(Baothanhhoa.vn) - Bản Mọ, xã Thành Yên (Thạch Thành) có vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ với những nếp nhà sàn thấp thoáng trong sương khói, những lùm cây rừng xanh mướt mát, những con đường quanh co uốn lượn như dải lụa mềm chạy vắt theo chân núi...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hang Con Moong – những dấu tích của người Việt cổ

Bản Mọ, xã Thành Yên (Thạch Thành) có vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ với những nếp nhà sàn thấp thoáng trong sương khói, những lùm cây rừng xanh mướt mát, những con đường quanh co uốn lượn như dải lụa mềm chạy vắt theo chân núi...

Hang Con Moong – những dấu tích của người Việt cổHang Con Moong. Ảnh: Ngọc Anh

Và đặc biệt hơn nữa, ẩn sâu trong tầng tầng lớp lớp núi đá rêu phong ấy, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hang Con Moong và các di tích phụ cận ở khu vực này chính là không gian sinh tồn của người Việt cổ, cách chúng ta từ hàng vạn năm trước.

Theo tiếng địa phương, hang Con Moong có nghĩa là hang con thú. Năm 1975, trong một chuyến điều tra khảo cổ, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã bất ngờ phát hiện ra hang Con Moong. Năm 1976, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) và Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật hang Con Moong lần thứ nhất. Sau 5 mùa điền dã (từ năm 2010 đến 2014), Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã tiến hành khai quật, nghiên cứu khảo cổ hang Con Moong, đồng thời phát hiện, khảo sát, khai quật và nghiên cứu một số hang động xung quanh hang Con Moong như: Hang Lai, hang Đắng, hang Mộc Long, hang Mang Chiêng... Để xác định niên đại tuyệt đối, các nhà khảo cổ học đã phối hợp nghiên cứu bằng nhiều phương pháp, như: Phân tích các mẫu trầm tích, bào tử phấn hoa, nhân chủng học... Từ các cuộc khai quật tại đây cho thấy những kết quả nghiên cứu bước đầu về không gian sinh tồn của người Việt cổ cũng như tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này. Lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt, hái lượm đến trồng trọt. Các kết quả cũng cho thấy, hang Con Moong có địa tầng dày trung bình 9,5m, gồm 10 lớp có cấu trúc khác nhau, là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo nghiên cứu bước đầu, hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa. Giai đoạn 1 (độ sâu từ bề mặt tầng văn hóa 0m đến -3,6m), chia làm 2 lớp: Lớp 1 (độ sâu 0,0m đến -2,6m) là dấu tích văn hóa Đá mới với bình tuyến Hòa Bình và sau Hòa Bình (có yếu tố Bắc Sơn, Đa Bút). Lớp 2 (độ sâu từ -2,6m đến -3,6m) là dấu tích văn hóa tiền Hòa Bình, mang đặc trưng văn hóa hậu kỳ Đá cũ Sơn Vi. Giai đoạn 2 (có độ sâu -3,6m đến -5,05m), tương ứng với lớp văn hóa 2 của Mái đá Ông Hay (Tràng An, Ninh Bình), nơi có đặc trưng văn hóa gần nhau, giai đoạn này có thể có tuổi 30.000-20.000 năm BP (BP: cách ngày nay). Giai đoạn 3 (có độ sâu - 5,05m đến -6,8m), có thể so sánh với lớp văn hóa 1 Mái đá Ông Hay, nơi có sự chuyển tiếp từ trầm tích không vỏ ốc sang vỏ ốc, từ công cụ đá vôi sang công cụ mảnh, có thể có tuổi 40.000-30.000 năm BP. Giai đoạn 4 (có độ sâu -6,8m đến -9,5m), có thể so sánh công cụ đá lớp 10 ở giai đoạn này với công cụ cùng loại ở hang Thẩm Ồm (Nghệ An) và hang Hùm (Yên Bái), nơi nằm cùng hóa thạch người khôn ngoan sớm Homo sapiens và quần động vật Late Pleistocene, niên đại khoảng 40.000-60.000 năm BP.

Sau lần khai quật năm 2014, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đưa ra một vài nhận xét về giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của hang Con Moong, như sau:

Thứ nhất, các di tồn văn hóa ở hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú trong hang, truyền thống chế tác đá và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, thay đổi hành vi văn hóa của con người trước biến động về cổ khí hậu và môi trường tự nhiên từ cuối Pleistocene sang Holocene. Đó còn là câu chuyện về sự thay đổi từ kỹ nghệ công cụ mảnh tước đá quartz độc tôn từ 60.000-40.000 năm trước sang kỹ thuật cuội ghè và mảnh tước giai đoạn 40.000-20.000 năm, để rồi sau đó xác lập kỹ nghệ công cụ cuội ghè điển hình ở Đông Nam Á là văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn ở thung lũng karst Con Moong này. Ngoài giá trị trên, về khoa học đã bổ sung thêm một kỹ nghệ mảnh đá quartz thuộc giai đoạn Pleistocene muộn trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam, mà trước đó chúng ta chỉ biết đến một kỹ nghệ mảnh tước kiểu Ngườm tồn tại trước kỹ nghệ cuội ghè Sơn Vi - Hòa Bình - Bắc Sơn.

