(Baothanhhoa.vn) - Đường đến mường Ký gập ghềnh quanh co theo đỉnh dốc. Từ ngàn năm trước, tổ tiên của người Thái đã đến định cư trên mảnh đất này. Trải qua quá trình dựng xây nhiều thế hệ, mường Ký ra đời, cùng với mường Ống, mường Ai, mường Lai, mường Khoòng..., tạo nên một xứ mường huyền thoại trải rộng khắp núi rừng miền Tây. Nhiều thế kỷ trôi qua, sự phát triển của đời sống đã khiến mường Ký xa xôi thuở nào trở nên gần gũi hơn với đồng bào dưới xuôi. Song, đến với mường Ký ngày hôm nay, chúng ta vẫn có thể thấy nhiều dấu ấn đậm nét của một nền văn hóa cổ xưa giàu bản sắc. Một trong những dấu ấn ấy là lễ hội Căm Mương - lễ hội ngàn năm linh thiêng của đồng bào Thái nơi này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Linh thiêng lễ hội Căm Mương

Đường đến mường Ký gập ghềnh quanh co theo đỉnh dốc. Từ ngàn năm trước, tổ tiên của người Thái đã đến định cư trên mảnh đất này. Trải qua quá trình dựng xây nhiều thế hệ, mường Ký ra đời, cùng với mường Ống, mường Ai, mường Lai, mường Khoòng..., tạo nên một xứ mường huyền thoại trải rộng khắp núi rừng miền Tây. Nhiều thế kỷ trôi qua, sự phát triển của đời sống đã khiến mường Ký xa xôi thuở nào trở nên gần gũi hơn với đồng bào dưới xuôi. Song, đến với mường Ký ngày hôm nay, chúng ta vẫn có thể thấy nhiều dấu ấn đậm nét của một nền văn hóa cổ xưa giàu bản sắc. Một trong những dấu ấn ấy là lễ hội Căm Mương - lễ hội ngàn năm linh thiêng của đồng bào Thái nơi này.

Linh thiêng lễ hội Căm MươngKhua luống – một hình thức diễn xướng đặc sắc trong lễ hội Căm Mương. Ảnh: Nguyễn Duy Khánh (Trung tâm VH, TT, TD-TT Bá Thước)

“Muốn biết về lễ hội Căm Mương, thì nhà báo phải hỏi Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh”. Anh Hà Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Văn Nho, huyện Bá Thước nhiệt tình giới thiệu, khi chúng tôi hỏi về lễ hội đặc sắc này. Có lẽ, ở Thanh Hóa, cái tên Hà Nam Ninh đã rất đỗi quen thuộc với những người quan tâm đến văn hóa Thái. Ông là người con của xứ mường Khoòng - người gần như đã dành suốt cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bằng tất cả lòng tự hào và sự cần mẫn, tận tâm.

Theo lời kể của Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, chúng tôi như ngược thời gian để trở về với một không gian lễ hội cổ xưa thấm đẫm sắc màu văn hóa. Lễ hội Căm Mương, trong tiếng Thái có nghĩa là “giỗ mường”. Đồng bào Thái lập ra lễ hội (ban đầu chỉ được tổ chức trong một ngày, vào dịp tháng Tám âm lịch hằng năm) để tưởng nhớ các vị thần, nhân có công tạo mường, tạo bản, khai phá ruộng nương; mong cầu mùa lúa mới tốt tươi, bản làng no ấm. Sau này, lễ hội gắn liền với ngày giỗ của vua Lê Thái tổ - vị minh quân có mối lương duyên đặc biệt với núi rừng Bá Thước.

Theo lịch sử, 600 năm trước, các xứ mường trên đất này là nơi bảo bọc, che chở nghĩa quân Lam Sơn trong buổi đầu khởi binh gian khó. Bởi vậy, cho đến nay, ở mường Ký vẫn còn lưu truyền câu chuyện cảm động của chàng Đon Ban giết cả con chó thân thuộc để làm cơm thết đãi quân tướng Lam Sơn, hay người con gái Thái, giả làm tiên nữ chỉ đường cho nghĩa binh vượt qua vòng nguy hiểm. Nhiều địa danh: Đèo Sống, đồng Ma Háng... tồn tại đến ngày nay, đều liên quan đến bước đường hành quân của nghĩa quân Lam Sơn thuở nào. Sự bao bọc hết lòng của đồng bào các dân tộc nơi núi rừng vùng cao đã giúp chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa quân củng cố lực lượng, tiếp tục kháng chiến cho tới ngày giành thắng lợi cuối cùng.

Khi vua Lê Thái tổ băng hà, người dân mường Ký đã gộp chung lễ hội cũ và lễ giỗ vua làm một. Từ đó, lễ hội Căm Mương được tổ chức trong 3 ngày, từ 20 đến 22 tháng Tám âm lịch hằng năm. Sau này, ngoài các nhân thần, nhiên thần, những nhân vật lịch sử có công lao dựng bản, tạo mường như Hà Công Vụ, Hà Văn Nho... đều được cúng rước trong lễ hội Căm Mương.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, trước đây, lễ hội Căm Mương được tổ chức vô cùng long trọng. Suốt cả năm, dân các bản háo hức mong chờ ngày lễ. Những sự “làm khéo làm khôn”, các lễ vật quý đều được nâng niu, dành dụm để đem ra thể hiện, bày biện trong 3 ngày diễn ra lễ hội.

