(Baothanhhoa.vn) - Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” dung dị như tình người, như thiên nhiên. Nó đẹp cái vẻ đẹp của một bản Mường dưới buổi mai rạng rỡ giữa núi rừng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước” - linh hồn văn hóa Mường

Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” dung dị như tình người, như thiên nhiên. Nó đẹp cái vẻ đẹp của một bản Mường dưới buổi mai rạng rỡ giữa núi rừng...

Bá Thước - một “cái nôi” của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”.

Hàng nghìn năm sinh tồn trên mảnh đất xứ Thanh, người Mường đã tạo dựng cho mình một vị thế và “tiếng nói” quan trọng, nhờ bởi những cộng đồng người đông đảo, cư trú trên địa bàn tương đối rộng và hơn hết là một kho tàng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, giàu giá trị và có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Bộ mo sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước” là đại diện tiêu biểu và nổi bật bậc nhất cho văn hóa Mường.

Theo một số tài liệu còn chép lại thì cho đến trước năm 1945, Thanh Hóa có 38 mường, gồm nhiều mường lớn – mường gốc, như mường Đủ, mường Khô, mường Ống, mường Dược, mường Chếch, mường Rặc... Các Mường này đều được khai sinh từ thời “đẻ Mường” xa xưa trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Người Mường đã định cư lâu dài trong các thung lũng, cận kề các dòng sông, con suối, khe, hón mà hình thành nên các mường, bản, chòm hay một xã hội hoàn thiện và ổn định, gắn với hệ sinh thái hang động – thung lũng độc đáo. Có lẽ, cũng chính sự quần cư gắn bó chặt chẽ và bền vững với tự nhiên mà người Mường đã có cách lý giải sự hình thành và trật tự thế giới tự nhiên cũng như xã hội loài người một cách dung dị, hồn nhiên, nhưng không kém phần chặt chẽ và đầy ấn tượng trong “Đẻ đất đẻ nước”? Rồi cả những ẩn ức, ý thức, tính cách dân tộc cũng lấp lánh trong thế giới sử thi mà ngày nay người ta vẫn đang dựa vào đó để đào thêm những tầng vỉa của văn hóa học, dân tộc học... của dân tộc này?

“Đẻ đất đẻ nước” là thiên sử thi đồ sộ, dài ngót vạn câu thơ, kể về sự hình thành thế giới tự nhiên và xã hội loài người, đồng thời, phản ánh quan niệm của con người về thế giới và cuộc sống của một dân tộc. Bắt đầu từ thời kỳ hỗn mang mờ mịt “dưới chưa có đất, trên chưa có trời”, đến khi “đẻ đất”, “đẻ nước” và xuất hiện cây si 1919 cành, mỗi cành sinh ra một mường – “đẻ Mường”, rồi “đẻ người”, “đẻ năm tháng”... Đó cũng là quá trình con người xây dựng nên một cộng đồng bền vững, với quá trình hoàn thiện chế độ cai trị và lãnh thổ, cùng sự xuất hiện các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội và cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn để kết thúc bằng việc “đưa vua về đồng chì tam quan kẻ chợ”. Mặc dù vậy, để có thể hiểu hết về tác phẩm cũng như giá trị và sức sống của nó là điều không dễ. Và tôi đã đem cái phần khó lý giải ấy đến hỏi nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh, một người con “đậm chất” Mường, cũng là người am hiểu sâu sắc và có niềm say mê, mến yêu dành cho văn hóa Mường. Đặc biệt, cũng nhờ mối duyên nợ tốt đẹp giữa ông với thiên sử thi, khi cụ thân sinh là một nghệ nhân mo đã dắt theo cậu con trai chừng 11, 12 tuổi đi khắp Mường trong, Mường ngoài tìm gặp các nghệ nhân cao tuổi để chép lại từng câu thơ. Cũng bởi vậy mà sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đã ngấm vào máu để thôi thúc ông tìm về với cội nguồn văn hóa Mường.

