(Baothanhhoa.vn) - Nằm dưới chân núi Róc - nơi hợp lưu giữa hai con sông Chu và sông Đặt, Nhân Trầm - Cửa Đặt từ xưa đã được biết đến là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một vùng non nước Nhân Trầm – Cửa Đặt

Nằm dưới chân núi Róc - nơi hợp lưu giữa hai con sông Chu và sông Đặt, Nhân Trầm - Cửa Đặt từ xưa đã được biết đến là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Một vùng non nước Nhân Trầm – Cửa Đặt

Vẻ đẹp của hồ Cửa Đạt – công trình trọng điểm quốc gia.

Nơi đây nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được ví như Amazon của Việt Nam bởi giá trị đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hai vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ, nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, là môi trường sinh cảnh lý tưởng cho các loài động vật cư trú và phát triển. Khu bảo tồn có nhiều ngọn núi cao trên 1.000 mét như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo quanh năm sương mù bao phủ và lạnh giá, rất hấp dẫn đối với giới du lịch mạo hiểm, những người ham muốn chinh phục và khám phá thiên nhiên. Địa chí huyện Thường Xuân chỉ ra rất rõ ràng rằng: Động Nhân Trầm, đến thời vua Minh Mệnh – triều Nguyễn là xã Nhân Trầm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là vùng đất thuộc các xã Thanh Cao, Hiệp Tháp. Đến năm 1963, nơi này được tách ra thành lập xã Xuân Mỹ, nay là vùng lòng hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt. Án ngữ nơi thượng nguồn sông Chu, cách đập Bái Thượng khoảng 17 km về phía thượng lưu, hồ chứa nước Cửa Đạt có dung tích gần 1,5 tỷ m3 với Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt gồm 2 tổ máy phát điện thương mại có tổng công suất 97 MW, bổ sung nguồn cung cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 430 triệu kwh mỗi năm. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, mục đích nhằm tạo nguồn nước tưới ổn định cho gần 87.000 ha đất canh tác; đóng vai trò quan trọng vào việc cắt lũ, bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái; bổ sung nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; tạo điều kiện phát triển du lịch... Không chỉ là vùng non nước hữu tình với cảnh sắc thiên nhiên kì vĩ “hội sơn tụ thủy”, quanh đây có nhiều địa danh gắn liền với các huyền thoại và những câu chuyện kể của nhân dân trong vùng về người anh hùng dân tộc - Bình định vương Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Khởi nghĩa Lam Sơn được nghiên cứu, tìm hiểu dựa trên sự phân chia theo 3 giai đoạn lớn: Hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa (1418–1423); mở rộng phạm vi, tiến vào khu vực phía Nam (1424–1425) và Giải phóng Đông Quan (1426–1427). Trong đó giai đoạn hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa được xem là khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa khi lực lượng thì mỏng, quân lương thì thiếu thốn. Do sự tương quan lực lượng cũng như điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn nên thời kì này, nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần bị quân Minh vây đánh, phải rút chạy lên núi Chí Linh. Vùng Nhân Trầm lúc bấy giờ trở thành địa điểm chiến lược quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong việc bảo vệ căn cứ Chí Linh. Bởi lẽ, nơi đây có cả đường thủy, đường bộ dẫn lên phía sau vùng núi Chí Linh; là “cửa ngõ” để đi vào vùng đất phía Nam và Tây Nam từ Vấn Mang (mường Ván – Trịnh Vạn), Lẫm Lộ (Lâm Lư) cho đến các huyện Tây Bắc tỉnh Nghệ An, là hậu phương rộng lớn cho hoạt động của nghĩa quân. Trong các lần thứ nhất và thứ hai nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh, quân Minh đã cho quân tiến lên núi theo đường Nhân Trầm – Cửa Đặt để đánh úp nghĩa quân. Lê Lợi và nghĩa quân dựa vào địa hình, địa thế hiểm trở của vùng đất này để đặt phục binh tiêu diệt giặc.