Thứ hai, giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của hang Con Moong chính là sự tương thích của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm qua và những thành tựu vĩ đại mà họ đạt được trong thung lũng karst Cúc Phương. Con người đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước, song không thường xuyên (vắng ở lớp 8 và 9) khi mà lớp khí hậu trở nên lạnh nhất. Ngay ở các lớp 5, 6 và 7, con người cũng thường lui tới hang, bởi lúc đó khí hậu còn khô lạnh, các loài nhuyễn thể cạn chưa xuất hiện, con người săn bắt một số động vật nhỏ trong thung lũng karst với kỹ nghệ công cụ mảnh tước đa nguyên liệu, kể cả đá vôi. Từ sau 25.000-20.000 năm BP, khí hậu ấm dần, xen kẽ ấm và lạnh, con người cư trú trong hang thường xuyên hơn, chuyển dịch dần về cửa phía đông của hang. Ở đó, một số loài nhuyễn thể được chế biến bằng cách nướng, đốt qua lửa, vỏ ốc thường bị vỡ vụn do bị con người thường xuyên dẫm đạp lên. Con người tiến hành săn bắt, hái lượm trong thung lũng, đặc biệt là thu lượm các loài ốc núi. Việc sử dụng công cụ cuội kích thước nhỏ và công cụ mảnh tước thích ứng với việc thu hái thảo mộc, chế biến các loài nhuyễn thể nước ngọt theo mùa. Sau 20.000 năm BP, thời kỳ nóng ẩm, mưa nhiều khiến cho các loài ốc núi, ốc suối và các loài hai mảnh vỏ xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành nguồn thức ăn thường xuyên của con người. Vỏ các loài nhuyễn thể này đã chất đầy cửa hang, có chỗ dày tới gần 4m. Con người cư trú theo mùa hoặc theo chu kỳ tái sinh trưởng của các loài nhuyễn thể, hoặc chu kỳ của các loài cây, quả, củ và cả các loài động vật khác. Vào giai đoạn mưa nhiều, ít nhất kéo dài từ 11.400 năm cho đến 8.000 năm khiến cho hầu hết cư dân tiền sử ở Bắc Việt Nam vào cư trú hang động. Vào giai đoạn này, các dấu tích hoạt động của con người còn lưu lại hết sức ấn tượng ở địa tầng khu cửa hang, với địa tầng vỏ ốc chất dày và hàng trăm công cụ lao động bằng đá, xương, sừng, vỏ nhuyễn thể, có sự phát triển kế thừa từ Sơn Vi, Hòa Bình đến Bắc Sơn. Chỉ sau 7.000 năm, khi mưa ít đi và nước biển dâng lên, con người bắt đầu rời hang, chiếm lĩnh vùng biển rộng lớn từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Bàu Dũ (Quảng Nam), xác lập nên các văn hóa biển đầu tiên trong tiền sử Việt Nam, trong đó có văn hóa Đa Bút từ chân núi tiến xuống đồng bằng rồi ven biển. Một trong cội nguồn hình thành văn hóa Đa Bút chính là sự chuyển cư của cư dân hang động, trong đó có cư dân hang Con Moong sau 7.000 năm. Những dấu tích rìu mài bộ phận và gốm văn đập thô sơ nhất của văn hóa Đa Bút có mặt ở lớp trên cùng hang Con Moong là minh chứng cho những lớp người tiền sử của văn hóa Đa Bút tiến xuống đồng bằng ven biển Thanh Hóa, xác lập nên một diện mạo văn hóa Đa Bút.

Thứ ba, di chỉ hang Con Moong và địa tầng của nó là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích khu vực Cúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, cụm di tích khảo cổ hang Con Moong có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Chính nơi đây đã chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ hậu kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Sự phát triển liên tục đó tương ứng với các nền văn hóa từ Sơn Vi đến nền văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn trong các nền văn hóa nguyên thủy ở Việt Nam. Từ cụm di tích hang Con Moong, chúng ta biết được đời sống kinh tế, xã hội của các công xã thị tộc phát triển qua các thời kỳ khác nhau của các nền văn hóa và của lịch sử. Sự có mặt của những hiện vật chứng tỏ người nguyên thủy trong các nền văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Với những giá trị nổi bật, ý nghĩa trên, di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận gắn với phát triển du lịch, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối các di tích trong khu vực, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo hướng bền vững. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tư liệu, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]