(Baothanhhoa.vn) - Không biết sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đã đưa tôi “quá chân” về lại làng Kênh vào những ngày cuối cùng của năm và trong cái rét thấm thía da thịt. Làng Kênh (xã Định Tân, huyện Yên Định), nơi cách đây chừng dăm năm, may mắn đã cho tôi được “tháp tùng” đoàn công tác của “ông cố vấn” Lê Huy Ngọ, khi ông về tham quan một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ bản sắc cho nông thôn mới

Không biết sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đã đưa tôi “quá chân” về lại làng Kênh vào những ngày cuối cùng của năm và trong cái rét thấm thía da thịt. Làng Kênh (xã Định Tân, huyện Yên Định), nơi cách đây chừng dăm năm, may mắn đã cho tôi được “tháp tùng” đoàn công tác của “ông cố vấn” Lê Huy Ngọ, khi ông về tham quan một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Giữ bản sắc cho nông thôn mới

Các nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa trình diễn nghề truyền thống.

Ấn tượng trong tôi vẫn hệt như buổi đầu tiên ấy, khi được “bắt” vào cái nhịp sống chậm rãi và thanh âm cuộc sống vọng lại từ những chân ruộng phủ kín hoa màu đang vào độ tràn trề nhựa sống và lẫn cả vào trong cái không gian lặng lặng của những đình, đền, miếu mạo ngày đông. Bấy nhiêu màu sắc, thanh âm đủ để họa nên bức tranh làng quê một dáng dấp bình yên và thảnh thơi đến lạ.

Đình làng Kênh nằm cạnh con đường “xương sống”, dẫn từ trung tâm làng ra tận các chân ruộng. Di tích này không chỉ là một nét “nhấn nhá” kiến trúc đặc biệt cho ngôi làng, mà còn là cái phần đặc biệt, làm nên diện mạo đời sống văn hóa – tinh thần nơi làng quê này. Sinh ra từ làng, có mấy người nguôi quên được hình ảnh ngôi đình to lớn, nơi mà cứ đến ngày lễ lạt, đình đám các cụ cao niên có chức sắc hay uy vọng lại chỉnh tề áo the, khăn xếp, trang nghiêm hành lễ trước vị thành hoàng có công bảo hộ cho làng. Hay trong những đầu xuân năm mới, cả làng lại kéo nhau ra đình để nghe dăm ba điệu chèo và biết mấy trò chơi dân gian đã theo chân lũ trẻ lớn lên và dời làng. Đình làng Kênh cũng vậy, dù có mang dáng dấp khá mới mẻ - nhờ được đầu từ hơn 1 tỷ đồng để tu bổ, phục dựng lại – thì cái nhịp chảy trôi lặng lặng của thời gian và những thể thức sinh hoạt truyền thống của con người diễn ra trong lòng nó – rồi sẽ “nhuộm” lên hình hài di tích cái màu đặc trưng vốn có của một trong những biểu tượng níu giữ “hồn làng”: Cây đa - giếng nước - mái đình.

Không phải chờ đến khi cái nghề truyền thống của làng được vinh danh là di sản phi vật thể quốc gia, thì người dân làng Chè (hay làng Trà Đông, xã Thiệu Trung) mới có được niềm tự hào. Nghề đúc đồng có lịch sử hàng trăm năm, từng đưa tên tuổi ngôi làng xứ Thanh vượt ra ngoài ranh giới địa lý, để trở thành một trong những làng nghề có tiếng khắp các vùng, miền. Nhưng rồi, bẵng đi nhiều thập kỷ, do không thể cạnh tranh nổi với nhiều mặt hàng mỹ nghệ và gia dụng mới, nghề đúc đồng tưởng như đã rơi vào mai một. Chừng hơn chục năm trở lại đây, nghề dần hồi sinh, người theo nghề ngày càng nhiều và sản phẩm làng nghề bắt đầu tìm đến không chỉ trong các gia đình, trên ban thờ hay thành vật dụng trang trí trang trọng nơi phòng khách; mà còn trở thành vật phẩm lưu niệm có giá trị, mà trống đồng là sản phẩm tiêu biểu nhất của làng nghề truyền thống thời mở cửa. Sức sống mới của làng nghề, một phần còn nhờ bởi nhiều chính sách khuyến khích của chính quyền các cấp. Qua đó, không chỉ nhằm bảo tồn một nghề truyền thống, mà còn góp phần gìn giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu, vốn được đúc kết thành tri thức, thành kinh nghiệm làm nghề và đồng thời cũng là để vinh danh những nghệ nhân làng nghề đã và sẽ “giữ lửa”, “thắp lửa” nghề cho nhiều thế hệ.

Có thể có người sẽ cho rằng, nếu cứ tìm mãi những biểu tượng “hoài cổ” – như là mái đình hay một nghề truyền thống - nơi những làng quê mà “ánh sáng” từ các cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp - nông thôn – nông dân, mà điển hình hơn cả là công cuộc xây dựng nông thôn mới, đã và đang mang lại không ít thành tựu; phải chăng, là không còn phù hợp? Điều đó cũng có cái lý đúng của nó, khi nông thôn mới đang và sẽ mang đến cho người nông dân nhiều tiện nghi để nâng cao đời sống. Và hẳn, rồi cũng sẽ có những “biểu tượng” mới được hình thành, để gọi tên cái nếp sống mới ấy, sao cho tiệm cận với các giá trị mang tên “hiện đại” và “văn minh”. Thế nhưng, tôi lại luôn có niềm tin rằng, những cái ta vẫn coi là “cổ” lại luôn là cái phần không thể khuyết thiếu trong đời sống tinh thần, tình cảm lẫn vật chất của mỗi con người. Bởi, chỉ ví riêng câu chuyện về cái đình làng thôi cũng đã chất chứa biết mấy điều đáng để suy ngẫm. Và, tôi tâm đắc với nhà văn Nam Sơn khi ông từng đưa ra một nhận định sâu sắc rằng, xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần của con người, bởi có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền!