Theo ông Vương Anh, “Đẻ đất đẻ nước” được hình thành và hoàn chỉnh trên cơ sở người Mường đã là một dân tộc cụ thể - lịch sử. Dân tộc ấy cư trú trên một vùng đất nhất định, đã tích lũy được một vốn văn hóa nhất định, đã đạt đến một trình độ văn minh nhất định. Điều này được lý giải ngay trong thiên sử thi, khi “Đẻ đất đẻ nước” thể hiện rất rõ ý thức khác biệt giữa người Mường với các dân tộc khác; đồng thời, trong sử thi cũng xuất hiện một phổ hệ nhà lang mà nguyên tắc của nó không khác mấy với nguyên tắc của phổ hệ nhà lang người Mường thời kỳ phát triển sau này. Khi đánh giá trình độ sự phát triển của một dân tộc, hay một tộc người, người ta thường dựa vào tiềm lực kinh tế, quân sự hay khoa học - kỹ thuật. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi, sức mạnh hay sự vĩ đại của một dân tộc còn được đong đếm dựa trên các di sản văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, ngôn ngữ, tri thức... mà ta vẫn thường gọi bằng danh từ chung là văn hóa. Nếu không có yếu tố ấy thì một dân tộc sẽ lấy gì để khu biệt mình với các dân tộc khác và con người sẽ “neo đậu tâm hồn” mình nơi nào? Vậy nên, hẳn là, cũng nhờ bởi nguồn sức mạnh nội sinh tiềm tàng này mà dân tộc Mường đã tạo dựng cho mình một chỗ đứng không thể thay thế trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam?

Sử thi là trí tuệ của dân gian và vì thế, nó có lối diễn xướng cũng hết sức dung dị, gần gũi đời sống. Ví như, nghệ thuật diễn xướng sử thi Ramayana của Ấn Độ diễn ra trên một vùng đồng bằng sông Hằng rộng lớn, vào mùa thu, sau vụ gặt lúa mì và diễn viên đều là quần chúng lao động bên cạnh các nghệ sĩ dân gian đã thuộc lòng bản anh hùng ca này. Còn sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường lại có một lối diễn xướng hết sức độc đáo, trong không gian sinh tồn đặc biệt của nó: Lễ nghi tang ma. Vì sao lại vậy? Tác giả của cuốn “Mo sử thi dân tộc Mường” cho rằng, “Đẻ đất đẻ nước” có liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên và thành hoàng được biểu hiện cụ thể trong đám tang. Thiên sử thi này được diễn xướng trong đám tang là được đặt đúng vị trí và xứng với tầm quan trọng của một đời người, một gia đình, một dòng tộc và cả cộng đồng Mường bản. Đứng trước linh hồn người đã khuất, người sống sẽ cùng ôn lại quá trình lịch sử vẻ vang của cha ông, từ đó, truyền lại cho mỗi người một tình cảm, một sức mạnh và niềm tin vào quá khứ, vào tương lai. Giáo dục người sống là mục đích chính của mo sử thi.

Cũng bởi vậy mà câu chuyện ông kể về thiên sử thi - với một quy trình diễn xướng đặc biệt và trong một “không gian nghệ thuật” cũng độc đáo không kém liên quan đến lễ nghi quan trọng bậc nhất trong vòng đời người - đã dẫn dắt tôi đi qua nhiều cung đoạn của xúc cảm, của thời gian và cả không gian sử thi vừa dung dị như đời sống, vừa linh thiêng như thế giới tâm hồn - tâm linh người Mường. Đó là những hồi ức về những đêm mo thâu đêm, mà cái giọng đều đều của thầy Mo thi thoảng được xen kẽ và điểm xuyết bằng vài tiếng chuông lanh lảnh, lắc lư theo vũ điệu cơ thể mà người diễn xướng phỏng lại hành động trong sử thi. Rằng, “Chặt chu đã chặt gốc/ Trốc chu đa trốc rễ/ Lang Cun Khương kêu trai, gọi trẻ/ Chặt dây để xâu mũi kéo tay/ Buộc dây kéo xuống/ Kéo lộn kéo lồng/ Bắt ông già chặt cây làm đà/ Con gái, con trai ùn ra cùng kéo...”. Phong tục người Mường phản ánh tư duy, tâm lý, điều kiện sống, trình độ kinh tế của một dân tộc có nhiều gắn bó với thiên nhiên và cộng đồng. Đồng thời, liên quan nhiều đến tín ngưỡng, nhất là tín ngưỡng cổ - nguyên thủy như tang ma và ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới tâm linh xã hội Mường cổ truyền.

