(Baothanhhoa.vn) - Giữa tiết xuân tươi mới. Trong không gian linh thiêng nơi cửa phủ, sân đền. Trong không khí trang trọng, hài hòa giữa điệu nhạc, lời ca, tiếng hát cùng khói hương. Những giá đồng ngày xuân thường mang đến cảm giác thăng hoa đặc biệt...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá đồng ngày xuân

Giá đồng ngày xuân

Nghi thức hầu đồng.

Giữa tiết xuân tươi mới. Trong không gian linh thiêng nơi cửa phủ, sân đền. Trong không khí trang trọng, hài hòa giữa điệu nhạc, lời ca, tiếng hát cùng khói hương. Những giá đồng ngày xuân thường mang đến cảm giác thăng hoa đặc biệt...

Người xưa quan niệm “xuân thường thu tự”. Bởi vậy, nghi thức hầu đồng thường được tổ chức vào tháng giêng (hầu thượng nguyên), để cầu cho một năm an khang. Đồng thời là hầu vào tháng bảy cũng để cầu mong được bình an khang thái. Ngoài ra, hầu tất niên (tháng chạp) cũng là một lễ tiết quan trọng, với ý nghĩa lễ tạ phật thánh sau một năm bình an, tốt lành. Hầu đồng là hình thức tiên thánh nhập đồng ảnh bóng vào thanh đồng, tái hiện tiên thánh giáng hạ trần gian và gần gũi với đời sống con người. Mỗi giá đồng, thực chất là nhằm chuyển tải khát vọng mưu cầu an lành, hạnh phúc của con người. Muốn vậy, những người tham gia nghi thức ấy luôn cần tâm thành trong sáng và sự hướng thiện.

Hệ thống tiên thánh Tam Phủ, Tứ Phủ hết sức phong phú từ cao xuống thấp. Bởi vậy, trong một vấn hầu, đa phần chỉ hầu đại diện khoảng 19 – 20 giá. Với quan niệm “Thị thánh như thị vương” tức hầu thánh như hầu vua. Cho nên, việc thánh cốt ở lòng thành, hay tổ chức hầu đồng phải lấy sự tôn kính, trang nghiêm làm đầu, với những phép tắc cơ bản phải tuân theo. Các nghi thức trong vấn hầu thường là ra dấu tay, trong đó các vị thánh nam ra tay trái, các vị thánh nữ ra tay phải; còn trên số 5 phải ra dấu cả hai tay, ví như chầu lục, chầu mười, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười... Theo dấu tay, cung văn dâng văn, hầu dâng y phục cho giá hầu. Tiếp đó là nghi thức hành lễ đều có quy tắc riêng cho thánh nam và thánh nữ. Nghi thức khai quang thể hiện uy đức tối cao của thần thánh, soi xét, chứng giám từ đền phủ, lễ vật, giấy sớ của thanh đồng, đến lòng thành tâm của bách gia đệ tử. Nghi thức làm việc quan được thể hiện qua các loại hình vũ đạo như múa kiếm, cờ, đao, quạt, đề thơ... tùy theo đặc thù từng giá đồng. Nghi thức tọa ngự là các giá hiến rượu, trầu cau, thưởng cho dàn nhã nhạc, chấp ngôn tấu đối của bách gia và thừa lời truyền phán với nội dung chứng giám lòng thành, ban phúc lành, phát lộc bằng tiền hoặc hiện vật...

Hầu đồng vốn là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phong phú, đa dạng về nghi thức, nghi lễ và mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc. Trong tiết xuân, nghi thức này càng xuất hiện với tần suất đậm đặc tại các đền, phủ. Được xem là cách thức giao tiếp, kết nối giữa con người với thần linh, để mưu cầu phúc lộc, sức khỏe, tiêu trừ tai ách... cho nên, mỗi giá hầu đều cho thấy sự kỳ công, khéo léo qua trang phục, vũ điệu, nhã nhạc, lễ vật và các nghi thức được tiến hành nghiêm cẩn, trang trọng. Để khẳng định niềm tự hào khi được làm con nhà thánh, người xưa có câu “sạch sành sanh mới được manh áo đỏ”. Câu nói ngụ ý rằng, được ngự áo nhà thánh cần có đức tin thành kính. Bởi vậy, áo đỏ (áo công đồng) cùng với khăn phủ diện màu đỏ, được xem là khăn áo bản mệnh của thanh đồng và theo họ suốt cuộc đời hầu thánh. Ngoài ra, trang phục mỗi giá đồng thể hiện hình ảnh, hình tượng của các vị tiên thánh nên cũng hết sức rực rỡ, cầu kỳ tùy theo từng tòa, từng phủ và đầy đủ các phụ kiện nào trâm, hoa, đai, mạng, kiềng...

