(Baothanhhoa.vn) - Con người được sinh ra và lớn lên trên thế giới này là nhờ vào công ơn trời bể của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Điều đó lý giải vì sao, từ xưa tới nay, Lễ Vu Lan (lễ tục rằm tháng Bảy – âm lịch) đã trở thành nét đẹp trong văn hóa – tín ngưỡng của người Việt Nam. Đây chính là dịp để thế hệ con cháu tỏ lòng hiếu đễ, biết ơn sâu sắc dành cho bậc làm cha, mẹ, ông, bà, tiên tổ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ Vu Lan – đại lễ của những tấm lòng hiếu thảo

Con người được sinh ra và lớn lên trên thế giới này là nhờ vào công ơn trời bể của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Điều đó lý giải vì sao, từ xưa tới nay, Lễ Vu Lan (lễ tục rằm tháng Bảy – âm lịch) đã trở thành nét đẹp trong văn hóa – tín ngưỡng của người Việt Nam. Đây chính là dịp để thế hệ con cháu tỏ lòng hiếu đễ, biết ơn sâu sắc dành cho bậc làm cha, mẹ, ông, bà, tiên tổ...

Lễ Vu Lan – đại lễ của những tấm lòng hiếu thảo

Niềm vui của người con khi được cài bông hoa màu đỏ trên áo trong ngày Lễ Vu Lan. Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng

Câu chuyện cảm động về một người con hiếu thảo

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu thảo của ngài Ma ha Mục Kiền Liên – một trong số mười đệ tử giỏi nhất của Đức Phật. Mẹ của ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề, sinh thời làm nhiều điều ác. Khi bà mất đi, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn nhìn thấu tận cõi âm phủ, soi thấy mẹ mình đang phải chịu muôn vàn đau đớn, khổ sở, chịu đói, chịu khát. Thương xót trước tình cảnh của mẹ, ngài đi khất thực được một bát cơm dâng cho bà Thanh Đề. Vì sợ bị giành mất bát cơm nên bà Thanh Đề cố lấy một tay che miệng bát, một tay bốc cơm ăn hối hả. Tuy nhiên, những hạt cơm ấy khi vừa đưa lên miệng của bà thì bỗng hóa thành than lửa, không tài nào ăn nổi.

Đau đớn khôn cùng, ngài Mục Kiền Liên từ địa ngục trở về gặp Đức Phật, tỏ bày ý nguyện cứu mẹ khỏi bể khổ. Đức Phật nói với ông rằng: Nghiệp của bà Thanh Đề quá nặng, một mình ông không thể cứu được. Ông hãy đợi đến ngày tự tứ (tiết Trung nguyên - tiết giữa tháng đầu của mùa thu theo nghi tiết của Phật giáo), khi các tăng chúng giải hạ (kết thúc ba tháng mùa hạ các tăng ni tập trung ở một nơi để tu dưỡng đạo đức, học giáo lý...), sửa soạn lễ vật, tứ sự cúng dường (ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược), dâng cúng tăng chúng. Sau khi tăng chúng thọ dụng, họ sẽ làm pháp hội cầu nguyện cho người mẹ mang đầy tội lỗi của ông sớm được siêu sinh lên cõi Phật.

Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật chỉ dạy. Quả nhiên, bà Thanh Đề được giải thoát khỏi nơi ngạ quỷ. Không những thế, những người tội nhân ở gần bà Thanh Đề cũng được giải thoát khỏi cảnh khổ. Ngài Mục Kiền Liên vui mừng khôn xiết, tâu với Đức Phật: Nếu những người con có hiếu, muốn báo hiếu cha mẹ thì có thể sửa soạn lễ vật, tứ sự cúng dường để cầu cho cha mẹ được siêu sinh như thế không? Đức Phật nói: Đây là việc làm rất ý nghĩa. Nếu chúng sinh muốn báo hiếu cha mẹ thì vào ngày tự tứ có thể cúng dường, nhờ các tăng chúng làm pháp hội cho người thân đã quá vãng để họ sớm được siêu sinh.

Khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam; xuất phát từ câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên đối với mẹ, Lễ Vu Lan đã thực sự trở thành sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống Nhân dân. Hằng năm, vào ngày Lễ Vu Lan (rằm tháng Bảy - âm lịch), bằng tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn; những người con hiếu thảo trên khắp mọi miền Tổ quốc lại chu đáo chuẩn bị mâm cơm, đồ lễ dâng lên bàn thờ tổ tiên; sửa soạn lễ vật cúng dường tăng chúng, thành tâm bước vào cửa thiền, trước Đức Phật linh thiêng cùng cầu mong cho cha mẹ được bình an, mạnh khỏe (nếu cha mẹ còn sống) hoặc nếu cha mẹ đã quá vãng thì cầu mong cho họ được siêu sinh nơi cõi Phật. Chị Lê Thị Huyền (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Dẫu nhịp sống thường nhật có bận bịu, lo toan đến đâu thì vào ngày Lễ Vu Lan, tôi cũng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gia đình có thể cùng nhau tham dự Khóa lễ Vu Lan được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Chị tâm sự: “Nhiều người đi chùa cốt đau đáu cầu lợi, cầu danh. Tôi chẳng mong cầu gì nhiều ngoài sức khỏe, bình an cho gia đình, cha mẹ”.