Tục tang ma là chặng cuối trong vòng đời người, vì vậy, nó có những nghi thức và nguyên tắc riêng, được cả cộng đồng chấp nhận và gìn giữ. Khi người chết được cho vào quan tài, người nhà sẽ chuẩn bị cỗ cúng, thực phẩm (trâu, bò, lợn, gà), rượu... Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, ý thức và nhu cầu của tang chủ, địa vị của người chết và trình độ của ông Mo, đám tang người Mường thời xưa có thể kéo dài 1 vài đêm cho đến 12-13 đêm. Sở dĩ, có những đám tang kéo dài là bởi tang chủ muốn diễn xướng trọn vẹn ngót vạn câu thơ “Đẻ đất đẻ nước”. Người Mường khi chết là “lên Mường Trời” và ông Mo dùng lời mo giúp đưa hồn người chết đi lên cõi trời (mo Vải); tiếp đó là mo Tiêu hay mo kể chuyện cũng chính là phần diễn xướng sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Ngoài ra, trong đám tang còn xuất hiện một số tiết mục văn nghệ dân gian như một hình thức “đệm” cho diễn xướng mo, hoặc có thể diễn xướng độc lập, như các trò múa trống, chèo tế, chèo đưa, xường... Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh, sở dĩ xuất hiện các hình thức nghệ thuật này là bởi người ta muốn tạo cho đám tang không khí vui vẻ hơn, nhằm giảm bớt sự bi thương, để giữa người sống và người chết có sự giao cảm hài hòa và để hồn ma ra đi thanh thản.

Không gian diễn xướng sử thi “Đẻ đất đẻ nước” là một “cõi thiêng liêng” và nghi thức tang ma cũng có thể ví như một “bảo tàng” thu nhỏ về đời sống văn hóa - tâm linh người Mường. Cũng vì ý nghĩ tích cực ấy mà nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh cho rằng, sẽ thật phi lý khi chỉ nhìn thấy mo mà không thấy cả dòng lịch sử cuồn cuộn chảy xiết trong “Đẻ đất đẻ nước”. Sử thi này lấy con người làm trung tâm và làm tiêu chuẩn cho suy nghĩ và hành động; lấy con người làm tiêu chuẩn của thần thánh và lấy cuộc sống làm chân lý kiểm nghiệm. “Đẻ đất đẻ nước” dung dị như tình người, như thiên nhiên, nó đẹp cái vẻ đẹp của một bản Mường dưới buổi mai rạng rỡ giữa núi rừng. Ông tâm sự: “Đẻ đất đẻ nước” từ khi ra đời đến nay đã là nguồn cổ vũ dân tộc Mường tiến lên, an ủi dân tộc Mường trong mọi khó khăn và bây giờ nó sẽ vang lên một âm hưởng mới góp vào âm hưởng vĩnh cửu của những tâm hồn, những tấm lòng. Muôn đời sau vẫn còn rung động vì vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc, hiền lành, khoẻ khoắn của cấu trúc thơ Mường. Muôn đời sau sẽ uống nguồn tươi mát của dòng sông văn học Mường cho lòng mình nóng lên mà làm lại cuộc sống, mà xây dựng nên đất nước, tình người, mà thực hiện cái ước mơ bình đẳng cho mọi linh hồn khi rời xa cõi thế”!


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]