(Baothanhhoa.vn) - Ra đời và tồn tại qua nhiều thế kỷ, không phải ngẫu nhiên mà tuồng, chèo hay cải lương có được vị thế đặc biệt của nó, như là một “gương mặt đại diện” cho nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Cũng vì lẽ đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc này, gắn với sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự khởi đầu mới trong hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ vọng về một sự khởi đầu mới

Ra đời và tồn tại qua nhiều thế kỷ, không phải ngẫu nhiên mà tuồng, chèo hay cải lương có được vị thế đặc biệt của nó, như là một “gương mặt đại diện” cho nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Cũng vì lẽ đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc này, gắn với sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự khởi đầu mới trong hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo toàn quốc năm 2017. Ảnh: Khôi Nguyên

Diện mạo mới!

Từng có một giai đoạn, các đoàn nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cứ mãi loay hoay trên lối đi hẹp, khi “thị thường nghệ thuật” dành cho tuồng, chèo, cải lương bị thu gọn lại trong các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu. Cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ và thiếu cả các cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên. Các vở diễn mới không nhiều và các hoạt động biểu diễn phục vụ công chúng cũng khá hạn hữu... Tất cả đã khiến cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống và có tâm với nghề, không khỏi đau đáu trước sự heo hắt của ánh đèn sân khấu; cũng như băn khoăn tìm ra lối đi riêng cho các di sản văn hóa vốn được đánh giá và ghi nhận như những “báu vật” của nền nghệ thuật truyền thống dân tộc. Giữa bối cảnh bộn bề khó khăn đó, Quyết định số 592/QĐ-UBND, ngày 27-2-2017 của UBND tỉnh về việc thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại 3 đoàn nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước khởi đầu mới trong hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.

Với việc sắp xếp lại một cách phù hợp và hiệu quả các đơn vị nghệ thuật; đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng quản trị nội bộ, chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, giảm bớt gánh nặng ngân sách... “diện mạo mới” của các đoàn nghệ thuật dưới cái tên “Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa” mang đến hy vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến mới, cả về lượng và chất, cho các hoạt động nghệ thuật thời gian tới. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hồi, xây dựng và tổ chức biểu diễn các tiết mục, vở diễn chèo, tuồng, cải lương và các làn điệu dân ca, dân vũ Thanh Hóa. Đồng thời, tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa của tỉnh, của quốc gia, góp phần gìn giữ, phát huy và nâng cao giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống; cũng như tạo ra một “kênh” hưởng thụ văn hóa cho khán giả xứ Thanh, dựa trên các sản phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn và đa dạng các hoạt động biểu diễn.

Thực tế, qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, song song với việc sắp xếp lại bộ máy, nguồn nhân lực, tiếp cận cơ sở vật chất mới..., Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa luôn chú trọng đến hoạt động chuyên môn và xem đây là “mạch chính” để duy trì và thúc đẩy sự phát triển của nhà hát. Điển hình, các đoàn nghệ thuật trực thuộc đã xây dựng nhiều chương trình, vở diễn chất lượng để tham gia và thu về nhiều thành tích nổi bật tại các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp như: Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo năm 2017; Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc... Cùng với đó, nhà hát cũng đã tham gia và góp phần vào thành công của nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn như: Kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; Kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; các lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn, Bà Triệu... Ngoài ra, nhà hát cũng duy trì đều đặn các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Và thách thức

Ra đời và tồn tại qua nhiều thế kỷ, không phải ngẫu nhiên mà tuồng, chèo hay cải lương có được vị thế đặc biệt của nó, như là một “gương mặt đại diện” cho nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy nên, nếu các di sản ấy bị xóa bỏ, cũng đồng nghĩa với việc văn hóa dân tộc bị đánh mất đi bản sắc, cũng là đánh mất chính mình trong biển hội nhập. Dẫu rằng, việc gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống, song song với việc duy trì các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là không dễ. Bởi, bản thân sân khấu không còn tạo ra được nhiều sức hút và công chúng thì đang “bội thực” với vô số chương trình giải trí hay các hình thức hưởng thụ nghệ thuật. Chính vì lẽ đó, việc Thanh Hóa vẫn duy trì đầy đủ các bộ môn tuồng, chèo, cải lương, kịch nói và dân ca dân vũ, trong bối cảnh kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, đã cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của tỉnh trong việc gìn giữ các tinh hoa văn hóa truyền thống xứ Thanh, trong bức tranh muôn màu văn hóa Việt Nam.

Song, cũng chính vì vị thế đặc biệt và những giá trị bất biến, không thể thay thế của nó, nên việc sắp xếp, tổ chức lại các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng cần có sự tính toán, cân nhắc và thận trọng. Bởi thực tế, quá trình sắp xếp này diễn ra ở một số địa phương trong cả nước, đã và đang đặt ra cho giới chuyên môn và đội ngũ nghệ sĩ không ít băn khoăn, lo lắng. Có ý kiến cho rằng, việc gán ghép một cách khiên cưỡng hay buộc chung một chỗ các loại hình nghệ thuật – vốn có đặc trưng khác nhau – thành một đơn vị nghệ thuật, có thể dẫn đến tình trạng “dẫm chân”, thậm chí là làm “biến dạng”, “đổi chất” tuồng, chèo, cải lương. Trong khi, việc sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả bộ máy cũng đồng nghĩa với việc nhân sự bị xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm tư, tình cảm của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên. Nhưng nếu sáp nhập không gây ra xáo trộn, thì liệu việc sắp xếp có biến thành “bình mới rượu cũ”, hay giống như việc bỏ các củ khoai tây vào chung một rọ?...

