(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm, người mua tất bật sắm sanh những thứ còn thiếu để chuẩn bị đón tết. Người bán tranh thủ “chốt” hàng để còn kịp về lo mâm cỗ cúng. Kẻ ngược, người xuôi phố xá như đông hẳn lên, tấp nập tiếng cười nói rổn rảng. Tôi quyết định đến thăm “chớp nhoáng”  mấy nhà “bô trưởng” của làng Văn học nghệ thuật xứ Thanh trước khi dạo quanh một vòng thưởng ngoạn các chợ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hơi xuân phơ phất bay

Hơi xuân phơ phất bay

Văn nghệ sĩ xứ Thanh đi thực tế sáng tác tại xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn). Ảnh: Trần Đàm

Những ngày cuối năm, người mua tất bật sắm sanh những thứ còn thiếu để chuẩn bị đón tết. Người bán tranh thủ “chốt” hàng để còn kịp về lo mâm cỗ cúng. Kẻ ngược, người xuôi phố xá như đông hẳn lên, tấp nập tiếng cười nói rổn rảng. Tôi quyết định đến thăm “chớp nhoáng” mấy nhà “bô trưởng” của làng Văn học nghệ thuật xứ Thanh trước khi dạo quanh một vòng thưởng ngoạn các chợ.

Rẽ qua phố Tân Sơn, xe mới kịp dừng trước nhà số 38- Cửa Hữu đã thấy nhà văn Từ Nguyên Tĩnh như biết trước ý định của mình đứng đợi sẵn.

- Chào Tổng Biên tập thăm nhà.

Ông cười hề hề như là cốt tự giễu mình để lôi kéo khách. Tôi thuận đà theo ông vào nhà, một cây bưởi thế xum xuê quả vàng đã bày hoành tráng giữa phòng.

- Năm nay bác bội thu ra mắt “bưởi”, rồi tuyển tập đồ sộ, công phu, in ấn quá đẹp. Cháu trai đi Canada nữa. Xin chúc mừng bác! Tôi hồ hởi mào đầu câu chuyện khi chưa kịp ngồi xuống ghế.

- Cảm ơn Tổng Biên tập. Xum xuê như bưởi vàng. Ông hóm hỉnh đốp trả.

Rót nước mời tôi, vẫn khiếu nói hài hước pha lẫn thân tình, ông đưa tôi đi hết chuyện này sang chuyện nọ. Từ chuyện tạp chí có dấu hiệu khởi sắc hơn đến những chuyên mục theo ông cần phải lưu ý để đạt độ lắng. Ông nói như lâu ngày được trút bầu tâm huyết với bạn tâm giao, ông ân cần như buổi đầu tôi mới vào nghề được ông chỉ bảo, thi thoảng ông lại thở dài buông vài lời hờn dỗi ra điều trách tuổi xế chiều hơn là hờn ghen mấy hàng con cháu.

- Mấy ngày nữa, tạp chí trân trọng mời bác đến dự lễ trao giải thi sáng tác văn học trẻ và mừng năm mới. Cháu có chút quà tết biếu nguyên Tổng Biên tập - “già làng”. Tôi hài hước!

- Trăm không? Ông lấp lửng.

Rôm rả một hồi, tôi tạm biệt ông tiếp tục viễn du qua các phố, vài giọt mưa bụi bay ngang thấm vào khuôn mặt mang theo chút se se lạnh đủ ngọt để gợi một mùa xuân đang loang dần khắp phố. Cũng lạ, cho đến giờ phút này, dù đã qua tuổi đôi mươi, mười tám; nhưng cứ hễ mỗi khi xuân về lòng tôi lại ngập tràn với vô vàn những nôn nao, hăm hở. Một tà áo mới vụt qua cũng gợi nhớ một sắc mặt thân quen; một cành đào đỏ thắm cũng làm xốn xang cả mấy mùa xa cách. Mùa xuân xua đuổi những rối rắm thường ngày nhường chỗ cho những mộng mơ hồn nhiên, cao sang, bay bổng:

Lại đến mùa xuân em ơi

Ta mặc áo, hoa đào, hoa lý...

