(Baothanhhoa.vn) - Trong bài “Gà lợn trong tranh Đông Hồ”, nhà nghiên cứu tranh dân gian Phùng Hồng Kổn cho rằng, “nguyên mẫu” con lợn trong dòng tranh này là “lợn ỉ thuần chủng”. Ông viết:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giống lợn quý trong tranh dân gian

Giống lợn quý trong tranh dân gian

Tranh dân gian Đông Hồ “Đàn lợn âm dương”. Ảnh: Tư liệu

Trong bài “Gà lợn trong tranh Đông Hồ”, nhà nghiên cứu tranh dân gian Phùng Hồng Kổn cho rằng, “nguyên mẫu” con lợn trong dòng tranh này là “lợn ỉ thuần chủng”. Ông viết:

“Tranh lợn có: Lợn đàn, lợn độc, lợn ăn ráy – tất cả đều béo mũm mĩm – “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”. Những bức tranh lợn được diễn tả bằng ngôn ngữ ước lệ nhưng cũng chứng tỏ các nghệ nhân đã quan sát rất kỹ, nguyên mẫu, đó là giống lợn ỉ thuần chủng. Giống lợn này thường có màu đen hoặc lang hồng, lưng võng, bụng xệ, trên thân thường có những đám lông mọc thành khoáy tròn”.

Tuy nhiên, “Mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn/ Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi”, là phép xem tướng trâu, không phải tướng lợn. Ý kiến “giống lợn ỉ thuần chủng” là “nguyên mẫu” của tranh Đông Hồ; hay “giống lợn này thường có màu đen hoặc lang hồng”, cũng cần xem lại. Vì lợn trong tranh Đông Hồ không mang nét điển hình của con lợn ỉ. Mặt khác, đã gọi “lợn ỉ thuần chủng”, chỉ có màu đen, không có “lang hồng”.

Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ (“Tranh dân gian Việt Nam” - dẫn theo Nguyễn Dư) tuy không xác định giống lợn, nhưng lại đem “bốn khoáy đóng chuồng” tướng trâu, ghép với “lưng đai, bụng bị” của tướng lợn: “Những con lợn nào mà có ba quý tướng: “lưng đai, bụng bị, bốn khoáy đóng chuồng” thì là giống lợn nái tốt...”.

Vậy, “nguyên mẫu” tranh lợn Đông Hồ là giống gì?

Sách “Con lợn ở Việt Nam” (PGS. TS. Nguyễn Thiện chủ biên - NXB Nông nghiệp, 2005) cho biết, Việt Nam có trên 60 giống lợn nội, nhưng tất cả các giống đều thuộc họ Sllidae, chủng Sus và loài Susdomesticus. Trong đó, phổ biến nhất có hơn 10 giống: l. Móng Cái (Quảng Ninh); 2. Ỉ (Thanh Hóa, Nam Định); 3. Lang Hồng (Bắc Ninh); 4. Cỏ (miền Trung); 5. Mường Khương (Lào Cai); 6. Mẹo (H’Mông); 7. Thuộc Nhiêu (Tiền Giang); 8. Ba Xuyên (Sóc Trăng); 9. Phú Khánh (Phú Yên, Khánh Hoà); 10. Táp Ná (Cao Bằng); 11. Vân Pa (Quảng Trị)...

Các giống lợn cỏ, Mường Khương, Mẹo, Thuộc Nhiêu, Ba Xuyên, Phú Khánh, Táp Ná, Vân Pa, chân cao, mõm dài, bụng thon, lưng thẳng, mình dài, bờm dựng... mang nhiều nét của lợn rừng. Ta có thể thẳng thừng loại trừ chúng, bởi lợn trong cả ba dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Sình đều không có những đặc điểm này.

Chỉ còn ba giống: Móng Cái, ỉ và Lang Hồng có đặc điểm giống với lợn trong tranh: Mõm ngắn, chân nhỏ, bụng to, lưng hơi võng. Tuy nhiên, trong 3 giống lợn này, Lang Hồng chỉ là tên gọi khác, hoặc họ hàng gần với Móng Cái. Sách “Con lợn ở Việt Nam” cho biết, bằng phương pháp sọ học (cranologie) và phương pháp điện di phân tích máu trên ba giống lợn Landrace, Lang Hồng, Móng Cái và những con lai của chúng, lấy sọ lợn rừng (Sus scrofa) của Viện khảo cổ học làm chuẩn so sánh, Giáo sư Trần Đình Miên đã xác định “Lợn Lang Hồng ‘gần gũi’ với lợn Móng Cái; có thể Lang Hồng chỉ là tên quen thuộc gọi theo màu sắc da lông”.

