(Baothanhhoa.vn) - “Làng Mỏm hình tựa quả bầu/Đền trên, đình dưới, sông sâu trước làng”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo nét đẹp di tích văn hóa – lịch sử đền Phúc và bia Tây Sơn

“Làng Mỏm hình tựa quả bầu/Đền trên, đình dưới, sông sâu trước làng”.

Độc đáo nét đẹp di tích văn hóa – lịch sử đền Phúc và bia Tây SơnBia Tây Sơn tại đền Phúc (xã Quảng Nham, Quảng Xương).

Làng Mỏm hay làng Mom, đều là tên gọi khác của xã Quảng Nham (Quảng Xương) - dải đất được hình thành từ rất sớm. Trong đó, sự hình thành và phát triển, sức sống bền bỉ của những ngôi đền, chùa như minh chứng sinh động về bề dày truyền thống, đặc trưng sắc thái văn hóa vùng biển nơi đây. Nét đẹp của Di tích văn hóa - lịch sử đền Phúc và bia Tây Sơn là điểm nhấn ấn tượng, độc đáo giữa bức tranh sinh hoạt văn hóa tâm linh đa sắc, đa thanh của làng, xã.

Do tọa lạc trên vùng đất cổ lại gần cửa sông nên các nhân vật được thờ tự tại đền Phúc có phần khác biệt, mang đậm dấu ấn của thời kỳ “tam giáo đồng nguyên”. Hiện nay, đền Phúc thờ Tứ vị thánh nương, phối thờ các vị danh tướng: Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân và các vị nhân thần. Cùng với đó, trong không gian đền Phúc còn có: Nhà thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, đại vương hiển thánh tối linh thần vị tiền; miếu thờ Cá ông - Chàng Hải đại vương, thượng thượng đẳng thần vị tiền (thường gọi là miếu Cầu ngư); Đền thờ Tam tòa thánh mẫu. Cũng giống như nhiều ngôi đền khác, lịch sử hình thành và phát triển của đền Phúc gắn liền với những thần tích, truyền thuyết, dã sử về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật được thờ tự trong đền.

Theo các cụ cao niên trong làng, vào năm 1285, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vua Trần giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255-1330) thống lĩnh thủy quân và đã chọn Biện Sơn, Lạch Bạng, Lạch Mom là nơi đồn trú quân và tập trận. Khi quân Nguyên Mông tràn vào Thăng Long, vua Trần và tôn thất rút về Thiên Mạc (Nam Định) rồi cùng binh sĩ bí mật xuôi thuyền vào Nam đánh chặn quân thủy bộ của Toa Đô. Vua Trần và thủy binh tiếp đến cửa lạch Mom để hội ý với thủy quân của Trần Nhật Duật thì bỗng nhiên gió Nam thổi rất mạnh, chiến thuyền không di chuyển được. Biết cửa lạch này là nơi vợ con của vua Tống chạy nạn sang sau khi vua Tống bị giặc Nguyên Mông bắt nhưng do gặp phải giông tố lớn nên lâm nạn, được dân làng chôn cất chu đáo, lập đền thờ. Vua Trần cùng quân lính vào đền dâng hương, khấn rằng: “... Nếu chư vị có linh thiêng hãy cho dừng gió Nam đổi thành gió Đông Bắc. Nếu được như ý nguyện, đuổi xong giặc ta cùng Nhân dân dựng lại đền miếu to, đẹp để hương khói và thờ tự”. Đúng như ý nguyện, vua Trần cùng quân lính đã đánh cho thủy quân của Toa Đô đại bại, Toa Đô cùng một số tàn binh chạy về phía lạch Ghép. Tại đây, Toa Đô và tàn binh đã gặp phải sự quyết chiến của đội quân do Trần Nhật Duật chỉ huy khiến Toa Đô phải bỏ thuyền, cướp ngựa, một mình chạy về Thăng Long. Thắng trận, vua Trần giữ lời hứa, cho xây dựng đền to lớn nguy nga, tặng sắc phong, hoành phi, câu đối, khắc bia đá và ban chỉ dụ cho người dân phụng thờ.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật khi cầm quân đã đóng đại bản doanh tại làng Mỏm và khi nhà vua cắt đất, phong hầu đã xin về trấn nhậm vùng Vĩnh Xương (nay là Quảng Xương), Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay); đồng thời đưa toàn bộ gia binh và tôn thất của mình về đặt bản doanh tại chân núi Văn Trinh.

