(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất ven sông Mã nơi hạ nguồn không chỉ được biết đến qua những câu chuyện đượm màu sử thi gắn với thành Tư Phố xưa, mà còn được biết đến là một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa, thương mại sầm uất nhất của trấn Thanh Hoa xưa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giấc mơ làng nghề

Vùng đất ven sông Mã nơi hạ nguồn không chỉ được biết đến qua những câu chuyện đượm màu sử thi gắn với thành Tư Phố xưa, mà còn được biết đến là một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa, thương mại sầm uất nhất của trấn Thanh Hoa xưa.

Trong chuyến đi này tôi chọn cho mình những địa danh làng nghề nổi tiếng một thời để đến, ở các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh và phố Lò Chum (TP Thanh Hóa) ở phía bờ Nam sông Mã. Làng nghề xưa thường tổ chức ở ven sông, là một cách để sản phẩm sau khi ra lò được thuận lợi chuyển xuống thuyền buôn.

Dù vùng đất này đang thay đổi đến chóng mặt, thì vẫn còn đó dấu tích một thời của cót làng Giàng, nồi đất làng Vồm, sành sứ Lò Chum... Những sản phẩm đã trở thành vật dụng thân thiết với người dân, góp phần đưa nghề thủ công truyền thống xứ Thanh được nhiều người biết đến. Nhiều nghệ nhân của làng giờ đã thành thiên cổ, nhưng tên làng không mất, nghề của làng vẫn còn găm sâu trong ký ức người già, có nghề còn tồn tại đến nay.

Trên con đê làng Giàng dẫn lối vào các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh thảng còn gia đình làm cót theo lối công nghiệp, chủ yếu cung cấp cho các công trường xây dựng. Những tấm cót hoa đan bằng cái tình của người làng dùng để quây lúa, thưng nhà... giờ không còn được dùng đến nữa. Những chiếc nồi đất làng Vồm tinh xảo, ưa nhìn cũng chỉ còn là hình ảnh xa xăm.

Rất nhiều làng nghề đã phải trải qua những thăng trầm và vĩnh viễn ra đi. Đến những vật dụng thân quen và đắc dụng như chum, vại sành của Lò Chum cũng không còn nữa. Mỗi lần đi qua Bến Ngự, Lò Chum cũng chính là lúc hồi ức cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, thương lái đổ về mua chum, cất vại đem ra Bắc, chuyển vào Nam sống dậy trong tôi đầy đủ nhất. Nhưng chỉ có thế. Tôi gặp số ít công nhân của Nhà máy sứ Thanh Hóa trước đây bày bán chum, vại sành trên phố Lò Chum, sản phẩm nhập về từ nơi khác. Dù không có nhiều khách mua nhưng vẫn bán, trước tiên bởi kế sinh nhai, sau đó cho thấy họ vẫn còn vương vấn với nghề xưa.

Lò Chum giờ có nhiều người dân nơi khác đến ở, mưu sinh bằng việc làm nem, giò, bún, bánh. Nhiều người mà tôi gặp ở làng không hề biết nơi họ ở từng một thời trên bến chất đầy sành sứ, dưới sông thuyền buôn chực chờ.

Làng nghề truyền thống đã trải qua cơn “vật vã” lựa chọn hoặc lay lắt tồn tại để giữ lửa nghề hoặc chuyển đổi theo thời cuộc. Sức ép từ thị trường buộc người dân làng nghề phải chọn hướng đi thiên về sinh kế trước mắt và đó cũng chính là nhát cuốc “đào huyệt” chôn đi bao nghề thủ công truyền thống một thời là biểu trưng cho sức sống và bàn tay tài hoa của nghệ nhân...

Ở làng nghề, bây giờ máy móc đã làm thay nhiều công đoạn, ít hơn sự tỷ mẫn của đôi tay. Thậm chí, sản phẩm truyền thống của làng nghề bây giờ đưa ra thị trường cũng rất khó để cạnh tranh với những mặt hàng công nghiệp cùng chủng loại nhập về từ Trung Quốc.

Đứng trên đất làng nghề xưa thấy như có điều gì nghèn nghẹn phía yết hầu. Một câu hỏi cũ lại trào lên: Lửa làng nghề bao giờ đỏ lại? Tôi biết đó cũng là “giấc mơ” của rất nhiều người.

Tản văn của Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]