(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, cầu Hàm Rồng, sông Mã giờ đây đôi bờ xanh màu hoa lá. Thành phố trẻ vươn mình bay tới tương lai, những ký ức hơn 50 năm trước vẫn đằm sâu trong tâm hồn bao người. Nhà thơ Mã Giang Lân là một tác giả xuất sắc trong số đó với khúc bi tráng về trường ca Hàm Rồng trong tập thơ “Về một cây cầu”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Thời gian trôi nhanh qua mỗi đời người, rồi năm tháng xoa dịu dần những vết thương lòng. Tuy nhiên, cây cầu Hàm Rồng vẫn như một nhân chứng lịch sử không chỉ của quê hương xứ Thanh mà của cả Việt Nam kiên cường, bất khuất. Cây cầu hôm nay vẫn đứng đó sừng sững, biểu tượng của một thiên hùng ca bất diệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khúc bi tráng trong trường ca Hàm Rồng của Mã Giang Lân

Chiến tranh đã lùi xa, cầu Hàm Rồng, sông Mã giờ đây đôi bờ xanh màu hoa lá. Thành phố trẻ vươn mình bay tới tương lai, những ký ức hơn 50 năm trước vẫn đằm sâu trong tâm hồn bao người. Nhà thơ Mã Giang Lân là một tác giả xuất sắc trong số đó với khúc bi tráng về trường ca Hàm Rồng trong tập thơ “Về một cây cầu”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Thời gian trôi nhanh qua mỗi đời người, rồi năm tháng xoa dịu dần những vết thương lòng. Tuy nhiên, cây cầu Hàm Rồng vẫn như một nhân chứng lịch sử không chỉ của quê hương xứ Thanh mà của cả Việt Nam kiên cường, bất khuất. Cây cầu hôm nay vẫn đứng đó sừng sững, biểu tượng của một thiên hùng ca bất diệt.

Khúc bi tráng trong trường ca Hàm Rồng của Mã Giang Lân

Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Phùng Sắc

Lịch sử đau thương của dân tộc trong đêm trường nô lệ, những tưởng sẽ không bao giờ tái sinh trở lại một dân tộc anh dũng, kiên cường, bởi đất nước ta đã từng trải qua những thảm cảnh: “Những tháng ngày đói khát/ Những thân gầy vơ vẩn bên sông/.../ Những chiếc xe bò kéo lê đi nhặt xác/ Đổ đầy hố chung”. Và rồi lịch sử sang trang, nhân dân ta vùng lên theo cờ đỏ sao vàng, đạp đổ ách đô hộ: “Ta đi dưới cờ bay/ đi trong tiếng súng/ Câu hò vẫn vọng/ Trên bến sông này/.../ xoay quanh trụ cầu/ những chiếc tàu hải quân xuất kích/ đường đạn lên thẳng góc/ Mặt sông rung như mặt trống đồng/.../ Trận địa dân công ở đây/ những thợ cày thợ cấy/ tuổi bốn lăm, hai mươi, mười bảy/.../ nhân dân suốt đêm không ngủ/ lấp hố bom xây thêm trận địa/ gỗ ván, cột nhà, cánh cửa, lót đường cho pháo xe qua”. Những dòng thơ của Mã Giang Lân như một cuốn phim quay chậm, lúc bi thương, khi hào sảng, nhưng ẩn sâu trong mỗi mạch ngầm con chữ là tình yêu quê hương, nỗi xót đau dân tộc bị xâm lăng, áp bức và lòng quả cảm của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà cây cầu Hàm Rồng là một trong những tiêu điểm trong hai cuộc chiến tranh. Kẻ thù hạ gục được cầu Hàm Rồng là cắt đứt được huyết mạch giao thông Nam - Bắc. Chính vì vậy, quân và dân ta quyết bảo vệ cầu bằng mọi giá. Các chiến sĩ, nhân dân chung một trận địa, chung một quyết tâm và chung một tấm lòng son sắt với quê hương. Người trước ngã xuống, người sau đứng dậy, hiến dâng sức người và sức của cho tiền tuyến để bảo vệ bằng được cây cầu. Đó là tất cả những ý tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm trong trường ca. Với thể thơ tự do và ngôn ngữ chọn lọc, nhiều khổ thơ đã bộc lộ được thang bậc tâm trạng tác giả, khi là người trong cuộc chứng kiến, lúc là người chép sử bằng thơ với cách ghìm nén cảm xúc qua những dòng thơ lạnh lùng, xót xa khi miêu tả tội ác của kẻ xâm lăng khiến cho trường ca Hàm Rồng sống động với nhiều chi tiết bi thương, ám ảnh tâm can bạn đọc: “Người bom vùi từ hố đất ngoi lên/ người từ nhà đổ của mình chạy tới/ người nằm viện nửa đêm về vội/ trong ngổn ngang đổ nát tìm nhau/ ngọn lửa lò nhà máy điện Hàm Rồng sáng lại những đêm sâu/ Tiếng tuốc bin khởi động/ Bật đỏ các ngọn đèn tín hiệu/.../ Hai mươi người trong trận bom đêm/ những người chết nát nhừ bên sườn núi/ những người chết ngạt hơi trong hang tối/ những cụ già lặng lẽ xuôi tay/ những trẻ thơ nhắm mắt thơ ngây”.

