(Baothanhhoa.vn) - Ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, một bức hình kiểu chạm khắc sơ khai lên một vách đá thuộc dãy Các Sơn ở xã Định Hải (Tĩnh Gia) đã được người dân địa phương phát hiện gần chục năm qua. Tuy nhiên, về nguồn gốc, niên đại, những thông tin liên quan và thông điệp của người xưa qua hình khắc này vẫn còn nhiều điều bí ẩn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giải mã” bức họa trên vách đá núi Các Sơn

Ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, một bức hình kiểu chạm khắc sơ khai lên một vách đá thuộc dãy Các Sơn ở xã Định Hải (Tĩnh Gia) đã được người dân địa phương phát hiện gần chục năm qua. Tuy nhiên, về nguồn gốc, niên đại, những thông tin liên quan và thông điệp của người xưa qua hình khắc này vẫn còn nhiều điều bí ẩn...

“Giải mã” bức họa trên vách đá núi Các Sơn

Bức bích họa bí ẩn trên vách đá núi Các Sơn. Ảnh: P.V

Khám phá bức bích họa bí ẩn

Vượt khoảng 2km đường núi, với sự dẫn đường của một người chạy xe ôm ở địa phương, chúng tôi đã tìm được bức hình khắc trên núi Các. Lẩn khuất trong những tán cây um tùm, một phiến đá lớn, có một mặt khá bằng phẳng, rộng khoảng bằng 3 lần chiếc chiếu, được người xưa chạm khắc bức bích họa (bức vẽ trên vách - PV). Thoạt nhìn, người xem có thể nhận ra đây là một hình người với những nét chạm cầu kỳ, có tính đặc tả. Bức họa cao khoảng 2m, rộng từ 1 đến 1,5 m, gợi ra hình ảnh một vị Phật đang ngồi trên đài sen nhưng còn khá sơ khai. Những nét chạm khắc hằn sâu vào đá cho thấy tác giả hoặc nhóm tác giả xưa đã rất kỳ công để miêu tả các đặc điểm của bức vẽ mang màu sắc Phật giáo. Người trong hình đội mũ rộng vành, trên mũ có các hoa văn, trang trí hình 3 cánh sen cách điệu phía trên trán. Mặt Phật được khắc họa gần như hình tròn, với đầy đủ mắt, mũi, mồm và hai vành tai rất rộng kiểu nguyên mẫu tai Phật giống ngày nay. Trên thân là chiếc áo cà sa được phủ kín, chỉ lộ hai bàn tay đang để hờ lên hai đầu gối như tư thế ngồi thiền. Hình người đang ngồi trên một đài sen với nhiều tầng cánh, dưới cùng là những nét vẽ lượn sóng, tượng trưng cho nước.

Do rêu mốc bám quá lâu, cộng với hệ thống thực vật che hết ánh nắng mặt trời nên độ ẩm cao, mặt đá chỗ bức vẽ đã bị phong hóa. Bên phải bức vẽ là một hình chữ nhật kích thước khoảng 30 x 50 cm, như một dấu triện trong các bức tranh ngày xưa. Đáng tiếc, những dấu tích của các chữ Hán trong khung hình chữ nhật này đã bị mờ, không thể nhận ra. Có thể trước đây, nó ghi những thông tin liên quan đến tên bức tượng, thời gian ra đời hoặc tác giả của bức vẽ (?). Phía trước bức vẽ không xa, các nhà nghiên cứu cũng mới phát hiện dấu tích nền móng một công trình xây dựng xa xưa nằm sâu dưới mặt đất chừng 40 cm. Quan sát thực địa, chúng tôi nhận thấy nền móng này hình chữ nhật, rộng chừng chục mét vuông, chỉ là các tảng đá xếp gần khít với nhau chứ không có hồ vữa hay chất kết dính. Rất có thể, hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm trước, đây là một ngôi miếu hay ngôi chùa nhỏ, nhưng nhiều đời đã trở thành phế tích và bị quên lãng.