Dân gian từ lâu đã lưu truyền câu “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. “Cha” ở đây có thể hiểu là Đức vua cha Bát Hải hoặc cũng có thể hiểu là Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương; “Mẹ” là Đức Thánh Mẫu thần chủ hay Mẫu Liễu Hạnh. Người ta không chỉ tìm đến Cha, Mẹ vào những kỳ hội hay khóa lễ, mà ngay trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp khó khăn trắc trở thì không cứ là đệ tử của tín ngưỡng, mọi người đều có thể đến cửa đền, cửa phủ bày tỏ ước nguyện. Người ta tin rằng, sự thành tâm với niềm tin được phù trợ của tiên thánh, đã tạo nên sức mạnh và chỗ dựa tinh thần để con người vượt qua thử thách trong cuộc sống. Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu, như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, bản thân nó có sức sống lâu bền nhờ bởi nó đã bám rất sâu vào tâm thức dân gian, đáp ứng nhu cầu giải tỏa tâm linh hết sức đời của con người là khao khát sống đủ đầy, khỏe mạnh, vui vẻ. Đặc biệt, chính vì sự phổ quát và tính linh hoạt ấy mà tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành, tồn tại và gắn bó lâu dài, bền chặt với đời sống tâm linh người Việt. Hơn thế nữa, tín ngưỡng thờ Mẫu khởi phát từ tinh thần nhân văn cao đẹp của người Việt là đề cao người phụ nữ; đồng thời, các nhân vật được thờ phụng hầu hết gắn với văn hóa truyền thống người Việt và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Bởi vậy, cho đến tận ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vẫn khẳng định được sức sống bền bỉ và tác động trực tiếp trên các phương diện văn hóa - xã hội.

Là một nghi thức đặc biệt quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cho nên, hầu đồng chỉ có thể khẳng định giá trị và vẻ đẹp của nó khi đặt trong một không gian phù hợp, với các nghi thức trang trọng, đúng với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, xuất phát từ nhận thức của người trực tiếp hầu tiên thánh hay của bách gia đệ tử, mà ở không ít nơi, nghi thức này đã ít nhiều bị biến tướng làm sai lệch đi ý nghĩa ban đầu tốt đẹp. Các đàn hầu ngày xưa thường theo “đàn nào mã đó”, nhưng ngày nay, nhiều đàn hầu có khi đốt tới cả trăm triệu tiền mã. Rồi thì trang phục đặc thù cũng ít nhiều biến dạng, trở nên lố lăng, dị hợm, lộn xộn. Rồi thì vũ đạo hầu thánh vừa trang nghiêm, trừu tượng, vừa đơn giản, cụ thể; nhưng nay, không ít người lại nặng về “biểu diễn” nên đánh mất đi sự trang nghiêm của nghi thức.

Hát văn trong nghi thức hầu đồng thường là lời thơ có tính ước lệ, ý tại ngôn ngoại. Thế nhưng, có giá đồng lời hát bị trần tục hóa theo kiểu cầu gì hát nấy. Chẳng hạn, từ cổ chí kim truyền lại, ông Hoàng Bảy trấn ải phía Bắc nào có đánh cờ, đánh bạc nhưng nhiều làng văn vẫn có cung văn hát “xin ông cho trúng cả lô lẫn đề”?!. Lời tuyên phán cũng thể hiện nét đẹp văn hóa trong hầu đồng và người xưa thường dùng lời truyền tế nhị, ý đẹp lời hay, chứ không trần tục và ảnh hưởng đến tâm lý những người dự lễ. Phát lộc cũng là một nghi thức trong hầu đồng, nhằm cầu may, tài. Thế nhưng, vẫn có những giá hầu mà thanh đồng sẵn sàng ném tiền trăm bạc triệu để tán lộc. Rồi những khóa hầu đồng hoành tráng, ngập lễ vật lớn nhỏ, mà độ cầu kỳ xa hoa đủ gây choáng cho người chứng kiến. Cái lằn ranh mong manh giữa văn hóa và phi văn hóa, phong tục và hủ tục, có đôi khi nằm ở chính ý thức của những người đang trực tiếp thực hành tín ngưỡng ấy.

Do vậy, thay đổi nhận thức để giữ cho những giá đồng ngày xuân thực sự là nơi con người kết nối và bày tỏ ước nguyện với đấng tiên thánh. Đồng thời, là sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng – tâm linh tốt đẹp, đề cao các giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]