Thực tế, nếu nói lợn Móng Cái và Lang Hồng là giống lợn đẹp nhất trong các giống lợn Việt Nam cũng không ngoa. Thân mình cân đối, phần lông xám đen pha với lang trắng hồng, mắt đen mở to, khiến chúng đẹp như tranh vẽ. Theo đó, lợn trong tranh Đông Hồ giống với lợn Móng Cái và Lang Hồng hơn là lợn ỉ. Vì ỉ mõm ngắn đến mức mất cân đối (có con trông như không có mõm), mặt nhăn, mắt híp.

Theo lý lịch giống, thì lợn Lang Hồng ở Bắc Ninh - bản quán của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Bởi vậy, chuyện các nghệ nhân dân gian Đông Hồ lấy ngay giống lợn đẹp như tranh ở quê mình làm nguyên mẫu, cũng là điều hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu. Và rất có thể, chính những đặc điểm riêng có “Trán đốm trắng, lưng mình hơi võng/ Yên ngựa đen, khoang trắng vắt vai”, của giống Móng Cái và Lang Hồng đã tạo cảm hứng, để nghệ nhân dân gian biến nó thành những chiếc khoáy âm dương tài tình, cái lang vắt dọc sống lưng đẹp mắt.

Lợn trong tranh Kim Hoàng cũng mang đặc điểm “chân cu bụng bị”, nhưng mõm và mình ngắn hơn lợn Đông Hồ nhiều, mặt và bụng có nhiều nếp nhăn, rất giống đặc điểm của giống ỉ thuần chủng. Theo đó, nếu như những cái lang đen trắng điển hình của giống lợn Lang Hồng được nghệ nhân Đông Hồ biến thành những vòng xoáy âm dương độc đáo, thì cái mũi chun xấu xí đặc trưng của giống lợn ỉ, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Kim Hoàng lại được cách điệu thành họa tiết vân mây rất ngộ nghĩnh; đôi mắt híp ti hí, cũng được “biến tấu” thành một chấm nhỏ giữa tròng mắt sáng xoe tròn rất tinh khôn.

Một thông tin thú vị, sách “Đồ Họa cổ Việt Nam” (Phan Cẩm Thượng - Lê Quốc Việt - Cung Khắc Lược - NXB Mỹ thuật, 2000) cho biết, làng tranh Kim Hoàng (Kim Bảng và Hoàng Bảng) Hà Tây, vốn gốc từ Thanh Hóa, di cư ra năm 1701. Mà Thanh Hóa chính là quê hương của giống lợn ỉ Bùi nổi tiếng: “Ỉ nào mà chả lắm nhăn/ Lợn nào mà chẳng hay nằm hay ăn/ Ỉ Bùi giống tốt đâu bằng/ Chân cu bụng bị, đầu rằng lá khoai”. Nào ỉ dơi, ỉ voi; ỉ mỡ; ỉ xồm; ỉ võng; ỉ pha; ỉ ré... Thanh Hóa đều có cả (tham khảo “Địa chí huyện Quảng Xương” - Hoàng Tuấn Phổ chủ biên). Rất có thể giống lợn này đã theo chân chủ di cư ra Bắc. Hoặc từ trong tiềm thức, con lợn ỉ xứ Thanh đã bước vào tranh Kim Hoàng như một cách lưu giữ hình ảnh, nhớ về cố hương của những nghệ nhân xa xứ.

