(Baothanhhoa.vn) - Nằm dưới bóng dãy Ngàn Nưa huyền thoại, làng cổ Đông Cao ví như nét phác họa rất có tâm của con người, vào khung cảnh thiên nhiên và không gian làng quê vùng đồng bằng chiêm trũng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng cổ Đông Cao

Nằm dưới bóng dãy Ngàn Nưa huyền thoại, làng cổ Đông Cao ví như nét phác họa rất có tâm của con người, vào khung cảnh thiên nhiên và không gian làng quê vùng đồng bằng chiêm trũng.

Làng cổ Đông Cao

Đình làng Đông Cao.

Xã Trung Chính (huyện Nông Cống) có 8 làng là Bi Kiều, Tống Công, Ty, Sở, Thanh Hà Đông, Mao Giáp, Đông Bằng và Đông Cao. Nếu 7 làng kia nằm dọc hữu ngạn dòng Lãng Giang (sông Cầu Quan), thì riêng làng Đông Cao lại nằm tách sang tả ngạn và kéo sát đến chân núi Nưa. Có lẽ, cũng bởi cái vị trí có đôi phần khác biệt ấy, mà lịch sử hình thành làng cổ này cũng có nhiều điểm không tương đồng với phần còn lại của vùng đất Cầu Quan. Làng Đông Cao vốn là đất lộc điền của họ Đinh. Theo Gia phả dòng họ ghi lại, thì Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt là khai quốc công thần dưới thời vua Lê Thái tổ. Đinh Liệt lại có công dẹp loạn Nghi Dân, phò Lê Thánh tông lên ngôi và được vua ban cho lộc điền. Con trai Đinh Liệt là Đinh Công Đột được họ Đinh cử vào Nông Cống tìm đất và ông đã tìm đến làng Bi Kiều lập ấp. Sau thời gian khai phá, Bi Kiều đã phát triển thành thị tứ nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền. Nhưng do Bi Kiều quá hẹp, chỉ vỏn vẹn 3 mẫu đất ở, không có đất ruộng, nên ông Đột đã giao cho con nuôi là Đào Khắc Thành cai quản. Còn ông đã tìm đến vùng chân núi Nưa (cách làng Bi Kiều chừng 3 cây số), lúc bấy giờ là làng Đống Cải (xã Thanh Hà, tổng Cổ Định) để khai phá.

Sự kiện ông Đột đã cho cắm lộc điền cạnh làng Đống Cải, còn được tộc ca họ Đinh ghi lại: “Tìm nơi năm mẫu Đông Cao/ Bõ công lặn lội ước ao bấy chày/ Thuận nhìn hướng núi rừng cây/ Tìm đâu cho được nơi đây hữu tình/ Tiền sơn hậu thủy đẹp xinh/ Đất đai ăn ở kinh dinh tốt lành”. Trải qua nhiều biến cố, đến thời vua Duy Tân, làng ngày càng thịnh vượng liền đổi tên thành Đông Cao. Xét về lịch sử hình thành, làng Đông Cao được gây dựng từ thời vua Lê Thánh tông. Làng nằm sát chân núi Nưa, ruộng đồng bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Cho nên, với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thời Hồng Đức, làng Đông Cao đã phát triển đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản. Nhờ đó, đời sống người dân no ấm, thong dong. Làng Đông Cao có ngôi đình cổ thờ họ Đinh, trong đó, Đinh Liệt được tôn xưng là thành hoàng làng. Theo lệ, cứ đến ngày 13 tháng giêng âm lịch, làng Đông Cao lại mở hội và tổ chức nghi thức lễ tế thành hoàng hết sức trang trọng. Ngôi đình này là một trong những di tích cổ tiêu biểu nhất cho cả vùng đất Cầu Quan. Đình được xây dựng vào thế kỷ XV, khi Đinh Công Đột về đây cắm lộc điền. Đình ngoảnh mặt về núi Nưa, theo hướng Tây Nam và nhìn ra cánh đồng chạy sát chân núi. Đình được dựng bằng gỗ lim liệt bản, cột to bảy tám tấc, mái lợp ngói mũi hài rộng bản. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, năm 1951, đình bị bom Pháp phá hoại chỉ còn lại nền đất. Mãi gần đây, đình mới được đầu tư tôn tạo, để trả lại cho người dân Đông Cao không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống.

Vốn là một làng thuần nông, dân cư chất phác, hồn hậu và cuộc sống cộng đồng ít khi xáo trộn. Nhưng rồi, chế độ bao cấp được thay thế bằng cơ chế khoán trong nông nghiệp. Cuộc sống cũng theo đó mà bung ra, khiến cho nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của làng có nguy cơ bị xô đổ. Năm 1989, Sở Văn hóa – Thông tin đã đề nghị UBND tỉnh triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa. Được sự giúp đỡ của giáo sư Vũ Ngọc Khánh, ngày 10-9-1991, Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức hội thảo “Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa”. Trên cơ sở kết luận khoa học và thực tiễn, Sở Văn hóa – Thông tin đã chọn làng Đông Cao là đơn vị thí điểm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi được lựa chọn thí điểm, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là thiết lập “Quy ước Đông Cao” gồm 4 mục/24 điều, gồm văn hóa - xã hội (7 điều), xây dựng kinh tế (5 điều), an ninh trật tự (4 điều) và các quy định chung (8 điều). Đến năm 1997, làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Từ thành công của mô hình làng văn hóa Đông Cao, đã có hàng chục, hàng trăm làng, bản khắp các vùng miền trong tỉnh, bắt tay xây dựng làng văn hóa. Cũng từ Đông Cao, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở tỉnh ta, trải qua 30 năm, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa, nơi mà mỗi ngọn cỏ nhành cây từng rung lên theo từng đợt cồng xung trận của nghĩa quân Bà Triệu. Làng cổ Đông Cao cũng từ đó mà lấp lánh những giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa, cùng một hệ thống tín ngưỡng cổ xưa. Đó là tục thờ thành hoàng làng, thờ Thánh Lưỡng; tục kết nghĩa dựa theo quan hệ huyết tộc và tổ chức sinh hoạt, sản xuất; các tục lệ ngày tết; tục lệ bảo đảm sản xuất... Để rồi, cùng với các giá trị văn hóa mới đã và đang định hình, làng cổ Đông Cao sẽ luôn là cái tên nhắc nhớ đầy tự hào, của những cư dân vùng đất Cầu Quan.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]