(Baothanhhoa.vn) - Tiểu thuyết “Gia  đình bé mọn” của Dạ Ngân do Nhà xuất bản Phụ nữ  ấn hành đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là cuốn tiểu thuyết xoay quanh một nhân vật nữ trong bối cảnh gia đình nơi cô sinh ra thuộc một gia đình gia giáo đến độ khắt khe, cay nghiệt và nặng tư tưởng phong kiến đến nỗi không khí và đời sống của nhân vật nữ tên là Tiệp thấy ngộp thở. Cô luôn muốn có một không gian mới với bầu trời khoáng đạt hơn và cô nuôi niềm hy vọng về bầu trời bấy lâu cô mơ ước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá trị tổ ấm trong gia đình bé mọn của Dạ Ngân

Tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” của Dạ Ngân do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là cuốn tiểu thuyết xoay quanh một nhân vật nữ trong bối cảnh gia đình nơi cô sinh ra thuộc một gia đình gia giáo đến độ khắt khe, cay nghiệt và nặng tư tưởng phong kiến đến nỗi không khí và đời sống của nhân vật nữ tên là Tiệp thấy ngộp thở. Cô luôn muốn có một không gian mới với bầu trời khoáng đạt hơn và cô nuôi niềm hy vọng về bầu trời bấy lâu cô mơ ước.

Giá trị tổ ấm trong gia đình bé mọn của Dạ Ngân

Tuy nhiên, cũng như bao gia đình khác sau chiến tranh, có một số người sống với những lý thuyết rời xa thực tế mà đại diện là nhân vật Tuyên, chồng của Tiệp mà hoàn cảnh đã xô đẩy họ đến với nhau trong cuộc sống vợ chồng. Chứng kiến bao việc làm và lời nói của chồng không gắn với nhau, Tiệp dần thấy cuộc hôn nhân đang đưa cô đến với cuộc sống vô nghĩa. Giữa những tháng ngày bơ vơ trong một nỗi day dứt khó tả, cô gặp Viết Đính, họ có nhiều mối tương đồng trong suy nghĩ, ước mơ, khát vọng và sau mười một năm phải đối mặt với nhiều chông gai, thử thách, họ thành vợ chồng theo cái nghĩa: “Cuộc sống đâu chỉ có cơm no và áo đẹp/ Mà cuộc đời còn có cả những nụ hôn” – đó là giá trị tinh thần mà con người hướng đến và cuộc đấu tranh đó đã ghi nhận tinh thần, nghị lực bền bỉ của một cô gái tên là Tiệp. Chúng ta hãy đọc những dòng văn đầy yếu tố trần thuật của nhà văn Dạ Ngân để thấy rõ các cung bậc gia đình mà Tiệp đã trải qua trong cuộc đời:

“Tiệp đứng dậy đi qua chỗ bà chị và bước dài ra sân. Sau mấy ngày mưa thì trời cũng phải nhẹ nhõm đi, thanh sạch vô cùng. Nàng không mừng vì chuyện của nàng thế là đã được xếp xuống hàng thứ mỗi khi thủ lĩnh và thủ phó tranh cãi về cái giá của những mất mát và đau khổ mà cô Ràng gọi là cống hiến, trái lại, nàng thấy buồn không thể tả vì những loại chuyện ấy vẫn dai dẳng sống từ hồi nàng còn bé cho đến khi nàng thành thiếu nữ, lên Cứ và ra thành, chứng tỏ những người thân của nàng già đi chứ họ không được hít thở một cái gì khác cả, vậy thì nàng có quá ích kỷ và vô tâm khi chỉ biết là mình không hạnh phúc, mình còn trẻ, mình có quyền làm lại với thời bình và mưu cầu một sự mỹ mãn? Nàng đi dài xuống bến, còn nhớ rất rõ là hồi xưa, vào những lúc khuya khoắt mà có tranh cãi như vầy thì thế nào lát nữa cô Ràng cũng ré lên chói lói một hồi dài, rồi những bước chân gấp gáp rượt đuổi nhau dọc đường xuống bến, rồi chị Hoài khóc, mấy chị em nàng cùng khóc, má nàng cũng vừa khóc vừa giúp đám con giữ tay giữ chân để cho cô Ràng không tức giận đến mức phải lao đầu xuống sông. Danh dự theo quan niệm của gia tộc nàng là sự hy sinh, nàng vùng quẫy với Tuyên là nàng không có phẩm chất hy sinh, vì vậy nàng phải bị băm vằm nhiều lần vì đã làm lung lay sợi dây bện bằng nhiều sự hy sinh của nhiều người trong suốt nửa thế kỷ qua, từ khi ba nàng hiến xưởng dệt lụa tơ tằm cho Tuần lễ Vàng và thành người cách mạng gương mẫu lúc nàng còn chưa có mặt trên đời...”.

