(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, trong tâm thức người dân, mái đền làng biển - nơi thờ thần cá Ông, các vị tiền hiền mở cõi... là nơi gửi gắm niềm tin trong những lần đi biển. Vì thế, không chỉ mùng một, ngày rằm mà những khi ra khơi, vào lộng ngư dân lại về mái đền làng biển để thắp nén nhang cầu nguyện, những mong mưa thuận gió hòa, chuyến đi biển được bình an, tôm cá đầy khoang...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dưới mái đền làng biển

Từ bao đời nay, trong tâm thức người dân, mái đền làng biển - nơi thờ thần cá Ông, các vị tiền hiền mở cõi... là nơi gửi gắm niềm tin trong những lần đi biển. Vì thế, không chỉ mùng một, ngày rằm mà những khi ra khơi, vào lộng ngư dân lại về mái đền làng biển để thắp nén nhang cầu nguyện, những mong mưa thuận gió hòa, chuyến đi biển được bình an, tôm cá đầy khoang...

Dưới mái đền làng biển

Ông Nam Hải vẫn muôn đời là vị thần hộ mệnh của ngư dân giữa đại dương.

Cõi thiêng nơi cửa biển

Diêm Phố (tên trước đây của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) là một xã biển được khai khẩn cách đây hàng ngàn năm, mảnh đất này hội tụ nhiều di tích văn hóa, như: Chùa, đình, miếu thờ các vị thần linh. Song do đổi thay của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, các di tích văn hóa đó đã không còn nữa. Hiện nay, một số công trình đã được phục dựng để phục vụ cho các ngày lễ lớn của địa phương, trong đó có cụm di tích nghè - chùa - miếu - phủ - đền Diêm Phố. “Mới đầu, người dân chỉ thờ tứ vị thánh Nương (nghè Thánh Cả), sau đó thì thờ cả đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn (đền thờ Nẹ Sơn) chuyển từ đảo Nẹ vào và thờ Quan thế âm Bồ Tát (chùa Liên Hoa), thờ cá Ông (đền thờ thần cá Ông). Đặc biệt, ngay bên cạnh đền thờ cá Ông còn có một miếu thờ 344 người đã bị tử nạn vì bão tố năm 1931. Hằng năm vào ngày 18-8 âm lịch, toàn bộ ngư dân trong xã tổ chức ngày giỗ chung cho 344 ngư dân để tưởng nhớ về sự mất mát đau thương này” - Ông Trần Văn Hạnh ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc (người trông coi đền cá Ông và miếu thờ 344 người tử nạn năm 1931), cho biết.

Men theo con đường ven biển huyện Hậu Lộc, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy cụm di tích nghè - chùa - miếu - phủ - đền Diêm Phố nằm tại thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc) với những mái cong cao vút. Sức sống mạnh mẽ của đất và người dân biển ngàn đời vẫn thế, luôn đan xen, hòa quyện giữa trời với biển. Điều đặc biệt, họ rất coi trọng tín ngưỡng tâm linh, trong đó có tục thờ loài cá Ông huyền thoại.

Ông Trần Văn Hạnh tiết lộ: “Ông bà xưa vẫn truyền tai nhau câu chuyện, Phật bà Quan thế âm Bồ Tát được Phật Tổ Như Lai ban cho chức Nam hải Bồ Tát để độ trì, cứu nạn con người trên biển cả. Phật bà xé chiếc áo cà sa thành hàng vạn mảnh rải khắp biển khơi, hóa phép thành loài cá to lớn và phong cho tước hiệu Nam hải Đại tướng quân. Mỗi khi có thuyền bè gặp nạn, ngư ông Nam hải đều không quản ngại cứu giúp đưa con người bình an vào bờ. Lòng dân cảm kích, suy tôn là “cá Ông”. Với đức tin về sự giúp đỡ của cá Ông như vậy, ngư dân coi cá Ông là vị thần hộ mệnh giữa biển khơi, giúp vượt qua những hiểm nguy, sóng gió, đồng thời phù hộ cho ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, khi trở về tôm cá đầy khoang, có thêm dũng khí giúp vượt lên những khó khăn chông gai trong cuộc sống đời thường. Vì thế, việc thờ phụng Nam hải Đại tướng quân như là một cách đền ơn, đáp nghĩa”.