Theo số liệu mới nhất vừa được ngành chức năng công bố, thì công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa đã cán đến một mốc ấn tượng, với 50% số xã (284 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Con số này đủ để nói lên nhiều điều. Ví như, đó là thành quả từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; hay cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của chính quyền địa phương vừa quyết liệt, vừa linh hoạt; là cách thức huy động nguồn lực đạt nhiều kết quả; là sự hài lòng và tham gia tích cực của người dân với tư cách chủ thể chính của cả quá trình... Vấn đề còn lại là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm đưa thành quả ấy đi vào chiều sâu và thực chất, với cái đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ý thức làm chủ của người dân. Bởi “tiêu chí chỉ là cơ sở, còn hiệu quả mới là mục tiêu cuối cùng trong xây dựng nông thôn mới”.

Làng xã cổ truyền người Việt vốn được xem là một “sản phẩm độc đáo” của lịch sử và xã hội Việt Nam. Tính độc đáo này được thể hiện ở nhiều phương diện, từ cách thức làm ăn, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, đến các mối quan hệ ràng buộc trong cộng đồng... Đồng thời, mỗi một phương diện kể trên lại là một thành tố cấu thành nên diện mạo văn hóa làng và rộng hơn, thành văn hóa dân tộc. Cũng chính vì lẽ đó mà cho dù có là “nông thôn mới” đi chăng nữa, thì những ngôi “làng mới” cũng không thể tách rời khỏi các yếu tố đã làm nên bản chất và cho nó vị thế đặc biệt trong tiến trình hình thành, tồn tại và phát triển của mảnh đất này. Vậy nên, nói về diện mạo văn hóa nông thôn mới, thiết nghĩ, sẽ là chưa đủ nếu chỉ chú trọng đến 2 tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và số 16 (văn hóa).

Tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng một nền văn hóa mới, có sự song hành và gắn bó mật thiết của hai giá trị căn bản là “tiên tiến” và “bản sắc”. Để rồi, không thể phủ nhận, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của làng xã Việt Nam cổ truyền, phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay, đang hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; đồng thời, tiếp thu trên tinh thần chọn lọc nhiều giá trị văn hóa mới của các quốc gia, dân tộc sao cho phù hợp để làm đầy hơn kho tàng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, cho nên từ lý thuyết đến thực tế vẫn luôn có một khoảng cách.

Ví như câu chuyện về những cái cổng làng rêu phong, vốn là nhân chứng của biết mấy lần đổi thay, thịnh suy của xóm làng và đời người. Những bức tường im lặng ấy từng chứng kiến biết mấy cuộc tiễn đưa và sum họp, có hạnh phúc, có khổ đau và cả những niềm hy vọng. Và cuộc sống phía sau nó, tưởng chừng như chỉ ngưng đọng trong thời gian và bó hẹp trong không gian vốn xoay vần trong nhịp điệu của mùa màng và lễ hội. Nhưng đó là cái sự “ngưng đọng” diễn ra hết sức từ tốn, để những giá trị sống được hình thành chậm rãi và vững chắc, mà làm “diện mạo” cho con người và nối một sợi dây bền chặt, níu tâm hồn họ với quê hương, bản quán, cội nguồn. Trong nhiều làng xã ngày nay, nhất là với những địa phương đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, vốn không thiếu những cổng làng được xây dựng hết sức hoành tráng, to đẹp, để góp vào mục tiêu là biến nhiều vùng nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống”.

Thế nhưng, nhiều chuyện phía sau những cái cổng làng to tướng ấy vẫn luôn khiến người ta không khỏi băn khoăn. Đó là tình làng nghĩa xóm có phần phai nhạt, khi những bức tường giữa các ngôi nhà cứ cao dần lên và những mâu thuẫn, xung đột trong họ hàng, láng giềng do tranh chấp đất đai, tài sản cứ ngày một gia tăng. Rồi ô nhiễm môi trường do rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, kinh doanh cứ dồn ứ mãi lên mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Rồi tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự khi “phố hóa làng”, khi công nghiệp hóa về làng. Rồi nếp sống, nếp sinh hoạt, lối đối nhân xử thế, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng... tất cả cũng đều đang có sự thay đổi, theo cả hai chiều vừa thuận, vừa nghịch.

“Nông thôn mới” là một khái niệm mà nội hàm của nó mang nhiều khác biệt so với nông thôn Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, như đã đề cập, với một nền văn hóa vừa “tiên tiến”, vừa “đậm đà bản sắc”, thì cái “mới” ở đây, thiết nghĩ, không đối lập với cái “cũ”, mà là sự hài hòa và tương hỗ giữa các yếu tố truyền thống với các yếu tố hiện đại, sao cho phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển. Đó cũng chính là cơ sở cho nông thôn mới bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]