(Baothanhhoa.vn) - Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, nổi tiếng bởi nơi đây là một vùng đất mía trù mật. Không những thế, huyện còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái – tâm linh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thạch Thành phát triển du lịch sinh thái – tâm linh

Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, nổi tiếng bởi nơi đây là một vùng đất mía trù mật. Không những thế, huyện còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái – tâm linh.

Thác Mây (xã Thạch Lâm) hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình.

Quá trình hình thành, phát triển vùng đất và con người Thạch Thành trong suốt các thời kỳ dựng nước và giữ nước, từ thời cổ đại đến nay đã để lại nhiều dấu ấn và di tích lịch sử quan trọng. Trong đó phải kể đến Di tích khảo cổ hang Con Moong (xã Thành Yên) - nơi cư trú của người Việt cổ cách ngày nay từ 40 - 60 ngàn năm. Việc phát hiện di tích của các nhà khảo cổ có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Chính nơi đây đã chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ hậu kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Từ di tích này có thể biết được đời sống kinh tế, xã hội của các công xã thị tộc phát triển qua các thời kỳ khác nhau của các nền văn hóa lịch sử và các thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Với ý nghĩa và đóng góp quan trọng, tháng 12-2015, Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Và hiện tại, các ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục xây dựng lộ trình đề nghị UNESCO xếp hạng Di tích khảo cổ hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới, chắc chắn tới đây di tích sẽ còn thu hút nhiều du khách hơn nữa đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

Đến Thạch Thành du khách không thể bỏ qua Di tích thắng cảnh đền Phố Cát (xã Thành Vân) - nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Nơi đây, di tích và thắng cảnh hòa quyện xen lẫn mang đậm chất thơ, trữ tình. Trong khoảng 1 ngày, du khách có thể đến được hầu hết các điểm tham quan trong di tích, như: Đền, thác, hang động, núi non, hồ, suối, rừng cây, bản làng... và sẽ cảm thấy hài lòng, thư thái.

Thăm Di tích Chiến khu Ngọc Trạo - một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước, nơi thành lập đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, du khách sẽ hết sức tự hào và xúc động về khí phách anh hùng của các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo năm xưa. Đó là nguồn sức mạnh cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích; kết hợp sức mạnh chính trị với sức mạnh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, chớp thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa, góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho nước nhà. Nổi bật giữa trung tâm di tích là Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo - biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để mùa thu hàng năm vào ngày 19-9 (ngày ra đời của đội du kích Ngọc Trạo) các tầng lớp nhân dân hướng về tri ân, tưởng nhớ những người con cảm tử của quê hương.

Trên hành trình khám phá vùng đất mía, thác Mây (xã Thạch Lâm) luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. Nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển, với 9 bậc thác trùng trùng, điệp điệp xếp gối lên nhau, tạo nên những con nước mềm mại như những dải lụa trắng, nên nhiều người còn gọi là “Thác chín bậc tình yêu”. Thác chảy quanh năm, nhưng đẹp nhất từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những thác đẹp nhất xứ Thanh nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, từ lâu đã được nhiều người biết đến với nét đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, cư dân sống ở khu vực quanh thác còn lưu giữ được một quần thể nhà sàn truyền thống của người Mường, trong đó có một số nhà sàn cổ rất đẹp. Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Mường còn được giữ gìn và phát huy như: Sắc bùa, cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn... và thưởng thức ẩm thực bản địa, như: Xôi nếp nương, canh đắng, ốc đá, thịt cuốn lá lốt nướng, gà đồi, thịt trâu lá lồm, nem thính, thịt lợn rừng...

Cũng như thác Mây, thác Voi (xã Thành Vân) đẹp tựa như dải lụa trắng ngần, mềm mại và quyến rũ. Trong khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng, nước non hòa quyện, du khách đến đây được thỏa thích vẫy vùng trong dòng nước mát, lại được nghe tiếng nước suối róc rách vui tai. Nhất là vào những ngày hè nóng nực, thác Voi luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan, vãn cảnh và thư giãn.

Ngoài những điểm chính, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm du lịch có thể khai thác, với đầy đủ các loại hình, như: Du lịch sinh thái hồ Đồng Sung (xã Thành Kim), điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng “Thủy liên động – suối nước nóng Thành Minh”; Du lịch lịch sử - văn hóa đình Tam Thánh, đền Mẫu (xã Thạch Bình), đình Mường Đòn (xã Thành Mỹ), đền Cô Luồng (thị trấn Kim Tân), chùa Cảnh Yên (xã Thành Kim); Du lịch làng nghề dệt thổ cẩm xã Thạch Lâm và xã Thành Yên, nghề làm nõ điếu xã Ngọc Trạo; Du lịch dựa vào cộng đồng xã Thạch Lâm... Đây đều là những lợi thế và tiềm năng để huyện phát triển du lịch trong tương lai.

Thời gian qua, khai thác phát triển du lịch đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện quan tâm, tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương, nhất là thanh niên và phụ nữ. Hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hóa giữa các vùng miền, góp phần giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hóa đến các tầng lớp nhân dân, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Bà Lê Thị Hương, Phó trưởng Phòng phụ trách Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Xác định phát triển du lịch là chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực vốn có, huyện đang từng bước xây dựng hướng phát triển du lịch phù hợp, kết hợp du lịch sinh thái và du lịch tâm linh cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch. Song, huyện cũng đề nghị tỉnh sớm triển khai xây dựng phương án bảo tồn địa tầng hố khai quật, các di cốt, mộ cổ người Việt tại hang Con Moong do UBND huyện chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện; nâng cấp tuyến đường từ ngã ba xã Thành Mỹ vào hang Con Moong (tuyến đường dài 10km đã xuống cấp, ảnh hướng đến hoạt động đi lại tham quan du lịch). Đồng thời, quan tâm phát triển du lịch thám hiểm hang động tại các xã: Thành Minh, Thành Mỹ, Thành Yên, Thành Tâm... Được như vậy sẽ góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên cũng như giữ gìn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc Mường; tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, nâng cao năng lực cộng đồng; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện theo hướng bền vững.


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]