(Baothanhhoa.vn) - Quần Thanh - một làng Việt cổ ven sông Hoàng, nay thuộc xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) có  lịch sử hàng nghìn năm phát triển. Nơi đây, cư dân địa phương thờ Thành hoàng làng là vị võ tướng cuối thời Trần có tên gọi Trần Huệ. Đáng nói, người dân trong làng hiện còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại phong kiến Hậu Lê và nhà Nguyễn phong tặng vị thần hoàng làng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ 12 đạo sắc phong cổ ở làng Quần Thanh

Quần Thanh - một làng Việt cổ ven sông Hoàng, nay thuộc xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) có lịch sử hàng nghìn năm phát triển. Nơi đây, cư dân địa phương thờ Thành hoàng làng là vị võ tướng cuối thời Trần có tên gọi Trần Huệ. Đáng nói, người dân trong làng hiện còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại phong kiến Hậu Lê và nhà Nguyễn phong tặng vị thần hoàng làng này.

Gìn giữ 12 đạo sắc phong cổ ở làng Quần Thanh

Cổng vào di tích Đền Quần Thanh - nơi lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ.

Với người dân làng Quần Thanh, các đạo sắc phong về vị thần hoàng làng mình được coi là báu vật, mọi người ra sức gìn giữ. Phải dịp hội làng hằng năm mới được đem ra, đặt trang trọng lên kiệu để rước quanh làng. Ông Đỗ Xuân Đạo, thủ từ Đền Quần Thanh, khẳng định như đinh đóng cột: Tôi được dân làng tín nhiệm giao trông coi đền và gìn giữ các sắc phong này. Các đồ vật của gia đình tôi có thể mất, chứ không thể để mất hay làm hư hỏng các sắc phong này được.

Để lấy các sắc phong cho chúng tôi xem và ghi hình, ông Đạo phải xin phép vị trưởng làng Quần Thanh là ông Nguyễn Xuân Đống, năm nay đã 86 tuổi. Dâng nén hương xin phép vị thành hoàng, ông Đống cùng một số vị cao niên trong làng mới mở khóa khu hậu cung, lấy ra những “báu vật”. Các bản sắc phong được đựng trang trọng trong một hộp tráp hình chữ nhật sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn rồng phượng. Đưa hộp gỗ ra sân đền, người bê tráp phải “cử án tề mi”, nâng cao ngang đầu, cho thấy sự trân trọng của người dân địa phương với các hiện vật hàng trăm năm tuổi.

Cất giữ phía trong hộp gỗ, các bản sắc phong bằng giấy còn được cuộn tròn vừa vặn trong các ống nứa. Những bàn tay nhẹ nhàng lần dở cho chúng tôi xem, cũng đủ thấy sự trân quý các bản sắc phong của các vị bô lão. Do mỗi thời đại khác nhau nên hoa văn mỗi bản sắc phong có nhiều dị biệt, kích thước các bản sắc phong cũng không đồng nhất, chiều dài từ 1,3 đến 1,5m, rộng chừng 50 cm. Trải qua hàng trăm năm, những dòng chữ Hán màu đen trên bản giấy vẫn còn hiện rõ. Dấu triện đỏ của các triều đình phong kiến, những hoa văn rồng phượng in chìm vẫn còn nguyên màu vàng lấp lánh. Căn cứ nội dung các bản dịch, các sắc phong này có từ thời Hậu Lê đến triều Nguyễn. Bản sắc phong cổ nhất được ghi nhận từ thời vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) và bản mới nhất được ban tặng vào thời vua Khải Định năm thứ 2 (1917).

Qua các thông tin dịch 12 đạo sắc phong của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thanh Hóa (nay là Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), tướng Trần Huệ đã cùng Trần Khát Chân có công diệt giặc ngoại xâm Chế Bồng Nga (vua nước Chăm – Pa). Cuối thời Trần, đầu thời nhà Hồ, Ngài phụ trách trông coi phòng tuyến sông Hoàng để bảo vệ vùng Na Sơn (Núi Nưa). Đền thờ Thành hoàng làng Quần Thanh là “Tối linh từ” thờ vị thần được các triều đại phong kiến sau này phong là: “Diên hy Quảng thí - Dực bảo Trung hưng - Đại sĩ Đại vương - Thượng đẳng thần”. Thành hoàng làng Quần Thanh là người có công lao khai sinh tạo lập xóm làng, dẫn dắt dân làm ăn, giúp đỡ dân lúc đói kém, gây dựng thuần phong, mỹ tục. Sau khi Ngài mất, nhân dân nhớ công ơn đã góp tiền của lập đền thờ.

