(Baothanhhoa.vn) - Trong câu chuyện bên bếp lửa nhà sàn, người Mường xưa vẫn truyền tai nhau câu nói: “Muốn biết người con trai Mường tài giỏi hãy nhìn vào cái bờ rào. Muốn biết người con gái Mường khéo tay thì hãy nhìn vào chiếc cạp váy”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không chỉ là đam mê...

Trong câu chuyện bên bếp lửa nhà sàn, người Mường xưa vẫn truyền tai nhau câu nói: “Muốn biết người con trai Mường tài giỏi hãy nhìn vào cái bờ rào. Muốn biết người con gái Mường khéo tay thì hãy nhìn vào chiếc cạp váy”.

Nghề dệt thổ cẩm đang phục hồi ở thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy).

Người con trai Mường tài giỏi sẽ làm nên những bờ rào chắc chắn, vuông vức. Còn những nét hoa văn tinh tế, tỉ mỉ trên chiếc cạp váy sẽ là nơi thể hiện sự khéo léo của đôi tay, sự phong phú của trí tưởng tượng, những suy nghĩ, ước mơ, khát vọng của cô gái xứ Mường.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Trần Thị Huê, thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) năm nay đã 75 tuổi nhớ lại: Ở thế hệ các bà, tuổi lên 10 đã bắt đầu được làm quen với khung cửi dệt. Dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu vật dụng, quần áo trong gia đình, mà quan trọng hơn, đó là nơi thể hiện sự tài hoa của người phụ nữ. Sau buổi lên nương, các bà, các chị, các em lại cần mẫn bên khung cửi. Người con gái Mường khi đi lấy chồng thường phải mang theo đầy đủ các vật dụng cá nhân như chăn, màn, quần áo, cũng như quà tặng cho các thành viên gia đình nhà chồng. Không có điện, thiếu dầu thắp sáng, các cô gái Mường xâu những hạt bưởi thành dây “đốt đuốc” để say mê thể hiện. Thời ấy, nhà nhà đều có khung cửi, người con gái Mường nào cũng biết xe tơ, dệt vải. Những tấm vải nhiều hoa văn đặc sắc ấy còn là nơi thể hiện nét văn hóa gắn kết với cuộc sống nơi núi rừng hoang sơ của bản làng...

Vậy nhưng, kinh tế thị trường đã khiến nghề dệt thổ cẩm của người Mường dần mai một. Giờ đây, trang phục, vật dụng cho sinh hoạt rất sẵn và rẻ. Người con gái Mường không phải vất vả bên khung dệt nữa. Cũng chính vì lý do ấy, những cô gái Mường “thế hệ mới” đang đứng trước nguy cơ lãng quên dần nghề dệt truyền thống. Hiện, chỉ còn một số ít xã ở miền núi còn duy trì nghề dệt, như Cẩm Thành, Cẩm Lương (Cẩm Thủy); một số xã ở huyện Ngọc Lặc... Ở nhiều nơi, khung cửi dệt đã trở nên vắng bóng. Không chỉ không biết dệt, nhiều cô gái Mường còn không biết vận trang phục cho đúng cách, đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình khi dự các lễ hội, đám cưới mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của các bà, các chị.

Với sự thay đổi của thời gian, sự khấm khá lên của cuộc sống người Mường là những tín hiệu đáng mừng. Vậy nhưng, sẽ là buồn thay, nếu mai này, nghề dệt thổ cẩm không còn nữa. Bởi đây không đơn thuần là nghề có thể mưu sinh, mà còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của người dân vùng cao.

Trăn trở với việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, nghệ nhân Trần Thị Huê cùng hội người cao tuổi thôn Muốt đang tìm cách khôi phục, truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Từ việc tập hợp những nghệ nhân, phát động phong trào “mỗi nhà một khung cửi”, nghệ nhân Trần Thị Huê còn say mê tìm kiếm cơ hội đưa những sản phẩm thổ cẩm của người dân thôn Muốt hiện diện tại nhiều hội chợ để quảng bá cho sản phẩm của quê hương. Trong gian hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm tại thị trấn Cẩm Thủy, nghệ nhân Trần Thị Huê say sưa giải thích: Sản phẩm từ vải dệt thổ cẩm có thể may được các trang phục, vật dụng khá phong phú, như: Áo, váy, thắt lưng, chăn, gối, đệm, khăn... Cầu kỳ, đặc sắc nhất trong hoa văn dệt thổ cẩm của người Mường là hình ảnh chim muông, núi, sông... tượng trưng cho cuộc sống gắn liền với núi, rừng hoang sơ của đồng bào dân tộc Mường. Các loại vải này thường được dùng để may chăn, gối, cạp váy. Còn các loại vải may áo lại được dệt những hình nổi các loại quả, hoa leo đặc trưng của dân bản. Hiện nay, số khung cửi tại thôn Muốt đã khôi phục lên con số gần 20. Tại gia đình nghệ nhân Trần Thị Huê, có thời điểm lên tới 20 lao động làm việc, tùy vào thị trường đầu ra ở từng thời điểm.

Thoăn thoắt bên khung cửi dệt, nghệ nhân Phạm Thị Hợp, người dân thôn Muốt, hiện cũng trong “hội nhóm” khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người Mường, chia sẻ: Trước kia, để làm nên những tấm vải dệt thổ cẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ trồng bông đến ươm tơ, rồi cán bông, xe sợi. Muốn có màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, các cô gái Mường phải lên rừng hái lá. Màu đỏ của cây bang, màu vàng từ cây nghệ, màu đen từ cây chàm... cùng với sự kết hợp khéo léo, tinh tế và con mắt thẩm mỹ sẽ cho ra đời những tấm vải thổ cẩm sinh động. Bây giờ, sợi, len với đủ màu sắc sặc sỡ đều có thể mua được một cách dễ dàng. Do đó, dệt thổ cẩm không chỉ phù hợp với phụ nữ có gia đình lúc nông nhàn, mà còn rất tiện lợi nếu lớp trẻ tham gia học hỏi để được truyền nghề, gìn giữ nghề cho các bản Mường.

Bên chén trà đầu xuân, nghệ nhân Trần Thị Huê không khỏi trăn trở: Gìn giữ, tìm lại chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống là đam mê của thế hệ chúng tôi. Tuy nhiên, để làm được điều này không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Bên cạnh những nỗ lực của người truyền dạy, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm dệt cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm trong xu thế hiện đại cũng cần có những biến tấu đa dạng cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Người thợ dệt hôm nay cần biết kết hợp giữa nét văn hóa xưa và những giá trị hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ.

Thôn Muốt cách suối cá thần Cẩm Lương chưa đầy 5km, được thiên nhiên ban tặng với phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ. Không những vậy, người dân thôn Muốt luôn tự hào nơi đây có “trên rau, dưới cá”. Cùng với những nét văn hóa từ các lễ hội còn lưu giữ, nếu duy trì, phát triển được nghề dệt thổ cẩm, nơi đây có tiềm năng trở thành một điểm du lịch cộng đồng khá thú vị. Hy vọng một ngày không xa, sự kết hợp của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” sẽ khiến nơi đây trở thành một điểm đến tham quan, lưu trú hấp dẫn khách thập phương.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]