(Baothanhhoa.vn) - Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thì yêu cầu về giữ gìn bản sắc văn hóa luôn được đặc biệt coi trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Lễ hội Lam Kinh.

Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thì yêu cầu về giữ gìn bản sắc văn hóa luôn được đặc biệt coi trọng.

Bản sắc, nói một cách dễ hiểu, đó là cái lõi, là linh hồn, là tinh hoa của nền văn hóa một quốc gia hoặc của riêng một tộc người. Bản sắc văn hóa có sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống một cộng đồng, cũng như nhờ đó mà tạo nên nền văn hóa Việt Nam độc đáo, phong phú và đa dạng.

Văn hóa là một chỉnh thể đồ sộ, với tri thức, tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục tập quán. Đó là kho “trầm tích” được gây dựng từ truyền thống tốt đẹp trong quá khứ và kết tinh các giá trị thời đại của dân tộc. Còn bản sắc văn hóa, như nhận định của các nhà nghiên cứu, được thể hiện ở hệ giá trị, truyền thống, bản lĩnh, tâm hồn, lối sống, cách cảm, cách nghĩ, cách suy tư và cả ở khát vọng cùng biểu tượng văn hóa của một dân tộc. Đó là sự tổng hòa các khuynh hướng cơ bản trong sáng tạo văn hóa của một dân tộc, trong mối quan hệ với những điều kiện về kinh tế, chính trị, môi trường tự nhiên và trong mối liên hệ thường xuyên với văn hóa nhân loại. Nó không phải là cái biểu hiện nhất thời, mà có mối liên hệ sâu sắc, bền vững trong lịch sử và trong đời sống văn hóa dân tộc. Nói đến hệ giá trị của dân tộc Việt là nói đến lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Từ giá trị cốt lõi ấy mà thăng hoa thành lý tưởng, lẽ sống, tính nhân dân, tính cộng đồng...

Với Thanh Hóa, trong dặm dài lịch sử hình thành, phát triển, vấn đề bản sắc và gìn giữ bản sắc văn hóa luôn là một câu hỏi lớn. Điều này có thể lý giải được khi xứ Thanh là vùng đất gắn liền với lịch sử hình thành quốc gia – dân tộc từ thời đại các Vua Hùng. Đây cũng là mảnh đất mà không ít một tín hiệu văn hóa lấp lánh, có khả năng đại diện cho nền văn hóa dân tộc. Truyền thống văn hóa xứ Thanh đã được thể hiện sâu đậm trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà trở thành môi trường nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Đồng thời, truyền thống văn hóa cũng là cơ sở để tạo dựng các giá trị văn hóa mới cho mảnh đất này. Nếu xét bản sắc văn hóa xứ Thanh ở cái giá trị cốt lõi như vừa nêu, thì Thanh Hóa tự hào khi là tấm gương phản ánh sâu sắc, đậm đà của tinh thần yêu nước, tự cường và đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Những nhân tố bản sắc ấy đã làm nên cốt cách, bản lĩnh con người và đặc trưng một vùng đất – vùng lịch sử văn hóa, vừa riêng có vừa hòa hợp với lịch sử, văn hóa dân tộc.

Còn nếu xét ở những biểu hiện cụ thể nhất của văn hóa, thì bản sắc văn hóa xứ Thanh được phản ánh qua một hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể tiêu biểu. Là đất quý hương của nhiều vương triều phong kiến, mà dấu ấn để lại còn đậm nét qua các công trình kiến trúc đang được phục dựng hoặc chỉ là những phế tích bị thời gian, thiên tai và cả sự vô cảm, bất lực của con người gây ra. Song sự tồn tại của cả di tích lẫn phế tích ấy đều là những chương, đoạn lịch sử - văn hóa đáng tự hào của mỗi người dân được sinh ra ở mảnh đất này. Đó là Thành Nhà Hồ, một công trình kiến trúc gây kinh ngạc không phải ở sự bề thế, hoành tráng, mà ở kỹ thuật xây dựng vô tiền khoáng hậu và cả cái lịch sử đẫm máu cùng nước mắt gắn liền với bối cảnh ra đời và tồn tại của nó hơn 6 thế kỷ qua. Rồi Lam Kinh “kinh đô tưởng niệm” Nhà hậu Lê; đền Bà Triệu, một biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh vượt qua mọi sự bó buộc của bậc nữ trung hào kiệt; hang Con Moong hay kho trầm tích về lịch sử hình thành và phát triển loài người...

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ và tôn vinh bản sắc văn hóa được xem là nền tảng tinh thần cho mọi phát triển. Song, đó phải là quá trình “gạn đục khơi trong” thường xuyên, liên tục để giữ lại cái tinh hoa, tiếp thu các giá trị mới và phù hợp; đồng thời, loại bỏ cái hủ tục, lạc hậu và không phù hợp với truyền thống, tinh thần dân tộc. Muốn vậy, không cách nào khác là vận dụng và triển khai các chiến lược phát triển văn hóa và con người một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự với một vùng đất giàu truyền thống văn hóa như xứ Thanh.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]