Rõ là cái ông Văn Đắc. Tôi lẩm bẩm, khi mà cả bánh xe lẫn “người ngợm” tôi chạm ngõ nhà ông.

- A, chào nhà ngươi. Nhà ngươi đến thăm ta đem mùa xuân về. Vẫn cái cách vồn vã mỗi lần khi ông bất chợt xuất hiện trước mặt tôi.

- Mới đến cổng, thơ bác đã dội “ầm vang” lòng cháu rồi. Tôi chọc vui ông.

- Nhà ngươi thật rõ khéo. Vừa nói ông vừa ân cần kéo tay tôi.

Tôi lẽo đẽo theo sau, như một phản xạ tự nhiên, rồi đọc to lên câu thơ của ông vừa chợt lóe lên lúc nãy như là cái cách ông thường mang bất chợt đến mọi người.

Lại đến mùa xuân em ơi

Ta mặc áo, hoa đào, hoa lý...

Ông quay ngược người hướng thẳng về phía tôi, đôi mắt ánh lên vẻ ngạc nhiên pha lẫn chút thú vị, phấn khích. Giọng ông hào sảng:

Ta mang cả cây đàn Thạch Sanh

Đánh thức người trong cổ tích

Đón mùa xuân đang về.

- Ta ngạc nhiên trước tâm hồn và sự sắc sảo của nhà ngươi. Ông ngừng đọc, thay vì mời tôi ngồi ông thật thà xác nhận.

Chả biết từ bao giờ, cái từ “nhà ngươi” ông vẫn thường dùng mỗi lần chuyện trò thân mật với các đồng nghiệp dạng con cháu, nay thành “thương hiệu” của riêng ông. Tôi nghe, quen dần thấy ông thật gần gũi, dễ mến. Ông trẻ trung trước tuổi bát tuần; ông bay bổng trước sự hạn hẹp của không gian đơn điệu.

- Càng ngẫm, càng thấy thơ bác trẻ trung, tình ý nồng nàn, say đắm, cứ như chàng trai Văn Đắc ngày nào đang dại dột nhận bùa yêu. Mà khối cô “quá lứa, lỡ thì” mò tìm Văn Đắc. Tôi tán tụng, đùa chọc ông.

- Nhà ngươi bảo cô nào “quá lứa, lỡ thì” mê ta!... Bằng chứng, bằng chứng... Ông cười sằng sặc cố nhấn mấy từ cuối cùng.

- Đây nhá, bác muốn bằng chứng, cháu cho bằng chứng. Tôi cất giọng:

Thế là sông mê mải chảy dịu dàng

Sông chảy, kìa! Sông đi làm thi sĩ

Sông như một chàng trai lãng tử

Đất khô cằn đến mấy cũng đơm hoa.

- Thế “Đất khô cằn đến mấy cũng đơm hoa” chả là các cô “quá lứa, lỡ thì” là gì. Ông ớ người ra, phản ứng chậm chạp, vụng về.

- Sâu sắc, sâu sắc! Ông đắc ý.

Chả biết câu chuyện thơ của tôi và ông chảy đến phương trời nào, nếu như lúc ấy bà Khanh – vợ ông không lễ mễ ôm bao nhiều thứ đi về.

- Cô mua sắm tết được nhiều chưa. Tôi đon đả.

- Cháu đến chơi à? Tết nhất biết thế nào là đủ. Không sắm thì thấy thiêu thiếu, áy náy. Mà mua, có thứ có khi chả dùng tới. Bà vui vẻ bộc bạch!

Tôi quay sang nói đôi ba câu chuyện sắm tết với bà, rồi được bà dúi cho một bọc cam giấy đỏ sẫm, thứ cam mọng nước, ngọt đến tận răng. Tôi cảm ơn bà, rồi xin phép cả hai cáo từ.

