(Baothanhhoa.vn) - Đúng dịp chào mừng kỷ niệm Khởi nghĩa Lam Sơn tròn 600 năm, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã khai trương Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam – giai đoạn 1, ngay giữa vùng núi rừng Lam Sơn linh thiêng và trầm mặc. Công viên tre luồng quy mô lớn nhất Việt Nam này mang theo nhiều kỳ vọng để kết nối du lịch, văn hóa, lịch sử và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất địa linh nhân kiệt gần sông Chu, núi Mục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dự án kết nối du lịch - văn hóa - lịch sử và phát triển kinh tế

Đúng dịp chào mừng kỷ niệm Khởi nghĩa Lam Sơn tròn 600 năm, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã khai trương Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam – giai đoạn 1, ngay giữa vùng núi rừng Lam Sơn linh thiêng và trầm mặc. Công viên tre luồng quy mô lớn nhất Việt Nam này mang theo nhiều kỳ vọng để kết nối du lịch, văn hóa, lịch sử và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất địa linh nhân kiệt gần sông Chu, núi Mục.

Một công trình bằng tre luồng trong Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam.

Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam đã tạo thêm nơi trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh và vùng đất Lam Sơn - nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Công viên đã và đang được tiếp tục xây dựng với tổng diện tích gần 160 ha, thuộc vùng núi đồi của các xã: Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú (Thọ Xuân) và Thọ Thanh (Thường Xuân). Giai đoạn 1 của dự án đã thành hình, nằm gần đường Hồ Chí Minh và Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, được cho là nơi có vị trí “đắc địa” bởi nó nằm ngay trung tâm đô thị Lam Sơn – Sao Vàng – vùng đất có bề dày lịch sử, chỉ cách TP Thanh Hóa 45 km, cách Hà Nội 180 km theo đường Hồ Chí Minh, cách Cảng Hàng không Thọ Xuân 7 km để kết nối với TP Hồ Chí Minh chỉ sau hơn 1,5 giờ bay... Từ đây rất thuận tiện để đi tham quan nhiều di tích văn hóa – lịch sử, địa danh du lịch nổi tiếng, như: Lam Kinh, đền Tép, vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai, Sầm Sơn, Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, Bến En, Cửa Đạt, Cửa Hà...

Ngay cửa vào công viên xanh theo hướng sinh thái này, lá cờ đuôi nheo khổng lồ với hai chữ Hán mang tên “Đại Nghĩa” đã gợi cho du khách cảm giác gần giống như đang trở về vùng rừng núi Lam Sơn cách đây 600 năm lịch sử. Đi qua ngôi nhà tre tiếp khách là những rừng tre, rừng trúc, rừng luồng đủ loại, phân bổ trên những ngọn đồi bát úp. Sau khi rảo bước hơn 700 bậc thang lên một đỉnh đồi, du khách có thể chiêm ngưỡng và dâng hương tượng Hoàng đế - Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi mới được xây dựng. Từ đây, có thể phóng tầm mắt qua những triền đồi ngút ngàn để ngắm toàn vùng Lam Sơn - nơi Lê Lợi từng dựng cờ dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.

Mục đích của dự án ngay từ những ngày đầu triển khai là hướng tới bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, phát triển du lịch và kinh tế bền vững, kết nối phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gắn với Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn... Nói về ý nghĩa của Công viên sinh thái tre luồng này, ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho rằng: Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam chính là tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân thu hút đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới, nhất là khu vực Lam Sơn – Sao Vàng. Ngoài vai trò bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, dự án còn góp phần lưu giữ nguồn “gen” quý của các giống tre, luồng của Việt Nam và thế giới.

Nhiều chuyên gia thế giới có mặt tại buổi khai trương Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam cũng có những đánh giá cao về dự án này. Ông Michel Abadie, Chủ tịch Tổ chức tre luồng thế giới, chia sẻ: Với tôi, tre luồng không còn là một loài cây mà là một triết lý sống, bởi từ ngàn xưa và mai sau, tre luồng luôn đồng hành cùng nhân loại. Hiện nay, ở khắp nơi trên thế giới, tre luồng đang mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Bởi vậy, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam là một dự án độc đáo, là biểu tượng cho phát triển bền vững. Ông Jan Oprins, Chủ tịch Tập đoàn DKB – đơn vị hợp tác bảo tồn, nuôi cấy mô, lưu giữ và phát triển các nguồn “gen” tre luồng quý hiếm trên thế giới cho dự án thì cho rằng: Mọi thứ đều bắt đầu từ thiên nhiên. Việc hình thành Công viên sinh thái tre luồng ở Thanh Hóa chính là sự khởi đầu cho sự phát triển mới. Điều này thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, của ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT công ty. Được biết, Tập đoàn Kul Bamboo (Đức) và Tập đoàn DKB đã có những ký kết hợp tác với Công ty CP Mía đường Lam Sơn về cung cấp các giống tre luồng trên thế giới, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu tre luồng cho sinh khối cao tại Thanh Hóa.

Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam là dự án lớn trong kế hoạch phát triển tre luồng của Thanh Hóa, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư tại Quyết định 1638, ngày 13–5–2016. Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2017 – 2019 đầu tư gần 300 tỷ đồng, giai đoạn 2020 – 2025 đầu tư phần còn lại. Công ty CP Mía đường Lam Sơn sẽ bỏ khoảng 50% kinh phí đầu tư từ vốn tự có, còn lại là kêu gọi đầu tư các hạng mục liên quan đã được quy hoạch. Dự án được các kiến trúc sư nổi tiếng trong nước và thế giới là: Võ Trọng Nghĩa, Frederic (Pháp), Yamato (Nhật Bản) trực tiếp khảo sát, đưa ra ý tưởng thiết kế tổng quan. Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành với nhiều hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và bắt đầu đón khách.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ phát triển về phía xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân với nhiều hạng mục công trình bằng tre luồng phục vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hội họp... Điểm nhấn chính trong giai đoạn 2 của dự án là các công trình nằm ở bãi Đoàn – một bãi bồi rộng hơn 50 ha nằm giữa sông Chu thuộc xã Thọ Thanh. Nơi đây sẽ trở thành “bảo tàng tre luồng” tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á với hơn 300 loài tre luồng trên khắp thế giới được trồng xen kẽ những công trình kiến trúc độc đáo bằng tre luồng. Khu hội họp, vui chơi, nghỉ dưỡng cũng được xây dựng thấp thoáng dưới tán rừng đang mang theo kỳ vọng về một khu du lịch xanh gắn với bảo tồn các loài tre luồng. Theo kế hoạch của chủ đầu tư dự án, ngay trong lòng công viên này, một làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre luồng để phục vụ tham quan và bán sản phẩm cho du khách sẽ được xây dựng. Huyện Thường Xuân đã đề xuất đưa làng nghề đan lát Thanh Long của xã Thọ Thanh vào đây để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Toàn bộ phối cảnh, thiết kế tổng thể dự án đã được chủ đầu tư “trình làng” bằng hình ảnh những công trình với kiến trúc uốn cong, lạ mắt; những ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng nằm giữa không gian xanh; một số ao hồ nhỏ thông thủy với dòng nước sông Chu; vài chiếc cầu cong hình yên ngựa... Dự án còn được đánh giá cao bởi Thanh Hóa chính là thủ phủ tre luồng của Việt Nam, chiếm khoảng 50% diện tích luồng của cả nước. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở miền núi Thanh Hóa luôn gắn bó với cây luồng, sống nhờ luồng.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]