(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi được đặt những viên đá đầu tiên (năm 1397) cho đến nay, Thành Nhà Hồ đã trải qua hơn 600 năm tồn tại. Để rồi, vấn đề đặt ra cho hậu thế một cách nghiêm túc và vô cùng cấp thiết lúc này là làm thế nào để công trình bằng đá “vô tiền khoáng hậu” ấy tiếp tục đứng vững với thời gian.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc phục tình trạng sạt lở tại Di sản Thành Nhà Hồ: Vấn đề cấp thiết!

Kể từ khi được đặt những viên đá đầu tiên (năm 1397) cho đến nay, Thành Nhà Hồ đã trải qua hơn 600 năm tồn tại. Để rồi, vấn đề đặt ra cho hậu thế một cách nghiêm túc và vô cùng cấp thiết lúc này là làm thế nào để công trình bằng đá “vô tiền khoáng hậu” ấy tiếp tục đứng vững với thời gian.

Khắc phục tình trạng sạt lở tại Di sản Thành Nhà Hồ: Vấn đề cấp thiết!

Đoàn chuyên gia và các nhà quản lý khảo sát tình trạng sạt lở tường Thành di sản Thành Nhà Hồ.

Thực trạng sạt lở

Sự ăn mòn khắc nghiệt của thời tiết, cùng vô vàn biến cố lịch sử và sự tác động của con người suốt chừng ấy thế kỷ, đã khiến hầu hết các công trình kiến trúc trên mặt đất, thuộc khu vực Hoàng thành biến mất. Thành Nhà Hồ hiện chỉ còn bốn bức tường thành và bốn cổng. Tuy nhiên, kiến trúc tường Hoàng thành và đặc biệt là tường thành đá phía Bắc của di sản hiện đang đối mặt với tình trạng sụt lún nhiều đoạn, nguy cơ sạt lở cao. Điều này đang đặt ra vấn đề cấp thiết đối với tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành liên quan trong việc bảo vệ và bảo tồn di sản theo đúng cam kết với UNESCO. Tuy nhiên, để có thể tiến hành thực hiện quy trình bảo tồn, khắc phục sự cố tại di sản là việc vô cùng phức tạp.

Còn nhớ, cơn bão số 10 diễn ra hồi tháng 9-2017, đã ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến một đoạn thành đá dài chừng 6m (phía Bắc) bị sạt lở. Từ đó đến nay, các điểm sạt lở tại bức tường này ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Không như 3 bức tường thành còn lại được xây bằng những khối đá lớn, tường thành phía Bắc chủ yếu được xây dựng bằng những khối đá nhỏ và trung bình, chiều cao trung bình của tường thành này là 5m. Nếu lấy cổng thành Bắc là trung tâm, thì tường thành phía Bắc có hai đoạn tường chạy về phía Đông và phía Tây. Trong đó, đoạn tường chạy về phía Đông có 9 điểm bị sạt lở và đoạn tường chạy về phía Tây có 6 điểm bị sạt lở. Theo kết quả khảo sát và đánh giá của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, thì các điểm sạt lở có chiều dài chừng 10-30m. Nhiều điểm, phần đá bên ngoài hầu như đã sạt lở hoàn toàn, chỉ còn lại đất sỏi, đá mồ côi phía bên trong. Cũng có điểm, đoạn tường bị đất nhồi phía trong xô đẩy những viên đá xây dựng mặt tường bên ngoài ra so với vị trí ban đầu khoảng 30 - 40cm. Ngoài ra, còn có đoạn tường bị sụt lở dài khoảng 40m và mất 2/3 đá xây phía trên; hoặc có đoạn tường bị sụt lở dài khoảng 20 mét, độ nghiêng, phình ra so với thực tế (từ chân thành đến mép viên nghiêng ngoài cùng) khoảng 2 mét, rất nguy hiểm...

