(Baothanhhoa.vn) - Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi phát hiện tại dòng họ Nguyễn ở thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) còn một bức tranh cổ, khắc họa chân dung danh nhân – Tể tướng Nguyễn Quán Nho. Bức tranh này được con cháu dòng họ Nguyễn ở đây xem như báu vật, truyền đời nâng niu, gìn giữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lưu giữ báu vật hơn 300 năm về danh nhân Nguyễn Quán Nho

Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi phát hiện tại dòng họ Nguyễn ở thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) còn một bức tranh cổ, khắc họa chân dung danh nhân – Tể tướng Nguyễn Quán Nho. Bức tranh này được con cháu dòng họ Nguyễn ở đây xem như báu vật, truyền đời nâng niu, gìn giữ.

Bức tranh quý về Tể tướng Nguyễn Quán Nho – một danh nhân người Thanh Hóa đang được lưu giữ.

Tại tiểu khu 8, khu phố Dương Hòa, thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), đền thờ tể tướng Nguyễn Quán Nho có quy mô không lớn, song cổ kính, trang nghiêm. Nằm ngay trong khu vườn gia đình ông Nguyễn Quán Quyền, đền thờ vị danh nhân người gốc Thanh Hóa khác biệt hẳn với những ngôi nhà xung quanh bởi mái ngói rêu phong, nóc nhà trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, trước cửa có đôi nghê chầu. Dẫn chúng tôi vào trong thăm đền thờ cụ tổ của dòng họ, ông Quyền – trưởng tộc họ Nguyễn Quán ở Vạn Hà giới thiệu tường tận về quy mô, những hiện vật liên quan đến cụ Nguyễn Quán Nho còn được lưu giữ. Khi chúng tôi gần ra về, ông Quyền còn “khoe” dòng họ ông vẫn còn lưu giữ một “báu vật” mà hiếm có dòng họ nào ở Việt Nam có được. Đó chính là bức tranh chân dung cụ Nguyễn Quán Nho với nét vẽ khá tinh xảo của một họa sĩ nhà Thanh (Trung Quốc) vẽ tặng khi ông được triều đình cử đi xứ phương Bắc. Mong muốn được xem bức tranh, ông Quyền vui vẻ dẫn chúng tôi về nhà mình. Theo ông, ở nhà thờ ít “hơi người” nên con cháu dòng tộc thống nhất để ông mang bức tranh về nhà nhằm tiện hơn cho việc gìn giữ và bảo vệ. Ông Quyền mở “hộp” đựng tranh, trong hộp là một ống luồng dài khoảng 1,3m, ông nhẹ nhàng lấy ra bức tranh đã cuộn tròn ngay ngắn một cách nâng niu. Lần dở “báu vật” ông treo lên phần mái hiên nhà để chúng tôi mục sở thị.

Bức tranh có chiều cao tới 1,6m, rộng khoảng 1m, bằng chất liệu lụa, có viền màu đỏ xung quanh. Trong hình là chân dung một người đàn ông cao lớn, mặt phúc hậu, mặc áo lụa hồng, đang ngồi cầm cây bút lông trên tay. Màu sắc các nét vẽ gần giống như sơn ngày nay. Do bị gấp/mở nhiều lần, trên bức tranh đã xuất hiện một số nét gẫy chân chim. Cái đặc sắc của bức tranh – theo cảm nhận của nhiều người là nhân vật được khắc họa với nét vẽ tinh xảo, có hồn, sắc mặt hồng hào gần giống như người thật. Trên nền bức tranh còn có nhiều dòng chữ Hán màu vàng óng ánh. Căn cứ những dòng chữ này, có nhiều người đã dịch được những thông tin liên quan đến bức tranh, như: Được vẽ vào năm 1697, do một nữ họa sĩ trong triều đình nhà Thanh vẽ tặng... Đến thời điểm hiện tại, bức tranh ước có tuổi đời hơn 300 năm.

Theo ông Quyền và một số người cao tuổi trong dòng tộc, khi cụ Nguyễn Quán Nho già yếu, xa chốn quan trường đã lui về quê nhà tĩnh dưỡng tuổi già và mang theo bức tranh này về. Sau khi cụ mất, con cháu từ đó hết đời này đến đời khác thay nhau gìn giữ bức tranh. “Thỉnh thoảng trời ấm nắng, tôi lại mang bức tranh ra phơi để chống mốc. Con cháu coi đây như là trách nhiệm, phải lưu giữ càng lâu càng quý” – ông Nguyễn Quán Quyền chia sẻ. Cũng theo ông Quyền, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, rất nhiều người được các triều đình phong kiến cử sang phương Bắc làm công tác ngoại giao, nhưng có lẽ chỉ mình cụ tổ Nguyễn Quán Nho được triều đình nhà Thanh cử người vẽ tranh tặng. Nghe nhiều câu chuyện truyền miệng kể lại, khi được tiếp xúc với vua nhà Thanh, cụ Nguyễn Quán Nho đối đáp rất thông minh nên nhà vua nước bạn có cảm tình, cử người vẽ tranh tặng.

Theo sử sách, Nguyễn Quán Nho sinh năm 1638, mất năm 1708, là người làng Đông Triều, xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên, thuộc thừa tuyên Thanh Hóa, thời Hậu Lê, nay thuộc tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa). Ông thi đậu trong các kỳ thi hương, thi hội và đỗ tiến sĩ khi mới 30 tuổi. Sau khi kinh qua nhiều chức quan, ông được bổ nhiệm giữ chức tể tướng – chức quan to nhất trong triều đình lúc bấy giờ. Một đời làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Khi trở về quê sống cuộc sống điền viên, ông hòa nhập, nên được xóm làng yêu quý. Khi mất đi, tài sản để lại không đủ xây dựng nhà thờ cho chính mình, mãi sau một viên quan địa phương nể trọng tài đức và sự thanh liêm của ông, nên đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng đền thờ ông ngay tại mảnh đất nhà thờ ngày nay.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]