(Baothanhhoa.vn) - Bá Thước không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan đẹp mà còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Kinh... tạo nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hóa - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Bá Thước khôi phục các lễ hội truyền thống và trò chơi, trò diễn dân gian với phát triển du lịch

Huyện Bá Thước khôi phục các lễ hội truyền thống và trò chơi, trò diễn dân gian với phát triển du lịch

Lễ hội Mường Khô được tổ chức hàng năm, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời thu hút ngày càng đông du khách thập phương.

Bá Thước không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan đẹp mà còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Kinh... tạo nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hóa - xã hội.

Cứ đến ngày mùng 10 tháng giêng (âm lịch) hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Tại lễ hội, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng... và các hoạt động văn hóa – thể thao thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia, như: Đánh mẳng, tung còn, chọi gà... Xưa kia, chuẩn bị cho lễ hội, các quan lang và dân chúng trong Mường phải sắm sẵn đồ tế lễ gồm trâu, lợn, gà, rượu, gạo... Lễ cúng có 18 mâm, gồm 12 mâm cỗ (trong đó có 10 mâm cỗ mặn, 2 mâm bánh chưng) và 6 mâm hoa quả. Người dân sẽ chọn giờ đẹp để rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Dẫn đầu đoàn rước là đội cồng chiêng gồm 400 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo 400 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu xướng lên âm thanh vang vọng núi rừng. Tiếng cồng chiêng không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, nó thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường. Không những vậy, lễ hội Mường Khô còn có những gian hàng của ngon, vật lạ, cây trái trong vườn mang ra chợ bày bán. Đối với những khách từ xa đến, bà con sẵn sàng biếu tặng các sản vật, thể hiện lòng hiếu khách cũng như cầu mong may mắn đến gia đình mình.

Không phải lễ hội nhưng du khách trong nước và quốc tế đều biết đến phiên chợ Phố Đòn như một đặc sản văn hóa – du lịch của huyện Bá Thước. Phố Đòn là tên gọi khu chợ có từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm. Đây là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái của các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hòa Bình). Chợ phiên Phố Đòn diễn ra vào 2 ngày trong tuần là sáng chủ nhật và sáng thứ năm, chợ mang nét đặc trưng của phiên chợ vùng cao với các mặt hàng tự cung, tự cấp là chủ yếu. Hàng hóa tuy đơn sơ nhưng khá phong phú về chủng loại với những sản vật như: Thổ cẩm, rượu cần, các loại rau rừng, côn trùng, hoa quả tươi... Điều làm nên sức hút cho du khách khi chơi chợ là nét văn hóa mua bán trao đổi hàng hóa ngang giá trị. Đôi khi, họ không giao dịch bằng tiền, chẳng hạn một con gà có thể đổi lấy hai chục trứng với mớ rau mà hai bên đều thấy thoải mái, vui vẻ. Chỉ cần “ưng cái bụng” là mua ngay, ít khi thấy trả giá, đòi thách.

Ngoài những nguồn tài nguyên chính kể trên, Bá Thước còn có các nguồn tài nguyên nhân văn khác như các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Kinh, Mường, Thái. Bên cạnh sử thi đẻ đất, đẻ nước (Té tấc, té đạc) là các thể loại thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian, hát ru em, hát đố, đồng dao... Đặc biệt lễ hội Pồn pôông của người Mường có thể nói vừa ấn tượng, sâu sắc, vừa phản ánh được tổng hòa các nét văn hóa đầy tính triết lý của cuộc sống. Bởi lẽ xung quanh cây hoa Pồn pôông ngày xuân, thông qua các làn điệu xường đang, xéc bùa và múa, diễn xướng - những ước mơ mùa màng bội thu, bản mường no ấm; và những lời cầu chúc tâm tình, hẹn ước vui tươi hạnh phúc được tỏa hương ngát mãi những mùa xuân của người Mường. Đặc biệt trong đời sống tinh thần người Thái bất cứ ở đâu cũng không thể thiếu: Cá sa, Kin Chiêng Boọc Mạy, múa sạp, múa xòe, khặp giao duyên, hát ru, ném còn... Từ năm 2018, huyện đã khôi phục và tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống vùng lòng hồ Bá Thước II vào phát triển du lịch, từng bước xây dựng lễ hội đua thuyền trên lòng hồ là một sản phẩm du lịch.

Để các lễ hội văn hóa truyền thống trở thành một sản phẩm để phát triển du lịch, huyện Bá Thước cũng đã khôi phục và tập trung khai thác các sản phẩm nghề thủ công truyền thống và khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống là một hướng đi đúng được triển khai tích cực ở Bá Thước vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thu hút du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Huyện đã phục hồi phát triển làng dệt thổ cẩm tại làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm. Qua gần 8 năm đi vào hoạt động, mô hình dệt thổ cẩm của phụ nữ làng Lặn Ngoài đã thu hút gần 100 hội viên tham gia. Tương tự, mô hình dệt thổ cẩm ở thôn Tôm, xã Ban Công cũng bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút 40 thành viên tham gia. Các sản phẩm từ thổ cẩm đã có mặt thường xuyên tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại Pù Luông, là sắc màu không thể thiếu tại các lễ hội truyền thống, các phiên chợ vùng cao, được du khách trong nước, quốc tế yêu thích.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc tại các lễ hội trên địa bàn huyện từ sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất, giao tiếp ứng xử, người Thái và người Mường ở Bá Thước đã vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như lối ứng xử lịch thiệp. Ngoài ra, vẫn còn đó rất nhiều những giá trị văn hóa độc đáo khác trong các lễ hội, trang phục cổ truyền, không gian văn hóa chợ Phố Đòn, ẩm thực, giao tiếp ứng xử, lễ hội, cưới xin, tang ma đến những điệu khặp, điệu xòe, những lời hát giao duyên thấm đẫm tình người, tình yêu, các trò chơi, trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, tung còn giao duyên, đẩy gậy, kéo co... Những giá trị đó đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Thái và Mường ở Bá Thước thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Với việc công bố các tour du lịch cũng như tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, các lễ hội trò chơi trò diễn dân gian sẽ tiếp tục được huyện tập trung khôi phục và phát huy theo hướng vừa bảo tồn vừa để phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]