(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã và đang làm sống lại tình yêu và ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của những người con làng Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), làm sống dậy nhiều loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên, mai một như múa sanh ngô và hát trống quân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Múa sanh ngô, hát trống quân - đặc sắc văn hóa Hồng Nhuệ

Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã và đang làm sống lại tình yêu và ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của những người con làng Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), làm sống dậy nhiều loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên, mai một như múa sanh ngô và hát trống quân.

Câu lạc bộ văn hóa làng Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) biểu diễn trong các dịp lễ, hội tại đình làng.

Địa danh Hồng Nhuệ xưa kia tục gọi là Đại Nhuệ. Tương truyền từ thời vua Lê Nhân tông (1447) từ ngoài khơi xa nổi lên một cơn sóng lớn trôi dạt vào bờ biển Đông Triều một bát hương có dòng chữ “Cao Sơn Đại Vương”, người dân Đại Nhuệ nhặt lên lòng vui sướng phấn khởi vô cùng đem về làng cùng mọi người hoan hỷ, ca hát và lập một ngôi đình để thờ vị thần chủ của mình là Cao Sơn Đại Vương - một vị thần trong số 50 người con của mẹ Âu Cơ - cha Lạc Long Quân. Cũng từ đó, dân làng đề ra luật hàng năm tế lễ theo các kỳ từ sơ hội đến kỳ phúc liên tục trong các mùa xuân - thu. Ngày hội mở ra một quang cảnh tấp nập đông vui bằng những vũ điệu sanh ngô, là điệu múa được kết hợp hài hòa giữa lễ dâng hương, dâng hoa, dâng rượu và văn tế theo quân trống rước, trống tế, nhạc lưu thủy của phường bát âm dưới sự điều hành của chủ tế.

Múa sanh ngô có nhiều tên gọi khác nhau như điệu làng Hồng (gọi theo tên làng Hồng Nhuệ) hay điệu múa chim Phượng (trong đình làng có lưu giữ đôi chim Phượng bằng gỗ)... Sanh theo tiếng Hán có nghĩa là sinh sống, phát triển. Ngô là cây ngô đồng. Múa sanh ngô là điệu múa theo kiểu con chim Phượng đậu trên cây ngô đồng (thể hiện sự phồn thực của cư dân). Sở dĩ người dân làng Hồng hay gọi là điệu múa chim Phượng là bởi đạo cụ chính là 2 con chim Phượng có màu sắc sặc sỡ (1 con đực và 1 con cái tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở) được trang trí rất bắt mắt. Trên mỗi đôi cánh của đôi chim Phượng có đeo 12 quả chuông để khi múa chuông đổ ra tiếng kêu. Khi tiếng chuông ở đôi cánh đôi chim Phượng vang lên là báo hiệu điềm lành về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, lòng dân phấn chấn. Tục truyền, vào đại lễ năm Nhâm Tý, trong lúc dân làng đang tế lễ bỗng nhiên có đôi chim Phượng hoàng bay đến đậu ngay trên nóc đình làng và cất lên tiếng hót lạ tai. Để tưởng nhớ hình ảnh đôi chim Phượng và vị thần Thành hoàng làng, hàng năm làng mở hội tế lễ, tổ chức lễ rước bằng kiệu song loan, kéo đôi ngựa Hồng, ngựa Bạch đến chùa, từ chùa lên đình có đội nhạc trống bản, thanh la, não bạt, mỏ tre, sáo nhị và có đội thanh niên mặc áo giáp đỏ vác tán lọng, đồ tế lễ, dàn nhạc bát âm... đặc biệt náo động, vui nhộn.

Người xôn sang

Cảnh xôn sang

Trong ngày lễ khai xuân Kỳ Phúc

Trời xuân khoe sắc

Nắng xuân buông xuống ánh dát vàng

Phượng hoàng ơi, Phượng hoàng ơi

Bay uyển chuyển dệt thành chữ Thái...

(Trích điệu múa chim Phượng)

Với loại hình âm nhạc mang sắc thái tâm linh nhưng hướng tới dân gian hóa về hình thức, xã hội hóa về nội dung làm cho câu hát, điệu múa trở nên phong phú, sinh động.

Từ đôi chim Phượng hoàng bay về kính lễ

Rồi bay lên như vẽ bốn chữ

Thiên-Hạ-Thái-Bình

Phượng trình tường bốn chữ quang minh

Muốn tất cả muôn dân đều thái bình

thịnh trị...