Buổi sáng ngày đầu tiên, dân các bản mặc quần áo đẹp, náo nức đến giữa bãi đất trống đã được định trước trong mường làm lễ. Nơi diễn ra lễ hội chia thành 3 khoảnh đất. Một khoảnh làm nơi cúng tế, một khoảnh làm nơi vui chơi, với những trò vui nhộn như đánh chiêng, đấu vật, thi uống rượu cần, thi bắn nỏ... Hoạt động cúng tế, vui chơi diễn ra song song cùng lúc. Khoảnh đất còn lại là nơi ăn uống. Khi lễ tế đã xong, người dân sẽ trải lá cọ, mở tiệc mừng với thịt lợn, thịt trâu và những đặc sản của núi rừng quê hương.

Buổi chiều của ngày đầu tiên, các bô lão sẽ tới nhà trưởng mường, vừa uống rượu cần vừa luận bàn, xem xét việc thực hiện phong tục tập quán của cả mường trong một năm qua. Ai mắc tội bị đem xử phạt, ai làm nhiều việc tốt được khen thưởng. Những kẻ trộm cắp, loạn luân, làm phản, phóng uế xuống suối..., bị định tội tùy theo mức độ: Nhẹ thì bị phạt tiền, phạt bò, lợn, trâu mang ra khao bản; nặng hơn thì bị đánh đòn; những tội rất nặng có thể bị xử tử. Người có công với mường sẽ được thưởng cho chức tước hoặc những khoảnh ruộng tốt trong bản. Những cuộc họp bô lão này đều rất dân chủ. Tạo mường, lang đạo, nếu phạm lỗi vẫn phải nhận hình phạt như dân thường.

Trong khi các bô lão họp bàn việc mường, già trẻ gái trai sẽ rủ nhau thăm thú cảnh đẹp, thi hát hò đối đáp. Đây cũng là dịp tốt để trai gái của các bản trong mường tìm hiểu và nên duyên vợ chồng.

Bước sang ngày thứ hai của lễ hội, người dân tập trung đến khu vực đền thờ vua Lê Thái tổ cúng lễ, bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ vị anh hùng có công giải phóng dân tộc, mang no ấm bình yên đến với bản mường.

Ngày thứ 3, dân bản nào trở về bản ấy. Trong ngày này, các bản sẽ tổ chức lễ cúng thần bản (tương tự như thần hoàng làng dưới xuôi) - vị thần bảo hộ của riêng bản mình. Một số hoạt động vui chơi đặc sắc như thi cưỡi ngựa, thi bắn nỏ... được tổ chức tưng bừng rộn rã.

Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, dân các bản không được lên nương lên rẫy, vào rừng đốn củi, xuống suối bắt cá... Tất cả thời gian chỉ dành cho việc cúng lễ, vui chơi. Bởi vậy, chữ “căm” trong từ Căm Mương, ngoài nghĩa chính là “giỗ” còn mang nghĩa là “ngày kị” - “ngày cấm” của tất cả các hoạt động lao động sản xuất.

“Lễ hội Căm Mương, xuất phát điểm ban đầu là một nghi thức cúng bản, cúng mường của người Thái. Nhưng sau này, lễ hội được nâng cấp, gắn với nghi lễ quốc gia (lễ giỗ vua), không chỉ thờ thần, mà thờ cả những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, với bản mường. Đây là một trong những điểm đặc sắc của lễ hội này, để phân biệt với các lễ hội khác của người Thái”- ông Hà Nam Ninh cho biết.

Trong suốt nhiều thế kỷ, lễ hội Căm Mương được tổ chức tưng bừng, đã tô điểm sắc màu rực rỡ cho không gian văn hóa của khắp vùng mường Ký. Những năm 60 của thế kỷ XX, bởi nhiều lý do, lễ hội này dần mai một và thất truyền. Khoảng chục năm về trước, UBND huyện Bá Thước đã phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh, nỗ lực phục dựng thành công lễ hội Căm Mương với đầy đủ những nét văn hóa đặc sắc của lễ hội cổ truyền.

Xã Văn Nho, với việc chủ trì tổ chức nhiều kỳ lễ hội thành công, đã góp phần tái hiện và duy trì một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nói riêng, đồng bào vùng cao xứ Thanh nói chung. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Duẩn, chủ tịch UBND xã, vài năm gần đây, do khó khăn về mặt kinh phí, lễ hội Căm Mương đã không còn được tổ chức thường xuyên như trước. Nếu tình hình này diễn ra liên tục, nguy cơ tái thất truyền của lễ hội Căm Mương là hoàn toàn có thể. Làm sao để gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội trong đời sống cộng đồng là vấn đề nan giải, cần sự chung tay giải quyết của huyện Bá Thước và các ngành chức năng trong tỉnh.

Ngày hôm nay, về với mường Ký mới thấy, vùng đất miền Tây khó nghèo của xứ Thanh đã thay da đổi thịt. Người dân các bản làng xa xôi đã bắt đầu được tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại. Giữa nhịp sống ngày càng nhộn nhịp, với sự giao thoa, tiếp biến văn hóa càng lúc càng mạnh mẽ, sẽ có những giá trị cổ truyền dần mai một theo thời gian. Nhưng trên đất mường Ký, núi rừng vẫn xanh màu xanh thần thoại; những câu khặp vẫn vọng lời thiết tha của cha ông thuở hồng hoang mở cõi và lễ hội Căm Mương, theo cách nào đó, vẫn tồn tại trong đời sống, trong tâm tưởng cộng đồng, như bằng chứng sinh động cho lòng biết ơn tiền nhân tiên tổ trong buổi đầu tạo bản, lập mường, mở mang cương thổ đất nước và trấn ải biên cương bền vững ngàn đời...

Lam Giang


Lam Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]