(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh là vùng đất phong phú lễ hội, với hàng trăm lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, dân gian truyền thống diễn ra suốt “xuân thu nhị kỳ”. Lễ hội đã nuôi dưỡng trong lòng nó nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp và góp phần “dệt” nên bức tranh văn hóa xứ Thanh đa dạng, muôn màu và giàu bản sắc. Để rồi, không gian văn hóa xứ Thanh đã có sự hòa quyện nhuần nhụy vào “phông” văn hóa dân tộc, để làm phong phú, đủ đầy thêm cho kho tàng di sản ấy...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dọc miền lễ hội xứ Thanh

Xứ Thanh là vùng đất phong phú lễ hội, với hàng trăm lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, dân gian truyền thống diễn ra suốt “xuân thu nhị kỳ”. Lễ hội đã nuôi dưỡng trong lòng nó nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp và góp phần “dệt” nên bức tranh văn hóa xứ Thanh đa dạng, muôn màu và giàu bản sắc. Để rồi, không gian văn hóa xứ Thanh đã có sự hòa quyện nhuần nhụy vào “phông” văn hóa dân tộc, để làm phong phú, đủ đầy thêm cho kho tàng di sản ấy...

Dọc miền lễ hội xứ Thanh

Nghi thức múa quanh cây bông trong lễ hội Bàn Bù, huyện Ngọc Lặc.

Các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh, vốn xuất hiện từ rất sớm và phân bố trên không gian cư trú rộng. Từ miền núi, xuống đồng bằng, trung du và lấn ra ven biển. Cũng chính sự khác biệt về không gian cư trú, nếp sống, cách thức sinh hoạt, phương thức canh tác...; cho nên, hệ thống lễ hội xứ Thanh vừa đa dạng vừa có nét riêng, độc đáo. Và dù mang yếu tố lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo hay liên quan đến tập quán sản xuất nông, ngư nghiệp, thì mỗi lễ hội đều không tách rời đặc trưng tộc người, dân tộc, vùng miền. Theo guồng quay mùa màng, khi mùa xuân bắt đầu một chu kỳ mới trong đời sống cư dân nông nghiệp, cũng là lúc người Mông mở hội Gàu Tào mừng lúa đầy rẫy, thóc đầy nhà. Còn người Mường, người Thổ mở hội Khai Hạ xuống đồng, cầu cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy. Ra giêng, người Thái Thường Xuân sẽ rủ nhau vào hội Nàng Han, để chơi núi, chơi hang, ném còn, khua luống...

Trong tiết xuân phơi phới, dòng người trẩy hội chùa, hội đền dường như không dứt. Giữa chốn cửa phật, cửa thánh và trong không gian phảng phất hương trầm, con người cũng dễ dàng trải lòng trước đấng siêu nhiên, thần linh. Tín ngưỡng thờ cúng nhân thần, thiên thần từ xa xưa đã thấm sâu vào đời sống tâm linh, tinh thần người Việt, với sức sống mãnh liệt và bền chặt. Tín ngưỡng ấy hướng con người thực hành điều thiện, từ bi bác ái, biết yêu thương và khoan dung. Di tích Phủ Na (xã Vân Du, Như Thanh) nổi tiếng khắp cả nước, nhờ bởi sự cao quý và linh thiêng của hệ thống nhân vật được thờ tự. Đó là Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh, Đức ông Triệu Quốc Đạt và các nhân vật trong “Tứ bất tử” Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa con thần Tản Viên. Nằm trong quần thể di tích còn có “Na Sơn động phủ”, vốn được ngợi ca là thắng tích trời ban nhờ vẻ đẹp kỳ ảo. Chính sự linh thiêng cùng cảnh trí thâm u, tĩnh tại của đình đền, miếu mạo nằm chênh vênh giữa tầng tầng, lớp lớp núi non, đã làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng của di tích đối với du khách thập phương.

