(Baothanhhoa.vn) - Trải qua 10 thế kỷ, chùa Long Cảm tọa lạc trên núi Ốc Sơn thuộc thị trấn Hà Trung (trước là xã Hà Phong), huyện Hà Trung đã được biết đến với nhiều nét độc đáo ít nơi nào có được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo ngôi chùa cổ trên núi Ốc Sơn

Trải qua 10 thế kỷ, chùa Long Cảm tọa lạc trên núi Ốc Sơn thuộc thị trấn Hà Trung (trước là xã Hà Phong), huyện Hà Trung đã được biết đến với nhiều nét độc đáo ít nơi nào có được.

Độc đáo ngôi chùa cổ trên núi Ốc Sơn

Chùa Long Cảm được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất xứ Thanh.

Chùa Long Cảm có cảnh trí rất đẹp với lối kiến trúc cổ kính, được bao bọc bởi cảnh quan của đồng ruộng, làng mạc, mang lại cho du khách cảm giác bình yên mỗi khi đặt chân đến. Đây là một trong những ngôi chùa được đánh giá là đẹp nhất xứ Thanh.

Theo các tài liệu để lại, chùa Long Cảm được xây dựng vào thời Lý Thái tổ, sau sự kiện năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) khi nhà vua đem quân đi chinh phục đất phương Nam đã đóng quân trên núi Ốc Sơn. Đêm đến, nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện về và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, cảm tạ ơn đức ấy, Vua Lý Thái tổ đã cho xây dựng ngôi chùa trên núi Ốc Sơn lấy tên là Long Cảm (Long có nghĩa là rồng, Cảm là tạ ơn, trả ơn).

Nhiều triều đại phong kiến đời sau đều rất quan tâm đến ngôi chùa độc đáo này. Nhiều tao nhân mặc khách cũng coi đây là chốn đi về bái Phật cầu an, vãn cảnh, tu dưỡng tâm tính, để lại nhiều thơ phú... Ngoài những yếu tố về mặt lịch sử, chùa Long Cảm từ xưa đến nay đều do các sư nữ trụ trì và đây cũng là nơi tu hành của các ni cô trong nhiều thế kỷ.

Trải qua 10 thế kỷ, kiến trúc chùa Long Cảm đã bị thay đổi qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa. Dấu tích thời Lý chỉ còn lại 4 cột đá ở hiên chùa chính. Từ thượng Pháp đến kiến trúc chùa, bia ký, chuông đồng, khánh đá... đều mang dấu tích thời Lê – Nguyễn.

Đến chùa Long Cảm, du khách không chỉ thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ trữ tình mà còn cảm nhận được sự linh thiêng của chốn đạo thiền nhà Phật. Đứng từ xa nhìn lại, giữa một lòng chảo có núi viền quanh là một ngọn đồi xinh xinh nổi lên giữa cánh đồng ngập nước. Ngọn đồi ấy, theo trí tưởng tượng của người xưa mà đặt tên gọi là núi Ốc Sơn (núi giống như hình con ốc đang nằm), trên đỉnh núi là ngôi chùa Long Cảm được quay mặt về hướng Nam trong một cấu trúc liên hoàn gồm cổng Tam Quan - sân chùa - chùa chính - nhà thờ Mẫu - nhà thờ Tổ, tiếp đến là nhà khách và nơi ở của sư trụ trì. Toàn bộ khuôn viên chùa trở thành một vọng đài nhô lên nền trời và nhìn ra bốn phía là các vùng đất của Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Nga Sơn với ruộng đồng, làng mạc miên man thu vào tầm mắt giữa không gian lộng gió.

Chùa chính gồm 3 gian, có diện tích 123,9m2, có kết cấu vì kèo gỗ theo kiểu “chồng rường, giá chiêng” với 4 hàng chân cột, hai cột lớn và hai cột quân. Kiến trúc ở chùa Long Cảm có 2 vì kèo nằm trên một tuyến ngang. Lớp vì kèo ngoài được làm dưới triều Vua Bảo Đại. Đây là dụng ý mở rộng thêm công trình của người đời sau. Ngoài cùng là hiên chùa được ngăn cách bởi lớp cửa bức bàn. Trang trí trên các vì kèo là các mảng chạm khắc hình rồng, ngựa, hươu... tạo tác từ bên ngoài được gắn vào những bức cốn mê. Liền kề với chùa chính, có một cửa hậu đi gián nách bên phải là nhà thờ Mẫu 3 gian; liền tiếp với nhà thờ Mẫu là nhà thờ Tổ 4 gian được kiến trúc theo kiểu “chồng rường kẻ bảy...”.

Ngoài ra, chùa chính cũng là nơi tập trung những tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa trang trí làm tăng thêm sự lộng lẫy trang nghiêm của điện thờ đó là các cửa võng, mảng chạm khắc trên các bức cốn mê và đại tự được thể hiện tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc đầu thời Nguyễn ở Thanh Hóa.

Bên trong chùa có 8 pho tượng của 8 vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. Cạnh đó là những di vật có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí ngót nghét nghìn năm, được cung tiến qua các lần trùng tu.

Qua kiến trúc và tượng pháp ở chùa Long Cảm, cho thấy đây là một công trình thờ phật quy mô. Số lượng tượng pháp, đại tự, câu đối bia ký và dấu ấn kiến trúc cổ còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, trong đó những pho tượng phật là những tài sản vô giá giúp chúng ta tìm hiểu những chặng đường phát triển của hệ thống tượng pháp qua các thời kỳ.

Ấn tượng của du khách khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm là cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh rất lớn, nặng khoảng 300 - 400 kg, cùng màu đá xanh xám, được treo ngay ngắn trên các trụ đá và đặt song song nhau. Khánh cổ có tiếng ngân như chuông đồng, chỉ cần lấy tay vỗ vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. “Là người con xa xứ, mỗi lần trở về quê nhà, tôi vẫn thường tìm đến chùa Long Cảm rồi tự tay gõ nhẹ vào khánh đá cổ mà nghe tiếng kêu, để tâm hồn thư thái, thanh thản. Có người gõ khánh để cầu may mắn, bình an hay cầu tự...”, bà Nguyễn Thị Hà cho biết.

Với những người con xa xứ hay những du khách đã từng đặt chân đến chùa Long Cảm sẽ không thể quên được nét đẹp cổ kính, tôn nghiêm, huyền bí cũng như những cảnh sắc thiên nhiên dân dã mà ngôi chùa nghìn năm tuổi mang lại. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trên vùng đất xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]