(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng di tích bị “biến dạng”, “trẻ hóa” sau trùng tu, tôn tạo đang ngày càng trở nên phổ biến. Đó không còn là chuyện hi hữu hay sai sót nhỏ. Một bài toán khó cho ngành văn hóa, nhưng họ buộc phải hành động trước khi quá muộn!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lời giải nào cho bài toán trùng tu các khu di tích

Tình trạng di tích bị “biến dạng”, “trẻ hóa” sau trùng tu, tôn tạo đang ngày càng trở nên phổ biến. Đó không còn là chuyện hi hữu hay sai sót nhỏ. Một bài toán khó cho ngành văn hóa, nhưng họ buộc phải hành động trước khi quá muộn!

Lời giải nào cho bài toán trùng tu các khu di tích

Những thân cột, kèo cổ của đình Chánh sau khi được phá dỡ để trùng tu được bảo quản cẩn thận để những người thợ mộc giỏi tay nghề kiểm tra mức độ hư hại, đồng thời tìm phương án phục dựng.

Những câu chuyện đã rồi!

Làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã thuộc phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) từ lâu vốn được đánh giá là một trong 10 làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nhưng quá trình đô thị hóa đã khiến những dấu xưa của làng cổ dần mai một. Hiện hữu rõ ràng nhất cho tính “cổ” của làng Đông Sơn chính là 13 ngôi nhà cổ giờ chỉ còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Số còn lại bị chủ của chúng “cơi nới”, “chắp vá” để chống chọi với thời gian và phù hợp với cuộc sống thường nhật. Nào đảo ngói, thay cột, thay cửa, lát gạch hoa,... các hoạt động sửa sang cứ diễn ra liên tục, đẩy các ngôi nhà cổ đến nguy cơ biến mất hoàn toàn. Ngoài thực trạng 13 ngôi nhà cổ bị thay đổi, nét kiến trúc chung của làng cổ Đông Sơn cũng đang bị phá vỡ bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố với đủ loại màu sắc, những nhà nghỉ hiện đại, nhà hàng, khu vui chơi,... đang mọc lên làm mất dần đi cái “vốn cổ” nơi đây.

Khi được hỏi về tâm trạng trước cảnh làng cổ đang dần biến mất, người dân làng Đông Sơn ai cũng tiếc nuối, bởi họ muốn gìn giữ nhưng cùng đành buông xuôi trước áp lực của thời gian, của sự đổi thay trong nhịp sống hiện đại. “Tính trung bình kinh phí để bảo quản, trùng tu và hồi sinh một ngôi nhà cổ hết gần 400 triệu đồng, tùy thuộc vào sự xuống cấp còn cao hơn nữa. Số tiền này vượt quá khả năng của chúng tôi, trong khi các cơ quan chức năng không có động thái định hướng, giúp đỡ. Vậy nên, chúng tôi đành sửa sang ngôi nhà của mình theo hướng “bê tông hóa” cho vừa tiết kiệm chi phí, vừa chắc chắn. Hẳn nhiên, tính “cổ” của ngôi nhà sẽ không còn, nhưng đành phải chấp nhận thôi!” – ông N. – một trong những chủ nhân đang sở hữu nhà cổ của làng Đông Sơn bộc bạch.

Một câu chuyện buồn nữa về việc trùng tu di tích nhưng lại mang một kết quả ngược đó là việc trùng tu chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn). Cụ thể, theo thiết kế, nhà tổ có kết cấu kiến trúc hình chữ nhật gồm 3 gian bằng vật liệu bê tông cốt thép, vì kèo cấu trúc “giá chiêng chồng rường con nhị”, nhưng xã Nga Giáp đã tự ý thay đổi cấu trúc theo kiểu chữ Nhị gồm 7 gian tiền đường và 5 gian hậu cung bằng bê tông cốt thép. Hai nhà này được nối với nhau bởi hai nhà cầu hai bên. Hạng mục hai nhà sàn gỗ không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật và chưa được các cấp có thẩm quyền thỏa thuận phê duyệt cũng đã được dựng lên. Mặt khác trong mặt bằng tổng thể cũng không có hai hạng mục nhà sàn. Về hạng mục cổng tam quan và hạng mục tượng Quan Âm đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa được thỏa thuận, phê duyệt theo quy định. Các hạng mục trên được xây dựng mà chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật về di sản văn hóa. Điều đáng nói là, toàn bộ các hạng mục trái phép nêu trên đã cơ bản được hoàn thiện thì cơ quan quản lý Nhà nước về di tích mới phát hiện.

Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích... Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”. Như vậy, về nguyên tắc, việc trùng tu di tích phải thực hiện một cách cụ thể, bài bản. Đối với những di tích quá trình trùng tu phải tháo rời thì trước khi tiến hành trùng tu cần có bản vẽ, ảnh chụp, đánh dấu các cấu kiện một cách rõ ràng, cụ thể để cho việc lắp ráp khi phục dựng lại... Tuy nhiên, qua hai câu chuyện thực tế kể trên cho thấy, việc trùng tu di tích không phải khi nào cũng diễn ra một cách dễ dàng, đúng trình tự như vậy. Và cái giá chúng ta phải trả cho sự thờ ơ, thiếu quan tâm, thiếu nhận thức chính là sự mất đi của những giá trị cổ - niềm tự hào của cả một nền văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Khuyến, phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chia sẻ: “Trung bình mỗi năm đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát công tác trùng tu tại 30 điểm di tích. Nguyên nhân chính dẫn đến việc trùng tu các khu di tích còn gặp nhiều sai phạm là do sự thiếu quan tâm, xem nhẹ các quy định của pháp luật của một số cấp ủy, chính quyền sở tại trong công tác quản lý di tích. Đặc biệt, nhiều địa phương sau khi nhận được tài trợ từ nguồn xã hội hóa cho công tác bảo tồn đã xem nhẹ quy định của Nhà nước mà tự “thỏa hiệp” phương án trùng tu di tích với nhà tài trợ, gây nên nhiều sai phạm không thể khắc phục”.

Cần những giải pháp quyết liệt

Làm thế nào để cứu các di sản đang xuống cấp, phục chế và trả cho di sản đó đúng với giá trị kiến trúc lịch sử, văn hóa ban đầu. Một câu chuyện khó nhưng không phải thiếu lời giải, như câu chuyện trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình Chánh. Theo đó, chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của đình Chánh xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa): Mùa mưa nước ngập vào nền nhà, làm võng nền; tường trát vôi lở loét, bong tróc nhiều chỗ; mái bị dột nặng, nhiều phần gỗ bị mục nát có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào..., các vị cao niên trong làng đã họp bàn với nhau, và cùng đi đến thống nhất viết đơn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin quyết định trùng tu, tôn tạo lại đình Chánh. Sau khi có quyết định của sở, người dân trong làng bầu ra những cao niên am hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình nhất để tư vấn, sát sao, trông coi việc hạ giải ngôi đình với một quyết tâm cao: “Đảm bảo sự tồn tại tính nguyên gốc di tích, hạn chế tối đa tính can thiệp vào di tích, các thành phần thay thế phải phân biệt với phần nguyên gốc để tránh sự nhầm lẫn; ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo; tôn trọng quyết định của chủ thể di sản”. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo đình Chánh, chính quyền xã đã kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ sự tự nguyện đóng góp của người dân địa phương, đặc biệt là tinh thần ủng hộ của các mạnh thường quân xa quê. Cùng với cách làm và hướng đi đúng đắn này, đình Chánh đang được khẩn trương phục dựng từng ngày với viễn cảnh tươi sáng về một ngôi đình kiên cố, chắc chắn nhưng vẫn hoài lưu được nhiều nét cổ đặc trưng sẽ xuất hiện trong thời gian gần nhất.

“Để việc trùng tu di tích thực sự đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững, thiết nghĩ cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa, trình tự, thủ tục trùng tu, tôn tạo di tích. Đồng thời, đối với những công trình trùng tu có sai phạm, cần làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới từng bước đưa công tác quản lý di tích đi vào nền nếp; để việc trùng tu thực sự giúp các di tích trường tồn cùng với thời gian” - bà Nguyễn Thị Khuyến nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]