Tranh Đông Hồ có ba bức “Lợn đàn”, “Lợn ăn cây ráy” và “Lợn độc”; tranh Kim Hoàng có hai bức vẽ lợn độc (gần giống nhau). Làng Sình (Huế) có một bức vẽ đôi lợn đen “chân cu bụng bị”, mõm hơi nhọn, đứng đối diện nhau (Có lẽ đây là giống ỉ lai, theo công thức “Mẹ mõm chày, thầy (bố) mặt dơi”?). Xét tổng quát, thì chúng đều mang những đặc điểm giống tốt theo tiêu chuẩn chọn giống của nhà nông, mà khoa xem tướng lợn dân gian đã đúc kết thành tục ngữ. Trong đó, tướng phàm ăn là tiêu chuẩn hàng đầu:

- “Chân cu bụng bị” (dị bản “Chân cu bụng bị thì chỉ có ăn”): Chân nhỏ, bụng to là tướng ăn no, ngủ kỹ, lười di chuyển. Điều này rất quan trọng. Vì xưa kia nguồn tinh bột ít, thức ăn của lợn rau bèo là chính; nguồn phân bón cũng chủ yếu trông chờ vào nó. Bởi vậy, con lợn có nhiệm vụ nặng nề là phải “chế biến rau thành thịt” và “sản xuất phân bón” thật nhiều. Con lợn trong cả ba dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, làng Sình đều mang đặc điểm này rất rõ nét.

- “Đít voi đuôi trâu” (đít/mông nở, khấu đuôi to): Thể hiện đại tràng lớn, bộ máy tiêu hóa tốt, ăn lắm, ỉa nhiều (lợn Đông Hồ thể hiện rất rõ tướng “đuôi trâu” này). Xưa kia nếu nhà nuôi được con lợn béo, hay ăn chóng lớn, khi xuất chuồng, nông dân thường cắt phần chót lông đuôi ném trở lại chuồng, với ý cầu mong con lợn nuôi sau cũng được béo tốt, ham ăn như con trước.

- “Mõm phè phè ăn nghe đôm đốp”: Lợn trong tranh Đông Hồ đều có cái mõm phè phè, hai bên mép bành ra. Loại lợn này khi ăn, tiếng bập mõm xốc cám của nó đôm đốp, cả xóm nghe được.

- “Mõm phè phè, môi thè lè” (mõm to bè ra; môi dưới dài hơn môi trên) là tướng phàm ăn. Ngược lại, kỵ tướng “Mồm dài hơn môi” (môi dưới ngắn, mõm trên chìa ra), hoặc mõm chuột, khảnh ăn, hay đủn máng, phá chuồng.

- “Đầu lá khoai, tai lá sòi” (đầu nở, tai tròn) là tướng lợn hiền, dễ nuôi (tai lợn Kim Hoàng điển hình cho quý tướng này). Chuồng trại xưa kia sơ sài, lợn lại ít khi được no nê, đúng bữa. Nếu phải con lợn hỗn, thì chúng phá phách rất ghê gớm. Bởi vậy, nông dân chuộng lợn hiền. Khi mua lợn về, người ta thường nhờ một người trong xóm (dễ tính, phàm ăn), thả lợn vào chuồng, hy vọng con lợn nhiễm được cái vía tốt của người ấy.

- “Vừa cúi đầu cặm cổ, vừa vỗ tay reo” (khi ăn cắm cúi một mạch, tiếng xốc cám bôm bốp như vỗ tay), là tướng phàm ăn. Ngược lại, vừa ăn vừa đủn máng, hút chùn chụt, thỉnh thoảng nghển cổ hít hít, có ý như trông đợi chủ mang tới đồ ngon hơn, là tướng ăn xấu, không chịu được kham khổ... Trong tranh Đông Hồ, “Lợn đàn” và “Lợn độc” đang đứng trước chậu cám, “Lợn ăn cây ráy” như đang nhai rau ráu; lợn Kim Hoàng con đứng trước máng ăn, con đứng trước khóm khoai môn. Tất cả chúng đều có con mắt hau háu như sợ ai giành mất thức ăn.

Như vậy, có thể đoán định: Nguyên mẫu của tranh lợn Đông Hồ là giống Móng Cái, Lang Hồng; còn lợn trong tranh Kim Hoàng là giống lợn ỉ. Nhưng dù là giống gì, thì qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian, những con lợn bản địa vốn lam lũ, lấm láp ngày thường đã bước vào tranh thật tự nhiên, sinh động, mang ý nghĩa phồn thực, ước vọng về sự sung túc, no đủ, sáng bừng trên phên vách muôn nhà mỗi dịp tết đến, xuân về.

Xuân Kỷ Hợi 2019

Hoàng Tuấn Công


Hoàng Tuấn Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]