“Miền cổ tích” là cuộc chơi mới với chất liệu sơn mài của Nguyễn Quốc Huy. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 29 tác phẩm mới nhất của “gã” họa sỹ với cá tính mạnh và sở hữu một phong cách khác biệt này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Miền cổ tích" và cuộc chơi mới với sơn mài của họa sỹ Việt

“Miền cổ tích” là cuộc chơi mới với chất liệu sơn mài của Nguyễn Quốc Huy. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 29 tác phẩm mới nhất của “gã” họa sỹ với cá tính mạnh và sở hữu một phong cách khác biệt này.

Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy (trái) và họa sỹ Thành Chương tại triển lãm: (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 17/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Hàn Quốc (số 49 Nguyễn Du, Hà Nội).

Giấc mơ cổ tích

Nguyễn Quốc Huy (sinh năm 1971) là một trong số các họa sỹ đương đại thành công trong việc thổi làn gió mới cho chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh của anh gói trọn những kỹ thuật điêu luyện của một họa sỹ tài hoa.

Có thể ví “Miền cổ tích” như cuộc thả trôi cảm xúc của tác giả trong thế giới của những sắc màu (khi thâm trầm, lúc rực rỡ, tươi mới), đưa người xem đến với khung cảnh bình dị, sâu lắng của làng quê Việt với mái đình làng, dãy tường gạch, gốc đa, bến nước…

“Tôi muốn kể câu chuyện về quê hương, xứ sở bằng những ký ức, hoài niệm về quá khứ, nỗi khắc khoải mơ hồ đan xen cùng những cảm xúc dâng đầy của hiện tại,” họa sỹ Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.

Cứ như vậy, anh đưa người xem vào một hành trình khám phá, cảm nhận vẻ hoang dã, thẳm sâu và cô liêu của đại ngàn, nét trầm lắng, bình yên của vùng trung du... Từ đời thực bước vào tranh Nguyễn Quốc Huy, những khung cảnh (như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, đền Voi Phục, làng Sen quê Bác…) mang dáng dấp vừa quen vừa lạ nhờ lối hòa sắc từ đơn giản đến phức tạp. Sự chuyển dịch linh hoạt, tinh tế của sắc xanh, vàng, đỏ, nâu, xám… mang đến cho người xem cảm nhận về một thế giới thực-ảo đan xen.

Đặc biệt, trong những bức tranh vẽ mây, núi, sương mờ (như “Xuân nhạt,” “Bồng lai,” “Sớm Hồ Gươm”…), người xem có thể cảm nhận được bước đi của thời gian.

Phần lớn những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm “Miền cổ tích” là những bức tranh khổ lớn (120x180cm) với rất nhiều chi tiết nhỏ được xử lý cẩn trọng, công phu. Nguyễn Quốc Huy bảo, anh mất từ 1 đến 3 năm để hoàn thành mỗi bức tranh như vậy.

Trong tranh của Nguyễn Quốc Huy, con người rất ít xuất hiện. Họa sỹ bảo, anh muốn dành ra những “khoảng trống” để người xem tự đặt mình vào đó, tưởng tượng và trải nghiệm những cảm xúc mới, thoát ra ngoài sự áp đặt chủ quan của họa sỹ.

Kẻ dấn thân

Trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam, sơn mài là chất liệu quen thuộc mang vẻ huyền bí, thôi thúc các họa sỹ không ngừng tìm tòi, sáng tạo những phương thức thể hiện, thủ pháp mới nhằm tạo dấu ấn cá nhân riêng trên nền giá trị truyền thống.

“Ngắm nhìn những họa phẩm được giới thiệu tại triển lãm ‘Miền cổ tích’ nói riêng và dõi theo hành trình sáng tạo bền bỉ của Nguyễn Quốc Huy nói chung, tôi thấy rõ được sự kỳ công, tận hiến của anh. Nguyễn Quốc Huy diễn tả sinh động những ngóc ngách khó tìm của những phong cảnh tưởng chừng như đã quá quen thuộc (Sa Pa, Hồ Gươm…). Tranh của anh vừa có sự thả trôi của cảm xúc vừa có sự điều khiển nghiêm cẩn của lý trí, thể hiện qua kỹ thuật điêu luyện,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ.

Nét mờ ảo, sự huyền bí, lung linh ấy là thành quả sau khoảng một thập kỷ tìm tòi, thử nghiệm kỹ thuật mới để đưa sơn mài ra khỏi khuôn mẫu sáng tác truyền thống của họa sỹ Nguyễn Quốc Huy.

“Trước bao ngã rẽ, tôi đã tìm được đường đi cho riêng mình. Tôi muốn biến điểm yếu của sơn mài thành thế mạnh của chính nó bằng nỗ lực làm chủ kỹ thuật điều khiển độ dày-mỏng, nặng-nhẹ của hơi nước.” họa sỹ chia sẻ.

Nguyễn Quốc Huy trở thành kẻ dấn thân, người mở đường đầy mạo hiểm trên hành trình sáng tạo nhọc nhằn, chông gai. “Đôi khi, tôi thấy mình như húc đầu vào đá khi cố gắng dùng sơn mài để diễn tả sương mù, hơi nước - những thứ không có hình dạng cụ thể. Đây cũng là điều mà hầu như không ai muốn làm. Thế nhưng, sau chừng 10 năm, nghề đã không phụ tôi. Khi ta cứ miệt mài đi mãi thì dáng dấp con đường cũng được định hình, lộ diện,” họa sỹ tâm sự.

Bà Park Hyejin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Ở Hàn Quốc, sơn mài cũng là một chất liệu truyền thống độc đáo. Nhiều họa sỹ đương đại vẫn thường xuyên lựa chọn chất liệu này để sáng tác.

“Thông qua triển lãm ‘Miền cổ tích,’ chúng tôi muốn góp phần quảng bá tranh sơn mài Việt Nam, tạo thêm cơ hội giao lưu cho các họa sỹ đam mê sơn mài của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc,” bà Park Hyejin cho hay.


Theo TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]