Khi con người đi tìm và ước vọng giá trị tinh thần là khi cuộc sống con người có ý nghĩa nhất. Sự vùng vẫy để vượt thoát của Tiệp ra khỏi cuộc hôn nhân với Tuyên là một cuộc vượt thoát đi tìm giá trị tinh thần mà con người như Tiệp mong ước. Cô chán ngán sống cạnh một con người lời nói không đi đôi với việc làm cho dù việc bất hợp lý đó lại được đa số mọi người trong gia đình cô ủng hộ để chỉa mũi giáo về phía cô... Nhiều lúc cô thấy kiệt sức nhưng cô vẫn đứng lên bảo vệ cho sự thật bởi cô không thể sống mà như đã chết, hoặc cô không thể sống giả dối với lòng mình với gia đình. Nghệ thuật trần thuật, đối thoại trong giọng văn của Dạ Ngân đã cuốn hút bạn đọc từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết khiến cho sức hấp dẫn ngày càng tăng trong các đoạn văn đối thoại và cách kể chuyện không theo trình tự, logic thông thường, những mâu thuẫn trong các nhân vật đẩy lên cao, bao giằng xé nội tâm được bộc lộ, điều đó đã làm nên phong cách riêng biệt trong văn Dạ Ngân:

“Giọng cô Ràng gay gắt:

- Kêu trời thì giải quyết được cái gì chị Ba? Em đã mời chị lên xúm vô giác đác khuyên bảo thêm cho nó mà chị đâu có chịu. Còn nói như con Hoài, Tư cũng thấy nghịch nhĩ lắm. Gì thì gì cũng phải nghĩ tới cái danh dự, thử nghĩ coi ông bây, ba bây, cô bây đây không xả thân ra thì liệu tụi bây có được như ngày hôm nay không?

- Chữ danh dự của con là tiết hạnh còn yêu cầu danh dự của Tư thì lớn lao quá nhiều lúc con kham cũng không xuể. Con chỉ thấy toàn đau khổ với thiệt thòi thôi!

Câu chuyện chừng đã chuyển sang vấn đề khác còn cốt tử hơn vấn đề của Tiệp. Cô Ràng ném mạnh cái dao nhỏ xuống mặt bàn, khuỳnh hai nắm tay trên vế, phừng phừng nhìn chị Hoài:

- Mày cứ cái giọng bất mãn đó thì bảo sao nhà nầy không trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hả?

Chị Hoài bắt đầu sụt sịt, trò nước mắt mà lúc nào chị cũng sẵn cùng với tuổi tác:

- Con không bất mãn, con chỉ không thích chiến tranh, không thích cái danh dự khổ sở của nhà mình!”.

Cuộc đấu tranh của một phụ nữ mong manh như Tiệp rồi cuối cùng cũng đạt được bến bờ hạnh phúc, đó không phải là một tòa lâu đài, một thứ vật chất to lớn, mà đơn giản chỉ là một tình yêu trong một gia đình tên gọi là “gia đình bé mọn”. Bản thân nhà văn Dạ Ngân đã định lượng đúng cái tên đề cho tiểu thuyết. Chỉ một “gia đình bé mọn” hạnh phúc mà con người ta phải trả giá đến vậy chỉ để rồi có một gia đình đích thực hạnh phúc bé nhỏ. Cuộc hành trình đi tìm gia đình ấy gian lao biết bao và có lẽ đó chính là định mệnh gắn họ với nhau:

