(Baothanhhoa.vn) - Là những địa điểm có ưu thế nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; có khả năng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường... Có thể nói, chất lượng các khu, điểm du lịch là cơ sở để thu hút du khách, nâng cao mức chi tiêu và gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả khai thác các khu, điểm du lịch: Nhiều vấn đề cần quan tâm

Là những địa điểm có ưu thế nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; có khả năng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường... Có thể nói, chất lượng các khu, điểm du lịch là cơ sở để thu hút du khách, nâng cao mức chi tiêu và gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch.

Ruộng bậc thang trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước).

Đa dạng các khu, điểm du lịch

Thanh Hóa hiện có 22 khu, điểm du lịch có khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch, trong đó, có các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương... Hiện, hầu hết các khu, điểm du lịch do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý trực tiếp. Riêng khu du lịch suối cá Cẩm Lương, UBND huyện Cẩm Thủy đã giao cho Xí nghiệp giao thông huyện Cẩm Thủy khai thác và quản lý. Đến nay, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến và Hải Hòa đã từng bước tạo dựng được thương hiệu tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung. Du lịch nghỉ dưỡng cũng là nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh nhất; lượng khách chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm các sản phẩm du lịch và mức chi tiêu cao nhất. Cụ thể, năm 2017, du lịch nghỉ dưỡng biển thu hút 5,1 triệu lượt khách, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch; doanh thu đạt 5.600 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu du lịch. Các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Pù Luông, bản Năng Cát (Lang Chánh), Bến En (Như Thanh)... có triển vọng phát triển. Các khu, điểm du lịch văn hóa, tâm linh như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu... đang được trùng tu, tôn tạo và chú trọng phát huy giá trị. Cùng với đó, hiện tỉnh cũng đang kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Bến En, Lam Kinh vào danh mục Khu du lịch quốc gia trong Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tuy vậy, cũng cần khách quan nhìn nhận, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn vẫn chưa được khai thác hiệu quả, kể cả các khu, điểm du lịch trọng điểm, nổi tiếng. Do đó, các điểm đến này vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, giá trị để trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn nặng tính mùa vụ, thường xuyên quá tải vào các tháng cao điểm mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8) và ít khách vào những tháng còn lại trong năm. Thị trường khách chủ yếu vẫn là khách nội địa, phân khúc thấp; lượng khách quốc tế và khách cao cấp chiếm tỷ trọng nhỏ. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch này chưa đa dạng, mới tập trung vào các hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức hải sản; thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm trên biển, trên bãi biển và ban đêm; thiếu các dịch vụ bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, phục hồi sức khỏe... nên không giữ chân được du khách ở lại dài ngày. Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển (nhất là Sầm Sơn) cũng chưa xây dựng được các sản phẩm, sự kiện du lịch tạo nên thương hiệu như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội hoa Đà Lạt, Carnaval đường phố Quảng Ninh... Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nhất là giao thông kết nối) và cơ sở vật chất ở các khu, điểm du lịch, kể cả những khu, điểm trọng điểm chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phục vụ các yêu cầu của du khách.