Trong một sắc phong thời vua Tự Đức thứ 3, được dịch nguyên văn: “Sắc này ban cho thần thành hoàng vốn trước đã được phong tặng Diên hy Quảng thí Bác Huệ thần, vì đã có nhiều công lao gìn giữ đất nước, chở che dân chúng, rất là linh ứng, nên nay được ban cấp, được ban sắc và chuẩn cho được phụng thờ từ trước tới nay bởi công đức cao đẹp. Nghĩ tới những điều này, đáng được gia tặng Diên hy Quảng thí Bác Huệ Đôn Ngưng thần và cho phép làng Quần Thanh, xã Cam Lộ, huyện Nông Cống theo lệ cũ mà phụng thờ, mong thần trông coi, gìn giữ cho dân chúng của trẫm, hãy kính cẩn vâng theo. Ngày mười ba tháng mười hai năm Tự Đức thứ 3” (tương đương năm Canh Tuất 1850 - PV). 11 đạo sắc phong còn lại đều có nội dung nêu cao công đức của vị thần thành hoàng, mong thần phù hộ cho quốc thái dân an. Mặt khác, các bản sắc còn yêu cầu cư dân địa phương phụng thờ, gìn giữ ngôi đền.

Gìn giữ 12 đạo sắc phong cổ ở làng Quần Thanh

Một sắc phong vẫn còn nguyên dấu, các hoa văn và rõ chữ.

Theo nhiều tài liệu lịch sử và các nghiên cứu của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Thanh Hóa, phòng tuyến do vị thành hoàng này phụ trách, gồm các dãy được đắp bằng đất, phía trên trồng tre gai (còn gọi là Thành Gai). Hiện nay các làng Quần Nham, Quần Trúc, Quần Thanh, Hòa Triều, Mỹ Thôn... trong vùng đều còn dấu tích các thành gai xưa (những vùng đất xung quanh trồng lúa còn gọi là Đồng Thành). Làng Quần Thanh là điểm đồn trú của quan quân. Các tên đất, tên các cánh đồng đã chứng minh cho điều đó, như: Mã Sở (nơi để ngựa), gần Mã Sở là Đồng Binh (nơi quân lính sản xuất để tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm), đường cái quan (đường các quan quân đi lại tuần tra). Dọc con đường cái quan có các giếng lớn lấy nước cho binh lính dùng... Quê gốc của vị thành hoàng làng Quần Thanh là người huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân ngày nay). Đất đai ở các làng Quần và xung quanh hiện nay là khu vực đất được nhà Trần phân phong nên đã đưa thêm người thân tín từ các vùng Quần Lai, Quần Đội (thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân ngày nay) xuống khai phá lập thành thôn trang.

Theo các vị cao niên trong làng, các tài liệu trước đây cho biết, Đền Quần Thanh được xây dựng từ hàng trăm năm trước với những cột gỗ lim lớn hơn 1 người ôm. Sau nhiều lần tôn tạo, năm 1962, đền bị phá lấy gỗ làm trường học. Trong phong trào bài phong những năm sau giải phóng, các sắc phong, đồ thờ có nguy cơ bị mất, dân làng phải bí mật mang 12 đạo sắc phong và những đồ thờ quý đi cất giấu nhiều năm. Có công trong việc bảo tồn các hiện vật quý trong giai đoạn này là ông Đỗ Xuân Thông – người đã đưa các hiện vật về nhà mình để bảo vệ trong nhiều năm. Các năm 2000 và 2016, đền tiếp tục được tôn tạo khang trang như ngày nay và sau đó được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây chính là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, nơi phát thưởng khuyến học khuyến tài, động viên khích lệ lẫn nhau xây dựng đời sống văn minh, phồn vinh ở địa phương. Vào dịp 10 tháng giêng hằng năm, lễ hội làng Quần Thanh lại diễn ra để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]