Không thường xuyên lên chùa tham dự khóa lễ nhưng gia đình anh Trần Quang Minh (Hoằng Hóa) đón ngày Lễ Vu Lan theo một cách riêng. Anh Minh cho biết: “Ngày Lễ Vu Lan là một ngày lễ đặc biệt để những người con tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn, kính trọng đối với công ơn của cha mẹ mình. Vì là con cả trong gia đình lại ở cùng với bố mẹ nên vào ngày này, mấy anh chị em trong đại gia đình lại họp mặt ở nhà chúng tôi cùng sửa soạn đồ lễ, mâm cơm cúng gia tiên, sau đó thụ lộc. Xưa gia đình nghèo khó, bố mẹ vất vả với anh chị em chúng tôi nhiều, giờ có điều kiện hơn, chúng tôi chỉ mong bố mẹ có thật nhiều sức khỏe để sống vui vẻ, an nhàn bên con cháu”.

Nghi thức “bông hồng cài áo”

“Bông hồng cài áo” được xem là nghi thức quan trọng, cảm động, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc trong ngày Lễ Vu Lan. Nghi thức này được du nhập vào Việt Nam và lan tỏa rộng rãi trong tầng lớp sinh viên và gia đình Phật tử, bởi sức lay động mạnh mẽ của đoản văn “Bông hồng cài áo” do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên. Trong đoản văn này, ông kể lại câu chuyện khi cùng thầy Thiên Ân đi trên đường tới nhà sách khu Ginza ở Đông Kinh (Nhật Bản). Bất ngờ, có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong túi ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào áo tràng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trước sự ngỡ ngàng của Thiền sư, thầy Thiên Ân mới giảng rằng hôm nay là Ngày của Mẹ. Theo đó, vào ngày này, nếu ai còn mẹ thì sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo. Còn nếu ai đã mất mẹ thì sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng. Chính điều đó đã khơi dậy nỗi đau mất mẹ trong lòng Thiền sư. Ông giãi bày: “Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa”.

Sự khác nhau giữa muôn vàn sắc hoa bên ngoài thế giới tự nhiên là chuyện hết sức thường tình. Nhưng sự khác nhau giữa hai màu hoa trên ngực áo mỗi người trong ngày Lễ Vu Lan là muôn vàn cảm xúc hỗn độn, là cách biệt giữa niềm vui – nỗi buồn, nụ cười – nước mắt đối với cuộc đời mỗi người con: Người còn mẹ và người mất mẹ. Người còn có mẹ bên đời sẽ nhìn bông hoa hồng cài trên ngực áo mà vui cười trong niềm hạnh phúc, tự hào. Người mất mẹ sẽ xót xa lặng nhìn màu hoa hồng trắng. Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một, như đường mía lau”. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được mà ngày một cằn cỗi, héo mòn đi. Vì lẽ đó, đừng ai quan niệm rằng: Hiếu đễ với cha mẹ là bổn phận và trách nhiệm của người làm con. Cao hơn thế, hiếu đễ là “sự hưởng thụ” – hưởng thụ niềm vui, niềm hạnh phúc khi còn có mẹ, cha bên đời.

Thầy Thích Trúc Thông Tánh, Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng diễn giải: Đạo Phật luôn đề cao luật nhân - quả. Mọi việc xảy đến với mình đều xuất phát từ chính mình. Muốn chuyển biến hoàn cảnh của mình và những người thân xung quanh mình thì chính bản thân phải tự thay đổi từ trong nhận thức, hành động. Đừng hiểu sai rằng dẫu mình và người thân của mình làm nhiều việc xấu đến đâu nhưng chỉ cần vào ngày Lễ Vu Lan sắm sửa lễ vật cho nhiều, cho đẹp dâng lên chùa, nhờ các chư tăng làm lễ là sẽ được hóa giải hết. Cái cốt lõi của ngày Lễ Vu Lan không phải như vậy.

Chính vì hiểu sai như thế nên nhiều người thay vì cố gắng tu nhân, chăm chỉ làm việc thiện để tích đức cho cha mẹ và người thân thì lại chỉ chăm chăm lo nghĩ đến công danh, lợi lộc. Lúc cha mẹ còn sống thì nặng nhẹ, vô ơn, phụ nghĩa nhưng khi cha mẹ mất đi rồi lại mua sắm thật nhiều đồ lễ, vàng mã để “hóa xuống âm phủ” với hy vọng cha mẹ “phù hộ” cho mình. Truyền thống hiếu đạo là một trong những cốt lõi của đạo Phật. Đạo hiếu là đạo Phật, tâm hiếu là tâm Phật, hành hiếu là hành Phật. Vì lẽ đó, không quan trọng chúng ta là ai, lễ vật cúng dâng nhiều hay ít, mà quan trọng là ở tự thân nhận thức, hành động của mỗi người. Khi cha mẹ đang còn sống bên mình thì phải biết quý trọng, yêu thương, biết ơn vì đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì diễn tả được, đúng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]