(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa phải ví như lời khẳng định về sự tồn tại của một cộng đồng – dân tộc, trong mối tương quan so sánh với các cộng đồng – dân tộc khác. Bởi vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phải là việc làm mang tính cấp bách và thường xuyên hiện nay. Đồng thời, đó là quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới: hiện đại và giàu bản sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Bá Thước gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới

Văn hóa phải ví như lời khẳng định về sự tồn tại của một cộng đồng – dân tộc, trong mối tương quan so sánh với các cộng đồng – dân tộc khác. Bởi vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phải là việc làm mang tính cấp bách và thường xuyên hiện nay. Đồng thời, đó là quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới: hiện đại và giàu bản sắc.

Huyện Bá Thước gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới

Nếp nhà sàn truyền thống trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Cách đây chừng mươi năm, trên địa bàn huyện Bá Thước từng có một đoạn thời gian rộ lên hiện tượng “chảy máu nhà sàn”. Nhà sàn được người mua bốc gọn và thay vào mảnh đất trống là những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng, nhà tầng. Không ít người dân vì mối lợi trước mắt đã khiến cho không ít nhà sàn đẹp hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống bản làng. Để rồi, chỉ những nơi xa xôi hẻo lánh, hay nằm sâu trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, là còn giữ được những nếp nhà sàn cổ. Đành rằng, ngôi nhà vốn là để che nắng che mưa, hay là nơi sinh hoạt của mỗi gia đình. Song, kiến trúc nhà sàn là một phương diện phản ánh đậm nét tập quán, lối sống, nếp sinh hoạt, quan niệm thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật... rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc sống trên dẻo cao này. Vì vậy, không quá khi nói, hệ quả từ hiện tượng “chảy máu nhà sàn” cũng chính là sự “chảy máu” của văn hóa, hay sự rơi rớt của một trong những tín hiệu văn hóa lấp lánh làm nên bản sắc tộc người.

Huyện Bá Thước, nơi có trên 80% dân số là người Mường, người Thái sinh sống từ nhiều đời. Với lịch sử tồn tại và phát triển lâu dài ấy mà họ đã sản sinh, nuôi dưỡng và trao truyền được một kho tàng văn hóa bản địa hết sức phong phú và giàu giá trị. Đó là kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, là cách thức trong giao tiếp, là lệ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội và nhiều sinh hoạt cộng đồng. Song, đứng trước sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội và nhất là sự “va đập” của các nhân tố bên ngoài, nên nhiều nét văn hóa truyền thống như lễ hội, trò diễn dân gian, trang phục, ẩm thực, nhà ở... hoặc đã biến mất, bị mai một, hoặc bị lai tạp, biến dạng.

Nếu nói văn hóa phải ví như là lời khẳng định về sự tồn tại của một cộng đồng – dân tộc, trong mối tương quan so sánh với các cộng đồng – dân tộc khác; thì việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải là việc làm có tính cấp bách, thường xuyên. Nhận thức được điều đó và với nhiều năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, đã có không ít văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc tộc người đã được bảo vệ và phát huy. Đó là các lễ hội Mường Khô (xã Điền Trung), lễ hội mái đá điều (xã Hạ Trung), lễ hội cầu mưa (xã Kỳ Tân), lễ hội căm mương (xã Văn Nho), lễ hội xuống đồng (làng La Hán, xã Ban Công)... Cùng với đó là một số loại hình văn nghệ dân gian như mo Mường, khặp Thái và nhiều trò diễn dân gian được phát huy trong lễ hội, đám hiếu, đám hỷ. Lối ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống như cơm lam, cá đồ, canh uôi, canh đắng... đã “trở về” trên mâm cơm cúng tổ tiên ngày tết, hay mỗi dịp lễ lạt, đình đám của cộng đồng. Ngoài ra, trang phục, cách ứng xử, giao tiếp hay các lệ tục đẹp đang được phát huy trong đám cưới; các hủ tục trong đám tang như ăn uống linh đình, để người chết 3, 4 ngày mới táng, gọi hồn, bắt vía... cũng được khắc phục, xóa bỏ.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” suốt 20 năm qua, đã và đang góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn. Nhờ đó, quan hệ xóm giềng được thắt chặt và cùng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho bộ mặt mỗi làng, bản ngày càng khởi sắc. Các hương ước, quy ước của làng, thôn được thực hiện tương đối tốt. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được chú trọng, khi các làng đã tích cực đăng ký xây dựng “làng, bản không có tệ nạn xã hội”. Nhờ đó, từng bước giảm dần các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình và số người vi phạm pháp luật giảm mạnh.

Cùng với đó là môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa đang được địa phương quan tâm. Đặc biệt, nhiều xã, thị trấn đã chú trọng đến việc xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trở thành một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người. Công tác giáo dục chính trị, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức... được triển khai sâu rộng và gắn liền với chương trình “Xây dựng nông thôn mới”.

Lấy việc xây dựng gia đình văn hóa và bản làng văn hóa làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như xây dựng đời sống văn hóa mới. Do vậy, trong những năm qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn luôn đạt tỷ lệ từ 70% trở lên (giai đoạn 2011-2020). Đồng thời, đã tổ chức đăng ký xây dựng và ra mắt “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” cho 8 xã; trong đó có 3 xã đã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Đặc biệt, qua 20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến nay đã có 205/205 làng, bản, tổ dân phố khai trương xây dựng làng văn hóa; trong đó, 158 làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]