Vòng xe về đường Nguyễn Trãi, những chợ xép hoa đã mọc ra khắp nơi. Đúng là thời đất nước hòa nhập, hàng hóa ngập tràn, không thiếu thứ gì, đến cây trái cũng cảnh vẻ đài các, muôn hình vạn trạng, người hoa hậu, cây trái cũng hoa hậu, cũng tiến vua, tạo dáng miên man. Tôi chạy xe chầm chậm, lạc giữa muôn màu sắc xuân và nảy ra ý định ghé thăm nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm cách đó không xa.

Nghệ sĩ Trần Đàm năm nay cũng đã vào tuổi bát tuần, nhưng người mới gặp ông lần đầu thì không ai nghĩ thế. Dáng thể thao, nhanh nhẹn, hoạt bát, ông đi khắp nơi, đến mọi ngóc ngách xóm làng miền xuôi cũng như miền ngược. Khoác máy ảnh lên vai, thế là ông đi, không biết xa xôi, nhọc nhằn, quên luôn tuổi tác, ông hăm hở và khoáng đạt với nhiếp ảnh.

- Bác Đàm ơi! Tôi gọi từ cổng.

- Thy Lan hả!

- Vâng!

Ông vồn vả chạy ra mở cửa.

- Mùa xuân đến sớm nhà tôi, thật hạnh phúc! Thật hạnh phúc! Ông cuống quýt.

- Cháu đến xem tết nhất bác chuẩn bị đến đâu rồi! Và chúc mừng bác năm nay “nhập hồn vào hậu” bội thu. Tôi dài giọng.

- Con ni hôm nay lại đểu tau. Mi cũng đáo để, chả kém cạnh chi tau. Ông hài hước.

- Rứa cháu nói không đúng à! Cô nào được bác thổi hồn vào mà chả thành hoa hậu. Tôi nhăn nhở.

Câu chuyện của hai bác cháu cứ rộn ràng theo người chảy từ cổng vào nhà không đứt quãng nếu tôi không thấy vợ ông ngồi trên ghế.

- Con chào bác. Tôi đon đả.

Thay vì gật đầu, bà đưa tay kéo tôi ngồi sát bà.

- Lâu quá, cháu không đến chơi! Bà trách yêu.

- Dạ, cháu cũng hơi lu bu.

- Này, bìa Tạp chí Xứ Thanh tháng trước cải tiến đẹp đấy. Ảnh loang hết bìa thấy cầm cuốn tạp chí lên nó sang hẳn.

- Dạ, vậy à bác. Tôi hồ hởi.

- Cô gái với hoa sen của ông Trần Đàm nhà bác cho lên bìa thích mắt hơn là để ảnh trơ vơ. Bà hài hước, ướt át nhìn qua Trần Đàm.

- Tấm ảnh này thật thà mà nói bác giai chọn được góc chụp chuẩn, ánh sáng tuôn chảy ào ạt nâng bổng cả người và hoa lên tiên phật. Tôi tán thêm vào.

Trần Đàm ngồi im lặng tỏ ra thích thú, đầu ông luôn gật gù theo câu chuyện của hai bác cháu chúng tôi.

- Cái ông Trần Đàm nhà bác từ thời trai trẻ đến già khụ được cái mỗi khi chụp ảnh chân dung đàn bà, con gái thì rõ nét. Bà chọc giọng rành rẽ cố ý cho ông Trần Đàm nghe trọn vẹn.

- Bà chỉ được cái nói đúng. Trần Đàm lên tiếng!

Có tiếng chuông điện thoại rung lên trong túi. Thằng con trai gọi rối rít giục mẹ về đi mua quần áo. Câu chuyện với ông bà đành chấm dứt giữa chừng, bà đứng dậy với túi quà dúi cho tôi. Ngoài trời mưa bụi như dày hơn, hơi xuân phơ phất bay len vào từng nõn lá xanh non đầu cổng. Tôi lên xe, người lạnh ấm trong sự cồn cào của vô thức! Ôi, mùa xuân diệu kỳ! Tôi thốt lên khe khẽ rồi lướt đi cùng hơi xuân trở về trong sự nôn nóng của thằng cục cưng đang đợi chờ góc phố.

Thy Lan


Thy Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]