Triền núi mà bức vẽ này tọa lạc cũng chính là dãy núi mà người ta mới phát hiện và phục dựng lại quần thể chùa cổ Am Các nhờ hệ thống nền móng và các chân tảng mới được khai quật ít năm gần đây. Liên quan đến lịch sử quần thể chùa cổ này, hiện các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau về niên đại, nhưng đều khẳng định có từ rất xa xưa. Nhiều khả năng, bức bích họa trên cũng chính là một sản phẩm nghệ thuật cùng thời và gắn liền với sự ra đời của quần thể chùa cổ Am Các cách đó chừng 2 km về phía đỉnh núi. Nếu “giải mã” được bức vẽ này, nhất là niên đại, thì cũng chính là lời giải cho những tranh cãi liên quan đến quần thể chùa Am Các, nhất là giả thuyết: Đây có phải một trong những nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Thanh Hóa?

Những lý giải từ giới nghiên cứu

Khi xem những hình ảnh về bức bích họa mà chúng tôi cung cấp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Tuấn Phổ nhận định, đây chính là hình Phật. “Mỗi một thời kỳ, một triều đại lại có nguyên mẫu riêng, đặc điểm riêng trong các bức vẽ, nhất là kiểu đài sen, hoa văn trang trí hay hình rồng phượng... Nhưng, đặc điểm hình người với tai to, mắt lim dim trong bức bích họa này là đặc điểm của hình Phật qua mọi thời đại, kể cả Việt Nam lẫn Trung Quốc” - cụ Hoàng Tuấn Phổ chia sẻ. Tuy nhiên, theo cụ Phổ, để nhìn những nét vẽ này mà kết luận niên đại thì cần phải thêm nhiều chứng cứ, chưa đưa ra kết luận ngay được. Khả năng cao bức vẽ này gắn liền với sự ra đời và tồn tại của quần thể chùa cổ Am Các.

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Bảo cũng khẳng định đây là hình Phật cổ xưa. Được biết, nhà nghiên cứu Phan Bảo chính là một trong những người đầu tiên và có nhiều công lặn lội nghiên cứu các dấu tích của quần thể chùa cổ Am Các trong khoảng 5 năm qua. Tuy nhiên, nói về niên đại, cụ Bảo cho rằng, hình vẽ này có thể xuất hiện cách nay trên dưới 1.000 năm, thậm chí còn xa xưa hơn. Điều đó có nghĩa, dấu tích Phật giáo xuất hiện ở vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ khá sớm, thậm chí có thể là một trong những nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam.

Phân tích về hình vẽ trên vách đá còn nhiều bí ẩn này, nhà nghiên cứu Phan Bảo cho biết: Kiểu tượng phật có tỷ lệ kích thước phần đầu to bằng 1/2 phần người là kiểu vẽ rất xa xưa, có thể trước cả thời Tống bên Trung Quốc, bởi từ thời Tống về sau, kích thước phần đầu Phật thường được vẽ chỉ bằng khoảng 1/5 phần thân. Kiểu vẽ trang phục trên người Phật như trong hình vẽ cũng ít thấy xuất hiện từ sau thời Tống, Đường. Hình vẽ này thuộc kiểu vẽ có trước thời Trần, bởi từ thời Trần của Việt Nam, hình phật thường đội mũ và khăn chùm, chẳng hạn tượng Phật hoàng Trần Nhân tông tại Yên Tử hiện nay. Mũ liên hoa trên trán Phật chỉ có 3 cánh cũng là cách vẽ khá cổ xưa, bởi càng về sau, trang trí cánh sen trên tượng, trên các hình vẽ hay chân tượng các đình chùa thường nhiều cánh và tinh sảo hơn.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Phan Bảo còn phát hiện trên đầu hình phật có vòng tròn, đó chính là vầng hào quang nhưng vẽ còn sơ khai. Đây chính là cách vẽ tượng Phật từ thuở sơ khai của Phật giáo bên Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam sau đó, nó dần mất đi đặc điểm này. Điều đó có thể giả thiết rằng, hình vẽ này có từ khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam. Cũng theo cụ Bảo, hình vẽ còn nhiều dấu hiệu cho thấy nó rất cổ, có thể lúc Phật giáo còn sơ khai nên chưa có nguyên mẫu chính xác nhất về tượng Phật. Nếu đúng như vậy, thì bức bích họa này cũng như quần thể chùa cổ Am Các có giá trị lịch sử cũng như giá trị khảo cổ rất lớn, cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu.

Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]