(Trích điệu múa chim Phượng)

Phải chăng vì thế mà dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, múa sanh ngô vẫn trường tồn. Và những người con đất Hồng Nhuệ vẫn nồng nàn, gắn bó, gìn giữ và lưu truyền loại hình âm nhạc tế lễ dân gian đặc sắc này qua thời gian.

Cùng với múa sanh ngô, hát trống quân cũng là trò diễn làm nổi bật sinh động và tôn nghiêm trong lễ hội. Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng có chung một đặc điểm là cách thức hát xướng, làn điệu giống nhau và sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn “lưu không giữa những câu đối - đáp. Một bên là hát xướng, một bên là hát đáp, khi hát gõ lên tang trống để làm nhịp, người ta gọi là trống thùng. Trống thùng được tạo ra bởi một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Khi gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng rồi kêu thành tiếng. Theo như lời kể nôm na của các cụ thì xưa kia, trống thùng làm bằng hai cọc tre và thanh tầm vông. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng để làm nhịp “lưu không” và thúc giục phe bên kia hát đáp lại. Âm thanh bập bùng, giai điệu thùng thình của nhạc cụ độc đáo này đã hòa quyện cùng tiếng hát ví von, trong trẻo của những cặp đôi nam thanh, nữ tú để bày tỏ những tâm tư, nỗi lòng.

Hội cá gặp nước, hội rồng gặp mây

Nay mừng tốt lúa, tốt cây

Đầu xuân Mậu Tuất vần xoay thái hòa.

Và bên kia đáp lại:

Thiều quang bốn cõi âu ca

Dân yên, nước thịnh, nhà nhà giàu sang.

Bằng các câu thơ lục bát, từng tốp nam - nữ có thể hát họa mọi thứ có ở trên đời. Cái độc đáo và cũng là cái sinh động, đặc sắc là lời ca phải đối ứng, giao duyên ứng tác nhưng vẫn chân tình, mộc mạc.

Bây giờ Mận mới hỏi Đào

Vườn Hồng đã có lối vào hay chưa?

Bên nữ đáp lại:

Mận hỏi thì Đào xin thưa

Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Tiếp theo lời hát họa là hát đố. Bằng hiểu biết của mình, người đố có thể đố về sự vật, hiện tượng, về xã hội, thiên nhiên, sự am hiểu, triết lý về luân thường đạo lý, lẽ sống ở đời để thử trí nhau nhưng khi ứng tác, ứng khẩu ngẫu hứng phải tuân theo thể thơ lục bát.

Lấy chồng phe thuận mừng cho

Lấy chồng phe thứ ai lo cho mình

Nửa đêm đánh trống thình thình

Áo tơi nón rách giật mình ra đi...

Hơn nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, nhưng nhịp trống, điệu múa, lời văn tế... vẫn vang vọng, khắc khoải trong nguồn sống bất tận của nhân dân làng Hồng Nhuệ. Vì lẽ đó, việc khôi phục, bảo tồn và trao truyền múa sanh ngô, hát trống quân cho thế hệ trẻ tiếp thu và phát huy sáng tạo đó là một trong những trăn trở của những lớp lớp cha anh. Hiện tại, cùng với việc xây dựng làng văn hóa, cán bộ và nhân dân trong làng Hồng Nhuệ đã sưu tầm, phục hồi và duy trì gìn giữ, phát triển hát trống quân, múa sanh ngô và thành lập câu lạc bộ văn hóa làng Hồng Nhuệ. Câu lạc bộ sau khi ra đời đã không ngừng phát huy sáng tạo, múa, hát để phục vụ nhân dân và quý khách thập phương trong các dịp lễ, hội và đã được lựa chọn đi giao lưu tại các dịp hè Sầm Sơn, lễ hội Lam Kinh (năm 2010), Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Để những câu hát trống quân, điệu múa sanh ngô sống mãi trong lòng của người dân Hồng Nhuệ cũng như trong tình yêu nghệ thuật văn hóa dân gian của người Việt, những người con của Hồng Nhuệ từ cụ già đến con trẻ đã và đang không ngừng duy trì, lưu giữ nét đẹp đặc sắc của loại hình văn hóa phi vật thể này như một niềm tự hào của người con đất Việt. Để xuân - thu nhị kỳ, mỗi người dân khi ghé qua đình làng Hồng Nhuệ lại thấy lòng lâng lâng, vui nhộn khi lắng nghe những làn điệu trống quân ví von, trong trẻo cùng trống tế và lời ca văn tế réo rắt.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]