Không biết tự bao giờ, dân gian xứ Thanh đã truyền tai câu “Mẹ Phủ Na cha Độc Cước” nhắc nhau đã lên non là phải về biển. Để rồi, sau những chuyến ngược ngàn, người ta lại tìm đến không khí náo nhiệt của những lễ hội mặn mòi vị biển, hừng hực tinh thần lao động và khí thế hào sảng của cư dân ngư nghiệp các vùng Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Tĩnh Gia. Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn), là nơi thờ vị thần có công đánh lui quỷ biển ngoài khơi và đánh giặc bảo vệ xóm làng. Đền thờ quanh năm nghi ngút hương khói, từ các ngày sóc, vọng hàng tháng, đến Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. Đặc biệt là các lễ tiểu tế, đại tế diễn ra vào dịp lễ hội Cầu Phúc, Cầu Ngư – bơi chải và bánh chưng - bánh dày hàng năm. Những lễ hội gắn với đền thờ và thần Độc Cước, vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt tốt đẹp của cư dân vùng biển Sầm Sơn.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân các làng Cự Nham, Do Xuyên, Nghi Sơn mở hội tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải Quang Trung. Đặc biệt, từ giữa tháng chạp đến giữa tháng giêng là thời gian hội hè, đình đám của người dân Cự Nham (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương). Trong đó, mùng 5 tháng giêng diễn ra chính hội Tây Sơn, cũng là lễ hội lớn nhất trong vùng. Cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn và các trận đánh lớn Ngọc Hồi, Đống Đa do vua Quang Trung lãnh đạo, được tái hiện hết sức sinh động trong lễ hội. Đây là cách người dân tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng đấng tiền nhân. Đồng thời, với nhiều trò chơi, trò diễn như bơi chải, nấu cơm thi, hát giao duyên cửa đình... lễ hội Tây Sơn là sân khấu trình diễn tái hiện nét văn hóa riêng có, được đúc kết từ đời sống tinh thần, tâm linh và sinh hoạt đặc trưng của cư dân làng biển Cự Nham. Đó cũng là cách để con người gìn giữ, phát huy, trao truyền và khơi dậy niềm tự hào cho lớp cháu con về vùng đất dẫu còn lắm gian khó nhưng luôn nặng nghĩa tình.

Bên cạnh những “vệt lễ hội” lớn, đặc trưng cho vùng, miền, dân tộc và gắn với các lễ nghi trong nông nghiệp vào thời điểm khởi đầu năm mới; Thanh Hóa còn có nhiều lễ hội quy mô lớn, gắn với những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng thời đại. Điển hình trong đó là lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Bà Triệu... Đồng thời, cũng có những lễ hội tín ngưỡng – tâm linh có sức hút lớn, như lễ hội đền Sòng Sơn, lễ hội Đền Nưa – Am Tiên... Lễ hội là một trong những thành tố nổi bật nhất, cấu thành nên bộ khung văn hóa. Đặc biệt hơn, bản thân lễ hội là sự tích hợp của nhiều thành tố văn hóa khác. Để rồi, sự ra đời và tồn tại của nó được nhìn nhận như một hình thức cố kết cộng đồng. Có lẽ vì vậy mà phần đa người đi lễ hội mang theo sự chất phác, chân thành và trẩy hội là dịp hiếm hoi để con người tạm thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc, lo toan cuộc sống.

Ngày nay, lễ hội đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Thậm chí nhiều địa phương, lễ hội đang trở thành một “điểm tựa” cho du lịch phát triển. Về lễ hội văn hóa – tâm linh truyền thống, có thể kể ra vài ví dụ tiêu biểu như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Yên Tử, lễ hội Phủ Giày, lễ hội Đền Trần, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Tràng An – Bái Đính, lễ hội Ka tê... Hay vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã xây dựng và phát triển các lễ hội mới, độc đáo và vô cùng hấp dẫn. Điển hình là lễ hội hoa Tam Giác Mạch Hà Giang, lễ hội hoa Ban Điện Biên, lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội các-na-van Hạ Long, lễ hội trái cây Nam bộ... Thanh Hóa chưa có được những lễ hội quy mô lớn và có khả năng thu hút hàng nghìn, hàng vạn người rồng rắn hành hương tìm về mỗi dịp khai hội. Song, nếu có sự định hướng, đầu tư, tổ chức, quảng bá và khai thác tốt, thì các lễ hội đền Sòng, Phố Cát, Phủ Na hay đền Nưa – Am Tiên, vẫn sẽ có được vị thế riêng. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tạo dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Đó là chưa kể, việc khai thác hiệu quả giá trị các lễ hội đặc sắc, còn góp phần gìn giữ các nét đẹp của thuần phong mỹ tục, bảo vệ di tích và bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa. Đó cũng đồng thời là gìn giữ, vun đắp và trao truyền các di sản văn hóa phi vật thể quý cho thế hệ sau.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]