Đến thời kỳ Tây Sơn (1778 - 1802), Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân đã nhiều lần ghé vào các ngôi đền, chùa ở làng Mom dâng hương và lánh nạn. Ông cũng chính là người đã cấp sắc trùng tu lớn tại đền và đổi tên thành đền Phúc. Tên đền được sử dụng đến ngày hôm nay. Đặc biệt, trong khuôn viên của đền còn lưu giữ tấm bia cổ (thường gọi là bia Tây Sơn) được dựng từ thế kỷ XVIII, niên hiệu Quang Trung. Bia là khối đá liền chạm hoa văn, có 2 mặt chữ, chữ viết chân phương. Toàn bộ bia cao: 1,44m; trán bia rộng 0,81m; thân bia rộng khoảng 0,74m; thân bia dày 0,235m. Cổ bia đề 4 chữ triện: “Phúc đình bi ký” chạm nổi. Mặt sau của bia có 16 hàng chữ, trong đó một hàng đề niên hiệu dựng bia: Hoàng triều Quang Trung tam niên... (một số chữ bị đục mất). Nội dung bia ca ngợi công lao phù trợ của thánh thần và Nhân dân Quảng Nham đã giúp nghĩa quân đánh giặc.

Từ lâu, đền Phúc đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng làng, xã. Hằng năm, Lễ hội đền Phúc diễn ra trong sự hân hoan, háo hức đón chờ của đông đảo người dân với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Diễn ra từ ngày 18 tháng Chạp đến ngày 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc như trẩy mã, tế đại đình, tế nam giao, thi đấu cờ người, đua thuyền rồng... Lễ hội đền Phúc mang đậm sắc thái văn hóa miền biển. Đặc biệt, vào ngày mùng 1 tết hằng năm, dân làng đều cử ra 4 người có tuổi từ 50 trở lên, gia đình phương trưởng tới đền xin đài âm dương. Ai trong số 4 người được thần ban cho sẽ là người mở cửa ngõ trước sân đền, được nổi trống làng 3 hồi 9 tiếng. Ông Trần Nhân Tâm - Trưởng Ban Thường trực di tích đền Phúc và bia Tây Sơn cho biết: “Đền Phúc không chỉ là ngôi đền linh thiêng gắn liền với cuộc đời và công trạng của những con người rạng danh trong sử sách Việt. Hơn hết, đây là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của làng, xã. Những giá trị văn hóa - lịch sử mà ngôi đền có được, qua bao đời gìn giữ, vun đắp đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân nơi đây sinh sống và phát triển nghề; là niềm tự hào của các thế hệ cháu con hôm nay”. Với ý nghĩa sâu sắc ấy, năm 2003, đền Phúc và bia Tây Sơn được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

Đền Phúc là công trình có kết cấu theo kiểu: Tiền nhị, hậu đinh với tổng diện tích khoảng 25.148m2. Trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, tàn phá của chiến tranh, kiến trúc ban đầu của ngôi đền đã không còn giữ được nguyên vẹn. Năm 1991, Nhân dân trong xã đã chung tay góp sức xây dựng lại đền với 4 gian nhà cấp 4 để thờ tự nhưng qua thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục của đền bị xuống cấp. Năm 2018, với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cùng sự đóng góp, ủng hộ của Nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm, đền Phúc được tôn tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, do năng lực của nhà thầu yếu kém nên đến nay, công tác tôn tạo, xây dựng đền vẫn còn dang dở. Sau khi hoàn thiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương rất mong mỏi, đề nghị các cấp, ban, ngành sớm có phương án giải quyết để việc tôn tạo, xây dựng đền Phúc sớm hoàn thành” - ông Tâm chia sẻ.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]