(Baothanhhoa.vn) - Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh. Ông sinh tại Thanh Hóa năm 1917, mất năm 1947. Thân phụ ông là Nguyễn Xuân Tuyển, một viên chức nhỏ. Lúc thiếu thời Trần Mai Ninh học Thành Chung ở Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học tiếp Tú Tài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khí phách Trần Mai Ninh trong thơ

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh. Ông sinh tại Thanh Hóa năm 1917, mất năm 1947. Thân phụ ông là Nguyễn Xuân Tuyển, một viên chức nhỏ. Lúc thiếu thời Trần Mai Ninh học Thành Chung ở Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học tiếp Tú Tài.

Ngay từ thời còn đi học, Trần Mai Ninh đã cùng một số bạn bè ra tờ báo có tên “Con sáo” để phê phán nền giáo dục thực dân và nói lên lý tưởng của tuổi trẻ học đường. Sau đó ông tiếp tục viết bài và trực tiếp tham gia biên tập các tờ báo của Đảng xuất bản trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) như: Bạn dân, Thời thế (1937), Tin tức, Thế giới, Người mới (1938) và Bạn đường, Tự do ở Thanh Hóa... với các bút danh: KT, Mạc Đỗ, Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Nguyễn Thường Khanh. Trần Mai Ninh tham gia phong trào yêu nước Mặt trận dân chủ (1936-1939). Trần Mai Ninh để lại nhiều tác phẩm, nhưng nổi tiếng hơn cả là những tác phẩm thơ thể hiện tình yêu Tổ quốc, nhân dân cần lao với khí phách kiên trung, bất khuất, ngang tàng và lãng mạn. Trong số các tác phẩm đó tiêu biểu là: “Tình sông núi”, “Nhớ máu”, “Sau này nhắc lại”, “Tôi buồn”...

Thơ Trần Mai Ninh ra đời vào giai đoạn đất nước ta sôi sục ý chí đấu tranh chống thực dân Pháp, giành lại hòa bình và độc lập dân tộc. Thơ của ông bắt nguồn từ lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và lý tưởng cách mạng chói ngời tinh thần bất khuất, khí phách kiên cường của người chiến sĩ cách mạng một khi dấn thân trên con đường đấu tranh giành lại hòa bình và độc lập dân tộc. Khí phách người chiến sĩ cách mạng ngang tàng, kiêu dũng thể hiện rõ nét trong bài thơ “Thắc mắc”. Mở đầu bài thơ trong một đêm không ngủ, ông viết:

“Lòng tôi đứng dậy cao ghê quá

Nó muốn nâng lên dậy cả trời

Và tung ra khắp không gian rộng

Để kết liên người lại với người”

Tinh thần chiến đấu trong dòng máu của người chiến sĩ cách mạng đã dâng cao ngất với một khí thế mạnh mẽ nên tất cả những bài thơ của Trần Mai Ninh đều có phong cách trần thuật, đặc tả hơi thở thời đại của giai đoạn lịch sử chiến tranh cách mạng. Vì vậy, những nhịp thơ mạnh mẽ của thể thơ tự do đã làm nên sứ mệnh chuyển tải được tất cả khát vọng, ý chí, tư tưởng của tác giả muốn biểu hiện trong lời thơ, ý thơ, giàu nhạc điệu, âm thanh và hình ảnh:

“Dưới cờ tranh đấu dựng muôn gươm

Mắt sáng soi lên khắp nẻo đường

Đội hùng binh tiến, trời ngăn nổi

Hợp dần sinh lực của ngàn phương”.

Để thể hiện rõ tinh thần chiến đấu quyết liệt của mình, nhà thơ Trần Mai Ninh đã sử dụng ngôn ngữ hình ảnh thể hiện sức mạnh lý tưởng cách mạng của người thanh niên thời đại, như: Gang, vàng, hoa hồng, kim cương... Đây là sự chọn lọc mang chủ ý thể hiện tinh thần quật cường và niềm tin mãnh liệt của dân tộc quyết tâm đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm chất chứa trong tâm hồn người chiến sĩ:

“Cho cõi lòng tôi khỏi xốn xang

Vững bền như thép cứng như gang

Vì tin ở sức nhân quần mạnh

Thực hiện ngày mai giấc mộng vàng

Đoàn thanh niên mới vươn mình dậy

Bứt những ngôi sao kết hoa hồng

Để rải trên đài tươi thắm của

Hòa bình nhuốm vạn ánh kim cương”.

Trong bài thơ “Tình sông núi”, Trần Mai Ninh khẳng định rõ tình yêu Tổ quốc là tình yêu lớn nhất của con người. Đây là tư tưởng lớn của nhà thơ và cũng với thể thơ tự do mang hơi thở thời cuộc, ông viết:

“... Dân tộc mồ hôi thấm đất

Bắp căng như đồng

Tay ghì cán cuốc

Tay ghì tay xe

Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Ăn sâu lòng đất thấm lòng người

Đượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi

Khi căm non nước với người đứng lên!

Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Trộn hòa lao động với giang sơn

Có mối tình nào hơn

Tổ quốc?”.

Với tình hình đất nước lâm nạn xâm lăng, nhà thơ chiến sĩ không thể dùng thể thơ lục bát, hay thể thơ nào khác ngoài thể thơ tự do để bộc lộ hết những khát vọng chiến đấu với quân thù, để trả món nợ non sông và những nỗi buồn khi lòng khát khao giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân thoát vòng nô lệ chưa thực hiện được. Những đau khổ dày vò đêm ngày vì vận nước, vì tình thương dân khiến nhà thơ không nguôi đau khổ, trong bài thơ “Tôi buồn” có đoạn ông viết:

“...Tôi đã nghiến răng và xé mạnh

Mảnh tàn tự ái hãy còn vương

Sụp xuống đất bùn, sâu xuống nữa

Quỳ tròn gối gãy bởi đau thương!”.

Như trên ông đã khẳng định chỉ có tình yêu Tổ quốc là cao quý nhất và khổ thơ trên ông cũng khẳng định, chỉ đứng trước nỗi thống khổ lầm than của nhân dân nô lệ ông mới quỳ gối trước nỗi đau của nhân dân. Quỳ gối trong nỗi đau mất nước đến khủng khiếp. Vì vậy, ý chí chiến đấu tràn dâng trong tâm hồn người chiến sĩ với quyết tâm sắt đá, kiên cường, quyết liệt chiến đấu với kẻ thù: “...Tôi đã nghiến răng và xé mạnh...”.

Tình yêu Tổ quốc luôn thường trực trong lòng người chiến sĩ cách mạng Trần Mai Ninh. Đỉnh cao của tình yêu ấy thể hiện trong bài thơ “Nhớ máu” khi ông vào chiến đấu trong chiến trường Nha Trang, Khánh Hòa. Lần đầu tiên thơ trữ tình cách mạng Việt Nam xuất hiện một giọng thơ rực lửa cách mạng, hừng hực khí thế tấn công, coi thường vũ khí tối tân và đội quân tinh nhuệ của kẻ thù. Những người nông dân quần nâu, áo vải, tay cầm dao, gươm, sát mặt quân thù không hề run sợ mà còn thể hiện bản lĩnh phi thường, tinh thần quả cảm:

“Còn mấy bước nữa tới Nha Trang

A, gần lắm

Ta gần máu

Ta gần người

Ta gần quyết liệt...”

Bài thơ “Nhớ máu” viết đêm 9-11-1946. Khi đó Nha Trang, Khánh Hòa đã có chiến sự dữ dội:

“Ơi hỡi Nha Trang

Cái đô thành vĩ đại

câu thơ hay

vang động lạ thường.”

Và:

“Mắt ta căng lên

Cả mặt

Cả người

Cả hồn ta sát tới...”

Ngôn ngữ thơ với những nhịp điệu mạnh, hùng dũng, quyết liệt, mô tả sự dấn thân tuyệt đối vì nghĩa cả, vì tình yêu Tổ quốc và vì hòa bình độc lập cho dân tộc. “Nhớ máu” là một trong những bài thơ mang tính chiến đấu ra đời sớm nhất của văn đàn nước ta cùng với “Đèo cả” của Hữu Loan. Nhà thơ Trần Mai Ninh đã đem các tác phẩm thơ nhịp bước cùng toàn dân tộc, bước vào cuộc chiến tranh thần thánh với một tâm hồn cao cả mang khát vọng lớn lao làm cuộc cách mạng dời sông, lấp bể:

“Những con người

Đã bước vào bất tử

Ơ, những người

Đen như mực, đặc thành keo...

Hay những người gầy sắt lại

Mặt rẹt một đường gươm

Lạnh gáy”.

Trần Mai Ninh là một nhà cách mạng làm thơ, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà sáng tác thơ và thơ cách mạng của ông là văn bản rọi chiếu, phản ảnh ý chí, tâm hồn của ông đối với lý tưởng cách mạng của một thanh niên thời đại, một trái tim tráng sĩ mang bầu máu nhiệt huyết tuổi trẻ, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc khi vận mệnh giang sơn ngàn cân treo sợi tóc. Mỗi một hồng cầu chảy trong huyết quản của ông đều chứa một chữ tận dâng tất cả vì lòng tự tôn dân tộc, vì thương dân mất nước, vì căm hờn kẻ xâm lăng, vì muốn xả thân cho quê hương được độc lập trên tinh thần cách mạng cao cả:

“Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương

Các anh hùng tay hạ súng trường

Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu

Cười vang rung lớp lớp tinh cầu...”

Trần Mai Ninh là nhà thơ, nhà báo, là một tấm gương chiến đấu ngoan cường cho lý tưởng cách mạng. Thơ của ông là bản trường ca sáng mãi trong tâm hồn người Việt Nam về tinh thần đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc.

*Nguồn: Wikipadia tiếng Việt.


Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]