(Baothanhhoa.vn) - Từ trong quan niệm, tín ngưỡng và trong lao động, sản xuất, người Thái cả nước nói chung và người Thái ở Thanh Hóa nói riêng đã vun đắp nên những nét đẹp phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc, trong đó lễ hội Séc Booc Mạy là một minh chứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Séc Booc Mạy

Lễ hội Séc Booc Mạy

Trò diễn “Trồng bông dệt vải” trong lễ hội.

Từ trong quan niệm, tín ngưỡng và trong lao động, sản xuất, người Thái cả nước nói chung và người Thái ở Thanh Hóa nói riêng đã vun đắp nên những nét đẹp phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc, trong đó lễ hội Séc Booc Mạy là một minh chứng.

Lễ hội Séc Booc Mạy là một nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái nói chung và của bản Mó 1, xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh nói riêng, được cộng đồng người Thái lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đến nay, lễ tục này không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây khi mỗi độ tết đến, xuân về. Hàng năm vào ngày 10 tết người Thái ở bản Mó 1 tổ chức lễ hội với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

Theo các bậc cao niên ở các bản làng thì lễ hội Séc Booc Mạy có từ xa xưa. Thuở mà “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, lễ hội đã được các thầy Mo Mùn tổ chức. Người Thái quan niệm: “Mo” nghĩa là thầy, là người cha mà người Thái rất coi trọng vì người thầy đó không phân biệt giàu, nghèo ai đến với thầy được thầy quan tâm bốc thuốc chữa bệnh không lấy tiền; “Mùn” gọi là vuông không được méo mó, điềm đạm, mẫu mực, chu đáo, quan tâm chia sẻ, tài cao biết rộng và có đạo đức.

Lễ hội Séc Booc MạyĐiệu múa khăn bên cây bông.

Chuyện kể rằng, thuở xưa người Thái sống ở trên núi cao, năm ấy dịch bệnh ập đến, dân trong làng hết sức lo sợ tìm đến nhà thầy Mo Mùn để nhờ bốc thuốc chữa bệnh và kêu cầu thần linh che chở. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến chữa bệnh, nhiều người đến làm con nuôi của thầy. Vì vậy cứ mỗi dịp xuân về thì thầy Mo Mùn lại chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ hội để thăng cấp năng lực của thầy Mo và đón các con nuôi về tạ ơn thầy đồng thời cầu bình an cho nhân dân trong bản.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày khai hội đã đến. Lễ vật để cúng là những sản vật tự nhiên như hoa quả, do con nuôi chuẩn bị. Đặc biệt còn có một con lợn do chính nhà thầy Mo nuôi và chăm sóc trong một năm. Cúng lợn có ý nghĩa quan trọng trong lễ hội bởi con lợn sẽ mở đường dẫn âm binh lên mường trời để bẩm báo với Pó Then (Ngọc Hoàng) báo cáo về việc Mo Mùn dưới mương piêng (trần gian) đã làm được nhiều việc tốt, cứu được nhiều người khỏi bệnh, thay mặt cho người mương piêng xin cảm tạ Pó Then không để cho các dịch bệnh đi xuống mường dưới và ban cho mường dưới được mưa thuận, gió hòa, người mường dưới được sống an lành, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra lễ vật còn có một mâm xôi, một con gà, rượu 4 mâm 4 chai, mỗi mâm 2 quả trứng gà và 1kg gạo, 4 khăn vuông của người Thái, nến thắp bằng sáp ong, 4 cái kiếm và một số đồ trong túi của thầy Mo, 4 cái đệm ngồi của người Thái dệt, 4 khăn piêu, 4 cái ô tự làm, 4 thầy cúng được thầy Mo mời đến dự, dựng cây hoa (cây bông) giữa nhà và 1 hũ rượu cần để trước cây hoa, trên cây hoa có 1 dây dài vắt từ bàn thờ Mo Mùn đến đỉnh cây hoa gọi là “sái mương” và khi kết thúc lễ hội thầy Mo sẽ đưa cây hoa lên mường trời tặng Pó Then.

Khi đã sửa soạn lễ xong thầy Mo bắt đầu hành lễ để báo cáo tổ tiên và các đấng bề trên, cúng rước thần linh, thần đất, thần nước, thần sông, thần núi, thần đồi về chứng cho lòng thành của dân làng để xua đuổi quỷ dữ, tà ma và phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được ấm no, hạnh phúc. Đồng thời không quên xin Pó Then cấp sắc (thăng chức) cho Mo Mùn để Mo Mùn có thể đi được những nơi có tà ma ác quỷ để diệt trừ, có thể đuổi được những kẻ mạnh như thần Trùng, và Mo Mùn cũng đi đến được với cả Phật Tổ Như Lai, Quan Âm bồ tát để bẩm báo xin cứu giúp khi dân làng gặp chuyện chẳng lành.

Sau khi phần lễ kết thúc, một hồi chiêng của ông Mo vang lên, lễ hội thực sự được bắt đầu “rượu cần hơi men say, mừng lễ hội làng ta, khai hội mừng xuân mới”. Phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn mà cây bông là vật trung tâm, hội tụ đủ các yếu tố tượng trưng trời đất hài hòa, kết hợp với bốn mùa xuân hạ thu đông, muôn hoa khoe sắc. Cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện nay, cây bông trong lễ hội được làm 9 tầng, với hàng ngàn hoa. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ. Bên cây bông điệu múa khăn, múa kiếm, múa ô, nhảy sạp mừng Séc Booc Mạy được các cô gái, chàng trai trong bản múa một cách điêu luyện. Rồi cũng bên cây bông các trò diễn như lễ cầu mưa, đi cày, đi cấy, trỉa hạt, gặt lúa, giã gạo hay như bắt cá, trồng bông, dệt vải, thêu thùa, quay tơ... được bà con tái hiện lại một cách sinh động. Có thể nói đó là toàn bộ đời sống cổ truyền của người Thái xưa, bao gồm văn hóa sản xuất, ứng xử tín ngưỡng, văn hóa nhận thức về tự nhiên, xã hội và khả năng chinh phục thiên nhiên của con người. Đồng thời thể hiện ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lồng trong các trò diễn là những điệu khắp đối đáp mượt mà của các chàng trai, cô gái Thái. Cứ như vậy dân làng vui lễ hội trong nhiều ngày.

Lễ hội Séc Booc Mạy là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị, trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở bản Mó 1, xã Xuân Thọ. Sức sống của lễ hội này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng bào người Thái nơi đây đang rất vui mừng phấn khởi, bởi lễ hội đã được sự quan tâm của tỉnh, huyện và xã, bước đầu những trích đoạn của lễ hội do các nghệ nhân trình diễn đã tham dự các liên hoan trong tỉnh và huyện đều được giải cao. Nhưng vẫn cần tiếp tục khuyến khích gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý giá này.

Hoàng Hằng, (Trung tâm Văn hóa tỉnh)


Hoàng Hằng, (Trung Tâm Văn Hóa Tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]