“Không phụ lại lòng tin, sự kính trọng của con người, cá Ông luôn làm tất cả để cứu người dù phải hy sinh. Rất nhiều Ông vì giúp người vào bờ mà lụy vì kiệt sức. Còn nếu Ông đã nghe thấy lời cầu cứu nhưng không đến trợ giúp kịp thì Ông sẽ tự sát trả lại sinh mạng cho Quan Âm, bởi không làm tròn sứ mệnh bảo vệ loài người... Những ngày Ông lụy, trời đất biển cả đều u ám, không một tia nắng, biển dậy sóng như khóc thương. Những ngày đó, ngư dân dù có dong buồm cũng không bắt được một con cá nào. Mãi đến khi xong nghi lễ an táng, trời đất mới trở lại yên bình, cá tôm lại về” - Ông Hạnh nói thêm.

Cho đến nay chưa ai biết rõ tín ngưỡng thờ cá Ông ở Diêm Phố xuất hiện từ bao giờ, song việc cá Ông dạt vào bờ thì đã được sử sách ghi lại cách đây hơn 400 năm. Khi đó, ngư dân Diêm Phố trong một chuyến đi biển bị bão đánh đắm thuyền, dân trôi dạt trên biển, cá voi thấy vậy đã cõng họ vào bờ, cũng là lúc thủy triều rút xuống, cá bị mắc cạn và chết ở vùng đất Cồn Bò, xã Hải Lộc (Hậu Lộc). Sau khi cơ thể cá phân hủy thì dân làng mang xương về thờ cúng. Lúc đầu người dân chỉ thờ vọng cá trong ngôi miếu nhỏ, mãi đến năm 1739 có một con cá voi lớn chết trôi dạt vào bờ, dân Diêm Phố phát hiện đầu tiên, sau đó làng Y Vích thuộc Hải Lộc và Bến Sung, xã Nga Bạch (Nga Sơn) đều nhìn thấy. Đối với những người dân biển, nơi nào được cá Ông vào và ở lại đồng nghĩa là may mắn, an lành, phát đạt đang đến. Vì thế, dân làng đưa thuyền ra cung nghinh cá vào bờ, nhưng vì trọng lượng quá lớn nên không thể mai táng theo cách thông thường. Thấy vậy, dân làng về nhà kiếm đủ 100 lá chiếu che phủ cho cá để ngoài bờ biển. Đồng thời, làng đứng ra tổ chức tang lễ cho cá giống như tổ chức đám tang cho một vị cao niên được trọng vọng trong làng. Việc tổ chức đám tang diễn ra trong 3 ngày và được dân làng các nơi kéo đến rất đông để phúng viếng. Sau một thời gian, thịt cá được nước biển rửa sạch, các vị chức sắc trong làng mới lấy xương cốt còn lại đem rửa thật kỹ bằng rượu, phơi khô gọi là thượng ngọc cốt. Bộ xương của cá được chia làm 3 phần: Bến Sung nhận phần đầu, Y Vích nhận phần đuôi và Diêm Phố nhận phần thân. Năm 1946, làng rước cá Ông vào thờ cùng các vị tiền nhân mở cõi. Từ đó, đền thờ thần cá Ông tọa lạc yên ổn ở ngôi đền quay mặt ra biển, cụm di tích nghè - chùa - miếu - phủ - đền Diêm Phố. Trước đây, người dân dùng một tấm ván to dài, sau đó đặt bộ xương cá Ông lên. Sau này, đền thờ cá Ông được trùng tu, bộ xương được đưa vào bảo quản trong một tủ kính, đặt ở vị trí trang trọng nhất. Được biết, hiện nay duy nhất chỉ còn xã Ngư Lộc là giữ nguyên vẹn phần xương của cá voi. Còn phần đầu và phần đuôi của cá ở các xã khác đã mất vì không có nơi bảo quản.