Từ những mất mát đau thương, quân và dân cả nước và đặc biệt là quân và dân hai bên bờ sông Mã, Đò Lèn, bến Thắm, phà Ghép, hướng về Hàm Rồng, đều rền vang “bản nhạc” diệt thù. Dưới những làn bom đạn mịt mù, hàng ngàn tấn bom B52 Mỹ dội xuống các địa danh dọc Quốc lộ 1A, tâm điểm cây cầu Hàm Rồng có ngày hàng chục chiếc máy bay lượn lờ cắt bom, uy hiếp. Quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ, con sông Mã “gầm lên” ngày đêm sôi sục, cổ vũ cho quân và dân ta tiêu diệt kẻ thù. Trong mỗi loạt đạn từ các nòng pháo trên đồi A4, hay dưới chân cầu, trên sông bắn lên những “thần sấm”, “con ma”, đều như có âm vọng của trống đồng Đông Sơn, tiếng hô xuất quân của Bà Triệu khi xưa giục giã. Một trận chiến trên không và dưới dòng sông Mã, lần nữa xuất hiện trong trường ca của nhà thơ Mã Giang Lân như trận chiến hào hùng trên sông Như Nguyệt thuở xưa: “ Bọn giặc thay nhau phóng tên lửa, trút bom/ Nước sông tung trùm kín con tàu/ lấp mặt chúng tôi, che mất hướng/ Nhưng đường đi đã có người thuyền trưởng/ cứ bình yên trong tư thế tấn công/.../ Khi tôi nhìn một mảnh sáng trúng gối anh/ chân tôi sụp xuống/ anh vẫn đứng/ Trên đầu anh máu đẫm phía sau...”. Sự hiện diện của tác giả, người lính và nhà thơ đã tái hiện lại những khoảnh khắc đau thương bằng thơ để trên một văn bản đặc biệt này, một lần nữa, chúng ta được tiếp cận với “nỗi buồn chiến tranh”, để mãi ghi sâu trong trái tim những công lao của bao lớp ông cha vì nền hòa bình, độc lập dân tộc mà dâng máu xương, tuổi trẻ để gìn giữ, để chúng ta có cuộc sống hôm nay qua bao dâu bể của dân tộc đã tìm cho mình một vị thế trên trường quốc tế.

Nhà thơ Mã Giang Lân đã đem đến cho công chúng bạn đọc một trường ca đậm đặc chi tiết, đan dày hình ảnh bi hùng và ngập tràn cảm xúc trong tác phẩm của mình. Một trường ca mang tính khái quát lịch sử qua lát cắt địa danh cây cầu Hàm Rồng là một sự lựa chọn xuất sắc, nhằm gửi tới bạn đọc hôm nay và mai sau một khúc bi tráng của Hàm Rồng, sông Mã. Khúc bi tráng đó từ lâu không còn là địa danh lịch sử của người Thanh Hóa mà là máu thịt, là tô tem, là niềm tự hào muôn thuở của nhân dân xứ Thanh và cả nước, đó chính là trường ca Hàm Rồng, tác phẩm đã góp phần rạng rỡ thêm dòng văn học kháng chiến trên văn đàn Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng.

Viên Lan Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]