“Trời chỉ dọa chứ không mưa hẳn, xong vé cho dãy ưu tiên, mụ nhân viên ngắn ngủn đi ngay sang quầy bên nầy. Không có kèo nhèo và vặn vẹo, chuyện mua bán diễn ra câm lặng, thúc bách, cùng với sự gầm gừ của đất trời. Người bán vé không đòi giấy tờ của Tiệp, lẳng lặng đẩy ra hai vé, nhận và thối tiền, mặt mũi trông có nhẹ đi hơn ban sáng, chắc là được đẫy một giấc trưa. Người đàn ông cầm được mẩu vé số năm mươi hai, số ghế cuối cùng. Anh ta hớn hở:

- Không phải ngồi ghế súp là may rồi. Tôi sẽ đỡ giúp cô đứa nhỏ trên lòng của tôi.

Trong lúc níu con đứng dưới cửa sau xe để xem phụ xế chuyển các thứ không sợ ướt lên nóc mui, Tiệp nghe thấy bên trong nàng một tiếng bục nhỏ, rồi một dòng máu âm ấm đổ từ đùi xuống gót, một con rắn đỏ tươi chậm chạp ngoằn ngoèo bò trên mặt cát bến bãi, một cảm giác kinh hoàng chụp lấy khiến nàng đứng không cựa được. Ban đầu là Vĩnh Chuyên kêu “Máu máu!”, có lẽ nó không bận bịu như cô chị nên dễ nhìn thấy “con rắn” chết tiệt ấy hơn, sau đó thì Thu Thi cũng nhìn thấy và ôm chầm lấy chân mẹ khóc ré lên:

- Mẹ ơi, mẹ bị làm sao vậy mẹ!

Mọi việc quanh nàng tớn tác, tối tăm, mờ mịt: Gã lơ xe vừa hét gì đó vừa ném các thứ của nàng xuống đất, những người ngồi bên cửa sáo thò đầu ra chỉ trỏ thất thanh, người đàn ông số ghế năm mươi hai bay xuống đường, tiếng bà bác Hai ở phía đầu xe kêu cứu cứu toáng loáng. Hai đầu gối Tiệp run cầm cập, như hồi nào một trận B52 đổ ngay trên đầu, thần kinh đờ ra kinh sợ. Nàng chỉ nhớ là phải hạn chế cử động và chờ đợi, không rõ chờ đợi ai nhưng bắt đầu thấy mừng vì xe chưa khởi hành. Một cỗ xe lôi kéo bằng loại honda 67 từ bên chợ phóng sang, người đàn ông miền ngoài nhảy xuống bế xốc nàng đặt lên băng sau:

- Mạng cô còn lớn. Băng huyết mà bệnh viện gần, không sao đâu!

Rồi anh ta xốc từng đứa nhỏ đặt lên và cả đồ đoàn, tất cả.

Tiếng bà bác ngoại Hai:

- Trời ơi, một thân một mình, làm sao giờ, trời !

Sau nầy là vợ chồng rồi Đính bảo là đêm đó, khi một mình lang thang trong thị xã xa lạ anh cứ ân hận mãi, rằng sao buổi chiều mưa bay gió thổi hôm ấy anh đã không ở lại với nàng...”.

Là phụ nữ đích thực bao đời nay họ luôn mong có một gia đình bé mọn và trong ngôi nhà đó họ sinh ra những đứa con thân yêu bên cạnh bờ vai để họ nương tựa. Người chồng đó phải bảo vệ được người phụ nữ trước sóng to, gió lớn của cuộc đời chứ không phải là người chỉ biết nói những lời nhạt nhẽo, vô nghĩa và không đi cùng với việc làm và cũng vì khát khao hạnh phúc đích thực với ngôi nhà bé nhỏ mà người phụ nữ đã biết cất tiếng nói của lòng mình như nhân vật Tiệp trong tiểu thuyết. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trao cho “Gia đình bé mọn” của Dạ Ngân cũng đã nói lên tình cảm của đông đảo bạn đọc trong cả nước dành cho cuốn tiểu thuyết này trong thời gian qua.

Viên Lan Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]