(Baothanhhoa.vn) - Huyện Thường Xuân có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Vùng đất này còn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa đặc sắc qua các trò chơi, trò diễn và các lễ hội truyền thống. Những năm qua, ngoài việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, huyện Thường Xuân còn tổ chức, phục dựng thành công các lễ hội truyền thống, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thường Xuân bảo tồn giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống

Huyện Thường Xuân có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Vùng đất này còn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa đặc sắc qua các trò chơi, trò diễn và các lễ hội truyền thống. Những năm qua, ngoài việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, huyện Thường Xuân còn tổ chức, phục dựng thành công các lễ hội truyền thống, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Huyện Thường Xuân bảo tồn giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống

Rước kiệu tại lễ hội rước Thành Hoàng làng xã Thọ Thanh.

Theo thông lệ, vào ngày 15-1 âm lịch hàng năm, đồng bào Thái ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân) lại long trọng tổ chức lễ hội nàng Han, nhằm tỏ lòng biết ơn đối với nàng Han - người con gái dân tộc Thái trên bản Lùm Nưa với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn. Lễ hội nàng Han được chia làm hai phần: Phần tế lễ và phần hội. Phần tế lễ có ý nghĩa cầu mong sự may mắn, ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt cho mọi người. Phần hội, diễn ra ở ngoài hang trên bãi đất bằng phẳng, dưới chân núi. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa (cây nêu), biểu diễn cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co... Đây là nét văn hóa truyền thống của người Thái trên đất Mường Trịnh Vạn, nhằm ôn lại tích xưa về chiến công của người con gái Lùm Nưa anh dũng, kiên cường. Được biết, lễ hội Nàng Han được UBND huyện Thường Xuân và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khôi phục từ năm 2007.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Thường Xuân có 7 lễ hội văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, đặc biệt là các lễ hội văn hóa truyền thống dần bị mai một. Nhằm bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, những năm qua huyện Thường Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, hằng năm huyện tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện; khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Thái khôi phục các lễ hội truyền thống và đưa các loại hình dân ca, dân vũ vào chương trình hội diễn, như: Hát xường, hát giao duyên, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng và các trò chơi dân gian như đánh mảng, đi cà kheo, ném còn, nhảy sạp... Nhờ có giải pháp đồng bộ, đến nay huyện đã phục dựng được 3 lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, như lễ hội Nàng Han, lễ hội Cửa Đặt ở xã Vạn Xuân, lễ hội rước Thành Hoàng làng (xã Thọ Thanh), nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục... Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn 4 lễ hội truyền thống chưa được phục dựng và tổ chức thường xuyên.

Để bảo tồn giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống, trong thời gian tới huyện Thường Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn; xây dựng các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc; đồng thời gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Bài và ảnh: Khánh Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]