Đối với Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, việc sắp xếp các đoàn nghệ thuật mới tạm gọi là ổn thỏa về mặt thủ tục. Còn thực tế, để nhà hát có thể hoạt động một cách hiệu quả, thực chất và đúng với vai trò của một nhà hát chuyên nghiệp, thì còn rất nhiều việc phải làm. Sau khi được thành lập, nhà hát cũng đồng thời tiếp nhận trụ sở mới tại số 20 Nguyễn Du, TP Thanh Hóa – vốn là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trước đây. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất chỉ mới phù hợp cho việc luyện tập, thay vì thực hiện đúng chức năng của nhà hát là luyện tập và biểu diễn nghệ thuật. Cùng với đó, nhà hát cũng chưa được cấp kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật biểu diễn cho đoàn dân ca, dân vũ; trong khi các thiết bị âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, nhạc cụ của các đoàn chèo, tuồng, cải lương được trang bị từ 10, 20 năm trước, đã rất cũ kỹ, lạc hậu. Ngoài ra, tổng biên chế không được tăng, nhưng nhà hát đang phải “gánh” thêm hoạt động của đoàn dân ca, dân vũ, nên khó càng thêm khó.

Người nghệ sĩ dưới ánh sáng lung linh của đèn sân khấu, được thỏa sức sáng tạo, được nhập vai trong những vua chúa, thánh thần, văn nhân, hào kiệt và được thăng hoa trên nhiều cung bậc cảm xúc, với đủ hỉ, nộ, ái, ố. Nhưng, lui về phía sau sân khấu, trút bỏ đi lớp son phấn và phục trang cầu kỳ, họ vẫn phải quay cuồng trong mối lo cơm áo thường trực. Và do đó, cũng khó trách và khó yêu cầu họ phải toàn tâm toàn ý với nghề, để trau truốt cho từng câu hát, điệu múa. Song, đôi lần tiếp xúc và lắng nghe tâm sự về đời, về nghề với các nghệ sĩ có tiếng của làng nghệ thuật truyền thống xứ Thanh như nghệ sĩ Ngọc Quyền (đoàn tuồng), nghệ sĩ Hồng Nhung (đoàn tuồng), nghệ sĩ Nhật Hóa (đoàn chèo)... đã khiến tôi tin rằng, sau những lo toan nghề nghiệp, lo toan cuộc sống, thì trong thâm tâm những người nghệ sĩ ấy - bất kể là người đã dành hết những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất cho sân khấu, hay chỉ mới bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật không mấy bằng phẳng - vẫn luôn âm thầm cháy ngọn lửa đam mê với duyên nghiệp. Họ chính là điểm tựa giúp nghệ thuật truyền thống vượt qua ranh giới của sự mai một.

Cũng vì lẽ đó, để tránh cho nghệ thuật truyền thống bị đặt trước sự lựa chọn “tồn tại hay không tồn tại”, cũng là tránh cho nhiệt huyết, tài năng của các nghệ sĩ, nhất là thế hệ trẻ, không bị bào mòn mất, thiết nghĩ, việc lấy nghệ thuật “nuôi” nghệ thuật phải là định hướng dài hơi trong hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Trao đổi với chúng tôi về điều này, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Chính, Phó Giám đốc Nhà hát kiêm Trưởng đoàn Tuồng, cho biết: Về lâu dài, khi cơ sở vật chất có sự đầu tư, thì nhà hát sẽ có nhiều phương án để đỏ đèn sân khấu, thu hút khán giả và nâng cao thu nhập cho anh em. Còn hiện nay, với 87 biên chế được giao, nhà hát khó có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn, nên phải hợp đồng thêm gần 50 người. Có một nghịch lý là, trong khi đa phần những người lên sân khấu hiện nay là lớp trẻ, nhưng thu nhập của họ không cao, do kinh phí chi trả chế độ cho đối tượng này được lấy từ doanh thu biểu diễn vốn khá eo hẹp. Đó là chưa kể, từ năm 2016, tỉnh đã cắt kinh phí dựng vở hàng năm và chỉ cấp kinh phí dựng vở khi các đoàn tham gia hội diễn, liên hoan toàn quốc. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến việc luyện tập và sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, cũng như làm mai một dần tay nghề của họ.

Có lẽ, với người nghệ sĩ, không có niềm vui nào sánh bằng niềm vui được đứng trên sân khấu, được thử thách chính mình, được học tập và sáng tạo nghệ thuật qua các vai diễn, vở diễn mới. Trong khi, khó có thể nói đến một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp nếu thiếu vắng các công trình nghệ thuật mới, thiếu các vở diễn hay. Nhìn sang tỉnh bạn, chẳng hạn như Bắc Giang, chỉ riêng kinh phí dựng mở mới và phục hồi các vở diễn, tỉnh đã cấp cho Nhà hát Chèo tới 1,8 tỷ đồng/năm 2018. Dẫu biết mọi sự so sánh là khập khiễng, song vẫn rất cần so sánh để thấy rằng, bên cạnh việc nỗ lực duy trì các đoàn nghệ thuật, thiết nghĩ, tỉnh ta cũng cần sớm có các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để nuôi dưỡng tài năng và sáng tạo các công trình nghệ thuật có giá trị. Đồng thời, những “tác phẩm vàng” sau khi được vinh danh tại các sân khấu chuyên nghiệp, thay vì bị “đắp chiếu” một cách đáng tiếc, thì cần đưa nó vào đời sống thực sự: Trên sân khấu và trong lòng công chúng.

Có thể khẳng định, sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để có thể duy trì, phát triển và tìm được chỗ đứng trên “thị trường văn hóa” đầy cạnh tranh, thì bên cạnh các cơ chế, chính sách đặc thù của trung ương, của tỉnh làm giá đỡ; thiết nghĩ, không thể không chú trọng đến việc phát huy nội lực hay tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, người lao động của nhà hát.


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]