(Baothanhhoa.vn) - Trong đời sống văn hóa – tinh thần đồng bào dân tộc Thái (Quan Hóa), lễ hội Mường Ca Da chiếm một vị trí đặc biệt. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa, thu hút đông đảo cư dân các mường, các bản trong vùng; đồng thời là hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao lập bản, dựng mường của người anh hùng Lò Khằm Ban. Song, lễ hội Mường Ca Da còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là khả năng cố kết cộng đồng và hướng con người đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa những giá trị đẹp của lễ hội Mường Ca Da trong đời sống cộng đồng

Trong đời sống văn hóa – tinh thần đồng bào dân tộc Thái (Quan Hóa), lễ hội Mường Ca Da chiếm một vị trí đặc biệt. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa, thu hút đông đảo cư dân các mường, các bản trong vùng; đồng thời là hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao lập bản, dựng mường của người anh hùng Lò Khằm Ban. Song, lễ hội Mường Ca Da còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là khả năng cố kết cộng đồng và hướng con người đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Lan tỏa những giá trị đẹp của lễ hội Mường Ca Da trong đời sống cộng đồng

Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Mường Ca Da. Ảnh: Lê Dung

Nói về lễ hội Mường Ca Da, có lẽ phải ngược về lịch sử ra đời của Mường Ca Da. Theo truyền thuyết sưu tầm được, Mường Ca Da xưa có tên gọi là Mường Húng, Mường Hường (vốn là tên 2 người con gái xinh đẹp của ông Mường). Ông Mường vô cùng giàu có, đến nỗi không biết dùng trâu bò, tiền bạc để làm việc gì. Ông Mường phải đi hỏi thăm thiên hạ cách làm cho nghèo đi. Một hôm, có người ở Mường Chợ mách ông lấy chài quăng lên bàn thờ và giả vờ như mò cá dưới sông. Làm vậy sẽ nghèo đi ngay. Ông Mường làm theo liền bị ốm phải nằm liệt, chạy chữa hết thuốc vẫn không lành. Để cúng ma nhà, ông Mường đã cho giết thịt hai con trâu sừng đồng, sừng sắt (vốn là quà của vua Thủy Tề, cũng là ngọn nguồn mang lại sự giàu có của ông Mường). Hai con trâu vừa bị giết, lập tức trâu bò của mường cũng bỏ đi hết. Vợ chồng ông Mường nghèo đi rất nhanh, phải bỏ đi lang thang và chết ở ven bờ sông Mã.

Ruộng nương của Mường Húng, Mường Hường từ đó bị bỏ hoang hóa, rậm rạp. Về sau, có một nhóm người gọi là quân ông Giới, không rõ từ đâu kéo đến khai phá vùng đất này. Đất đai hoang hóa lại thành ruộng, thành nương; nhà cửa dựng ở ven đồi và đồi này được đặt tên là Đồng Bán Ót. Ông Giới được nhân dân tôn là một vị thần sáng lập ra bản mường và đến trước Cách mạng Tháng 8-1945, hàng năm bà con vẫn giết trâu, giết lợn để cúng ông. Năm nọ, có một xác người chết trôi trên sông Mã đã dạt về mường. Khi ấy, một con quạ bay qua nhìn thấy xác liền sà xuống rồi mổ vào người chết. Bỗng nhiên cái xác cựa quậy rồi dần tỉnh lại. Thì ra con quạ đã ăn được lá thuốc hồi sinh ở núi Pha Long, nhờ đó mà người chết được hồi sinh. Thấy chuyện kỳ lạ, cả mường đã rước người ấy về làm đạo của mường và đặt tên mường là Mường Ca Da (nghĩa là quạ cứu người).

Dù có quá trình hình thành, tồn tại từ xa xưa, song Mường Ca Da được biết đến nhiều hơn cả khi gắn với tên tuổi của vị anh hùng Lò Khằm Ban. Ông là người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Sau khi đất nước yên bình, ông được vua Lê Thái tổ phong là Thượng tướng Phú Xuyên hầu và được cử đi trấn ải vùng biên giới Nghệ An - Thanh Hóa. Ông đã chọn Mường Ca Da làm nơi đóng quân và dạy dân cách làm ăn, xây dựng bản làng. Thượng tướng Phú Xuyên hầu Lò Khằm Ban mất tại Mường Ca Da. Mến mộ tài năng, đức độ của người anh hùng, nhân dân đã lập đền thờ ông tại Poom Kéo và dựng bia đá ghi lại công lao, sự nghiệp của ông. Đồng thời, hàng năm đều tổ chức lễ hội Mường Ca Da để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng. Đền thờ tướng quân Lò Khằm Ban cũng là di tích lịch sử văn hóa đầu tiên ở huyện Quan Hóa đã được khảo sát, nghiên cứu. Qua đó, đã chứng minh đầy đủ rằng Quan Hóa nói chung, Mường Ca Da nói riêng là vùng đất có lịch sử hình thành từ lâu đời. Đặc biệt, vùng đất này đã có những nhân vật lịch sử, góp công lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Trải qua thời gian, với nhiều biến động lịch sử và đời sống khó khăn, có giai đoạn lễ hội Mường Ca Da đã không được tổ chức thường xuyên. Năm 1989, khi triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, huyện Quan Hóa đã chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, lễ hội Mường Ca Da cũng được khôi phục và duy trì tổ chức 5 năm một lần (diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28-3). Bên cạnh phần lễ với nhiều nghi thức trang trọng như, rước kiệu từ Chùa Ông đến Đền thờ Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban; mổ trâu tế lễ “Tay ắm Oóc”; lễ Xên Mường... Có thể nói, lễ hội Mường Ca Da là một sân khấu trình diễn các loại hình nghệ thuật và nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Điển hình là các trò kéo co, đẩy gậy, tung còn, to mác lẹ, bắn nỏ, cà kheo đá bóng, cà kheo chạy, chọi cù, đi cầu thăng bằng, thi gói bánh ú, thi khua luống, trống chiêng...

Ngày nay, nếu xét theo phạm vi địa giới hành chính, thì những mường lớn như Mường Ca Da xưa đã không còn. Đồng thời, hệ thống tổ chức xã hội và một số lệ cũ không còn phù hợp, nên đã bị xóa bỏ. Song, trong đời sống văn hóa tinh thần, tư tưởng, tình cảm của đồng bào Thái, thì “tính chất mường” hay bóng dáng của Mường Ca Da xưa vẫn còn ít nhiều được lưu giữ và chi phối đời sống, sinh hoạt và cả quan hệ bản, mường. Đặc biệt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Mường Ca Da xưa được tích lũy qua thời gian để trở nên phong phú đã góp phần làm sáng tỏ hơn cuộc sống, xã hội và cả quan niệm về thế giới, về nhân sinh của đồng bào Thái. Với những giá trị to lớn và không thể thay thế ấy, mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận lễ hội Mường Ca Da là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở để huyện Quan Hóa tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa - tinh thần đẹp của lễ hội Mường Ca Da vào đời sống cộng đồng.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]