Cần một chiến lược bảo tồn lâu dài

Ngay sau ảnh hưởng của cơn bão hồi tháng 9-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã có buổi khảo sát thực trạng sạt lở của di sản và làm việc với các ngành, đơn vị liên quan. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đầu ngành và giàu kinh nghiệm ở Trung ương và địa phương về thực trạng sạt lở, trượt đổ tường thành. Đồng thời, đề xuất phương án khắc phục, xử lý, tu bổ cấp thiết đoạn tường bị sạt lở; cũng như phương án gia cố, bảo tồn các đoạn tường thành có nguy cơ bị sạt lở, trượt đổ.

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ được giao làm chủ đầu tư, phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương và bố trí kinh phí, lập dự án tổng thể bảo tồn, phục hồi tường thành Di sản Thành Nhà Hồ theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Các dự án này hướng đến các phương án bảo tồn cấp thiết và lâu dài các đoạn tường thành đã sụt lở và có nguy cơ sụt lở, bao gồm: Dự án bảo tồn cấp thiết đoạn tường thành bị sạt lở do ảnh hưởng bão số 10 và bảo tồn, chống đỡ, gia cố gông, giằng những đoạn tường bị phình, nghiêng có nguy cơ sạt lở, trượt đổ cao; dự án thăm dò địa chất và khai quật nghiên cứu “lát cắt tường thành”, phục vụ nghiên cứu địa chất, cấu trúc tường thành; dự án nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tường thành và dự án bảo tồn, tu sửa, phục hồi tường thành di sản.

Trao đổi với ông Nguyễn Bá Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, chúng tôi được biết: Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu có uy tín thuộc Hội đồng di sản quốc gia, Cục Di sản văn hóa, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; trung tâm đã tiến hành lập dự án khai quật khảo cổ học “lát cắt tường thành” ngay tại các điểm sạt lở, với tổng diện tích khai quật khoảng 4.000m2. Qua đó, từng bước làm sáng tỏ cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành, nhằm phục vụ công tác khôi phục các đoạn tường thành sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt dự án bảo tồn, tu sửa, phục hồi tường thành di sản.

Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng sụt lở tường thành di sản đang đặt ra không ít khó khăn. Cũng theo ông Linh chia sẻ, thì khó khăn không chỉ ở nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, mà còn liên quan đến quy trình thủ tục hết sức phức tạp. Bởi lẽ, Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới và là di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản đòi hỏi tính chuyên môn cao và chịu sự chi phối của luật pháp trong nước và quốc tế. Trong khi, việc phân cấp quản lý, quyết định chủ trương đầu tư bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản vượt quá thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa.

Xuất phát từ tính chất đặc biệt quan trọng của vấn đề, ngày 12-1-2018, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho lập các dự án thuộc khu vực Thành nội và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì mời các chuyên gia trong nước và quốc tế hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong công tác nghiên cứu kết cấu, địa chất khu vực Thành nội, đưa ra các giải pháp chống sụt lún, bảo tồn, phục hồi các đoạn tường thành, nhằm bảo vệ bền vững di sản văn hóa thế giới này. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị giao Bộ Ngoại giao chủ trì việc kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Cách đây nhiều năm, ngay từ thời điểm lập hồ sơ di sản, các chuyên gia ICOMOS (Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế) đã khuyến nghị tỉnh Thanh Hóa và Việt Nam về sự cần thiết của việc nghiên cứu kết cấu, địa chất, nền móng... khu vực Thành nội. Từ đó, xác định mức độ sụt lún có nguy cơ gây ra sạt lở và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản một cách lâu dài. Như vậy là, việc bảo tồn cấp thiết Di sản Thành Nhà Hồ rất cần một chiến lược bền vững, khoa học và sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy, di sản thế giới hơn 600 năm tuổi này mới có thể tiếp tục đứng vững, cũng như khẳng định được giá trị đặc biệt và nổi bật toàn cầu của nó.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]