờ trưa chúng tôi đã chất đầy bốn ba lô muối... Khi lết về được đến chân núi Phượng Hoàng, Dung hầu như không thể bước vững được nữa giữa con dốc như một lối mòn dựng ngược. Tay Dung cầm chiếc gậy chống mà cứ run run. Thấy vậy, Lỡ nhặt một đoạn cây rồi bảo Dung: “Cô để tôi gánh cả cho. Sức cô không thể lên nổi đoạn dốc này đâu”... Mãi tới lúc mây trắng như những đụn khói bay là là trên ngọn cây rừng cả bốn anh em mới xuống đến eo dốc Nà Muông... Dung bảo: Các anh ơi, các anh ngồi đây trông muối cho hai đứa bọn em xuống suối rửa một tí. Nóng lắm, không tài nào chịu nổi...

Một con chim rừng vô tình bay qua thả tiếng kêu nhỏ nhẹ vào giữa mênh mông hoang vắng... Đang mơ màng, bỗng thấy tiếng Chòa dưới suối hét thất thanh... Khi thấy bóng chúng tôi lao xuống, Chòa vừa mặc vội chiếc quần vừa la to hơn: Chị Dung ơi! Nhanh lên, nhanh lên!

Tình thế nguy kịch. Dung đang lọt thỏm vào giữa đàn trâu rừng đánh hơi thèm muối với những cặp sừng nhọn hoắt. Toàn thân Dung trần truồng chỉ còn mỗi chiếc quần con mỏng, mặc khi tắm... Con trâu đầu đàn thấy người đến cứu trợ nên hăng máu lia đầu làm chiếc sừng nhọn hoắt xóc vào ngực Dung và hất cô bay qua lưng nó, một dòng máu tươi phun như tưới ngay giữa ngực của Dung. Nguy quá, tôi chỉ kịp rú lên và nhảy theo bế xốc cô lên mở đường chạy... Tôi xé mảnh quần đen cô giành giật được với đàn trâu rừng để băng vết thương cho cô. Chòa vừa khóc vừa giúp tôi băng vết thương trên ngực cho Dung... Tôi cởi vội chiếc áo rộng thùng thình, nhớp nháp của mình để mặc cho Dung. Trời sắp tối, đoạn đường thì vắng quá... Bước thêm vài bước, máu từ vết thương của Dung rỉ ra ướt đầm ngực áo tôi... Mắt tôi nhòa đi khi thấy đôi mắt nhắm nghiền của Dung...”.

Có những nỗi đau về thân phận con người, có những sự hy sinh trong cuộc trường kỳ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã được những nhà văn khắc họa sâu đậm để khi đọc những trang văn của họ, chúng ta không nguôi thổn thức về sự hy sinh tuổi trẻ của những con người của một thời như thế và cố nhà văn Kiều Vượng là một trong số đó. Ông hiện diện trong đoàn quân thanh niên xung phong đi mở đường biên giới, con đường mở ra nhằm tạo nên huyết mạch cho chiến trường của những thập niên trước đem theo biết bao cuộc đời “muối mặn, gừng cay”, biết bao cuộc tình thanh xuân nửa chừng giang dở và cả những mùa xuân đi qua trong sương giăng, giá buốt. Cho dù có như vậy, những chàng trai, cô gái vẫn bám trụ tới cùng, để con đường mở ra như một giấc mơ cho những đoàn quân đi về miền biên viễn giải phóng quê hương, dựng xây đất nước.

Mùa xuân trên vùng trời thủng là một đoạn văn ám ảnh bạn đọc bởi cây bút phản ánh hiện thực của cố nhà văn Kiều Vượng viết về lực lượng thanh niên xung phong đi mở đường. Nơi họ sống và lao động không có tiếng súng nhưng tràn ngập gian nan, khó khăn chồng chất bởi tuổi thanh xuân và máu của họ đã để lại trên con đường hữu nghị Việt – Lào, nhưng họ vẫn bám trụ như những rễ cây xù xì bám vào đất rừng để giấc mơ về một con đường trở thành hiện thực. Đặc biệt, có những mùa xuân đi qua Cổng Trời với bao vui buồn của một thời tuổi trẻ hồn hậu, dũng cảm và can trường nhưng không kém phần lạc quan, năng động, tràn ngập tình yêu thương con người giữa cõi âm u của rừng xanh, núi thẳm. Tết đã đến, xuân đang về, xin gửi lòng tri ân sâu sắc của bạn đọc đến một “Vùng trời thủng” của cố nhà văn Kiều Vượng!

Viên Lan Anh


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]