“Người cha vĩ đại” của biển cả

Diêm Phố có tới 90% ngư dân sống bằng nghề biển và từ lâu trong tâm thức, ngư dân ở đây luôn đặt niềm tin vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là cá Ông. Mỗi khi gặp hoạn nạn sóng to, gió lớn, chìm tàu, ghe... người đầu tiên họ nghĩ và cầu cứu là cá Ông. Hoặc những mùa biển thất bát, họ đều vào đền cá Ông cúng, cầu xin... thì mỗi chuyến ra khơi thuyền lại đầy tôm, cá.

Việc cá Ông cứu người ngoài biển là sự thật được chứng minh qua bao đời ngư phủ. Điển hình là trường hợp ông Tăng Văn Bích, năm nay 75 tuổi, ngư dân xã Hưng Lộc. Ông Bích từng là một trong những người được cá Ông cứu, từng chứng kiến tận mắt cảnh Ông cứu người, nay do sức khỏe, ông không đi biển nữa, nhưng vẫn thường xuyên lên đền thờ cá Ông hương khói. “Có lần, thuyền chúng tôi đang đánh bắt ngoài khơi, cách đất liền hơn chục hải lý thì biển động, sóng lớn xô dữ dội. Khi đó, tôi định bỏ lưới, kêu anh em nổ máy chạy về, nhưng chưa chắc kịp. Đúng lúc đó, tự nhiên thấy thuyền bớt chòng chành, định thần nhìn lại thì thấy phía ngọn sóng đang xô đến có 2 cái lưng cá Ông dài hơn chục mét đang nhô cao, chặn sóng. Tôi vội vàng chắp tay vái rồi kêu tài công nổ máy quay đầu về. Đi vào hơn nửa đường thì sóng bớt, cặp cá Ông từ từ quay đầu ra biển. Những trường hợp thuyền, bè được Ông nổi lên che chắn khi sóng to, gió lớn như tôi vừa kể thì nhiều người chứng kiến tận mắt” – Ông Bích nhớ lại.

Người dân Diêm Phố yêu biển từ khi mới sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Biển hiền hòa cho cá tôm nuôi sống con dân, nhưng cũng sẵn sàng cướp mất những “hòn máu” của xã biển. Ông Hạnh ngậm ngùi cho biết: “Cá Ông không chỉ cứu người sống mà còn cứu cả người chết. Đó là những người bỏ mạng ngoài biển, Ông dìu vào bờ để thân xác họ không bị các loài cá khác gặm nhấm hoặc tan rữa ngoài biển. Ông đưa họ trở về với núm đất quê hương, đó là lý do nhiều xác chết được phát hiện còn gần như nguyên vẹn nằm ngay ngắn khi trôi dạt vào bờ”.

Câu chuyện lạ kỳ của ông Bích, ông Hạnh là điển hình cho lòng tin của những ngư dân vạn chài nhỏ bé trước biển khơi bao la “lành ít dữ nhiều”. Không rõ thực hư song từ lâu đời, tín ngưỡng thờ cá Ông đã trở thành một nét đẹp truyền thống của những ngư dân đi biển. Những câu chuyện ấy như để chứng minh cho sự linh thiêng của loài cá mà ngư dân nơi đây đang thờ cúng hàng trăm năm qua. Để rồi, mỗi mùa cầu ngư đầu xuân, ngư phủ nơi đây vẫn hát: “Nay mừng mở hội cầu xuân/ Trời sinh Thánh thượng duy tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng”.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, tâm sự: “Ngư dân Diêm Phố xem cá Ông là người cha vĩ đại nhất của biển cả. Nhưng cha không thể che chở hết cho đàn con trước sự cuồng phong của tự nhiên. Bao nhiêu cuộc ra đi không thể trở về hoặc trở về với một hình hài khác, người Diêm Phố đau xót nhưng rồi cũng nhẹ tênh trước quy luật vay trả của đất trời. Và Ông Nam Hải, vẫn muôn đời là vị thần hộ mệnh của ngư dân giữa đại dương”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]