Là địa phương có 1.535 di tích, với nhiều khu, điểm du lịch văn hóa, tâm linh giàu giá trị, song vẫn chưa thu hút được lượng khách tương xứng với giá trị của nó. Du khách đến các khu, điểm du lịch này tập trung vào các dịp lễ hội, lễ tết và đa số chỉ tập trung vào các hoạt động tham quan, vãn cảnh mà ít có các hoạt động bổ trợ khác như lưu trú, ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm... Riêng đối với các khu, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, mặc dù được đánh giá cao về vẻ đẹp và tiềm năng phát triển, thế nhưng lượng khách lựa chọn sản phẩm này còn khá khiêm tốn. Năm 2017, sản phẩm này thu hút được 317.000 lượt khách, chiếm 4,5% tổng lượt khách và doanh thu đạt 536 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng doanh thu du lịch. Loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng hiện tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với các hoạt động nghỉ dưỡng, tắm suối, trèo thác, khám phá cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa các dân tộc Mường, Thái. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá Cẩm Lương, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cũng đã tổ chức được một số hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại khu vực miền Tây xứ Thanh chưa tạo được nét riêng biệt, độc đáo và nổi bật so với sản phẩm cùng loại của các địa phương có nhiều nét tương đồng trong khu vực. Các khu, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng còn hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất, đặc biệt là chất lượng và số lượng các cơ sở lưu trú. Riêng điểm du lịch Pù Luông Retreat được đầu tư khá bài bản và hiện đang là điểm đến hấp dẫn, song số phòng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Cùng với đó, các hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí cũng khá đơn điệu, nghèo nàn khiến cho hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tĩnh Gia là một trong những địa phương được đánh giá cao về nguồn tài nguyên du lịch. Hiện địa phương đã xác định sản phẩm du lịch biển, đảo là thế mạnh, kết hợp với sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh vốn nhiều lợi thế trên địa bàn. Theo đó, những năm gần đây, Tĩnh Gia đã tập trung nguồn lực xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm là Khu du lịch biển Hải Hòa, Khu du lịch sinh thái biển đảo Nghi Sơn, Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Am Các và chùa Am Các, Cụm di tích thắng cảnh Biện Sơn, quần thể hang động Trường Lâm, Cụm di tích Quang Trung – Lạch Bạng... Đồng thời, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản đặc trưng của địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Theo đánh giá từ phía chính quyền địa phương thì từ năm 2015 đến nay, tình hình phát triển du lịch trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt các Khu du lịch biển Hải Hòa, Nghi Sơn đã thu hút được lượng khách khá đông đảo về tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm. Ngoài ra, các khu, điểm du lịch mới như Khu du lịch sinh thái biển Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Ninh, Bình Minh; Khu du lịch hồ Hao Hao – chùa Am Các... cũng đang được xúc tiến kêu gọi đầu tư. Mặc dù vậy, hiệu quả khai thác, phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Theo đó, cũng tính từ năm 2015 đến nay, nguồn kinh phí (từ ngân sách huyện và tỉnh) đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích; xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch tại Hải Hòa; tuyên truyền, quảng bá; xây dựng quy hoạch kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch tại địa phương mới được trên 24,7 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn, nhất là các khu, điểm du lịch trọng điểm chưa được đồng bộ, hoàn thiện, thậm chí nhiều điểm còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Bên cạnh đó, huyện mới có 1 cán bộ công chức có trình độ đại học chuyên ngành văn hóa du lịch; đội ngũ hướng dẫn viên do cán bộ tuyên giáo cấp huyện và xã kiêm nhiệm, mà chưa có hướng dẫn viên chính thức tại điểm được đào tạo về du lịch. Sự thiếu và yếu nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch cũng là một bất cập của du lịch địa phương...

Sự đa dạng các khu, điểm du lịch là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, việc quản lý và hiệu quả khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thực trạng này có nguyên nhân của nó, trong đó không thể không nhắc đến sự đầu tư từ ngân sách dành cho du lịch còn hết sức hạn chế. Trong khi, du lịch chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, mùa vụ nên việc thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao còn hạn chế, nhất là tại các khu du lịch biển Hải Tiến, Hải Hòa. Cùng với đó, các khu, điểm du lịch nằm tách biệt, cách xa nhau nên không thuận lợi cho việc kết nối các tour, tuyến. Ví như các khu, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại Pù Luông, Bến En, Xuân Liên vừa khó kết nối với nhau, vừa nằm cách xa các khu, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh nên khó kết hợp để tăng tính đa dạng, hấp dẫn cho sản phẩm. Ngoài ra, quá trình vận hành, khai thác các khu, điểm du lịch ở tỉnh ta cũng đang gặp phải nhiều bất cập chung như hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại; thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, bài bản; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; hoạt động liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực du lịch chưa cao...

Bên cạnh cơ chế vận hành, quản lý ở một số khu, điểm du lịch còn chưa rành mạch giữa các ngành, địa phương, đơn vị thì trong quản lý, khai thác tài nguyên du lịch giữa các ngành cũng có sự chồng chéo, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác, phát huy. Ví như, Vườn Quốc gia Bến En và các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy, việc ngành du lịch và các địa phương muốn khai thác nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển du lịch, hiện đang gặp không ít khó khăn, do vướng phải nhiều quy định liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về du lịch những năm qua mặc dù đã được tăng cường, song không thể phủ nhận, nhận thức của các cấp, các ngành về quản lý phát triển du lịch chưa đầy đủ. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp của một số sở, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp có liên quan về phát triển du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình trong đó phải kể đến việc phối hợp rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch vẫn chưa thường xuyên và mang lại hiệu quả. Điều đó đã dẫn đến nhiều dự án kéo dài hàng dăm, bảy năm, thậm chí là trên chục năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí tài nguyên du lịch và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]