Chính diễn biến cam go của giai đoạn nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa đã để lại nhiều giai thoại đẹp, nhuốm màu huyền bí với nhiều dấu tích còn lưu lại đến ngày hôm nay, trở thành niềm tự hào của đất và người nơi này. Tương truyền, thời kỳ đầu khi nghĩa quân Lam Sơn còn non yếu, nghĩa quân bị quân Minh truy đuổi phải chạy về phía thượng nguồn sông Chu. Ở đây, nghĩa quân đã dựng lán, hạ trại để tập luyện và rèn binh khí. Dấu vết lán trại thì không còn nhưng trên sông vẫn còn hòn đá, nơi Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi mài son rửa bút (có tích lại nói rằng để chuẩn bị cho những ngày chiến đấu tiếp theo, Lê Lợi chọn nơi đây rèn vũ khí. Khi gươm, giáo làm xong được đem ra hòn đá nơi đây để mài, họ miệt mài làm đến nỗi nước ở khúc sông đó đen như mực nên gọi là hòn Mài Mực). Nơi hòn đá ông ngồi còn vết lõm xuống cạnh chỗ mài mực, chỗ gác bút. Đồng bào quanh vùng lưu lại những câu ca xung quanh sự tích hòn Mài Mực nhằm ca ngợi tinh thần, khí phách của nghĩa quân Lam Sơn: “Mài mực nuôi con, mài son đánh giặc”. Khi xưa núi rừng heo hút, đường đi lối lại khó khăn, để đi lên vùng Nhân Trầm một cách nhanh chóng, thuận lợi thì Lê Lợi đã cho đóng các bè để nương theo dòng nước sông Chu mà di chuyển lên. Đến ngã ba của con sông Chu và con sông Đặt hiện nay, nhân dân địa phương thường để lương thực tiếp tế cho nghĩa quân ở hai bên bờ sông. Vì thế con sông này được Lê Lợi đặt tên gọi là sông “Đặt”, ngã ba nơi con sông Đặt hợp lưu vào sông Chu gọi là cửa sông Đặt, sau dân gian quen gọi tắt là Cửa Đặt (hay còn gọi là Cửa Đạt).

Một vùng non nước Nhân Trầm – Cửa Đặt

Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của vùng non nước Nhân Trầm – Cửa Đặt.

Nhận thức được tiềm năng, lợi thế của vùng non nước Nhâm Trần – Cửa Đặt; cùng với việc thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định 4168/QĐ-UBND ngày 12-12-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 hợp tác, liên kết phát triển với các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp; nghị quyết phát triển du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 của Chi bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên xác định rõ: Tập trung đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch có chất lượng, tạo thương hiệu để khai thác 3 tuyến điểm gồm: Tuyến tham quan thắng cảnh hồ Cửa Đạt - thác Hón Yên; tuyến thác Thiên Thủy; tuyến tham quan thắng cảnh rừng nguyên sinh Pơ mu, Sa mu kết hợp văn hóa bản sắc cộng đồng người Thái và nghỉ dưỡng homestay bản Vịn. Trong đó, chỉ tiêu phát triển dịch vụ du thuyền hồ Cửa Đạt từ 10 tầu, thuyền vận chuyển hành khách từ 4-24 chỗ ngồi, quy mô phục vụ 200 khách/lượt. Riêng đối với điểm bến thuyền Cửa Đạt, nằm trong tuyến du lịch: Trung tâm đón tiếp du khách - hồ Cửa Đạt - thác Hón Yên sẽ nỗ lực hoàn thành dự án bến nổi từ sửa chữa nâng cấp hệ thống phao phà; công trình nhà vệ sinh công cộng; công trình đường dây hạ áp 0,4KV (3 pha) từ vai tả ngạn đập Cửa Đạt đi Trạm Kiểm lâm Cửa Đạt; công trình nhà chờ, điểm dừng nghỉ chân kết hợp dịch vụ bán hàng, trông giữ xe; hệ thống thu gom xử lý rác thải; hệ thống biển cảnh báo, nội quy bến thuyền, biển cấm, biển chỉ dẫn tham quan; cảnh quan cây xanh dọc tuyến đường lên bến thuyền...

Để tiềm năng, thế mạnh có thể “đẻ được trứng vàng”; để nội dung nghị quyết phát triển du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 của Chi bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đi vào thực tiễn cuộc sống một cách có hiệu quả cần có những giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực: Tăng cường quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; đầu tư hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường khách du lịch; nguồn vốn đầu tư. Tất cả đều hàm chứa những mệnh đề khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm, phối hợp thực hiện của chính quyền, các ban, ngành liên quan và cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]